Những lá phiếu
30-11-2019
Tôi đã viết nhiều bài về Trung Quốc, về HongKong, vì tôi có bạn bè, người thân sống ở đó. Mấy hôm rồi có người hỏi, sao anh không phát biểu gì về Hong Kong?
Tôi vẫn chia sẻ với mọi người, vẫn vui về những tin tốt, vẫn buồn, đau xót khi nhìn những hình ảnh thanh niên Hongkong bị cảnh sát đánh đập dã man, vẫn buồn cười vì những nhận định phổi bò của nhiều bạn và tất nhiên vẫn phẫn nộ khi nghe ai đó bôi nhọ nhiệt huyết của những người yêu tự do. Khi thanh niên chiếm trường đại học, trang bị súng bắn cao su, bom xăng để chọi với cảnh sát, tôi không tung hô rằng họ sẽ dạy cho Bắc Kinh một bài học.
Tuy biết là sinh viên sẽ không có chút cơ hội gì, nếu sử dụng bạo lực, nhưng khi những người trẻ tuối cuối cùng trong Đại học Bách khoa HK ra đầu hàng cảnh sát, tôi không nghĩ rằng câu chuyện đã kết thúc. Tôi đã cười ruồi với những tuyên bố của Trump về Hongkong.
Thế giới đang trải qua những ngày tháng đầy rẫy những xáo trộn chính trị. Biểu tình nổi dậy ở khắp mọi nơi: Iran, Iraq, Lebanon với hàng trăm người chết đang như muốn nhắc lại mùa xuân Ả rập cách đây 8 năm. Châu Mỹ La-tinh đang chứng kiến các cuộc biểu tình khốc liệt chống chính phủ ở Chile, Bolivia và Columbia. Ở đây, người chết cũng vô kể. Đến nỗi người ta quên mất những bi kich ở Venezuela, nơi mà hàng triệu người Việt mới mấy tháng trước còn hý hửng là CNXH đã bị kết liễu.
Vậy nhưng dân ta hầu như chỉ nói đến và chỉ nghĩ đến HongKong. Đối với nhiều người thì nhân dân HongKong đang chống lại kẻ thù chung là China, đối với nhiều người khác thì HongKong là hy vọng, là tương lai dân chủ cho Đông Nam Á. Có lẽ vi vậy, không ai muốn nghĩ là HongKong sẽ bị đè bẹp như vụ Thiên An Môn.
Nhưng thế giới 2019 đã khác và Trung Quốc 2019 cũng vậy. Cách đây 30 năm, Trung Quốc chỉ là một đất nước chết đói, được cai quản bằng chế độ chuyên chính của giai cấp vô sản mà đối tượng là giai cấp tư sản. Nay Trung Quốc đã tiến xa cái nền vật chất đó, đang là một cường quốc công nghiệp hóa thành công, lăm le chiếm ngôi siêu cường số một. Về thể chế, tuy vẫn do một đảng Cộng Sản duy nhất lãnh đạo, nền độc tài hiện nay không còn nằm trong tay giai cấp cần lao, nhằm đè bẹp giai cấp tư sản như xưa. Sự hoán vị 100% đã xảy ra trong 30 năm qua. Do vậy, sẽ chỉ có sự đàn áp thảm khốc các cuộc nổi dậy của nông dân mất đất, của công nhân vãng lai bị bóc lột, của người thiểu số. Nhưng việc tiêu diệt một trung tâm ngân hàng và tài chính, nơi cất giấu và lưu thông tài sản của toàn bộ giới cầm quyền Băc Kinh sẽ là hành động tự sát. Một Thiên An Môn đã không thể diễn ra vì lý do đó, mặc dù sự phản kháng của thanh niên HongKong đã vượt xa thái độ ôn hòa của thanh niên Bắc Kinh tại Thiên An Môn.
Hoàn toàn không có chuyện Trung Quốc sợ phản ứng của phương Tây, hay của Mỹ.
Phương Tây hầu như đã nhìn thấy giới hạn của mình trước kẻ khổng lồ Trung Hoa. Mọi việc họ mặc cả với Bắc Kinh chỉ liên quan đến thương mại, đến chia sẻ quyền lực. Ngay cả vấn đề xung đột tại các tuyến đường hàng hải hay về tài nguyên ở biển Đông, đề tài người Việt quan tâm nhất, cũng sẽ là chủ đề mặc cả giữa Mỹ, Phương tây và Trung Quốc.
Hãy bình tĩnh mà công nhận rằng: Trung Quốc không chỉ là sự thách thức về kinh tế, quân sự, mà đã trở thành một thách thức lớn về mô hình xã hội.
Từ trước giờ, người ta cho rằng: Chỉ có xã hội dân chủ kết hợp với kinh tế tự do sẽ đem đến thành công cho mọi quốc gia. Khối XHCN đông Âu mà trong đó có nhiều nền công nghiệp lâu đời phải sụp đổ năm 1989-1990 vì thiếu hai yêu tố này, đã chứng minh luận điểm trên.
Nhưng 30 năm sau Trung Quốc đang tìm cách chứng minh một mô hình khác: Chế độ độc tài và chủ nghĩa tư bản thân hữu cũng có thể thành công.
Tôi nói điều này có thể bị coi là ngu: Sự vươn lên ngoạn mục trong kinh tế, quân sự, văn hóa cộng với uy tín tăng lên của Trung Quốc tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế cũng như sự hiện diện toàn cầu của doanh nghiệp Hoa lục đang là nguồn năng lượng cho các đảng phái và khuynh hướng dân túy toàn cầu. Ở nhiều nước dân chủ, người ta bỗng cảm thấy không có gì đáng phiền muộn, nếu sự thịnh vượng được đảm bảo mà phải bớt đi chút tự do, chút nhân phẩm. Đó là chính là mảnh đất mầu mỡ cho các đảng phái quốc gia thiên hữu và các loại Tổng thống có cá tính lưu manh.
Sự nguy hiểm của Chủ nghĩa Trung Quốc Xã đối với thế giới là như vậy. Và cũng như đối với hiểm họa môi trường, nhân loại hiện không có câu trả lời, chưa nói gì đến nỗ lực chung.
Đối với nhân dân Trung Quốc và HongKong, sự kìm kẹp của con quái vật này còn kinh hơn chủ nghĩa Phát Xít Đức. Ai cũng nhớ đến lời kêu cứu của một cháu sinh viên HongKong: “Chúng nó kiểm soát Internet, chúng nó phun nước có màu, chúng nó nhận dạng tất cả chúng tôi…”. Do vậy tôi tin là cuộc đấu tranh của nhân dân HongKong sẽ lâu dài và còn rất nhiều tổn thất. Nhưng nó không thất bại.
Những cuộc biểu tình, bạo động của sinh viên đã biến HongKong thành một xã hội khác hẳn trước đây 6 tháng. Tất cả 7 triệu người dân đã được chính trị hóa. Dù không ủng hộ gạch đá, bom xăng, dù truyền thông thân chính phủ vu cáo người biểu tình, nhưng đa số nhân dân đã hiểu rằng, bạo lực do chính quyền gây ra hay cố tình gây hấn. Đa số công chức đã không tin vào chính quyền nữa. Đa số doanh nhân trước nay vẫn hưởng lợi từ làm ăn với Đại lục nay cảm thấy cái thòng lọng đang thít lại.
Người dân đã bày tỏ thái độ bằng lá phiếu bầu hội đồng địa phương hôm 24.11 vừa qua. Điều đáng nói là họ có trình độ tổ chức rất cao. Không một cuộc hiệp thương, không một cuộc tranh luận của các đảng phái dân chủ, nhưng việc đưa các ứng cử viên của họ chiếm các ghế hội đồng địa phương xảy ra vô cùng gọn nhẹ, hài hòa. Không ai chửi ai là “Rân chủ cuội”. Phe đối lập manh mún đang liên hiệp lại.
Đây chính là bước ngoặt ngoạn mục nhất từ 1997 đến nay, và xu thế này sẽ không thể đảo ngược được nữa. Cả Tập lẫn Lam đều không tính đến nước này. Người dân đã đi từ lá phiếu bằng chân, bằng dù, bằng bom xăng sang lá phiếu nghị trường và họ đã thắng bàn đầu tiên.
Cho đên nay “Một quốc gia hai chế độ” chỉ có nghĩa là một chế độ độc tài và một chế độ “nhờ nhờ”. Nó nhờ nhờ được vì dân không quan tâm đến chính trị, bầu ai chả được. Giờ thì cái vết nhỏ nhờ nhờ trên bản đồ đó đã vấy máu khiến nó đang chuyển sang trắng và đen. Sự chuyển hóa của xã hội tri thức tới đây sẽ còn rất ngoạn mục.
Nếu dùng dao cắt nó đi thì đồng nghĩa với việc đập nồi cơm của các thế hệ “Hoàng tử đỏ”. Bọn chúng sẽ không tha. Khó phết.
Nhân dân nào cũng chỉ đươc hưởng những gì nó xứng đáng! Hongkong cũng không ngoại lệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.