Vương quốc Anh chính thức rời Liên minh Âu châu
Vũ Ngọc Yên
2-2-2020
Bye-Bye Britain
Ngày 29.1.2020, Nghị viện Âu châu phê chuẩn Thỏa hiệp Vương quốc Anh rời Liên minh Âu châu (EU) kết thúc chính thức tiến trình Brexit (Brexit = British Exit). Phiên họp cuối cùng chung với các nghị sĩ Vương quốc Anh đã diễn ra trong bầu không khí đầy cảm xúc, nhiều nghị sĩ đã khóc khi đứng lên hát chung bài ca Auld Lang Syne (Chia tay-từ biệt).
Chủ tịch Ủy ban Âu châu Ursula von der Leyen phát biểu “Chúng tôi luôn yêu mến các bạn và chúng ta sẽ không bao giờ xa cách”. Nghị sĩ Guy Verhofsatdt nhấn mạnh: “Cuộc biểu quyết này không phải là sự từ biệt”. Theo thoả thuận, Vương quốc Anh và EU vẫn hợp tác như trước trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài tới cuối năm 2020.
Vương quốc Anh không còn là thành viên EU nữa
Đúng nửa đêm thứ sáu 31.1.2020 Brexit đã hiện thực sau cuộc trưng cầu dân ý cách đây hơn 3 năm rưỡi và cũng là ngày Vương quốc Anh chính thức rời EU sau 47 năm thành viên. Vương quốc Anh gia nhập Cộng đồng kinh tế Âu châu (EEC), tổ chức tiền thân của EU vào năm 1973.
Ngày Vương quốc Anh rời EU đã diễn ra thầm lặng: Không pháo bông, không tuần hành hoành tráng, không diễn văn chào mừng. Tháp đồng hồ Big Ben của quốc hội Anh dự kiến sẽ đổ báo thức khoảnh khắc quan trọng nhất của lịch sử đất nước, nhưng đã không thực hiên được vì tháp đang tu sửa. Trên đường phố Luân Đôn, vài trăm người ủng hộ Brexit phất cờ, hát quốc ca và thả bong bóng trên bầu trời đêm, trong khi những người chống đối Brexit tụ họp thắp nến tưởng niệm. Khắp nơi tại Vương quốc Anh không thấy dân chúng xuống đường chào mừng.
Trong diễn văn gửi đến dân chúng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi việc Anh rút lui khỏi EU là “một chỉ dấu cảnh báo lịch sử”. Macron đòi hỏi EU phải có nhiều cải cách, Âu châu phải thay đổi. Sau Brexit, EU sẽ không thể tiếp tục hoạt động hiệu quả bằng những lời hứa suông. EU phải đón nhận những chỉ trích, than phiền và ý nguyện của người dân. Nữ thủ tướng Đức, Angela Merkel phát biểu việc ra đi của Anh là “một vết cắt sâu cho tất cả chúng ta”. Từ ngày 1.2.2020 Anh không còn là thành viên EU nữa và số quốc gia thành viên giảm xuống 27.
Johnson hứa hẹn thời vàng son
Trước giờ rời EU chính thức, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố trong diễn văn gửi đến quốc dân là chính quyền sẽ làm Brexit trở nên thành quả tốt đẹp. Theo ông, Brexit tạo cơ may bùng phát toàn tiềm năng của Vương quốc. Brexit không phải là một sự kết cuộc, mà là một sự khởi đầu. Đây là khoảnh khắc vào buổi bình minh và mở màn cho một hồi mới của vở kịch quốc gia. Đây là khoảnh khắc nhiều tiềm năng của sự canh tân và chuyển hoá quốc gia.
Johnson công bố những chương trình chống tội phạm, cải thiện giáo dục đào tạo và hệ thống y tế cũng như phát triển hạ tầng cơ sở. Anh sẽ gia tăng nỗ lực trong các lãnh vực: Biến đổi khí hậu, nhân quyền, giáo dục đào tạo cho phụ nữ và tự do thương mại.
Đối với EU, Thủ tướng Anh mong Brexit mở ra một kỷ nguyên mới cho sự hợp tác hoà bình giữa EU và một Vương quốci Anh năng động. Johnson cũng cho biết sẽ có tuyên bố kế tiếp vào ngày 3.2, trình bày chi tiết các mục tiêu thương thảo với EU về mối bang giao tương lai. Theo phát ngôn viên chính phủ, Johnson muốn ký kết một thoả ước thương mại với EU tương tự như EU với Canada. Báo Daily Telegraph loan tin, Johnson chủ trương chấm dứt sự lệ thuộc của Vương quốc Anh vào các quy định của EU dù phải chấp nhận những khó khăn trong thương mại như quan thuế.
Những ngày tháng quan trọng của quá trình Brexit
2016
- 20.2: Thủ tướng Anh David Cameron công bố thời điểm của cuộc trưng cầu dân ý Brexit.
- 23.6: Kết quả trưng cầu dân ý: 52 % cử tri bỏ phiếu thuận cho Brexit
- 13.7: Bà Theresa May được bầu làm tân Thủ tướng.
2017
- 29.3: Anh chính thức đệ đơn rút ra khỏi EU.
2018
- 14.11: Ủy ban EU và chính quyền Anh trình dự thảo Thoả thuận rút ra.
2019
- 13.3: Hạ viện Anh bác bỏ một sự rút ra EU khi không có Thỏa thuận
- 14.3:Hạ viện Anh bác bỏ kiến nghị thực hiên trưng cầu dân ý lần thứ hai.
- 10.4: Hội nghị thượng đỉnh EU đồng ý đề nghị triển hạn tới 31.10.2019 để Vương quyết Anh chấp nhận thoả thuận
- 24.5: Thủ tướng Anh May công bố từ chức chủ tịch đảng Bảo thủ
- 24.7: Boris Johnson trở thành Tân thủ tướng và khẳng định quyết tâm Anh rời EU bằng mọi giá (do or die).
- 28.10: Hội đồng EU nhất trí gia hạn thời điểm Brexit vào ngày 31.1.2020.
- 12.12: Đảng bảo thủ của Thủ tướng Johnson đạt đa số tuyệt đối ghế trong cuộc bầu quốc hội mới.
2020
- 29.1: Nghị viện Âu châu phê chuẩn Thoả thuận Brexit.
- 31.1: Vào lúc 24.00 giờ, Vương quốc Anh rời EU sau 47 năm thành viên
Hậu quả của việc Vương quốc Anh rời EU
Đối với Vương quốc Anh: Kinh tế suy thoái, Vương quốc phân hoá có nguy cơ giải thể.
Đối với Vương quốc Anh: Kinh tế suy thoái, Vương quốc phân hoá có nguy cơ giải thể.
Trong ba năm sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit, sản lượng kinh tế Vương quốc Anh tính đến cuối năm 2019 đã bị thất thoát 130 tỷ Pound, tương đương 150 tỷ Euro. Đến cuối năm 2020 số tiền thiệt hại tiếp tục gia tăng lên trên 200 tỷ Pound, tương đương 235 tỷ Euro. Sở thống kê ONS loan báo, mức độ tăng trưởng kinh tế trong thập niên qua liên tục suy giảm. Đầu tư trang bị công xưởng mới và máy móc bị đình trệ. Theo Quỹ đầu tư Mỹ Vanguart, tình hình sản xuất ở Vương quốc Anh nói chung, kém phát triển so với các cường quốc kỹ nghệ khác trong nhóm G7.
Đảng bảo thủ đã hiện thực Brexit theo ý muốn. Tuy nhiên nhân dân Tô Cách Lan (Scotland) và Bắc Ái nhĩ lan (Northern Ireland) đã lên tiếng muốn ở lại Liên minh EU. Báo Financial Times đã bình luận về tình trạng phân hoá “Những người Tories (Bảo thủ) có thể vui mừng chiến thắng Brexit nhưng cũng lo sợ sẽ mất Vương quốc Anh”.
Tại Tô Cách Lan 55% cử tri đã bỏ phiếu chống tách ra Vương quốc Anh trong cuộc trưng cầu dân ý 2014. Nhưng trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit 2016, 62% cử tri muốn ở lại EU. Trước tình hình mới, Nữ Thủ tướng Tô Cách Lan Nicola Sturgeon tuyên bố, sẽ thực hiện trong thời gian tới một cuộc trưng cầu dân ý mới về nền độc lập của Tô cách lan trong Vương quốc Anh. Sturgeon phát biểu: “Đây là vấn đề của Nghị viên Tô Cách Lan chứ không phải của chính quyền ở Westminster. Là một Tô Cách Lan độc lập, chúng tôi sẽ có một chính quyền mà chúng tôi bầu ra“.
Phó chủ tịch Nghị viện Âu châu, bà Katharina Barley tuyên bố trong cuộc phỏng vấn của đài truyền thông Bá linh –Brandenburg (RBB), “tôi sợ là Vương quốc Anh có thể đang đứng trước một sự tan rã“. Theo bà, Tô Cách Lan đã sửa soạn cho tiến trình độc lập, Bắc Ái Nhĩ Lan và Wales cũng sẽ có những nỗ lực tương tự và mạnh bạo hơn..
Đối với EU: Vương quốc Anh là một quốc gia thành viên lớn và quan trọng trong Liên minh châu Âu nên sự ra đi của quốc gia này là một sự tổn thất lớn về mọi phương diện cho EU.
Về kinh tế và tài chính: EU mất một cường quốc kinh tế lớn thứ hai trong Liên minh (14% sản lượng kinh tế và 13% dân số).
Về ngoại giao, an ninh, quân sự: Vương quốc Anh rời EU làm thay đổi cục diện địa chính trị, lung lay nền tảng quyền lực của châu Âu. Anh rời EU sẽ khiến những chương trình mở rộng và hội nhập các quốc gia thành viên trong EU trì trệ và đặc biệt làm vị thế của EU trên thế giới bị suy giảm.
Vì thiếu đi một thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc và một cường quốc về quân sự, EU trong tương lai khó có thể đối phó trước những thách thức quốc tế như cuộc khủng hoảng di cư, chủ nghĩa khủng bố, hay xung đột với Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.