EVFTA: Bất đồng ý kiến trong dân chủ (Bài 3)
Thục Quyên
Ngày 12/2/2020 Nghị viện châu Âu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, với đa số ủng hộ là 401 phiếu, 192 phiếu chống, và 40 phiếu trắng. Thể hiện giá trị cốt lõi của dân chủ là trước cuộc bầu cử, đôi bên đã có không gian và thời gian để lên tiếng trình bày quan điểm của mình, đôi bên ít nhiều phải lắng nghe nhau.
Quan trọng hơn hết, những tổ chức bảo vệ nhân quyền và những tổ chức xã hội dân sự giữ một chỗ đứng nhất định trong cuộc tranh cãi, để bảo vệ những giá trị cơ bản của con người, sự công bằng trong xã hội, bằng cách lên tiếng thay mặt những người yếu thế, những nạn nhân không có tiếng nói. Mạng xã hội tự do đã cho người dân lưu tâm đến vấn đề có cơ hội trao đổi với nhau và cả với các chính trị gia, các dân biểu. Nhiều dân biểu Âu châu cũng lên mạng tranh cãi thẳng với người dân, thu thập ý kiến, hoặc tự biện hộ.
Những tổ chức bảo vệ Nhân quyền và XHDS đã lên tiếng
Khác với mức tham dự rầm rộ của các tổ chức XHDS và các tổ chức lao động, quốc tế cũng như Âu châu, trong thời gian hình thành CETA giữa EU và Canada, hay TTIP giữa EU và Mỹ (đưa tới CETA được Nghị viện phê chuẩn và TTIP bị đình chỉ và bãi bỏ), những tổ chức này có mặt rất yếu ớt cho EVFTA/IPA cho tới khi 2 hiệp định này đã được EU và VN ký kết, chỉ còn chờ Nghị viện ÂC phê chuẩn. Lý do là họ còn xa lạ với Việt Nam (so sánh với Mỹ và Canada) vì không có liên lạc với những tổ chức XHDS Việt Nam mà hiện đang trong tình trạng rất èo uột.
Cuối cùng, sát ngày phê chuẩn, nhìn ra những ảnh hưởng tương tác đôi bên, họ mới thấy cần phải lên tiếng.
1/ Tham dự từ sớm là các tổ chức bảo vệ Nhân quyền
- Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) đã đưa đơn khiếu nại trước bà O'Reilly, Thanh tra Liên Minh Âu châu, vì lý do Ủy ban Âu châu đã không tiến hành đánh giá tác động nhân quyền trong bối cảnh đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam.
Phán quyết của bà Thanh tra ngày 26/02/2016 rằng đây là một sai phạm quản lý nghiêm trọng, bị Ủy ban Âu châu lấy cớ cuộc đàm phán đã đi quá xa để không thực hiện được, và họ đã có tham khảo ý kiến của một vài tổ chức phi chính phủ.
này cho thấy Ủy ban Âu châu cố tình lơ là vấn đề Nhân quyền và những tổ chức bảo vệ Nhân quyền đã vào cuộc tương đối trễ. Vào thời điểm này, ngoại trừ FIDH và VCHR, phía bảo vệ Nhân quyền chưa có sự theo dõi nghiên cứu chương trình làm việc của Ủy ban Âu châu hữu hiệu để đưa ra những đòi hỏi chính xác.
Phán quyết của bà Thanh tra không hiệu quả cho thấy không có ràng buộc pháp lý hay kinh tế, thì phe phạm lỗi không bao giờ chịu sửa đổi trước những lời cảnh cáo suông.
- Những tổ chức chức nhân quyền quốc tế (thí dụ như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW, VCHR, VETO!) và một số tổ chức XHDS Việt Nam tại hải ngoại và trong nước đã bền bỉ đưa tin tức về những tù nhân lương tâm cho Nghị viện Âu châu xin can thiệp, đưa đến nhiều nghị quyết của Nghị viện (nhiệm kỳ 8) đòi trả tự do cho những người này.
Tuy cả 8 cuộc đối thoại nhân quyền giữa EU và VN xảy ra mỗi năm một lần đều có nhắc tới tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng của VN nhưng chỉ là lấy lệ, và một số nhà hoạt động trong nước đã từng được mời tới gặp Ủy ban Liên minh Âu châu cũng chưa từng lên tiếng phê bình những cuộc gặp gỡ vô bổ này.
Tình trạng này có thể được cắt nghĩa vì các nhà hoạt động trong nước nhìn Ủy ban Âu châu là nơi ban bố, giúp đỡ. Cũng có người nhìn rõ mình bị lạm dụng nhưng không thể lên tiếng (TS Phạm chí Dũng đã bị bắt sau khi vừa lên tiếng). Trong khi đó, những tổ chức nhân quyền quốc tế nắm vị thế đòi hỏi Liên minh Âu châu một khi đã đưa những giá trị đạo đức phổ quát vào nền tảng của những hiệp định thương mại thì phải hoàn thành trách nhiệm bảo vệ những giá trị này.
- Tổ chức VETO! đặc biệt đưa ra những đề nghị cụ thể với Nghị viện Âu châu nhiệm kỳ 8 để hỗ trợ việc thực hiện các khía cạnh NQ trong mục tiêu của EVFTA (1).
Sau cuộc bầu cử Nghị viện nhiệm kỳ 9, tổ chức VETO! đã được mời đến điều trần trước Tiểu ban Nhân quyền.
Vì phía Việt Nam không có hành động nào cụ thể đáp ứng những đòi hỏi về nhân quyền, Nghị viện Âu châu nhiệm kỳ 8 đã đình trệ tiến trình phê chuẩn EVFTA và hiệp định đã không được phê chuẩn trong nhiệm kỳ 8 Nghị viện như mong đợi.
2/ Các tổ chức XHDS quốc tế vào cuộc
Ngày 9/02/2020, chỉ một ngày trước bầu cử, 68 tổ chức XHDS Âu châu mới vào cuộc gửi thư thúc dục Nghị viện Âu châu không chấp thuận phê chuẩn EVFTA/IPA.
Trong tuyên bố chung, 68 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Attac, Friends of Earth, Foodwatch, Emmaus International, Global Campaign to Reclaim Peoples Sovereignty, Dismantle Corporate Power and Stop Impunity..., nhận định EVFTA không đáp ứng rất nhiều vấn đề như giải quyết bất bình đẳng quyền lợi giữa đôi bên ký kết, bảo vệ công nhân, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu…, cũng như thiếu những ràng buộc pháp lý rõ ràng và cần thiết. Ngoài ra Việt Nam là một nước độc đảng, không tôn trọng những quyền tự do dân sự (tự do ngôn luận, báo chí, lập hội...), không có một ngành tư pháp độc lập, nên không thể thích hợp với tự do thương mại. Một phần vì thời gian tính, thư đã không kịp gây ảnh hưởng trên sự quyết định của các dân biểu.
Trước sự phản đối đồng loạt của gần 100 tổ chức bảo vệ nhân quyền và XHDS, với những lý do đa dạng và chính đáng, dân biểu thuộc hai nhóm đảng Xanh/ Liên minh Tự do châu Âu (Verts/ALE) và Cánh tả châu Âu Thống Nhất (GUE) xin tạm hoãn cuộc bỏ phiếu thông qua thỏa thuận để Nghị viện mới nhiệm kỳ 9 có thêm thời gian xem xét.
Đề nghị này đã bị phe đa số bác bỏ, với lý do Việt Nam đã đáp ứng phần nào một số điều kiện EU đặt ra dựa trên những phê bình, phản đối của các tổ chức bảo vệ nhân quyền.
Tuy vậy, trong tương lai, những thiếu sót của EVFTA do các tổ chức bảo vệ nhân quyền và XHDS quốc tế nêu ra, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để là nền tảng cho Nghị viện Âu châu theo dõi và kiểm soát khi EVFTA đi vào hoạt động.
T.Q.Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.