Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

Nhân vụ Hồ Duy Hải, lại viết về án tử hình

Nhân vụ Hồ Duy Hải, lại viết về án tử hình

5-12-2019
Chưa bao giờ có một bằng chứng nào để tin rằng việc duy trì án tử hình giúp ngăn ngừa tội phạm mới. Do đó, các luận điểm cho rằng tử hình nên tồn tại nếu không sẽ loạn đều là võ đoán. Xã hội có loạn hay không không nằm ở việc có án tử hình, mà nằm ở sự minh bạch và hiệu quả của hệ thống tư pháp, cũng như năng lực của giáo dục.
Những người phản đối và ủng hộ án tử hình có lẽ sẽ chia sẻ được với nhau ở sự bất tín vào hệ thống tư pháp hiện hữu. Người phản đối cho rằng với tình trạng oan sai như hiện nay, tử hình là quá bất nhân và không thể sửa sai (thử tưởng tượng ông Nén, ông Chấn, anh Hải bị thi hành án xem). Người ủng hộ thì lại cho rằng với tình hình… ở tù sang như ở nhà như bây giờ, án tử hình giúp đảm bảo kẻ phạm tội thật sự đền tội (thử tưởng tượng Năm Cam mà còn sống xem). Tuy nhiên, nếu đã xác định được như vậy thì nên tập trung giải quyết vấn đề thật sự là năng lực của hệ thống tư pháp (mà đặc biệt là làm sao để thẩm phán không phải tuyên những án tử hình trái lương tâm theo sức ép của viện kiểm sát và cấp uỷ), chứ không phải duy trì hình phạt mang tính tiện nghi như vậy.
Nhưng, lý do tại sao án tử hình vẫn được ủng hộ mạnh mẽ như vậy, bất chấp việc cái lý lẽ chống lại án tử hình đều rất thuyết phục? Câu trả lời có lẽ nằm ở việc mọi người đã lầm lẫn giữa một việc kết án một ai đó là “đáng chết” với việc thực sự xuống tay kết liễu kẻ ấy. Đồng ý, bản án tử hình là một cách tuyên bố rằng một kẻ nào đó là “đáng chết”, thể hiện sự khinh bỉ của xã hội với một hành vi, và như một cách nói với gia đình nạn nhân rằng nhân dân đứng về phía bạn. Và do đó, sự quan tâm của công chúng cũng mau chóng kết thúc khi bản án tử hình được tuyên. Không ai có sự quan tâm nào quá đặc biệt với tiến trình thi hành án, hay không ai thực sự quá vui mừng khi chứng kiến tội phạm bị thủ tiêu (điều này là đáng mừng bởi nó chứng tỏ chúng ta còn nhân tính).
Nhưng vấn đề là, một kẻ có thể “đáng chết” nhưng không có nghĩa là hành vi thủ tiêu hắn là đạo đức. Một ngày, chúng ta có thể nguyền rủa cả trăm người, nhưng điều đó khác với việc chúng ta sẵn sàng xuống tay với họ. Những người ủng hộ án tử hình cần đặt câu hỏi liệu rằng họ có chấp nhận ít nhất là chứng kiến, hay thậm chí phải tiến hành “công việc dơ bẩn” là tiêu diệt cái sinh linh “đáng chết” kia hay không. Hệ thống tư pháp hiện nay được thiết kế để giúp ve vuốt cảm giác tội lỗi đó bằng cách chuyên nghiệp hoá việc thi hành án tử hình, để xã hội không phải ngửi thấy cảnh tưởng ghê sợ của tử thi. Nhưng điều đó không có nghĩa là về mặt đạo đức xã hội vô can với án tử hình.
Xã hội sẽ dễ dàng chấp nhận rằng nên có một cơ chế nào đó để cùng lên án một kẻ “đáng chết”, nhưng tôi không tin rằng đa số xã hội đó chấp nhận chính bản thân xuống tay thi hành án. Hiểu được như vậy để thấy các cuộc khảo sát về án tử hình cần phải thách thức hơn để cử tri thức tỉnh và nhận ra rằng ta có thể nguyền rủa rất nhiều người, nhưng ta không có quyền nào giết một ai cả. Nó cũng khiến cho những tranh luận về hiệu quả của án tử hình, hay cách thức tử hình như thế nào “nhân văn” nhất trở nên không liên quan nữa. Vốn dĩ, đây không phải là câu chuyện nhân đạo hay hiệu quả, mà là chỉ có Thượng Đế mới có quyền giết một kẻ “đáng chết”, chứ không phải con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.