Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

Hồ sơ tử tù Hồ Duy Hải – Kỳ 7: Gõ cửa, van xin, chờ đợi,… trước cổng trại giam

Hồ sơ tử tù Hồ Duy Hải – Kỳ 7: Gõ cửa, van xin, chờ đợi,… trước cổng trại giam

Hùng Hoàng
7-12-2019
Mẹ và bà ngoại Hải ngóng trông Hồ Duy Hải từng ngày. Ảnh: Ngân Nga
Thêm một lần nữa, mẹ, em gái, 2 người dì của Hồ Duy Hải, tất tả đi đến trại giam thăm nuôi tử tù Hải trong trạng thái khấp khởi hy vọng, để rồi lại thất vọng. Như một con quay, họ đi từ Trại Tạm giam, Viện Kiểm sát tỉnh, Công an tỉnh Long An, quay về trại tạm giam, gõ cửa, van xin, chờ đợi… Lý do giải thích của cơ quan chức năng càng làm họ băn khoăn: Do Hải đang được các cơ quan chức năng xem xét nên không thể cho tiếp xúc.
Tôi đã gặp 4 người phụ nữ với gương mặt thất thần vào sáng 30/01/2015 đó, tại quán nước đối diện Trại Tạm giam Công an tỉnh Long An. Họ vừa bị Giám thị Trại Tạm giam Hồ Văn Phước, từ chối cho gặp Hồ Duy Hải theo lịch thăm nuôi hàng tháng và đây là lần thứ 3 liên tiếp bị từ chối. 4 người phụ nữ cùng đau đáu chung một nỗi lo ấy là bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hải; Hồ Thị Thu Thủy, em của Hải; 2 người dì là bà Rưởi và bà Len.
1. Được quyền bắt, xử, thi hành án nhưng không ai có thẩm quyền cho thăm!
Ông Phước trả lời lý do không được gặp Hải là: “Tôi chỉ có quyền giam giữ! Nếu các cơ quan tố tụng gồm Tòa án, Viện kiểm sát và Công an tỉnh Long An cho gặp thì tôi sẵn sàng mở cửa cho gặp. Còn trả lời vụ việc đang xem xét lại thì tôi phải chịu”. Quá bức xúc, quá hoang mang trước tình mạng người thân như chỉ mành treo chuông, người thân của Hải hỏi tiếp: “Vậy ông trả lời cho chúng tôi biết chính xác là cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết vụ này? Bên tòa án đã trả lời với gia đình tôi là họ không có thẩm quyền giải quyết vụ việc này họ nói bên trại giam các ông mới có thẩm quyền?”. Ông Phước nói: “ Viện Kiểm sát và Công an tỉnh Long An mới có thẩm quyền?”
Họ lại tất tả chạy xe ngược về TP. Tân An, đến Viện Kiểm sát tỉnh Long An và được gặp ông Trần Thiện Thức, cán bộ tiếp dân. Ông này trả lời: “Vụ việc này do Trung ương đang thụ lý, còn thẩm quyền có cho thăm gặp hay không thì bên trại mới có quyền.”
Như vậy “quả bóng” thăm nuôi đã được đá trả lại cho trại tạm giam. Vẫn nuôi hy vọng, họ tiếp tục đến Công an tỉnh Long An kêu xin và gặp cán bộ tiếp dân là ông Trần Văn Khuyển. Ông bảo gia đình chờ ông xin ý kiến cấp trên. Một lúc sau ông trả lời: “Thời điểm này Trung ương đang kiểm tra, không thể gặp được, chỉ được gửi quà. Khi nào đoàn Trung ương kết thúc xong, cơ quan có thẩm quyền mới cho gặp.”
Cuối cùng, họ quay trở lại gặp ông Phước. Ông Phước giải thích khác hơn rằng: “Phải gặp người có thẩm quyền (thủ trưởng cơ quan) bên tòa án thì gặp ông Hùng, bên viện kiểm sát gặp ông Sang và ông Nghiệp, bên công an tỉnh gặp ông Châu, thì mới trả lời được. Cơ quan liên ngành của tỉnh Long An và các ngành liên ngành của Bộ và Ban Nội chính Trung ương đã làm việc ở đây rồi. Thống nhất trong thời gian xem xét lại vụ việc này thì chưa đồng ý cho gặp. Khi nào có kết luận của liên ngành Trung ương và Ban Nội chính Trung ương thì mới cho gặp.”
Trước đó, gia đình và 3 luật sư Trần Văn Tạo, Trần Hồng Phong, Nguyễn Văn Đạt đã có đơn gởi đến các cơ quan tố tụng Trung ương và tỉnh Long An, Giám thị Trại Tạm giam Long An để xin gặp Hồ Duy Hải. Chánh án Tòa án tỉnh Long An đã có văn bản trả lời là việc này không thuộc thẩm quyền của Tòa án tỉnh!
2. Vì sao đang được xem xét lại vụ án thì không được đi thăm?
Ngay sau đó, các phóng viên nhiều tờ báo đã vào trại tạm giam, đăng ký gặp ban giám thị, cũng đều bị từ chối: “Đã đi công tác, không có ai ở nhà”. Đăng ký xin gặp trực ban thì được trả lời là đang bận công việc sắp xếp cho người thăm nuôi…
Về việc Hồ Duy Hải không được gặp người thân, chúng tôi có 2 điều băn khoăn về cách hành xử của các cơ quan tố tụng:
Thứ nhất, thẩm quyền cho phép thăm nuôi Hải thuộc về ai? Vì sao 3 cơ quan tố tụng và trại giam cứ đổ cho nhau để người thân Hải phải chạy như “đèn cù”, để rồi thất vọng. Thắc mắc lại càng thêm thắc mắc, lo lắng lại càng thêm lo lắng?
Thứ hai, cách giải thích cho rằng trong khi các cơ quan Trung ương đang xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải thì không đồng ý cho gặp, càng làm công luận băn khoăn hơn. Theo luật hiện hành thì bị can, bị cáo, bị án dù là bị án tử hình đều được thăm nuôi mỗi tháng một lần. Bộ Công an đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự thảo Luật Tạm giam, tạm giử, theo tinh thần dự luật này. Và nội dung mới nhất, quan trọng nhất, nhằm bảo đảm hạn chế oan sai và thể hiện sự nhân đạo là: người bị tạm giam, tạm giữ cũng được người thân thăm nuôi tối thiểu mỗi tháng một lần như là 1 quyền đương nhiên. Luật sư được quyền tiếp xúc với người bị tạm giam tạm giữ!
Với Hồ Duy Hải, 1 bị án được nghi là bị oan thuộc vào đối tượng nào, thuộc diện gì mà phải chịu sự quản lý nghiệt ngã đến như vậy?
Thiết nghĩ, việc các cơ quan tố tụng Trung ương xem xét lại vụ án là chỉ xem xét trên hồ sơ, quá trình tố tụng chứ không phải là giai đoạn điều tra theo thủ tục tố tụng quay lại giai đoạn ban đầu. Việc cho Hải gặp thân nhân dưới sự giám sát nghiêm ngặt của cán bộ trại giam theo quy chế thăm nuôi của tử tù (chân bị cùm, có ít nhất 3 cán bộ giám sát…) liệu có ảnh hưởng gì tiêu cực đến việc xem xét của các cơ quan? Hơn thế nữa, đâu riêng trường hợp Hồ Duy Hải được xem xét, các trường hợp khác như Nguyễn Thanh Chấn, Nguyễn Văn Chưởng đang được xem xét đều được gặp người thân, thậm chí Chưởng còn gởi về cho gia đình tấm áo thêu bài thơ kêu oan nữa kia mà?
Ai cũng có người thân, ai cũng có một trái tim để đau xót cho số phận tính mệnh người thân của mình nhất là trái tim người mẹ. Pháp luật phải nghiêm minh, công bằng nhưng cũng phải thể hiện lương tri, nhân đạo. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị các cơ quan có trách nhiệm lưu tâm đến điều đau đớn, bức xúc này.
*** Luật sư Nguyễn Văn Đạt: “Việc cơ quan Trung ương xem xét không thể là lý do không được gặp người thân!”
Việc các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Trại giam Công an tỉnh Long An đẩy qua đẩy lại không cho gia đình tử tù Hồ Duy Hải thăm gặp Hải theo định kỳ hàng tháng là không phù hợp pháp luật!
Theo qui định tại Điều 57, Luật Thi hành án hình sự: “Chế độ quản lý giam giữ, ăn, ở, mặc, sinh hoạt, gửi và nhận thư, nhận đồ vật, tiền mặt, gặp thân nhân, chăm sóc y tế đối với người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về tạm giam”.
Theo Khoản 2, Điều 22, Qui chế Tạm giữ- tạm giam (ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐCP của Chính phủ) thì “Người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam quyết định thời gian gặp nhưng không quá 1 giờ mỗi lần gặp. Nhà tạm giữ, trại tạm giam phải bố trí buồng thăm gặp trong khu vực quản lý của mình để người bị tạm giữ, tạm giam gặp thân nhân trong trường hợp họ được phép. Luật sư hoặc người bào chữa khác được gặp người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tại buồng làm việc của nhà tạm giữ, trại tạm giam…”.
Như vậy, trong trường hợp cụ thể của Hồ Duy Hải, theo các qui định kể trên, việc giải quyết cho gặp luật sư, thăm gặp thân nhân thuộc thẩm quyền Tòa án tỉnh Long An, nơi đang thụ lý hồ sơ của Hải.
Việc các cơ quan Trung ương, Ban Nội chính… “đang xem xét…” không thể là lý do từ chối cho Hồ Duy Hải thăm gặp gia đình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.