Nếu sống, Trâm cũng sẽ như Dũng
Diễm Thi
Dũng bị bắt tạm giam vào ngày 21/11/2019, bị áp dụng tội danh "tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam".
Và nếu còn sống, Đặng Thùy Trâm cũng sẽ như Dũng, vỡ mộng hiện thực hậu Pavel
|
.
Khi bị bắt, Dũng vẫn mái tóc thưa, đôi mắt hốp sâu, áo sơ mi bạc phếch đóng thùng, bên trái áo luôn là mảnh giấy và thỉnh thoảng gắn kèm cây bút. Một hình thể giống như là cán bộ cộng sản đầy mẫn cán của cái thời còn chuyên chính vô sản.
Hình tượng đó có thể khiến nhiều người liên tưởng, tháng 11/2019 có thể Dũng không trong vai bị can, mà là lãnh đạo hoặc ít nhất là một nhân viên an ninh trung thành của chế độ. Quả thật, Dũng từng xuất thân từ sĩ quan quân đội, và Dũng cũng từng là an ninh.
Dũng với Lâm (Tô Lâm) hay Vinh (Nguyễn Hữu Vinh) đều giống nhau ở một điểm. Họ từng đắm mình tông mẻ "Thép đã tôi thế đấy!" Mẻ chỉ xuất hiện đúng một lần và 1 lần duy nhất vào thế kỷ XX. Lẽ vậy nên, họ đều là hạt giống đỏ của chế độ mà quy hoạch ngành an ninh luôn ưu ái dành cho con em lão thành cách mạng.
Nhưng khác với Lâm, và giống với Vinh, Dũng nhận ra hiện thực cách mạng không còn như góc nhìn lý tưởng của Pavel Korchagin.
"Anh trước hết là người của đảng"
Sự sụp đổ của chế độ Liên Xô mới chỉ tạo ra bước ngoặt nhận thức cho những người chứng kiến nó. Nhưng Dũng nằm trong nhóm người đó, Dũng vẫn là một Pavel và vẫn thề trung kiên với đảng. Ngọn nguồn của sự thay đổi trong Dũng có thể bắt nguồn từ chiêm nghiệm thực tiễn của một nhà văn, suy tính của một nhà báo, và một trái tim đã biết yêu "em và người thân khác" trước yêu đảng.
Dũng bước ra khỏi đảng, cái đảng mà Dũng từng tuyên thệ phụng sự với lý tưởng cao nhất của mình. Nhưng tuyên bố ra đi của Dũng lại là một quan điểm cách mạng nhân sinh nhất: đã từng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho một đất nước xã hội chủ nghĩa công bằng và bác ái.
Dũng, cũng như Vinh, và hàng trăm con người từng là đảng viên cộng sản vỡ mộng về con đường Pavel. Chết lặng trước sự trần trụi, nhầy nhụa đầy bội phản của cái lý tưởng ấy.
Hiện thực cách mạng bị vỡ toang, nhưng ai là người đau nhất?
Là Trọng (Nguyễn Phú Trọng), Phúc (Nguyễn Xuân Phúc), Ngân (Nguyễn Thị Kim Nhân),...? Không! Điều kỳ lạ nhất của nỗi đau cách mạng lại chính là những người từng là hạt giống đỏ và nay đổi màu. Những người bị chỉ trích là "xa rời lý tưởng cách mạng".
Nhưng lý tưởng cách mạng đó là gì? Tại sao lại phản bội?
Dũng đã nhận ra, thoảng thốt và tuyên bố rời đảng vào năm 2013.
"Đảng Cộng sản đã thất bại, thất bại một cách cố ý và quá cay đắng. Không những không hướng đến tinh thần công bằng và bác ái, làm tròn nghĩa vụ một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, Đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích.
Lời thề trung thành với Đảng Cộng sản của tôi đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận."
Hoá ra, "lý tưởng cách mạng" giờ đây là những tuyên bố đầy tính đạo đức cách mạng là chính, trong khi giá trị cách mạng nhân văn được tuyên truyền thế kỷ trước đã bị bỏ rơi. Đảng thiết lập quyền lực rộng khắp và sợ hãi - ích kỷ tìm kiếm phương cách củng cố quyền lực thay vì kiểm soát quyền lực.
Chính vì vậy, quan điểm của Dũng trở thành tuyên ngôn công khai lẫn thầm lặng của không ít đảng viên đảng cộng sản. Họ nhận ra lý tưởng cách mạng giờ đây đã trở thành phương tiện để dung dưỡng lợi ích nhóm.
Nếu để ý một chút sẽ nhận ra một điều, Dũng là người sử dụng nhiều cụm từ "lợi ích nhóm" trước khi nó trở nên phổ biến trên mặt báo chí truyền thông nhà nước. Bởi Dũng nhận thức chính trị đúng đắn về thứ lực cản dân tộc và cơ chế nảy sinh ra điều đó.
Dũng có tuyên truyền chống nhà nước không? Đừng cố diễn giải luật pháp của nhà nước Việt Nam hiện tại bằng phạm trù "đúng-sai". Thay vào đó, hãy nhìn cách Dũng đối diện với điều đó.
Dũng không sợ hãi, ngòi bút của Dũng vẫn thẳng thắn, sắc lạnh chỉ trích thẳng, châm biếm thẳng những cá nhân và cơ chế mà Dũng cho rằng nó đang "phản bội lại lợi ích nhân dân, đất nước". Cái cách dùng ngữ từ mà blogger Nguyễn Lân Thắng cũng phải thừa nhận rằng, nó rất "căng".
Dũng không sợ, khí chất "không sợ" tù đày từ người bố của Dũng trong thời chiến tranh đã truyền qua anh. Và dù giữa hai bố con vẫn còn nhiều khác biệt, nhưng điểm chung của cả hai vẫn là dám đối diện và dám đương đầu. Khác chăng, ông Ba Hùng là thời chiến và phục vụ cho cách mạng cộng sản, còn Dũng là thời bình và phục vụ cho chính ngòi bút với hơi thở tự do báo chí của mình.
Dũng sinh ra là một hạt giống đỏ, nhưng khác với hạt giống đỏ khác, Dũng đứng về phía những thân phận người nheo nhóc bị tước bỏ quyền lợi và nguồn lực phát triển.
Dũng chống lại "lợi ích nhóm", căm phẫn những thế lực tạo nên "lợi ích nhóm".
Khi Dũng chấp nhận từ bỏ con đường "hạt giống đỏ", Dũng đã chọn cho mình một con đường mà tù đày là hệ quả đương nhiên, trong lúc quyền lực nhà nước vẫn phục tùng cho sự sợ hãi chia sẻ quyền lực.
Thế nhưng, khi Dũng đặt ngòi bút tự do, thì Dũng cũng đồng thời cho thấy "lửa và chất thép đã được tôi luyện ngày nào".
Dũng trở về với đúng nguyên mẫu của Pavel: Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...
Đấu tranh chống lợi ích nhóm, đấu tranh cổ vũ nhân quyền, đấu tranh đòi bằng được cam kết nhân quyền qua lá thư riêng gửi EU,... Dũng đã đặt quyền vị con cháu của cha-ông cách-mạng sang một bên, nỗ lực cho sự nghiệp cao đẹp của đời mình, sự nghiệp thúc đẩy nhân quyền tại một nước mà tuyên ngôn "tự do báo chí, tự do ngôn luận và xã hội dân sự" nghĩa là tù đày.
Dũng cũng có thể là Trâm (Đặng Thuỳ Trâm) ở tinh thần Pavel một thời.
Và nếu còn sống, Trâm cũng sẽ như Dũng, vỡ mộng hiện thực hậu Pavel.
D.T.VNTB gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.