Thứ Năm, 5 tháng 12, 2019

LS Trần Hồng Phong: 'Không loại trừ cạnh tranh chính trị trong vụ Hồ Duy Hải'

LS Trần Hồng Phong: 'Không loại trừ cạnh tranh chính trị trong vụ Hồ Duy Hải'

Không có phản hồi
 
 
 
 
 
 
1 Vote

Mỹ Hằng 
  • 6 giờ trước
Hồ Duy Hải những năm tháng thanh xuân trước khi bị bắt
Hồ Duy Hải những năm tháng thanh xuân trước khi bị bắt
Luật sư của tử tù Hồ Duy Hải, ông Trần Hồng Phong, phân tích lý do vì sao vụ án kéo dài 12 năm rồi thình lình được yêu cầu điều tra lại từ đầu.
Vụ án bắt đầu cách đây 12 năm, qua nhiều lần xét xử, thu hút sự chú ý công luận trong nước và quốc tế, với mẹ của bị cáo nhiều năm đi khắp nơi kêu oan cho con, mãi tới 30/11/2019 mới được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy toàn bộ án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại.
Luật sư Trần Hồng Phong
Vụ án Hồ Duy Hải để kéo dài quá lâu như vậy là không thể chấp nhận được và cũng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam… LS Trần Hồng Phong 
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt qua email hôm 4/11, luật sư Trần Hồng Phong, người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, cho hay:
”Quyết định của VKSNDTC tuy chưa kết luận điều gì, nhưng có thể nói có ý nghĩa mang tính bản lề và chuyển biến sau 12 năm gia đình mòn mỏi kêu oan, tố giác và chờ đợi. Cụ thể là mở ra cơ hội để điều tra lại, và có thể là sẽ truy tố và xét xử lại (nếu cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam vẫn xác định Hồ Duy Hải là nghi phạm gây án). Đây cũng chính là cơ hội để gia đình và các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, hướng đến mục tiêu giải oan, trắng án cho Hải.”
Tôi cho rằng việc vụ án được kháng nghị giám đốc thẩm là sự tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân: trước hết là áp lực từ cộng đồng mạng xã hội, cơ quan báo chí, gia đình Hồ Duy Hải, và các luật sư (qua đơn từ) – mong muốn một sự công bằng, tiệm cận công lý; từ các văn bản lưu ý của các tổ chức quốc tế, Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc. Có người nói với tôi rằng thậm chí có thể từ sự cạnh tranh chính trị của các quan chức cấp cao và tôi không loại trừ khả năng này. Bất luận thế nào, thì việc kháng nghị của VKSNDTC thực sự là một tin vui.
BBC:Báo chí gần đây đưa tin là quá trình xét xử vụ án Hồ Duy Hải có quá nhiều thiếu sót và khúc mắc. Ông nhận định gì về thông tin này?
LS Trần Hồng Phong: Đúng từ mà nói, thì đó là sự “vi phạm” và “sai phạm” một cách cố ý của các cơ quan tiến hành tố tụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án. Nói “thiếu sót” là quá nhẹ và không đúng về bản chất. Bản thân gia đình Hồ Duy Hải và tôi đã gửi đơn tố cáo hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Đây là hành vi có dấu hiệu phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự.
Thực ra thông tin trên báo chí về những sai phạm và vi phạm trong vụ án này đã từng được đăng tải rất nhiều vào thời điểm cuối năm 2014 đầu năm 2015, khi Hồ Duy Hải được tạm hoãn thi hành án tử hình một cách ngoạn mục và may mắn.
Nhưng sau đó sự việc gần như bị “chìm xuồng” khi các cơ quan có thẩm quyền không có động thái nào. Điều này đã thúc đẩy gia đình Hồ Duy Hải và các luật sư phải rất kiên trì và cương quyết trong quá trình kêu oan cho Hồ Duy Hải. Tôi nghĩ rằng với quyết định kháng nghị lần này, báo chí tại Việt Nam chắc chắn sẽ đưa tin và phân tích nhiều về vụ án này một lần nữa. Vài ngày qua tôi đã nhận được khá nhiều câu hỏi, liên hệ của các phóng viên. Gia đình Hồ Duy Hải cũng vậy.
BBC:Việc tiếp theo của cơ quan tố tụng cần làm là gì, theo ông?
LTrần Hồng Phong: Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam, sau khi có kháng nghị giám đốc thẩm, trong thời hạn bốn tháng, Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao sẽ tổ chức một phiên tòa gọi là “phiên tòa giám đốc thẩm” để xem xét các vấn đề và yêu cầu nêu trong quyết định kháng nghị của VKSNDTC.
Hội đồng thẩm phán sẽ xem xét toàn diện vụ án mà không bị hạn chế trong phạm vi nào. Hội đồng thẩm phán sẽ đưa ra quyết định của mình bằng hình thức bỏ phiếu, thể hiện tại một văn bản gọi là Quyết định giám đốc thẩm. Phiên tòa giám đốc thẩm có sự tham gia của đại diện VKSNDTC và cũng có thể họ sẽ mời luật sư bào chữa tham gia.
Hồ Duy Hải trong một phiên tòa
Hồ Duy Hải trong một phiên tòa
Trong Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán giám đốc thẩm, sẽ thể hiện nội dung chấp nhận hoặc không chấm nhận quyết định kháng nghị (yêu cầu) của VKSNDTC. Nếu chấp nhận kháng nghị, tức là sẽ chính thức hủy cả hai bản án (sơ thẩm và phúc thẩm) kết tội đối với Hồ Duy Hải và trả hồ sơ về cho cơ quan điều tra tiến hành điều tra lại, theo hướng khắc phục những sai sót, vi phạm trước đây.
Theo tôi khả năng này cao và trong tình huống này Hồ Duy Hải sẽ lại trở thành một “bị can” chứ không là “tội phạm” như hiện nay nữa.
Trong quá trình điều tra lại, nếu không có đủ căn cứ kết tội Hồ Duy Hải, thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ban hành quyết định đình chỉ vụ án. Tức là Hồ Duy Hải sẽ được tuyên bố là không phạm tội. Còn nếu vẫn kết tội thì Hồ Duy Hải sẽ bị đưa ra xét xử lại, từ sơ thẩm, rồi phúc thẩm.
Nói chung phía trước vẫn còn cả một chặng đường khá dài với nhiều khả năng, tình huống.
BBC:Vậy thì dự tính của gia đình và của luật sư cho những bước pháp lý kế tiếp là gì?
LTrần Hồng Phong: Trước hết là phải chờ kết quả của phiên tòa giám đốc sắp tới. Từ đó mới có những bước đi cụ thể tiếp theo. Nếu Hồ Duy Hải tiếp tục bị truy tố sau khi điều tra lại, thì tôi và các luật sư đồng nghiệp sẽ nghiên cứu hồ sơ theo kết quả điều tra mới để bào chữa cho Hồ Duy Hải tại các phiên tòa xét xử.
Tôi cũng sẵn sàng cho tình huống có thể được mời tham dự phiên tòa giám đốc thẩm. Trong trường hợp này, tôi sẽ trình bày và bảo vệ quan điểm kêu oan (đã nêu trong các lá đơn) cho Hồ Duy Hải.
Cá nhân tôi cũng đã dự liệu các tình huống có thể xảy ra và hướng “ứng phó”. Cụ thể như thế nào thì đây là vấn đề mang tính chiến thuật, linh hoạt và cũng cần bảo mật để bảo đảm sự hiệu quả. Tuy nhiên dù thế nào, thì cũng không ngoài mục tiêu là chứng minh và bảo vệ tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải, chứng minh khả năng Hồ Duy Hải vô tội (tức là đã bị kết án oan). Cố gắng tìm ra hay tiếp cận sự thật khách quan, góp phần tìm ra hung thủ thật sự trong vụ án.
Đối với gia đình Hồ Duy Hải, tôi nghĩ cũng không ngoài lộ trình trên.
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, trong quá trình đi tìm công lý cho con trai
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, trong quá trình đi tìm công lý cho con trai
BBC: Luật sư có thể phác họa một vài kịch bản khả dĩ có thể xẩy ra cho vụ án, từ tốt nhất đến xấu nhất?
LTrần Hồng Phong: Theo tôi, tình huống tốt nhất cho Hồ Duy Hải là TANDTC ra quyết định giám đốc thẩm theo hướng hủy án, điều tra lại như kháng nghị của VKSNDTC. Sau đó trong quá trình điều tra đi đến kết luận là không đủ căn cứ buộc tội Hồ Duy Hải hoặc tìm ra một nghi can khác. CQĐT sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Hồ Duy Hải. Tức là Hồ Duy Hải vô tội và đã bị kết án oan. Cá nhân tôi tin tưởng đây là một khả năng cao, nhất là nếu CQĐT tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội.
Còn trường hợp xấu nhất thì nói thật là tôi không nghĩ tới và cũng không tin sẽ xảy ra. Vì tôi là người đã nghiên cứu rất sâu về hồ sơ này, nên tôi có cơ sở để tin rằng hung thủ thật sự không phải là Hồ Duy Hải, ít nhất là theo kết quả điều tra đến thời điểm hiện nay. Nếu nghĩ xấu đi, tôi đã không cố gắng kêu oan cho Hồ Duy Hải như đã từng trong nhiều năm qua.
BBC: Trong thời gian hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, luật sư có được tiếp xúc đầy đủ với thân chủ để bào chữa, có điều kiện cố vấn tốt nhất cho Hồ Duy Hải không?
LTrần Hồng Phong: Thật đáng ngạc nhiên là tôi và các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải ở giai đoạn kêu oan hiện nay đều không được gặp Hồ Duy Hải trong suốt thời gian qua. Mặc dù đã có đơn đề nghị.
Nói một cách khách quan, thì luật sư bị hạn chế rất nhiều và kém hiệu quả khi không được tiếp xúc, trao đổi với thân chủ. Mặc dù về lý thuyết theo quy định thì đây là quyền của luật sư.
Trên thực tế, các luật sư cũng không được tiếp cận đầy đủ hồ sơ vụ án. Nhiều tài liệu đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Chẳng hạn như nay đọc kháng nghị của VKS tôi mới biết là Hồ Duy Hải có bản khai không nhận tội ngày 20/3/2008 ngay trước khi bị bắt. Lâu nay tôi cứ nghĩ bản khai ngày 21/3/2008 là bản khai đầu tiên của Hồ Duy Hải.
BBC:Mười hai năm là một chặng đường rất dài. Tại sao phải cần một thời gian dài như thế để giải quyết một vụ án bằng đề nghị điều tra lại từ đầy ? Điều này cho thấy gì về ngành tư pháp của Việt Nam?
LTrần Hồng Phong: Đây là một câu hỏi mà tôi muốn chuyển cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan tư pháp của Việt Nam. Tôi chỉ nói ngắn gọn là việc để kéo dài quá lâu như vậy là không thể chấp nhận được và cũng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam về thời gian giải quyết đơn tố giác cũng như vấn đề trách nhiệm và thực thi trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Vụ án Hồ Duy Hải là một điển hình về thực trạng này.
Là một luật sư đã có gần 20 năm hành nghề, tôi thật sự thấy buồn khi nói về thực trạng của ngành tư pháp Việt Nam lúc này. Nói một cách đơn giản là đã không vận hành và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó dẫn đến sự mất niềm tin của người dân vào sự công minh và khách quan của Tòa án, Viện kiểm sát, công an. Thật nguy hiểm khi sự vi phạm pháp luật của không ít cán bộ công chức tư pháp lại nhân danh pháp luật, dẫn đến những hậu quả, oan sai và ảnh hưởng đến uy tín của ngành tư pháp.
BBC:Qua kinh nghiệm thụ lý hồ sơ của Hồ Duy Hải, luật sư rút ra được kinh nghiệm gì trong việc hành nghề luật trong môi trường pháp l‎ý tại Việt Nam?
LTrần Hồng Phong: Kinh nghiệm trong vụ án Hồ Duy Hải là phải nghiên cứu hồ sơ thật sâu, chịu khó xác minh, điều tra một cách độc lập, tự tin. Và phải bền bỉ, kiên cường. Phải có niềm tin vào công lý, vào pháp luật. Luật sư cũng cần có khả năng viết và phân tích pháp lý tốt.
Kinh nghiệm trong hành nghề luật sư theo tôi là không nên thỏa hiệp với cái sai, cái ác. Dù hành nghề luật sư ở Việt Nam rõ ràng có nhiều hạn chế và thực sự nhiều khi rất khó khăn, khắc nghiệt, vai trò của luật sư trong nhiều trường hợp rất “thảm hại”, nhưng tôi nghĩ đã làm nghề thì phải cố gắng thay vì chỉ có than vãn. Nếu làm luật sư mà không có niềm tin, thì làm vì cái gì?

Diễn tiến vụ án Hồ Duy Hải

Luật sư Trần Hồng Phong tóm lược
Thu Thủy (trái, ngoài cùng, em gái Hồ Duy Hải) và bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải) trong quá trình đi tìm công lý cho Hồ Duy Hải
Thu Thủy (trái, ngoài cùng, em gái Hồ Duy Hải) và bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải) trong quá trình đi tìm công lý cho Hồ Duy Hải
Trong đêm ngày 13/1/2008, tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) bị giết hại dã man (cắt cổ) ở khu vực cầu thang phía sau. Tại hiện trường cơ quan điều tra (CQĐT) thu được nhiều dấu vân tay của hung thủ. CQĐT đã triệu tập nhiều nghi can, trong đó có một người tên là Nguyễn Văn Nghị, là người yêu của nạn nhân Hồng. Tuy nhiên sau đó tất cả đều được thả.
Hơn 2 tháng sau, ngày 21/3/2008, Hồ Duy Hải, một thanh niên nhà cách Bưu điện Cầu Voi khoảng 2km bị bắt giữ.
Sau đó Hồ Duy Hải bị truy tố và đưa ra xét xử về hai tội “giết người” và “cướp tài sản”. Cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội giết người.
Theo cáo buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng, Hồ Duy Hải đã dùng dao và thớt có tại Bưu điện để sát hại hai cô gái. Thời gian gây án vào lúc 20h30 tối và nhân chứng Đinh Vũ Thường là người đã nhìn thấy Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện lúc 19h39 (ngay trước khi gây án). Tuy nhiên tại cả hai phiên xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) Hồ Duy Hải đều kêu oan.
Theo các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, trong đó có tôi, cho rằng việc kết tội Hồ Duy Hải tính đến thời điểm hiện nay là không có căn cứ, có thể dẫn đến oan sai và bỏ lọt tội phạm (hung thủ là người khác). Cụ thể các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ qua chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải là kết quả giám định dấu vân tay (kết luận dấu vân tay tại hiện trường không trùng khớp với vân tay của Hồ Duy Hải). Trong khi điều này cho thấy chắc chắn hung thủ hoặc ít nhất tại hiện trường phải có một người khác. Mặt khác dù quy kết Hải dùng dao và thớt sát hại hai nạn nhân, nhưng khi khám nghiệm hiện trường CQĐT không hề thu giữ được tang vật nào như vậy. Mà chỉ sau khi bắt Hải thì cho người ra chợ mua dao và thớt để “minh họa” cho “hành vi phạm tội” của Hải. Ngoài ra còn rất nhiều điểm vô lý và mâu thuẫn khác, cũng như có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Sau khi bị tuyên án tử hình, trong tù Hải kêu oan, ở ngoài thì mẹ Hải là bà Nguyễn Thị Loan chạy nhờ luật sư làm đơn, kêu oan cho con mình. Trong giai đoạn này có ba luật sư chính là Nguyễn Văn Đạt (cũng là người bào chữa cho Hải tại các phiên xét xử trước đây), tôi và luật sư Trần Văn Tạo (nguyên Phó giám đốc công an TP.HCM).
Bản thân tôi trong quá trình này đã trực tiếp đi xác minh và gặp nhiều nhân chứng, trong đó có anh Đinh Vũ Thường là người mà CQĐT cho rằng đã nhìn thấy Hồ Duy Hải tại Bưu điện. Anh Thường khẳng định mình chỉ nhìn thấy một thanh niên và không thể nhận dạng. Điều này chứng tỏ CQĐT đã bịa đặt ra tình tiết anh Thường nhìn thấy Hồ Duy Hải. Tôi cũng nhận thấy rất bất thường khi toàn bộ những thông tin về đối tượng Nguyễn Văn Nghị đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án, chỉ còn đúng một chữ ‘Nghị” trong một bản cung. Trong khi đây là nhân vật từng bị xem là nghi can hàng đầu, báo chí đăng rất chi tiết khi vụ án vừa xảy ra.
Theo đó, tôi đã hỗ trợ gia đình Hồ Duy Hải lần lượt làm các đơn đề nghị giám đốc thẩm (từ năm 2011), đơn tố giác đối tượng Nguyễn Văn Nghị (từ năm 2015) và tố cáo làm sai lệch hồ sơ vụ án (từ năm 2017) gửi đến Tòa án nhân dân tối cao và VKSNDTC, đề nghị giám đốc thẩm, kêu oan cho Hồ Duy Hải. (Ghi chú: để tránh hiểu sai, ngoài tôi, còn có luật sư Nguyễn Văn Đạt cũng làm đơn đề nghị giám đốc thẩm; và có thể có luật sư nào khác nữa mà tôi không biết).
Cuối năm 2014, Hồ Duy Hải đã suýt nữa thì bị thi hành án tử hình.
Sau gần 12 năm kiên trì gửi đơn kêu oan cho con, cuối cùng ngày 22/11/2019 VKSNDTC đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Nội dung phân tích lý do dẫn đến kháng nghị giám đốc thẩm hầu như trùng khớp với những phân tích và kiến nghị của các luật sư.
Như vậy, vấn đề pháp lý then chốt trong vụ án này là để kết tội được Hồ Duy Hải, phía CQĐT sắp tới đây là giải quyết được những mâu thuẫn nói trên hoặc tìm ra chứng cứ mới chứng minh Hồ Duy Hải hay một ai khác là thủ phạm thật sự. Vì đây là một vụ án giết người nên phải có hung thủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.