Hiến pháp trở thành “nền” để ông Trọng và đảng CS ngồi xổm lên trên
2-2-2020
Ông Trọng vừa ký thông qua Qui định 214 của BCT qui định về “Khung tiêu chuẩn của các chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội”. Ý chính của qui định: “phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí Thư.
Lấy gì bảo đảm “tiêu chuẩn chung của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư” là tiêu chuẩn mà “nhân dân” mong đợi?
Ông Trọng cho dầu nắm hết quyền lực của đảng, của chính phủ… cũng không có tư cách lựa chọn, hay đặt ra tiêu chuẩn để lựa chọn, những người làm đại diện đất nước (chủ tịch nước), quản lý đất nước (thủ tướng) hay người đại diện cho ý chí và quyền lực của nhân dân (chủ tịch quốc hội).
Nội dung hiến pháp qui định “nhà nước” VN là nhà nước gì?
Hiến pháp VN qui định “Nhà nước CHXHCNVN là nhà nước của nhân dân do nhân dân và vì nhân dân”. Hiểu cách nào thì cũng thấy rằng (trong câu này) “nhân dân” là yếu tố cốt lõi, ở vị trí “trung ương”, là “hệ qui chiếu” để lựa chọn nhân sự lãnh đạo tối cao.
Văn bản của ông Trọng vừa ký không có dòng nào, tiêu chuẩn nào có quan hệ đến, hay đề cập đến “yếu tố” nhân dân.
Hiến pháp qui định “Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội” không có nghĩa là “Nhà nước” này “của ông Trọng, do ông Trọng và vì ông Trọng”.
Sự nhặp nhằng (cố ý) trong ngôn từ hiện tại đã khiến hiến pháp VN mâu thuẫn và làm cho nhiều người VN lầm lẫn nhìn nhận, rằng đảng CSVN là lực lượng duy nhất có tư cách lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Nhiều người lẫn lộn giữa “Nhà nước” với “Chính phủ”. Mà điều tệ hại là sự lẫn lộn giữa một khái niệm luật học (Etat) với một “tình cảm” (Tổ quốc và Tổ quốc xã hội chủ nghĩa).
Hiểu theo qui ước Công pháp quốc tế, “Nhà nước-Etat” là “đối tượng” của quốc tế công pháp, vừa là tác nhân phát minh ra các qui luật tạo thành quốc tế công pháp.
“Nhà nước – Etat” được cấu thành do 3 yếu tố nội tại (và 1 ngoại tại):
1/ Một lãnh thổ được xác định,
2/ Một khối dân chúng sinh sống thường trực trên vùng lãnh thổ đó và
3/ Có một chính phủ (gouvernement) đại diện có thẩm quyền quản trị khối dân chúng đó, trên vùng lãnh thổ đó.
Yếu tố ngoại tại: Được sự nhìn nhận của các “nhà nước – Etat” khác.
Nhà nước vì vậy có ý nghĩa tương đương với “quốc gia”, ngôn từ quen thuộc được sử dụng ở các nước Nhật, Hàn, Đài loan, TQ, hay ở VNCH trước kia…
Chính phủ chỉ “đại diện” cho “nhân dân” trong những quan hệ quốc tế. Tức “Chính phủ” là chỉ “đại diện cho nhà nước”, chớ không phải là nhà nước.
Trước đây còn có vụ “bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.
“Tổ quốc” là một khái niệm “tình cảm”. Người ta nói “chết cho tổ quốc”, “hy sinh cho tổ quốc”, “bảo vệ tổ quốc”… Các “tình cảm” này có ý nghĩa khá cụ thể. Nhưng “xã hội chủ nghĩa” là một “ý chí”, cũng là một thứ “tình cảm” thể hiện qua hành vi chính trị. Chủ nghĩa này thực tế cho thấy đã “phá sản” trên khắp địa cầu.
Phản bội tổ quốc xã hội chủ nghĩa trở thành một điều “thuận lý”. Trong khi tội hình sự (cao nhất) của VN hiện thời là “phản bội tổ quốc”.
“Tổ quốc” ở đây là “tổ quốc” nào?
Ý nghĩa của Hiến pháp trong câu “đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội” thể hiện sự mâu thuẫn sâu sắc, tương tự như câu “yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa” hay “bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.
Sự nhập nhằng ngôn từ khiến hiến pháp VN trở thành “tờ giấy lộn”, không còn ý nghĩa của một “bộ luật nền”. Hiến pháp trở thành “nền” để ông Trọng và đảng CS ngồi xổm lên trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.