Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

Đống rác và giòi bọ

Đống rác và giòi bọ

Nguyên Đại
20-12-2019
Những ngày cuối cùng của năm 2019, ĐCSVN (đảng) cho trình diễn “phiên tòa” xử hai bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, với cáo buộc: dùng 800 triệu đô la Mỹ (hơn 16 ngàn tỷ VNĐ) vốn nhà nước mua lại một công ty tư nhân (AVG) đáng giá không tới 100 triệu đô (2 ngàn tỷ VNĐ), sau đó được chủ tịch công ty này (Phạm Nhật Vũ) “lại quả” cho tất cả các quan chức chưa tới 10 triệu đô.
Hệ thống truyền thông của đảng ra rả: điều đó cho thấy việc thực hiện “quyết tâm thép của đảng”; đảng lại tiếp tục “lập công” trong việc chống tham nhũng, và “bác Trọng” cứ thế là “minh quân”. Làm như thể đảng không dính líu gì đến các ông: Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Hoàng Trung Hải…
Nhưng, các ông này là ai? Là ủy viên bộ chính trị, bí thư Tp HCM, bí thư Hà Nội, đô đốc hải quân….Những cán bộ thuộc hàng cao cấp nhất của đảng. Các ông đó từng được đảng xem là “những cán bộ ưu tú” được ưu ái, tưởng thưởng, cất nhắc lên những vị trí quyền lực, quyết định các vấn đề sinh tử, quan trọng nhất của đất nước.
Là đảng, giao quyền lực đã giao cho những người bất xứng. Là đảng, không kiểm soát hữu hiệu những kẻ được đảng giao quyền lực dẫn những phá hoại nghiêm trọng. Là đảng, thủ phạm chính của những vụ phá hoại đó. Là đảng, “bị cáo” trong phiên tòa lịch sử của dân tộc Việt Nam. Các ông đó chỉ đơn giản là những kẻ thất thế, thua cuộc trong trò chơi “ai là đảng trưởng”, thế thôi.
Một trong những sai lầm nghiêm trọng trong tôn chỉ của đảng, chủ nghĩa “Mác Lê-nin”, là không nhận ra bản chất thay đổi tự nhiên của con người. Anh công nhân, chị nông dân, lúc vác búa liềm đi theo đảng đòi công bình xã hội; họ không có gì để mất, họ chỉ có sinh mạng để có thể cùng liều chết cho “cách mạng”. Nhưng, một khi họ có quyền lực, họ không còn là anh công nhân, chị nông dân ngày xưa nữa. Họ có quá nhiều thứ “không thể” mất được; họ phải dùng quyền lực để bảo vệ những thứ mà họ đang có, và “đồng chí” phải chết, nếu cản đường “tôi”. Họ “thịt” lẫn nhau.
Anh y-tá có thể khóc khi thấy đồng chí mình bị thương vì bom đạn chiến cuộc; nhưng một khi anh là thủ tướng, anh nghĩ khác. Anh nghĩ tới những biệt thự xa hoa lộng lẫy, những tâng bốc ngút trời… “đồng chí” nào cản “ta” sẽ “một mất một còn”.
Một thằng nhóc con, thời chiến tranh loạn lạc, chỉ mong được ăn đủ no, đã thương những bạn bè cùng cảnh ngộ. Nhưng, khi nó làm thủ tướng, nó không còn đủ lòng trắc ẩn đối với người nghèo đói nữa. Nó khoe khoang sự thành đạt của nó: bằng những đoàn xe loáng bóng sang trọng, và những xúm xít tung hô, lăn bánh trên những con đường yếu mềm, quằn quại của quê hương.
Chế độ độc đảng cố định quyền lực tuyệt đối vào một nhóm người; vì vậy, nó tạo ra sự phá hoại và xâu xé lẫn nhau.
Nhân loại đã tạo ra được một hình thái xã hội để quyền lực cá nhân phải được dùng để đem lại lợi ích cho toàn xã hội, không phải lợi ích cho cá nhân đó. Các lãnh đạo chính phủ của một đất nước phát triển phải chịu sự giám sát, chế tài của: Quốc Hội, Tòa Án, và Truyền Thông.
Muốn vậy, Quốc Hội phải đại diện cho tất cả khuynh hướng chính trị của người dân, và phải có bầu cử tự do, công khai và minh bạch. Tòa Án phải độc lập với Hành Pháp; và Truyền Thông phải được tự do. Cảnh sát làm nhiệm vụ giữ trật tự, không phải là công cụ bảo vệ đảng cầm quyền. Quân đội trung thành với hiến pháp, không được phép có liên hệ với bất kỳ đảng phái chính trị nào.
Cơ chế đó ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực dẫn đến sự phá hoại. Chế độ đó đem lại cho số đông dân chúng những con đường, những cách thức, những phản ứng nhanh và hữu hiệu, ngăn cản những cá nhân tìm cách đứng trên luật pháp, lạm dụng quyền lực cho quyền lợi cá nhân của họ.
Việt Nam ở đâu trên con đường phát triển của nhân loại? Chế độ độc đảng tạo ra một quốc hội “đảng cử dân bầu”; quốc hội trở thành một con loại “con dấu” hợp pháp hóa quyết định của đảng. Khi “đảng là lãnh đạo duy nhất”, tòa án trở thành một công cụ, một “con dao” của đảng.
Chừng nào mà truyền thông còn chịu sự chi phối của ban tuyên giáo đảng, chừng đó báo đài làm việc như một “cái loa” của đảng. Công an và quân đội hiện nguyên hình là “thanh kiếm” đâm vào bất cứ ai có thể làm ảnh hưởng tới quyền lực tuyệt đối của đảng. “Con dấu”, “con dao”, “cái loa”, và “thanh kiếm” được đảng sử dụng để bảo vệ thế độc trị của đảng đối hơn 100 triệu dân Việt Nam hiện nay.
Một bó cải đã hư thối, không ăn được, nó không có chức năng dinh dưỡng, nó trở thành rác. Khi quốc hội không phải là nơi luật pháp công bằng được thiết lập; tòa án không phải là nơi mà việc thi hành luật pháp được xiển dương và kiểm soát; truyền thông không phải là nơi để tất cả mọi ý kiến được tự do được bày tỏ; công an kết hợp với côn đồ để bòn rút người dân; quân đội tập trung “chống khủng bố”, đàn áp biểu tình; thay vì bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước; thì quốc hội, tòa án, truyền thông, công an, quân đội đang hoạt động theo những quy tắc “rác rưởi”.
Liên Xô và các nước CS Đông Âu đã vứt bỏ những quy điều “rác rưởi” đó vào sọt rác lịch sử, khi nhà nước cộng sản đầu tiên của nhân loại đã tan rã gần 30 năm trước, cũng đúng vào dịp Giáng Sinh. Những tượng đài Lenin bị kéo sập, và người dân lấy búa đập vào đầu những bức tượng đó.
Rác rưởi thì sinh ra giòi bọ, một cách tự nhiên, không thể khác. Các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Hoàng Trung Hải v.v… là “giòi bọ” sinh ra một cách “biện chứng” từ cái đống rác “đảng CS là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước” đó.
Khi có một đống rác trong nhà, điều chắc chắn là không ai ngồi xuống để bắt từng con giòi, bọ chun ra từ trong đống rác đó.
Vấn đề của Việt Nam là “đống rác”, không phải “giòi bọ”.
Phải đem “đống rác”, cơ chế độc đảng lãnh đạo, đó đổ đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.