Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

Tình người Long An và sự ngẫu nhiên

Tình người Long An và sự ngẫu nhiên

Sau gần 12 năm bị tạm giam chờ thi hành án tử hình, hôm nay Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ra Quyết định kháng nghị đối với vụ án Hồ Duy Hải. Quyết định này được coi là cực kỳ dũng cảm vì năm 2011, chính Viện này đã quyết định không kháng nghị.     
Hải, là tử tù có số phận lạ lùng.     
Năm năm trước, ngay trước ngày thi hành án tử, thì Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho tạm dừng.     
Năm ngoái, đến lượt Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu xem xét lại.     
Và hôm nay, bản án bị kháng nghị theo hướng hủy án, điều tra lại. 
...     
Tối nay, tôi đến nhà Hải. Suốt buổi tối, người thân của Hải kể về các luật sư đã giúp đỡ họ, rồi rất nhiều nhà báo, và những dân oan, rồi những người xa lạ...     
Có lẽ họ nhớ không sót người nào.     
Nhưng có một nhân vật, mà tôi hết sức ấn tượng. Đó là bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Bà nghiên cứu hồ sơ, bà đến hiện trường. Bà vào trại giam gặp Hải... Bà Nga là người có báo cáo dài 10 trang, nêu rất rõ các sai phạm của vụ án. Có những sai phạm luật sư còn ngạc nhiên khi bà chỉ ra những chi tiết như "con số ghi trên cái ghế khác nhau". Phải công nhận, bà có trí lực tuyệt vời.     
"Cô Nga gọi cho gia đình nhiều lần. Gọi động viên tinh thần. Rồi dặn gia đình cứ ăn Tết. Có lần, cô gọi từ năm giờ rưỡi sáng, để hỏi thăm và dặn dò..." - mẹ Hồ Duy Hải xúc động kể về bà Nga.     
Làm báo hơn 10 năm, tôi vô cùng kính trọng bà Nga. Không chỉ có trí lực tuyệt vời, mà từ cuộc gọi lúc mờ sáng, mới thấy tâm lực của bà vô cùng to lớn.     
Cảm ơn bà LÊ THỊ NGA!
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản
Từ xưa, nhiều người dân Việt hay tự hào quê mình có ông nọ, ông kia làm to ở triều đình! Chốn quan trường thì khả dĩ; vì lợi ích và quyền lực thì đồng hương là điều kiện cần để bắt tay, liên kết với nhau tạo nên ê kíp tăng sức mạnh của nhóm này nhằm hạ bệ các nhóm khác. Nhưng với dân, thì tự hào để làm làm gì? Có khi chính dân đen lại bị lợi dụng làm vật hy sinh để quan chức thỏa hiệp, trao đổi với nhau trên con đường thăng tiến củng cố địa vị.
Ngày nay, và đặc biệt với những quan chức cộng sản cấp cao với dân cùng quê như thế nào? Chưa có một công trình xã hội học nào nghiên cứu về mối quan hệ đồng hương quan - dân này.
Bài viết chỉ đưa ra những số liệu đã kiểm chứng, có thể là ngẫu nhiên để người đọc kết luận:
Hiện nay dư luận xã hội đang nóng rực lên về việc Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM liên quan đến kỳ án tử tù Hồ Duy Hải.
Tin tử tù Hồ Duy Hải được Giám đốc thẩm gây bất ngờ đối với dư luận, vì từ 2 năm nay vụ án Hồ Duy Hải ít được báo chí nhắc đến. Chỉ thấy thỉnh thoảng trên mạng xã hội đưa tin mẹ Hồ Duy Hải là bà Nguyễn Thị Loan đi kêu oan cho con trai.
Liên kết các thông tin trên mạng thì số phận Hồ Duy Hải(1) phụ thuộc vào một quan chức cao cấp đồng hương tỉnh Long An là Trương Hòa Bình(2). Xem tóm tắt hình 1, 2.
Từ khi vụ thảm án xảy ra tối ngày 13/01/2008 ở Bưu điện Cầu Voi, qua quá trình điều tra, xét xử đến khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình và Hội đồng thi hành án ra quyết định thi hành án tử hình Hồ Duy Hải vào ngày 05/12/2014, đều có tác động rất lớn, mang tính quyết định từ ông Trương Hòa Bình.
Xem tiểu sử ông Trương Hòa Bình: làm Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An các khóa XII-XIV từ năm 2007 đến 2021; là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao từ tháng 8/2007 đến tháng 4/2016.
Trong khi vụ án Hồ Duy Hải(3) đã gây chấn động lớn về tính dã man và sự bất cập, cẩu thả trong quá trình điều tra, xét xử, mà rất nhiều báo chí, luật sư phân tích. Không thấy ông Trương Hòa Bình với tư cách là ĐBQH thể hiện vai trò là người đại diện bảo vệ quyền lợi của người dân yếm thế để yêu cầu xem xét thấu đáo tính mạng một con người.
Nhưng là người nắm cán cân công lý cao nhất, với tư cách là Chánh án TAND tối cao ông Trương Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 13/5/2015 “Quá trình điều tra tuy có sai sót nhưng không làm thay đổi vụ án vì vậy tòa vẫn nguyên bản án tử hình”(4), đã triệt đường sống của Hồ Duy Hải. 
Nghe câu nói, nhớ lại cảnh bà mậu dịch viên thời bao cấp trong hợp tác xã mua bán, cân thịt heo (lợn) cho khách hàng “Quy trình hợp tác xã làm thịt có lẫn một ít xương vụn, không làm thay đổi bản chất là thịt, nên sử dụng tem phiếu mua thịt”. So sánh hơi khập khểnh một chút: tính mạng con người như con heo và cân công lý chẳng khác gì cân lợn,… !
Về tuổi tác, ông Trương Hòa Bình (1955) hơn Hồ Duy Hải (1985) đúng 30 tuổi, một thế hệ; nếu là con cháu ông Trương Hòa Bình, không biết ông có bỏ qua những “sai sót” để “vẫn nguyên bản án tử hình” hay không?
Như đã nói ở trên, bài viết chỉ đưa ra những thông tin mang tính ngẫu nhiên, còn người đọc kết luận theo nhận thức:
- Ngẫu nhiên: toàn bộ quá trình Hồ Duy Hải “phạm tội” đến khi quyết định thi hành án nằm trong giai đoạn ông Trương Hòa Bình làm ĐBQH tỉnh Long An và Chánh án TAND tối cao.
- Tử tù Hồ Duy Hải, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đều cùng quê ở tỉnh Long An; lại ngẫu nhiên là hai quan chức cấp cao cùng họ Trương!
- Từ ngày 20/03/2015, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa 13 Lê Thị Nga đề nghị xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải đến nay gần 5 năm, ông Trương Tấn Sang nghỉ hưu, ông Trương Hòa Bình làm Phó thủ tướng thường trực. Lại ngẫu nhiên là nhờ chuẩn bị đại hội đảng các cấp, Hồ Duy Hải được xem xét giám đốc thẩm.
Tham khảo:
Hình 1. Tóm tắt vụ án Hồ Duy Hải
Hình 2. Tóm tắt tiểu sử Phó thủ tướng Trương Hòa Bình
Đ.T.N.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.