Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Ngư dân và nông dân dọc sông Mekong trước những thay đổi lịch sử

Ngư dân và nông dân dọc sông Mekong trước những thay đổi lịch sử

Y Chan
Dấu chân của một ngư dân trên lòng sông Mekong cạn nước, gần Sangkhom, Thái Lan. Ảnh: The New York Times.
“Thay đổi dòng chảy của một con sông, bạn thay đổi dòng chảy của cả sự sống”.
Đó là lời của nhà sư Phitakchai Jaruthammo ở ngôi chùa Hai Sok trên bờ sông Mekong, trong một bài viếtđăng tải trên The New York Times vào ngày 15/2/2020 vừa qua.
Các phóng viên của tờ báo đã đi tìm hiểu về cuộc sống của những người dân ở hạ nguồn sông Mekong từ khi con đập thủy điện Xayaburi chính thức hoạt động vào tháng 10/2019.
Con đập lớn này nằm ở Nong Khai, đất của Lào, nhưng do công của người Thái xây dựng. Trớ trêu thay, cả người dân Lào lẫn chính người dân Thái ở hạ nguồn đều cùng gánh chịu nhiều thiệt hại kể từ khi nó xuất hiện.
Nếu là khách du lịch tạt ngang đi qua vùng Mekong tại Đông Bắc Thái Lan, nằm xuôi về phía dưới con đập, bạn hẳn sẽ có cảm giác thích thú trước con nước trong vắt tại đây. Nước trong đến nỗi ánh sáng mặt trời rọi thẳng xuống tận đáy sông, biến cả khu vực như thành một ao thủy cung.
Nhưng đó là vấn đề.
Vào thời điểm này trong năm, nước tại đây lẽ ra phải có màu nâu trộn lẫn với phù sa phì nhiêu. Nhưng hạn hán kéo dài và sự xuất hiện của Xayaburi, con đập khổng lồ đầu tiên ở hạ nguồn sông Mekong, đã chặn phù sa – nguồn sống theo nghĩa đen của toàn bộ hệ sinh thái trên dòng sông.
Một khúc sông Mekong gần Sangkhom, Thái Lan đổi sang màu xanh, thay vì màu nâu phù sa. Ảnh: The New York Times.
Phóng sự của The New York Times cho biết, ở một khúc quanh ngay gần đó, dòng sông Mekong thậm chí như biến mất khỏi bản đồ. Nơi bình thường là nước bao phủ đất và cây, giờ đây là những cồn khô và rễ cháy bao vây các đụn nước còn sót lại. Chỗ vốn dĩ là chốn sinh sản của các loài cá, giờ đến nước cũng không còn.
Ở Nong Khai, vị trí bắt nguồn của con đập, mọi chuyện không khá hơn là bao.
“Chúng tôi gần như chẳng bắt được con cá nào”, Buorot Chaokhao, một ngư dân đã sinh sống kéo lưới gần nửa thế kỷ tại đây than thở. “Chắc không còn cách nào sống tại con sông này nữa rồi”.
Khi con đập Xayaburi bắt đầu vận hành, ai có lợi gì thì không rõ, riêng cư dân phía xuôi nguồn con sông ngay lập tức thấy răng môi của mình chẳng còn.
Cá cạn, nước hụt, tảo bùng, lưới trống. Hạn hán kéo dài còn khiến mực nước xuống thấp đến mức nhiều đoạn của con sông đã không còn là “con đường thủy” mà biến thành “con đường thủy hử”, như một sa trường với hàng cây chết yểu và các loài giáp xác cháy khô.
Khoảng 10 con đập khác tại nhánh chính hạ nguồn sông Mekong, cùng hàng trăm cái ở những nhánh phụ của nó đang được vẽ ra trên giấy tờ. Cổ họng của 60 triệu người sinh sống tại các khu vực này đang bị siết nghẹn. Bao tử của hàng trăm triệu người khác cũng sẽ bị bóp nghẹt khi các vựa lúa vựa cá vựa tôm tại đây biến mất. Kể cả những người giàu có trực tiếp hưởng “lợi” từ việc kinh doanh thủy điện cũng sẽ không được yên ổn.
Kể từ khi Trung Quốc, nước nằm ở thượng nguồn của sông Mekong, bắt đầu cho xây các loại đập chắn từ đầu thế kỷ này, lượng cá trên sông đã bắt đầu sụt giảm. Đến khi các nước khác cũng đua nhau nhảy vào phong trào xây đập thủy điện, chỉ trong vòng vài thập niên, mọi thứ thay đổi đến chóng mặt.
Bà Amkha Janlong, năm nay đã 69 tuổi, sống tại Nong Khai, kể rằng chỉ mới cách đây không lâu, ngư dân còn bắt được những con cá dài và nặng hơn cả người. Con to nhất, cá trê khổng lồ (catfish) trên sông Mekong, nặng hơn một con hổ và đủ cho cả làng cùng ăn.
Ngày nay, “cá càng lúc càng nhỏ”. Từ to thế này, Amkha dang rộng cả hai cánh tay làm dấu, giờ chỉ còn cỡ đây, bà giơ ra ngón tay út của mình.
Cá càng lúc càng ít, nhiều nơi các ngư dân dùng đến thuốc nổ để vét được càng nhiều càng tốt. Nhưng rồi cũng đến lúc chẳng còn gì để vét.
Con rể của bà Amkha, Wittaya Thongnet, vẫn chưa dám nói thật với mẹ vợ rằng cá mà anh mang về mỗi ngày cho bà ăn là mua từ chợ chứ không phải đánh bắt được.
“Chẳng còn gì để bắt cả”, còn mẹ anh thì “vẫn chưa biết được con sông này đã biến đổi đến mức nào”, Wittaya nói.
Bà Amkha Janlong xem TV trong lúc con rể, Wittaya Thongnet, đi phía sau, trong ngôi nhà họ sống bên sông Mekong. Ảnh: The New York Times.
Các ngư dân ngày trước vẫn còn có thể trồng ruộng để đắp thêm thu nhập của mình. Giờ đây ngay cả sinh kế phụ đó cũng bị đe dọa.
Buorot Chaokhao, người đã sinh sống gần năm thập kỷ ở vùng sông nước này, đã phải vất vả tìm cách bơm nước vào tưới ruộng vườn của mình khi mực nước xuống quá thấp. Để rồi đùng một cái, tháng 12/2019, một đợt xả đập từ Xayaburi nhấn chìm ruộng trồng rau diếp của ông.
“Lúc thì thiếu nước, lúc lại ngộp nước, chúng tôi chẳng biết chuyện gì đang xảy ra”, Buorot lắc đầu than thở.
Kể từ khi Xayaburi chính thức vận hành vào tháng 10/2019, đến nay hàng triệu cư dân phía xuôi dòng vẫn như con tin, bị bịt mắt không biết khi nào con đập ngậm miệng và lúc nào nó sẽ há to.
Chính phủ Lào cho rằng mình không có trách nhiệm trong việc công bố thông tin về hoạt động của đập thủy điện. Họ gợi ý rằng trách nhiệm đó thuộc về Ủy ban Sông Mekong, với các thành viên là chính phủ bốn nước Lào, Thái Lan, Việt Nam và Cambodia.
Một nhóm vận động nhân quyền ở Nong Khai được báo là cơ quan phụ trách thủy lợi của Thái Lan chịu trách nhiệm thông báo cho người dân về dòng chảy của con đập. Quan chức chính phủ Thái Lan phủ nhận thông tin đó.
Cơ quan phụ trách điện lực của Thái, nơi thu mua điện sản sinh từ đập Xayaburi, chỉ ngón tay về phía đơn vị vận hành đập, vốn được Thái Lan đầu tư. Đơn vị này chỉ tay về phía ngược lại. Không ai chịu trả lời các câu hỏi về hoạt động của nó.
“Dòng sông Mekong đã khô cạn đến vậy mà không ai cung cấp thông tin gì”, Chainarong Setthachua bình luận. Ông là giảng viên tại Đại học Mahasarakham ở Đông Bắc Thái Lan, người đã dành ra 25 năm qua nghiên cứu về sông Mekong.
Brian Eyler thì nhận định “khả năng cao là người ta cố tình tạo ra tình trạng thiếu thông tin này”.
Eyler là giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, tác giả của quyển sách “Những ngày cuối cùng của con sông Mekong rộng lớn” (Last days of the mighty Mekong).
Ông lo lắng, “liệu đây có phải là điểm tới hạn (breaking point) của sông Mekong?”. Theo Eyler, “hệ sinh thái của sông Mekong có khả năng thích nghi và chống chọi, nhưng tôi lo là ngay cả nội lực to lớn của nó cũng sẽ không chịu nổi tất cả những con đập cùng với thời tiết cực đoan này”.
Nông dân trồng cây thuốc lá bên bờ sông Mekong, gần Sangkhom, Thái Lan. Ảnh: The New York Times.
Dòng chảy bấp bênh, dưỡng chất lại cạn kiệt, những cư dân tại đây dựa dẫm vào phân bón hóa học và thuốc trừ sâu để nuôi sống mình.
Ngày trước, Buorot Chaokhao chỉ dùng phân hóa học cho cây thuốc lá trồng để bán, giờ đây ông dùng luôn cho cả ruộng rau gia đình mình ăn.
“Tôi lo nó có hại cho sức khỏe của gia đình mình chứ, nhưng chỉ còn cách này để trồng ra cây ra lá mà thôi”.
Hệ sinh thái chết dần chết mòn, nhưng dòng sông Mekong vẫn còn thứ “hàng hot cuối cùng” cho các nhà buôn: cát dưới đáy sông.
Cát vét từ sông Mekong được dùng cho các dự án lấn sông lấn biển và xây dựng ở khắp các đô thị, từ Singapore đến TP. Hồ Chí Minh.
Nó như nhát dao rọc đi những mảng thịt cuối cùng còn bám lại trên khung xương trơ trọi của con sông.
Năm ngoái, một công ty khai thác cát của Thái Lan đến đặt vấn đề nạo vét dòng sông ở Ban Nam Phrai, ngôi làng Buorot ở. Những người dân tại đây lắc đầu. Họ không muốn thấy con sông này bị băm xẻ thêm nữa.
Sông Mekong đã suy kiệt đến mức ngay cả chính phủ Thái Lan, bị cho là xưa nay thiếu ý thức bảo vệ môi trường, cũng phải công bố vào ngày 5/2/2020 vừa qua, rằng họ đã từ chối các đề nghị từ phía Trung Quốc muốn phá đá xẻ bờ con sông, mở rộng thêm đường thủy cho tàu thuyền lớn, tiện hơn cho việc bán buôn.
Các nhóm bảo vệ môi trường đã liên tục cảnh báo, bất kỳ hoạt động đục đẽo phá hoại thêm nào cũng sẽ dẫn đến thảm họa tại đây.
Những con đập thủy điện trên dòng sông này có cần thiết không?
Điện sản sinh ra từ Xayaburi không giúp ích gì cho cư dân của Lào. Ngay cả việc bán điện cho Thái cũng là dấu hỏi, khi theo các nhà nghiên cứu Thái Lan, hệ thống điện lưới của nước này đã đủ đầy, nhiều thời điểm trong năm còn dư đến 30%.
Quả ngọt từ các con đập thủy điện, cho dù là do người Thái, người Việt, hay phần lớn do các công ty Trung Quốc xây dựng, đều chỉ dành cho một nhóm rất ít người.
Chỉ có ngư dân và nông dân nghèo là phải gặm những trái đắng nghét.
Nhờ vào các con đập, biến đổi khí hậu và hoạt động nạo vét cát, trong vài năm qua, mỗi năm có 300.000 người ở vùng Tây Nam Mekong của Việt Nam phải rời bỏ quê hương, theo nghiên cứu của Brian Eyler.
Họ buộc phải ra đi, tìm đường sống khác.
Y.C.
Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2020/02/ngu-dan-va-nong-dan-doc-song-mekong-truoc-nhung-thay-doi-lich-su/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.