Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

Tập đoàn nhà nước: Khi lãnh đạo tham tàn thì cấp dưới lãnh đủ!

Tập đoàn nhà nước: Khi lãnh đạo tham tàn thì cấp dưới lãnh đủ!

20-12-2019
Ảnh: Báo TN
Từ những vụ ở Tập đoàn Dầu khí, cho đến vụ AVG, đã có bao nhiêu bài học quá đắt về chuyện sếp lớn làm bậy thì cấp dưới lãnh đủ. Và khổ cái, những ông sếp lớn đi tù đã đành, nhưng kéo theo biết bao nhiêu những cán bộ có trình độ, chuyên môn, trong đó có những ông bị oan uổng, ép buộc phải ký, phải làm theo lệnh sếp chứ không phải do họ chủ động làm bậy như người ta tưởng.
Như ở ngành dầu khí trước đây, những vụ việc khiến ông Đinh La Thăng phải ra tòa, đã nhận hết án chung thân này đến án chung thân khác, như nào thì ai quan tâm cũng đã rõ cả rồi. Nhưng cũng có những cán bộ rất giỏi dưới quyền ông, ví dụ như ông Phùng Đình Thực, cựu Tổng giám đốc PVN, một người được dân trong ngành đánh giá rất cao về trình độ, chuyên môn, cũng như phẩm chất, đạo đức… dưới quyền ông Thăng, khi đó như một vị hoàng đế ở PVN, có những văn bản ép phải ký thì phải ký. Bảo sao thấy sai không ký, chấp nhận mất chức, bị điều chuyển… đâu có dễ thế được.
Nhưng ở những vụ án ấy, người ta còn thấy một người lãnh đạo có nghĩa khí, biết tội và nhận tội thay cho cấp dưới. Đến vụ AVG, xem mấy ngày xét xử hôm nay thì thấy khác hẳn. Chẳng cấp trên nói đỡ cho cấp dưới nào, thậm chí còn toàn đổ tội cho thằng khác. Kể cả có dấu hiệu đổ cả cho “tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng”.
Còn nhớ, tại thời điểm 5/10/2015, ông Lê Nam Trà, chủ tịch HĐTV Mobifone ký văn bản số 5064 “Quyển dự án đầu tư dịch vụ truyền hình” với tổng mức đầu tư (TMĐT) 8900 tỷ đồng, mua 95% cổ phần của AVG. Dự án có hiệu quả tài chính với: NPV (dòng tiền thuần thu về) 11372 tỷ đồng, IRR (tỷ suất hoàn vốn nội bộ) là 17,81%, g (chỉ số tăng trưởng) là 6,23% và thời gian hoàn vốn là 8,7 năm.
Vấn đề là trước thời điểm 5/10/2015, mọi tính toán đầu tư đều sử dụng chỉ số g là 2,42%. Lý do gì chỉ sau một thời gian ngắn chỉ số g đã tăng lên gần 3 lần (6,23%). G thể hiện chỉ số tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của 1 ngành dùng để tính toán hiệu quả đầu tư dự án nên rất quan trọng.
Việc thay đổi khiến những người quan tâm về tài chính phải đặt nghi vấn và xem lại cáo trạng thể hiện diễn biến quá trình đánh giá hiệu quả tài chính dự án đã diễn ra như thế nào. Tại sao lại có sự thay đổi liên tục về hiệu quả dự án trong thời gian ngắn?
Ai quan tâm đến vụ việc này có thể thấy, việc chế biến báo cáo tài chính đã diễn ra vô cùng tinh vi. Theo cáo trạng, văn bản đánh giá hiệu quả tài chính do Phó TGĐ phụ trách tài chính Phạm Thị Phương Anh ký thể hiện: Khi đầu tư 11.700 tỷ đồng (30% vốn tự có, 70% đi vay) mua 90% cổ phần AVG thì NPV (giá trị hiện tại thuần)= 7.529 tỷ đồng>0, IRR (tỷ lệ hoàn vốn nội bộ)= 19,67%> 13,46%; sau 8,6 năm sẽ hoàn vốn. Báo cáo này dựa vào kết quả tư vấn của VCBS và Công ty thẩm định giá AMAX thẩm định kế hoạch kinh doanh của AVG.
Ngày 4/9, văn bản số 135 của Ban tài chính về việc báo cáo dự án truyền hình, lợi nhuận sau thuế của Mobifone sau khi trừ đi các chi phí là 1.876 tỷ đồng (2020). Từ đây quá trình “chế biến” số liệu bắt đầu. Với TMĐT 11.700 tỷ đồng, g là 2,42% và dự kiến lợi 90,1% lợi nhuận để lại đến năm 2020 (tương ứng với lợi nhuận từ số cổ phần Mobifone mua) thì dòng tiền thu về hàng năm đến 31/12/2020 lẽ ra chỉ là 1.690 tỉ đồng (1.876 tỷ đồng x 90,1%). Nhưng số liệu này ở văn bản 135 là 2.866 tỷ đồng (?!). Và từ các tính toán này dự án vẫn có NPV= 1.643 tỷ đồng>0, IRR= 17,3%> 12,11% và thời gian hoàn vốn là 8,1 năm. Sau đó 1 tuần, Ban tài chính và Ban kế toán lập báo cáo 142 gửi TGĐ Mobifone.
Theo tính toán tại báo cáo 142, sau khi trừ đi chi phí lãi vay, dòng tiền thu về hàng năm tại thời điểm 31/12/2020 dự kiến là 1.690 tỷ đồng (chứ không phải con số nâng khống 2.866 tỷ đồng như những văn bản trước). Văn bản 142 giảm TMĐT xuống 11.370 tỷ đồng, dự án được đánh giá có hiệu quả tài chính: NPV= 1.778 tỷ đồng, IRR + 12,55 tỷ đồng> 10,89%; sau 10,4 năm sẽ hoàn vốn.
Dựa vào báo cáo ngày 14/9, TGĐ Mobifone ký văn bản số 50541 trình HĐTV kèm quyển dự án đầu tư truyền hình, với các số liệu về hiệu quả như văn bản 142.
Đến ngày 28/9, TGĐ Mobifone Cao Duy Hải lại đề xuất phương án mới là vẫn giá mua nêu trên nhưng tỷ lệ cổ phần mua thay đổi (95%) để thay đổi hiệu quả dự án: g= 2,42%, NPV= 2.451 tỷ đồng>0, IRR = 12,94%> 10,89%: 10,2 năm hoàn vốn.
Chưa dừng lại ở đây, chỉ 1 tuần sau, ông Hải ký tiếp văn bản số 5640 (5/10) kèm quyển dự án, hạ tổng mức đầu tư xuống 8.898 tỷ đồng, thay đổi tỷ lệ mua cổ phần (95%) và thay đổi chỉ số g tăng vọt lên 6,23 (gần gấp 3 lần tỷ lệ tăng trưởng giả định trước). Lúc này NPV= 11372 tỷ đồng>0, IRR+ 17,81> 12,11%, thời gian thu vốn: 8,7 năm.
Cùng ngày, HĐTV Mobifone ký văn bản trình Bộ TTTT xin phê duyệt dự án với đúng hiệu quả tài chính trong văn bản 5640 đưa ra.
Như vậy từ văn bản 135 (4/9/2015) đến 5460 (5/10/2015), mặc dù phương án kinh doanh AVG do Mobifone xây dựng không thay đổi nhưng TMĐT liên tục thay đổi kèm theo hiệu quả dựa án thông qua các chỉ số NPV, IRR và số năm hoàn vốn cũng thay đổi theo.
Nếu chỉ nhìn thông thường sẽ dễ bị lừa vì TMĐT thay đổi theo hướng giảm thì hiệu quả dự án sẽ cao với các điều kiện kinh doanh, huy động vốn không thay đổi.
Tuy nhiên, từ những dấu hiệu bất thường về số liệu tại văn bản 135 (4/9/2015), các chuyên gia tài chính đã thử tính và cho ra đáp số bất ngờ là khi dùng đúng số liệu như tờ trình hôm 14/9 thì số năm hoàn vốn của dự án là 22,7 năm chứ không phải 10,4 năm như báo cáo.
Còn dùng theo phương án ngày 5/10, tăng g lên gần gấp 3 lần thì mất 13,7 năm mới hoàn vốn, hoàn toàn không có chuyện 8,7 năm. Như vậy tính theo cách nào thì tất cả các văn bản của TGĐ trình ra đều là sai.
Việc liên tục thay đổi TMĐT theo hướng hạ xuống, thay đổi tỷ lệ mua cổ phần theo hướng tăng lên, thay đổi tỷ lệ g… khiến cho việc đánh giá hiệu quả tài chính “như mớ canh hẹ” nhưng lại được trình bày có vẻ rất hợp lý mà những người có trình độ tài chính khó phát hiện ra được, đừng nói những người không có chuyên môn lại càng khó nhận ra sự thật đằng sau các con số thể hiện trên các báo cáo này.
Nhưng người ta cố tình tính toán sai hiệu quả dự án để làm gì?
Bị can Cao Duy Hải – TGĐ Mobifone khi được hỏi về việc: Tại sao các chỉ số đánh giá hiệu quả tài chính về dự án đầu tư vào AVG tăng một cách khác biệt giữa các văn bản do ông này trình về cùng một dự án thì chính ông Hải đã thừa nhận: Cho dù đã giảm tổng mức đầu tư dự án nhằm thay đổi hiệu quả đầu tư nhưng thực sự mức tăng g từ 2,42% lên 6,23% là tốc độ tăng trưởng quá cao, không khả thi.
Ngay cả tăng trưởng đột biến trong lĩnh vực viễn thông cũng không có cơ sở nào để làm ra con số này. Nên thậm chí ông này còn chỉ đạo bỏ cả chi phí lãi vay ra khỏi tính toán hiệu quả đầu tư để làm tăng hiệu quả dự án. Nếu không điều chỉnh thì hiệu quả dự án quá thấp, khó được phê duyệt theo yêu cầu của Bộ.
Theo lời luật sư, ông Hải khai với cơ quan điều tra là lý do phải điều chỉnh tăng tốc độ tăng trưởng (g) vì biết tình hình hoạt động kinh doanh của AVG kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, lỗ lũy kế 1.563 tỷ đồng. Trong khi kế hoạch kinh doanh AVG do Mobifone lập (2015-2020) đã thống nhất không thay đổi khi Ban TGĐ họp từ ngày 11/9/2015 nên ông này đã chỉ đạo buộc phải điều chỉnh tăng tốc độ tăng trưởng (g) để tăng hiệu quả đầu tư. Vì các văn bản 5054, 5551 thì hiệu quả dự án (NPV, IRR) rất thấp so với quy mô dự án nên muốn phê duyệt phải tăng các chỉ số trên để dự án được thông qua.
Với số liệu chế biến để ra hiệu quả số năm hoàn vốn là 10,4 năm thì dự án cũng khó được phê duyệt nữa là tính đúng công thức ra năm hoàn vốn chính xác là 22,7 năm càng khó được phê duyệt hơn nữa. Nên những người chủ mưu bằng mọi cách làm cho dự án sai lệch nhiều hơn và che đậy khéo léo để không thể bị phát hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.