Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

Con đường cho Việt Nam không phải là tham gia vào Một vành đai, Một con đường

Con đường cho Việt Nam không phải là tham gia vào Một vành đai, Một con đường

28-2-2020
Thế giới đang bước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế mới mà ở đó, những con rồng châu Á như Hàn Quốc, hay nền kinh tế quy mô thứ hai thế giới như Trung Quốc đang phải chịu những tổn thất nặng nề, kéo theo đó là hàng loạt nền kinh tế khác sẽ phải đối diện với những thiệt hại khó có thể lường trước. Đây sẽ là cuộc khủng hoảng kinh tế mang tên Coronavirus.
Tại Việt Nam, Coronavirus tác động tiêu cực với mức độ nặng nề lên nền kinh tế. Đó là ngành du lịch với sự sụt giảm du khách khi hai thị trường lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc bị vỡ trận virus, chưa kể các ngành sản xuất thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, xuất khẩu gặp khó khăn về đầu ra…
Tuy nhiên, một thông tin tích cực là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), sau khi tiến hành rà soát, đã không đưa Việt Nam vào danh sách cảnh báo về các quốc gia, điểm đến có nguy cơ lây nhiễm Coronavirus.
Đây là kết quả tích cực sau những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, trong đó gồm cả việc dừng các hoạt động lễ hội, hạn chế hội họp đông người, cách ly, khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ, dừng các đường bay với vùng dịch, cho học sinh, sinh viên nghỉ học…
Việc CDC đưa Việt Nam ra khỏi dành sách cảnh báo, nếu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch biết tận dụng có thể giúp ngành du lịch khai thác được lượng khách quốc tế lẽ ra sẽ đến các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, hay Nhật Bản…
Thế giới đang khủng hoảng và Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó. Đối diện với nó, đây là lúc Chính phủ cần có chương trình hành động giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, có đủ khả năng khai thác được những lợi ích mà EVFTA mang lại, biến khu vực EU trở thành thị trường đối trọng, giúp Việt Nam hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tận dụng EVFTA, phát triển quan hệ kinh tế, thương mại toàn diện với EU không chỉ là giải pháp cho Việt Nam trong cuộc khủng hoảng Coronavirus, mà đây là con đường Việt Nam buộc phải đi cho một tương lai xa hơn.
Đây cũng là lúc Chính phủ Việt Nam, cụ thể là Bộ Công thương, sau thành công trong đàm phán và ký kết được hiệp định thương mại với EU, phải bắt tay vào một hành trình mới, đó là vận động cho một FTA (hiệp định thương mại) song phương với Mỹ.
Con đường cho Việt Nam không phải là tham gia vào Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc, để trở thành một gạch nối trên con đường mà Trung Quốc vẽ ra nhằm hiện thực hoá “Trung Hoa mộng” của Tập Cận Bình.
Con đường cho Việt Nam phải là Mỹ, là châu Âu, là những quốc gia tiến bộ, văn minh và thịnh vượng.
Đây là tấm vé cuối cùng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.