Việt Nam bị ảnh hưởng gì khi Philippines muốn 'gần Trung, xa Mỹ'?
Việc Philippines mới đây tuyên bố sẽ chấm dứt Hiệp ước Thăm viếng Quân sự (VFA) với Mỹ để gần gũi hơn với Trung Quốc có thể khiến các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt Việt Nam, lo ngại.
Tuy nhiên, nó cũng mở ra những cơ hội khác với các đồng minh mới, theo một số nhà phân tích.
VFA được ký năm 1988, cho phép quân đội Mỹ huấn luyện và tham gia các cuộc tập trận chung ở Philippines.
Việc Philippines chấm dứt VFA với Mỹ đã được rào đón từ trước, khi Tổng thống Duerte nhắc đi nhắc lại rằng sẽ rời xa đồng minh lâu năm là Mỹ để tập trung vào Trung Quốc.
Ảnh hưởng hiện diện của Mỹ trong khu vực
Bình luận với BBC News Tiếng Việt về tác động tới Việt Nam của hành động trên của Philipines, Tiến sĩ Collin Koh, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nói:
"Cũng như một số quốc gia Đông Nam Á khác, tôi tin Việt Nam sẽ nhìn nhận động thái này của Manila với một vài quan ngại nghiêm trọng. Bởi lẽ, việc làm của Philippines sẽ để lại hậu quả là sẽ bớt đi sự hiện diện của Mỹ trong khu vực."
"Philippines có thể đặt ra các thủ tục nhập cư khó khăn cho quân nhân Mỹ, giới hạn thời gian họ ở tại Philippines, và thậm chí việc cập cảng Philippines của hải quân Mỹ cũng sẽ bị gián đoạn và phải tuân theo các thủ tục thông thường.''
"Kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền, Hà Nội đã dần quen với quan điểm của Philippines về vấn đề Biển Đông, cũng như việc họ thân với Trung Quốc. Điều này khiến Việt Nam từ lâu đã phải tìm kiếm các biện pháp khác để giảm thiểu khuynh hướng này, trong đó có việc tăng cường thắt chặt hợp tác quốc phòng và an ninh với các đối tác nước ngoài như Mỹ."
"Động thái mới đây của Philippines thúc đẩy Hà Nội phải nghĩ tới việc phải mở rộng hơn các mối quan hệ như vậy, với không chỉ Mỹ, mà các nước khác."
Tiến sĩ Collin Koh nhấn mạnh rằng dù hiện diện của Mỹ tối quan trọng với các nước trong khu vực Đông Nam Á, cần nhớ rằng ngoài Mỹ còn có các nước khác "sẵn sàng nhảy vào trong các tình huống cần thiết".
"Chẳng hạn như trong lúc toàn khu vực đang lo lắng về các chính sách liên quan của chính quyền Trump thì Nhật Bản, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe đã vào cuộc mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Ông Abe đã thăm Philippines vào thời điểm mối quan hệ giữa Manila và Washington đang rệu rã. Vì vậy chúng ta có thể dự đoán điều này sẽ tiếp tục trong tình huống hiện nay, nếu không phải từ Nhật Bản thì cũng từ các đối tác nước ngoài khác."
Vấn đề Biển Đông
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Collin Koh, về mặt căn bản, động thái mới của Philippines sẽ không thay đổi toàn bộ thái độ của Việt Nam đối với Trung Quốc - đặc biệt căn cứ vào mối quan hệ kinh tế mật thiết hiện nay giữa hai nước - trong đó có tính sẵn sàng của Việt Nam để chống lại sự lấn lướt của Trung Quốc trên Biển Đông như được nhìn thấy trong vụ việc dàn khoan 981 hay vụ Bãi Tư Chính.
Quan điểm này của Tiến sĩ Collin Koh tương đồng với quan điểm của nhà báo người Mỹ Bennett Murray.
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 15/2, nhà báo Murray nhận định:
"Trước hết, điều quan trọng là cần chỉ ra rằng Thỏa thuận Thăm viếng Quân đội (VFA) không giống như Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT). Ngay cả khi Philippines rút khỏi VFA như Duterte nói, cả hai nước vẫn có thể đàm phán một số thỏa thuận mới trong thời gian ân hạn 180 ngày trước khi quân đội Mỹ phải rời đi. Dựa trên thực tế là các chính sách an ninh Philippines vẫn coi trọng liên minh với Mỹ, bằng cách này hay cách khác, cơ hội hợp tác an ninh giữa Mỹ và Philippines sẽ vẫn tồn tại."
"Tất cả những điều này cho thấy, đây là một tín hiệu khác từ Duterte rằng ông không muốn đụng độ với Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam đã đơn độc đứng vững trước Trung Quốc ở Biển Đông kể từ khi Duterte lên nắm quyền vào năm 2016, một sự kiện đã khiến các tính toán an ninh của Việt Nam bị xáo trộn. Động thái mới của Duterte đối với VFA không thay đổi điều này, mặc dù nó sẽ đóng vai trò là một nguồn cơn đáng lo ngại khác cho thiết chế an ninh quốc phòng của Việt Nam."
Mở ra các tín hiệu tích cực
Về câu hỏi liệu các nước khác có theo chân Philippines 'đầu hàng' Trung Quốc hay không, Tiến sĩ Collin Koh nói:
"Không thể nào. Thậm chí chúng ta có thể thấy một số quốc gia, sau động thái của Philippines, lo ngại đủ để tìm cách tăng cường các cam kết quốc phòng và an ninh với các đối tác thân thiện như Úc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản và Anh."
"Nếu Bắc Kinh nghĩ rằng họ trúng xổ số với động thái mới đây của Manila, tôi sẽ nói rằng có lẽ còn sớm để tính hơn thiệt vì những gì tôi mô tả ở trên - động thái này thực sự có thể trở nên phản tác dụng với Trung Quốc bởi vì nó có khả năng thúc đẩy các quốc gia Đông Nam Á khác tăng cường liên kết quốc phòng và an ninh với các nước bên ngoài, điều này sẽ làm suy yếu vị thế của chính Bắc Kinh trên Biển Đông mặc dù nước này đã bảo đảm được mức độ hiện diện đáng kể trong khu vực."
Tiến sĩ Collin Koh cho rằng các nước trong khu vực Đông Nam Á hẳn cũng đã chuẩn bị tốt hơn cho động thái này của Philippines, hơn là vào thời điểm những năm 1990 sau khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Philippines do Philippines chấm dứt quyền đóng quân của quân đội Mỹ ở nước này.
"Các chính phủ đã chuẩn bị tốt hơn về mặt xây dựng quốc phòng và đa dạng hóa mối liên kết quốc phòng và an ninh với nhiều đối tác bên ngoài như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, v.v. Do đó, tôi không thấy động thái này của Philippines có tác động tiêu cực đến sự ổn định chính trị và chiến lược ở Đông Nam Á, mà thậm chí có tác động tích cực về dài hạn."
"Bởi lẽ ít nhất động thái này của Philippines sẽ nhắc nhở các nước xem xét lại liệu các chính sách quốc phòng và an ninh hiện có có đủ không và liệu chúng có nên được tăng cường hơn nữa hay không.''
Tin liên quan
- Biển Đông: 'Né' tên Trung Quốc, Việt Nam có kế sách riêng?
- Biển Đông: Đại biểu Quốc hội VN đề xuất kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
- VN muốn TQ 'chơi đẹp' ở Biển Đông năm 2020
- Chiến tranh Biên giới 1979: Ý kiến nói 'cảnh giác' trong quan hệ với TQ
- Biển Đông: Công ty vệ tinh nói TQ triển khai khí cầu ở Đá Vành Khăn
- Tình hình Biển Đông sẽ như thế nào trong năm 2020?
- Hoa Kỳ đưa chiếm hạm tuần tra Biển Đông lần đầu trong năm 2020
- Trung Quốc: Hoa Kỳ ‘cần ngừng can thiệp’ ở Biển Đông
- Cựu quan chức Philippines khiếu nại Tập Cận Bình 'hành động tàn bạo' ở Biển Đông
- Biển Đông: Ý kiến cho rằng Việt Nam có 'đồng minh' mới?
- Biển Đông: Jakarta nói 'chủ quyền' TQ không có căn cứ pháp lý
- Philippines muốn 'gần Trung, xa Mỹ'
- Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc mang tham vọng kiểm soát biển Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.