Người Nhật hỏi 10 năm xung đột Việt – Trung (1979-89) đem lại gì?
Trung Quốc thua trên chiến trường khi đánh Việt Nam, nhưng cũng ngăn được Việt Nam phát triển, Giáo sư người Nhật Bản Hirohide Kurihara nêu quan điểm về cuộc chiến biên giới Việt Nam - Trung Quốc năm 1979.
Ông Hirohide Kurihara là một nhà nghiên cứu Việt Nam học và lịch sử cận, hiện đại Việt Nam tại trường đại học Tokyo University of Foreign Studies.
Ông trả lời Quốc Phương của BBC News Tiếng Việt qua bút đàm bằng tiếng Việt.
Hirohide Kurihara: Nói chung, người Nhật coi cuộc chiến này như là phía Trung Quốc (TQ) đã hoàn toàn thua mà đành phải rút về nước. Đó là một sự kiện tiêu biểu ý chí và quyết tâm kiên cường của nhân dân VN chống lại chiến tranh xâm lược do phía TQ gây ra.
Còn trong giới nghiên cứu Nhật bắt đầu phổ biến quan điểm như "Chiến tranh 10 năm Việt-Trung" bởi vì cuộc chiến tháng 2- tháng 3 năm 1979 mới chỉ là bước đầu của chiến tranh kéo dài 10 năm nữa, kể cả trận Vị Xuyên hoặc Gạc Ma.
Bản thân tôi cho rằng chiến tranh 10 năm đó là một giai đoạn quan trọng hai nước thoát ra khỏi quan hệ "vừa là đồng chí, vừa là anh em" mà chuyển sang quan hệ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".
Suốt thời gian gần 30 năm qua, hai nước chưa bao giờ đánh nhau nữa nhưng ở đây chúng tôi đành phải một câu hỏi: Thế thì nhiều người bị thương vong hoặc mất nhà cửa trong thời kỳ chiến tranh vì cái gì?
Có thể nói rằng sự chênh lệch giữa người dân và chính quyền về câu hỏi đó chưa được thu hẹp lại. Vì vậy cuộc chiến năm 1979 không phải là chuyện quá khứ mà ngược lại có ý nghĩa hết sức hiện đại.
BBC:Với cá nhân Giáo sư, ông bắt đầu quan tâm, nghiên cứu cuộc chiến này từ bao giờ, việc nghiên cứu của ông tại Việt Nam có được hoan nghênh không?
Đầu tháng 3 năm 1987 tôi được có dịp đến thăm thị xã Lạng Sơn. Hồi đó tôi là thực tập sinh Khoa tiếng Việt trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Tôi rất ngạc nhiên khi xem cảnh trung tâm thị xã: đường phố vắng teo, nhà cửa vẫn giữ lại dấu vết chiến tranh. Tám năm sau chiến tranh vẫn thế.
Tôi tận mắt xem được mức độ phá hoại của quân TQ tệ bao nhiêu. Vì vậy đối với tôi chuyến đi năm 1987 là cửa vào con đường nghiên cứu quan hệ VN-TQ, kể cả cuộc chiến năm 1979.
Cuộc chiến này rất quan trọng khi xem xét thái độ của TQ đối với các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản.
Chúng ta phải rút bài học từ cuộc chiến này để đối phó với TQ.
Các bạn đồng nghiệp của tôi ở VN lúc nào cũng cố gắng tạo ra điều kiện thuận lợi cho tôi.
Cho đến nay tôi được xuất bản hai cuốn sách về quan hệ VN-TQ trên cơ sở hợp tác với cố giáo sư Đỗ Tiến Sâm và các bạn đồng nghiệp Viện nghiên cứu TQ. Nói về khó khăn thì các lưu trữ vẫn có nhiều tài liệu hạn chế mà chúng ta không thể tiếp cận được.
Tôi tha thiết mong muốn các cơ quan hữu quan xác định nguyên tắc để mở rộng thêm phạm vi công khai tài liệu.
Hai bên cùng thắng, sự thực thế nào?
BBC:Cả hai bên đều nói họ giành chiến thắng trong cuộc chiến này, ở Nhật Bản giới nghiên cứu nghĩ sao?
Ở Nhật, ít người nghiên cứu về cuộc chiến này tại vì ít nhất cũng phải thông thạo hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Hoa.
Vì vậy tôi xin trình bày ý kiến riêng của mình ở đây thôi.
Có thể nói rằng phía TQ đã thua trận bởi vì không được thực hiện mưu đồ thứ nhất của họ: cứu vãn chính quyền Pol Pot ở Campuchia. Nhưng về một mặt khác quân TQ đem lại tổn thất to lớn cho khu vực biên giới phía Bắc và ngăn cản con đường phát triển của VN một cách có hiệu quả.
BBC:Có tư liệu nói, TQ đã gây ra một số tội ác chiến tranh trong cuộc chiến này, các nghiên cứu của ông có thể giúp bình luận ra sao?
Thông qua mạng hoặc chuyện kể của người ta, tôi biết về một số vụ giết hại dân cư ở Cao Bằng và Lạng Sơn, nhưng chỉ có thế thôi.
BBC:Chính quyền Trung Quốc tới nay vẫn nói đây là một cuộc chiến 'phản kích tự vệ', Giáo sư có đồng ý không? Thế nào là 'phản kích tự vệ' và Trung Quốc dùng cụm từ này có căn cứ không?
Tất nhiên tôi không đồng ý. Khi phát động chiến tranh tháng 2/1979, TQ nêu lý do: phía VN đã gây ra nhiều "hành động xâm phạm vũ trang" hoặc "khiêu khích vũ trang" tại khu vực biên giới đến mức độ phía TQ không thể nào tự kiềm chế được nữa và đành phải phản kích tự vệ đối với phía VN.
Nhưng theo tôi biết thì hồi đó TQ không nêu lên bằng chứng cụ thể nào cả về hành động của VN.
Thêm vào điều đó, tôi muốn hỏi: Tại sao quân TQ có cần giết hại người dân VN hoặc tàn phá nhà cửa của họ trong chiến tranh "phản kích tự vệ"?
Mặc dù chính quyền TQ chưa công bố các loại văn kiện liên quan tới cuộc chiến năm 1979, nhưng tùy theo sự diễn biến của tình hình hồi đó mà ta có thể đoán được rằng ý đồ chính của TQ là đánh VN để cứu vãn nhóm Pol Pot ở Campuchia. (Ngay cả ông Nghê Sang Huy [Ni Chuang Hui], cựu sĩ quan quân đội TQ mà là tác giả của cuốn Mười năm Chiến tranh Trung Việt, cũng đề cập tới điều đó.)
Tôi đoán phía TQ không dám đề cập tới Campuchia là vì giữa hai nước TQ và Campuchia không có hiệp ước hợp tác quân sự nên khó mà lấy cớ vấn đề Campuchia mà đánh VN.
Giới sử học Việt Nam 'đáng ca ngợi'
BBC: Giáo sư bình luận gì về cách thức cuộc chiến được phản ánh trong các tài liệu và công trình sử học chính thức gần đây của Việt Nam? Cách thức phản ánh lịch sử, sự kiện lịch sử như vậy đã đảm bảo các yếu tố khoa học, khách quan và trung thực hay chưa?
Khi đề cập tới giới sử học VN, chúng ta phải để ý đến sự hạn chế hoặc khuôn khổ do chế độ hiện nay đem lại. Tôi đoán các bạn đồng nghiệp Viện Sử học đứng đầu là ông Trần Đức Cường muốn nói thoải mái hơn về chiến tranh năm 1979.
Nhưng trong khuôn khổ hiện nay, họ được viết ra như thế là đáng ca ngợi. Tôi cho rằng đây là bước đầu hết sức quan trọng để đẩy mạnh khách quan hóa lịch sử VN, tức là đẩy mạnh phương pháp nghiên cứu căn cứ vào bằng chứng cụ thể mà rút ra kết luận.
BBC:Theo ông, giới sử học Việt Nam cần có những thay đổi gì hay không trong cách thức tiếp cận, phản ánh sự thực lịch sử của cuộc chiến này, và ưu tiên chính, nguyên tắc quan trọng, nếu có, cần đề cao là gì?
Tôi cho rằng cuốn Thư vào Nam của ông Lê Duẩn (xuất bản năm 1985) là tài liệu có giá trị rất cao để hiểu biết về quan hệ VN-TQ.
Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra các đoạn ông Lê Duẩn lên án TQ đều bị xóa trong cuốn tái bản năm 2015.
Tôi không chấp nhận được cử chỉ như vậy, bởi vì đó có nghĩa là coi thường quá trình lịch sử mà lôi cuốn nhiều người. Tôn trọng và giữ nguyên, không nên tùy tiện sửa lại tài liệu lịch sử - đây là nguyên tắc cơ bản để giới sử học VN càng phát triển lên.
Đồng thời tạo ra điều kiện mọi người có thể khai thác tài liệu liên quan đến bất cứ đề tài nào ở lưu trữ hoặc thư viện cũng quan trọng. Đó là tiền đề mà khoa học phát triển trên cơ sở các học giả cạnh tranh nhau.
Bài học rút ra là gì?
BBC:Trên bình diện quan hệ Việt - Trung, theo Giáo sư, cuộc chiến này đã làm thay đổi tính chất, bản chất mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng cùng theo chủ thuyết cộng sản ra sao và hệ quả, hậu quả nếu có chỉ là nhất thời hay có thể trong bề dài lịch sử quan hệ giữa hai quốc gia, dân tộc từ đó tới nay và thậm chí trong tương lai?
Trải qua cuộc chiến này hai nước đã tạo ra quan hệ kiểu mới: sự thay đổi về nhân sự trong lãnh đạo không ảnh hưởng tới quan hệ hai nước.
Nói một cách khác đó là quan hệ dựa trên các loại văn bản chứ không phải là quan hệ dựa trên tình bạn cá nhân như trước. Tuy vậy nói về bản chất mối quan hệ thì tình đồng chí vẫn còn: "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Ngoài ra còn có đường liên lạc đặc biệt giữa hai đảng cầm quyền. Không có cái đó giữa Nhật Bản và VN, chẳng hạn.
Không rõ hai đảng đi cùng đường hay không nhưng với tinh thần "hướng về tương lai" cả hai bên hết sức cố gắng tránh nhắc tới cuộc chiến năm 1979. Trong lúc tình trạng đó kéo dài thì sự thắc mắc, nghi ngờ hoặc tò mò trong lòng người dân VN đối với thái độ của nhà cầm quyền về TQ sẽ không bao giờ tan.
BBC:Cuối cùng, với riêng ông, khi nghiên cứu cuộc chiến này, ông rút ra khám phá nào mà với ông là đáng lưu ý và nổi bật nhất?
Là người nước thứ ba, tôi cho rằng cuộc chiến này có ý nghĩa lịch sử quan trọng như sau:
Thứ nhất, không nên xây dựng quan hệ quốc gia dựa trên tình bạn cá nhân hoặc tài năng đặc biệt của cá nhân; quan hệ như thế không được bảo đảm truyền tới các nhà lãnh đạo sau.
Và thứ hai, ngay cả đang lúc quan hệ hai nước tốt đẹp, các nhà cầm quyền nên trao đổi với nhau để tìm đường tránh khỏi nguy cơ trong trường hợp có gì bất lợi xảy ra giữa hai nước.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một Hội luận chuyên đề đặc biệt về cuộc chiến Biên giới Việt - Trung (2/1979) có sự tham gia của Giáo sư Hirohide Kurihara.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.