Hồ sơ tử tù Hồ Duy Hải – Kỳ 8: Thân nhân tử tù cũng “lên bờ xuống ruộng”
Hùng Hoàng
7-12-2019
Tiếp theo Kỳ 1: Người thoát án tử “phút 89” — Kỳ 2: Chứng cứ ngụy tạo, hung khí đi mua — Kỳ 3: Lúc nhận tội, lúc kêu oan (!?) — Kỳ 4: Muôn cách bôi bẩn nhân thân — Kỳ 5: Chỉ cần lời nhận tội, không cần nhân chứng — Kỳ 6: Bốn cán bộ đột tử và tin nhắn kinh hoàng — Kỳ 6: Gõ cửa, van xin, chờ đợi,… trước cổng trại giam
Như đã thông tin ở Kỳ 7, do quá bức xúc vì không được thăm nuôi Hồ Duy Hải, một số người thân trong gia đình đã kêu khóc, 2 dì của Hải đã cởi áo phản đối, xin gặp mặt (vì sợ Hải đã chết), nhưng không được giải quyết. Từ đó, những người thân của Hải liên tục bị mời làm việc từ nhiều cơ quan khác nhau, dẫn đến nhiều hậu quả khác nhau.
Hành động đáng tiếc của 2 bà dì của Hải là cởi áo viết chữ lên lưng, kêu xin được gặp Hải, dù đó là mong muốn cùng cực của những người mẹ, người dì trong hoàn cảnh túng cùng. Hành vi thứ 2 của họ là cố ở lại trại tạm giam đến chiều cùng ngày cũng với hy vọng mong manh là được thấy mặt Hồ Duy Hải. Cuối cùng khi bà Trưởng Ban Dân vận huyện Thủ Thừa đến động viên, và giám thị trại khẳng định Hải vẫn còn sống và khỏe mạnh, lý do không được gặp chỉ là do các cơ quan tố tụng tối cao đang xem xét lại vụ án thì họ chấp nhận ra về…
1. Ngất xỉu cũng bị kết tội gây rối?
Những tưởng sự thất vọng, đau khổ của gia đình Hải sẽ dừng lại ở đó. Nhưng không, đó chỉ mới là khúc dạo đầu. Từ sau sự kiện này, những người tham gia chuyến đi thăm bất thành ấy đều gặp rất nhiều áp lực. Đầu tiên là cả 7 người đều bị cảnh sát điều tra huyện nhiều lần mời lên làm việc lấy lời khai và sau đó là nhận quyết định xử phạt hành chánh về hành vi gây rối 300.000đ/người.
Trong đó đáng nói nhất là người cậu thứ Tư của Hồ Duy Hải. Ông này đã hiến cho con 1 quả thận, thể lực rất yếu, gầy trơ xương, lại bị bệnh tim. Vì thương cháu, nên ông cố gắng đi thăm. Khi vào trại, nghe tin không được gặp mặt, ông chỉ nói được mỗi một câu: “Không gặp được Hải hả?”, rồi ngất xỉu, được đưa ra nằm nghỉ rồi sau đó đưa về nhà. Thế nhưng ông cũng bị triệu tập nhiều lần và cũng bị phạt vi phạm hành chánh. Phải chăng việc ngất xỉu của ông cũng là hành vi gây rối?
Có luật sư còn nhận định, quyết định phạt hành chánh mỗi người 300.000đ là không lớn. Nhưng về pháp lý, nó dọn đường cho việc khởi tố hình sự có thể xảy ra!
2. Phải xin nghỉ việc lùi ngày vì thăm anh tử tù!
Hồ Thị Thu Thủy, em của Hồ Duy Hải (SN 1991), vừa được ký hợp đồng lao động làm nhân viên Phòng Tài chính kế toán (Trung Tâm Y tế huyện Thủ Thừa) hồi tháng 11/2014. Thủy cùng đi theo mẹ thăm Hải vào ngày 30/12. Sau khi gia đình có biểu hiện bức xúc tại trại tạm giam, bà Lê Thị Bảy, Trưởng Phòng Tài chính kế toán có đến trại tạm giam, gọi Thủy về cơ quan. Nhưng em không thể về vì không thể bỏ mẹ ở lại trại giam.
Qua tiếp xúc, chúng tôi nhiều lần chứng kiến mỗi khi nhắc đến Hồ Duy Hải là bà Loan uất nghẹn và ngất xỉu. Việc Thủy ở lại chăm sóc mẹ cũng như mong muốn được gặp anh trai là nguyện vọng chính đáng của người con, người em. Thế nhưng, qua ngày hôm sau, Thủy lại được nhận điện thoại của bà Bảy hỏi thăm: “Em có muốn tiếp tục làm việc nữa hay không?”. Thủy đã khẳng khái trả lời là em đang đau yếu, và em không thể bỏ mẹ và anh mình.
Bà Bảy đã gợi ý Thủy làm đơn xin nghĩ việc và ghi lùi ngày lại từ ngày 29/12. Lý do ghi lùi ngày được bà Bảy giải thích là để tránh bất lợi cho cả đôi bên, không ảnh hưởng tới cơ quan và thuận lợi cho Thủy khi xin việc mới sau này.
Thủy đã khẳng khái làm đơn theo yêu cầu này, thực tế hôm đó là ngày 31/12 nhưng Thủy vẫn ghi trong đơn là ngày 29/12. Và Thủy phải ghi rõ lý do là: “Phải ở nhà phụ giúp gia đình, đi kêu oan cho anh Hai của tôi”.
Đơn lập tức được lãnh đạo bút phê đồng ý, và ghi lùi ngày: 30/12.
3. Chiến sĩ thi đua bị kiểm điểm lên bờ xuống ruộng
Việc xử lý Thủy khá nhẹ nhàng, nhưng với bà Nguyễn Thị Len, dì út Hồ Duy Hải thì việc kiểm điểm xử lý còn nặng hơn nhiều. Bà Len là giáo viên mầm non từ năm 1993, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và đạt nhiều danh hiệu khen thưởng khác trong đó có huy hiệu vì sự nghiệp giáo dục, bà được kết nạp đảng vào năm 2005.
Sau lần thăm Hải bất thành, bà Len đã được Đảng ủy xã Nhị Thành ra quyết định số 78/QĐ/ĐU kiểm tra và thành lập 1 tổ kiểm tra 4 người, do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã làm tổ trưởng. Tổ kiểm tra đã có cả kế hoạch “hậu” kiểm tra thời gian hoạt động từ năm 2008 đến nay, thời điểm từ ngày 9/1/2015 đến ngày 29/1/2015.
Tổ kiểm tra cũng lập sẵn cho bà Len 1 đề cương báo cáo giải trình gồm 4 nội dung, trong đó có nội dung: “Là Đảng viên, sống với anh chị em họ hàng bình thường phải quan tâm mật thiết với nhau, sống gắn bó mật thiết với nhau, nhưng khi xảy ra trường hợp Hồ Duy Hải bị cơ quan pháp luật bắt, xét xử, nhận thức của mình về mặt pháp luật với trường hợp này như thế nào? Diễn biến việc làm của đồng chí với gia đình từ ngày TAND tỉnh xét xử Hồ Duy Hải đến ngày 31/12/2014?”.
Bà Len đã giải trình chi tiết là nhận thức của bà đây là vụ án oan, các cơ quan tố tụng có nhiều sai sót, bỏ qua chứng cứ ngoại phạm của Hải là dấu vân tay, các chứng cứ buộc tội là gán ghép, con dao cái thớt đi mua, tro thu từ đống rác nhà của bà… Bà cũng khẳng định là ngày đi thăm Hải do quá bức xúc khi cán bộ không cho gặp mặt, không giải thích lý do cũng không trả lời Hải còn sống hay không nên bà đã có phản ứng đáng tiếc và ở lại trại giam đến chiều hy vọng được cho gặp Hải…
Tổ kiểm tra và Đảng ủy xã đã làm việc với bà Len 6 lần và cuối cùng, Đảng ủy ra bản kết luận dài 2 trang giấy A4, chủ yếu liệt kê những hành vi của bà Len trong ngày đi thăm Hải và yêu cầu chi bộ cơ sở kỷ luật bà Len!
Bức xúc trước cách hành xử này, bà Len đã làm đơn xin ra khỏi Đảng và không tham gia các sinh hoạt Đảng.
4. Thương tử tù cũng là có “tội”
Một cô giáo mầm non khác là bạn học với Hồ Thị Thu Thủy từ hồi học cấp 2 và quen biết thân thiết với Hải như 1 người anh. Nhiều năm sau đó, Hải lên Sài Gòn học, cô giáo cũng lên cấp 3 rồi học sư phạm nên ít khi gặp mặt nhưng qua ký ức ngày xưa, cô tin rằng Hải không phạm tội nên thường cùng gia đình đi thăm Hải. Ngày 30/12, cô cũng có mặt trong đoàn đi thăm.
Việc đi thăm hay thậm chí yêu thương 1 tử tù, xuất phát từ trái tim chân thành của con người! Đó là tình cảm vượt trên mức nhân đạo bình thường rất đáng quý, đáng trân trọng. Thế nhưng, tuy không làm gì vi phạm nhưng cô cũng bị kiểm điểm tới lui vì sao lại đi thương, đi thăm tử tù? Cô đang được xếp vào diện kết nạp Đảng nhưng đã bị ngưng lại vì khuyết điểm này.
Phạm nhân, dù là phạm nhân tử hình, họ bị pháp luật tước đi một số quyền, thậm chí là tính mạng để đền trả những vi phạm họ đã gây ra nhưng không có nghĩa là bị tước đi tất cả tình thương yêu của gia đình, người thân. Ngược lại người thân của phạm nhân càng không có tội, họ cũng được quyền gặp người thân của họ. Luật pháp vẫn quy định cho tử tù được gặp người thân mỗi tháng một lần. Ở nhiều nước còn cho phép tử tù được hưởng các sinh hoạt nghi lễ tôn giáo của họ.
Riêng với Hồ Duy Hải, bị mang án tử với 1 hồ sơ tố tụng có quá nhiều sai sót, bằng chứng buộc tội hết sức mơ hồ nếu không nói là không có bằng chứng nào và trong tình trạng đang được các cơ quan tố tụng tối cao xem xét,… lẽ ra cần được đối xử nhân đạo hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.