Thứ Năm, 5 tháng 12, 2019

Hai tổ chức kêu gọi Quốc hội Châu Âu hoãn phê chuẩn Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam

Hai tổ chức kêu gọi Quốc hội Châu Âu hoãn phê chuẩn Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam

Việt Nam thời báo
Ngày 3 tháng 12 năm 2019, tại Brussels, Bỉ, Hội nghị “Nhân quyền và Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam” tổ chức tại Quốc hội Châu Âu dưới sự chủ trì của Dân biểu Quốc hội Châu Âu Julie Ward (S&D in EP, Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ), hai tổ chức là Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR - Vietnam Communitee on Human Rights) và Tổ chức Đoàn kết Thiên Chúa Giáo Toàn cầu (CSW- Chsistian Solidarity Worldwide) đã kêu gọi Quốc hội Châu Âu hoãn phê chuẩn Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam (EVFTA) chừng nào Việt Nam chưa thực hiện những bước cụ thể tôn trọng nhân quyền cho nhân dân họ.
Đặc biệt tại cuộc Hội nghị này, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) đã công bố Thông điệp bằng Video mà ông Phạm Chí Dũng chuẩn bị cho Hội nghị. Ông Dũng là cựu đảng viên Cộng sản, nhà báo độc lập và gương mặt sáng chói của giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Ông gửi Thông điệp video này từ Sài gòn sang Paris cho tổ chức VCHR ngày 21 tháng 11 vừa qua. Hai ngày sau ông bị bắt.
Hội nghị “Nhân quyền và Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam”, được tổ chức vào thời điểm quyết định cho các cuộc thương thảo Hiệp ước EVFTA, một hiệp ước quy mô lớn chưa hề được ký kết giữa Liên Âu với một quốc gia đang phát triển. Cũng vào ngày này, Phân ban Nhân quyền của Quốc hội Châu Âu họp bàn với sự tham dự của các vị Dân biểu đại diện các nhóm chính trị để thảo luận ý kiến trước khi bỏ phiếu phê chuẩn vào đầu năm 2020.
Hiệp ước đã được ký tại Hà Nội hồi tháng 6 vừa qua, nhưng EVFTA và IPA cần được Quốc hội Châu Âu phê chuẩn mới có hiệu lực. Nhân danh Phó Chủ tịch VCHR, bà Penelope Faulkner, phát biểu tại Hội nghị trước các vị Dân biểu rằng “Hiệp ước EVFTA nghe như một câu chuyện cũ rích”. Hơn hai thập niên quan hệ Liên Âu-Việt Nam, Hiệp ước đầu tiên ký năm 1995, rồi Hiệp ước Hợp tác và Đối tác ký năm 2012, Hội đồng Châu Âu đã cố công che giấu các vi phạm nhân quyền khủng khiếp của Hà Nội, đồng thời nhấn mạnh luận điệu cho rằng phải ký Hiệp ước mới dễ gây sức ép cho việc thay đổi chính sách nhân quyền!
Bà Penelope Faulkner nói tiếp: “Với việc ký kết Hiệp ước đầu tiên năm 1995, chúng tôi mang niềm hy vọng. Đến Hiệp ước thứ hai ký năm 2012, chúng tôi bắt đầu nghi ngờ. Nhưng với Hiệp ước EVFTA năm nay, thì chúng tôi không để cho mình bị lừa nữa!”. Bà Phó Chủ tịch VCHR cảnh báo Liên Âu chớ nóng vội kết thúc Hiệp ước EVFTA trước bối cảnh cuộc đàn áp chính trị tại Việt Nam. Sách nhiễu, bạo hành và bắt bớ các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, tín đồ tôn giáo, các bloggers và nhà báo gia tăng, những án tù giáng xuống họ 15 tới 20 năm vì tội vi phạm “an ninh quốc gia”.
Cùng lúc, Việt Nam thông qua hàng loạt bộ luật như Luật Hình sự, Luật Tôn giáo Tín ngưỡng, Luật Báo chí, Luật An ninh Mạng, Luật Tiếp cận Thông tin, v.v… nhằm phạm tội hoá các hành xử nhân quyền của người dân.
“VCHR và các tổ chức Phi chính phủ đồng sự không ngừng thông báo và cung cấp những hồ sơ vi phạm nhân quyền đến các kỳ Đối thoại Nhân quyền Liên Âu-Việt Nam. Liên Âu không thể chối cãi rằng họ chẳng hề nghe hay biết. Các vị Dân biểu sẽ phản bội những giá trị cốt lõi của dân chủ và nhân quyền khi phê chuẩn EVFTA mà chẳng thấy chút tín hiệu le lói nhân quyền nào đến từ Hà Nội”, bà Faulkner nhấn mạnh.
Trong bản Thông điệp video của ông Phạm Chí Dũng được trình chiếu tại Hội nghị, ông nhận xét rằng hai hiệp ước EVFTA và IPA chỉ làm cho Liên Âu bị thiệt hại vì phải nhập siêu hằng năm từ Việt Nam 20 đến 25 triệu Mỹ kim. Ông Dũng đánh giá 8 cuộc Đối thoại Nhân quyền Liên Âu-Việt Nam trong các năm qua chẳng có tác dụng gì, 95% những khuyến nghị cải thiện nhân quyền của Liên Âu đã bị Việt Nam bỏ qua. Ông Dũng bác bỏ sự khoa trương của Hà Nội về bước tích cực cho phép thiết lập Công đoàn tự do trong Bộ Luật Lao động mới. Ông Phạm Chí Dũng nói: “Từ ngữ “Công đoàn Độc lập” không hiện hữu trong Bộ Luật Lao động sửa đổi và Luật Công đoàn. Trong quan điểm của Hà Nội, Công đoàn Độc lập bị xem là ‘phản động’ và khiến họ lo sợ nhất, vì Việt Nam luôn so sánh đồng dạng Công đoàn Độc lập với Công đoàn Solidarnosc có hành động ‘lật đổ chính quyền’ Ba Lan năm 1989”. Hà Nội chỉ hứa sẽ xét lại vào năm 2023 hay 2025 để phê chuẩn Công ước 87 về tự do thành lập Công đoàn Độc lập và Công ước 105 về chống cưỡng bức lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế. Nhưng đây chỉ là “trò bịp” để kéo giờ, và làm nản lòng Liên Âu cũng như Tổ chức Lao động Quốc tế.
Ông Dũng khẳng định: “Chẳng có một thông báo chi tiết nào về thời gian phê chuẩn cũng như cam kết nào Hà Nội sẽ thực hiện”. Ông Phạm Chí Dũng kết thúc bức thông điệp bằng lời kêu gọi Quốc hội Châu Âu hoãn phê chuẩn hai hiệp ước EVFTA và IPA “cho đến khi nào chế độ Việt Nam chịu cam kết thực thi nhân quyền”, với sự cảnh báo rằng Hiệp ước mậu dịch như hiện nay sẽ không bao giờ chấm dứt được các cuộc đàn áp bất bao dung của Hà Nội. “Chế độ bắt bỏ tù ngày càng nhiều những nhà bất đồng chính kiến ngay sau khi Liên Âu phê chuẩn EVFTA và IPA. Những nhà bất đồng chính kiến nổi danh nào chống EVFTA vì lý do Việt Nam không tôn trọng nhân quyền cũng như những ai đứng lên chống Trung quốc xâm phạm lãnh hải sẽ phải nhận những án tù nặng nề”.
Bức Thông điệp đắng cay của Phạm Chí Dũng là lời tiên báo cho chính số phận ông. Ngày 10 tháng 11/2019, ông Dũng gửi bản Kiến nghị đến Liên Âu nói lên mối quan tâm của ông, rồi ngày 19 tháng 11 ông gửi bức Thông điệp video sang Cơ sở Quê Mẹ : Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) để công bố tại Hội nghị tổ chức ngày 3-12-2019. Hai ngày sau tại Sài Gòn, công an đến tận nhà bắt ông. Ông bi gán tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” chiếu Điều 117 trong Bộ Luật Hình sự, là tội mà án xử có thể lên tới 20 năm tù giam.
Tại Hội nghị, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) cũng cho biết ngày 29 tháng 11 vừa qua, hai tổ chức đã nạp đơn lên Thanh tra Liên Âu (Ombudsman) kiện Uỷ hội Châu Âu sai phạm việc quản lý nhân quyền khi kết thúc Hiệp ước Tự do Mậu dịch (EVFTA) và Hiệp định Bảo vệ Đầu tư (IPA) với Việt Nam, mà không tác động ưu tiên cho nhân quyền, lại thất bại đưa vào Hiệp ước các cơ cấu kiểm soát nhân quyền, mặc dù Quốc hội Châu Âu đã ra Quyết Nghị năm 2018 tố cáo mạnh mẽ các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Bà Gaelle Duspulchre, đại diện FIDH tại Liên Âu, tuyên bố : “Liên Âu phải tức khắc thiết lập cơ cấu thu nhận khiếu kiện của người bị vi phạm nhân quyền để Hiệp ước có tác dụng theo dõi nhân quyền, người dân được bồi thường, và được bảo đảm không bị tái hồi áp bức”.
Đây là lần thứ hai, VCHR và FIDH nộp đơn kiện lên Thanh tra Liên Âu. Lần đầu tiên năm 2014, hai tổ chức tố cáo Uỷ hội Châu Âu từ khước ưu tiên tác động nhân quyền của Việt Nam khi ký kết Hiệp ước Tự do mậu dịch. Kết quả thành công hai năm sau, năm 2016, Bà Thanh tra Liên Âu Emily O’Reilly đã đưa ra phán quyết rằng sự thiếu vắng tác động nhân quyền của Ủy hội Châu Âu tạo ra sự quản lý tồi tệ trong việc ký kết Hiệp ước. Bà tuyên bố : “Tác động nhân quyền phải được thực hiện trước, nó là công cụ phê phán phòng ngừa; nó giúp cho sự lường trước và tránh khỏi mọi hậu quả tiêu cực của hiệp ước dự trù. (…) “Tuy nhiên, tôi chẳng được thuyết phục chút nào về cung cách có thể chấp thuận cho loại tiếp cận này của Uỷ hội Châu Âu”.
VNTB gửi BVN
Nguồn: https://queme.org/vi/vchr-va-csw-keu-goi-quoc-hoi-chau-au-evfta/?v=d3dcf429c679

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.