GIAN DỐI TRONG Y TẾ: TỘI ÁC ĐỐI VỚI BỆNH NHÂN
Một bệnh nhân đang được lấy máu làm xét nghiệm tại một trung tâm y tế ở Hà Nội.
Gian dối trong y tế:
Tội ác đối với bệnh nhân!
Diễm Thi,
RFA 2019-12-17
Gian dối
Ngày 9 tháng 12 năm 2019, VTV24 đăng một phóng sự điều tra về gian lận kết quả, bớt xén vật tư y tế tại Bệnh viện Đa khoa Saint Paul Hà Nội lên sóng truyền hình. Phóng sự cho thấy nhân viên y tế cắt đôi que thử HIV nhanh, viêm gan B trước khi tiến hành xét nghiệm cho bệnh nhân. Phóng sự này lập tức gây phẫn nộ trong dư luận.
Ngay trong chiều 9 tháng 12, lãnh đạo bệnh viện này đã đình chỉ 3 nhân viên có liên quan trong vụ việc gồm ThS. BS Chu Thị Loan, Phó phụ trách khoa Vi sinh y học; bà Trần Thanh Lam, cử nhân xét nghiệm, kỹ thuật viên trưởng khoa Vi sinh y học và bà Phạm Thị Thùy Linh, cử nhân xét nghiệm y học, lao động hợp đồng công tác tại khoa Vi sinh y học.
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội hôm 17 tháng 12 chính thức thông tin ban đầu về vụ việc cắt đôi que thử nhanh HIV tại Bệnh viện Đa khoa Saint Paul, Hà Nội. Theo đó, bệnh viện này không mua loại test này. Bà Chu Thị Loan nhận và chỉ đạo nhân viên trong khoa nhận test của Công ty Lục Tỉnh có địa chỉ tại Hà Nội và thực hiện mà không báo cáo việc này với bệnh viện.
PGS-BS Nguyễn Thanh Bảo, khoa Vi sinh Y học Trường Đại học Y dược TP. HCM lên tiếng về việc này:
“Họ làm như vậy là sai rồi. Khi mà cắt đôi que thử như thế thuốc thử không đủ có thể đưa đến kết quả sai lạc. Dương tính có thể trở thành âm tính. Chuyện này phải bị xử lý.”
Theo nguyên tắc, mỗi que thử chỉ được dùng cho một bệnh nhân nhưng lại được cắt ra sử dụng cho 2 người nhưng bệnh nhân vẫn phải đóng đủ tiền cho một quy trình đầy đủ. 40 que thử được cắt thành 80 que.
Bác sĩ Phạm Nhật An, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương kiêm trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định đây là gian dối vì lợi nhuận:
“Tất nhiên làm như thế nó có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm. Chỉ bệnh viện đấy thôi chứ không phải cả một hệ thống đâu. Có một nhóm người họ muốn bớt chi phí, muốn có lợi nhuận bỏ túi. Nếu cắt đôi que thứ thì số lượng que tăng lên gấp đôi, không mất tiền mua thêm que nhưng vẫn tính tiền với bệnh nhân bình thường. Đây là hiện tượng làm ăn gian dối trong bệnh viện đó.”
Vị bác sĩ này nói thêm rằng, theo đúng quy định thì khi cho bệnh nhân làm xét nghiệm, cho thuốc hay đưa ra liệu pháp điều trị thì bác sĩ phải giải thích cho người bệnh, phải công khai những vật tư sử dụng. Việc này xảy ra là do họ cố ý làm sai quy trình, một phần họ hám lợi, một phần họ lợi dụng việc người bệnh không để ý đến những quy định như vậy. Theo ông, đây là hiện tượng rất buồn trong ngành y tế mà thỉnh thoảng vẫn xảy ra.
Vi phạm y đức
Như vậy việc làm của các nhân viên y tế có bằng thạc sĩ, cử nhân nêu trên có vi phạm y đức hay không?
PGS-BS Nguyễn Thanh Bảo nhận định đây là sai sót về mặt y đức:
“Về phần y đức thì chuyện này đương nhiên là không đúng rồi. Mình phải đặt vấn đề kết quả cho bệnh nhân lên trên hết. Kết quả xét nghiệm HIV là vấn đề rất quan trọng. Dương tính hay âm tính ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý bệnh nhân. Đương nhiên trong các lãnh vực đều có những sai sót, nhưng trường hợp này là sai sót về mặt y đức chứ không phải sai sót về mặt chuyên môn.”
Theo vị bác sĩ này, tất cả các nhân viên từ cấp thấp đến cấp cao làm việc trong lĩnh vực xét nghiệm đều biết nếu làm sai quy trình thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, từ đó ảnh hưởng đến phác đồ điều trị, và ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của bệnh nhân. Ông khẳng định:
“Họ biết quy trình nào là đúng nhưng họ cắt xén thì nó ảnh hưởng đến kết quả. Họ biết hết chứ nhưng có thể do lợi nhuận mà họ làm không đúng thôi!”
Bên cạnh việc vi phạm về y đức, những nhân viên “nghĩ” ra việc cắt que thử từ một thành hai còn vi phạm pháp luật, mà cụ thể là hợp đồng dân sự giữa bệnh viện và bệnh nhân. Luật sư Đặng Đình Mạnh giải thích:
“Rõ ràng giữa bệnh viện và bệnh nhân có một hợp đồng dịch vụ cung cấp về dịch vụ y tế. Khi họ thu phí bệnh nhân thì họ thu đủ, thu trọn vẹn một sản phẩm nhưng khi cung cấp thì chỉ cung cấp có một nửa dịch vụ. Xét về phương diện hợp đồng giữa hai bên thì phía bệnh viện họ vi phạm về hợp đồng dân sự rồi. Họ vi phạm với tính cách là cố ý và gian dối chứ không phải một cách đơn thuần.”
Vụ việc này tuy gây xôn xao trong dư luận xã hội cũng như ngành y tế trong nước nhưng không phải là trường hợp cá biệt liên quan đến lĩnh vực xét nghiệm. Vụ các nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội đã nhân bản gần 800 kết quả xét nghiệm huyết học khống để thanh toán gần 17 triệu đồng bảo hiểm là một ví dụ.
Cụ thể, từ tháng 7 năm 2012 đến tháng 5 năm 2013, tại khoa Huyết học Bệnh viện Hoài Đức, Hà Nội, chỉ một mẫu máu được làm xét nghiệm nhưng in thành nhiều kết quả xét nghiệm trả cho bệnh nhân để đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế. Bệnh nhân khám sau, nhân viên y tế không cần đưa mẫu máu vào làm xét nghiệm mà dùng kết quả in sẵn của người trước để đưa.
Tám nhân viên y tế đã thực hiện gần 25.000 xét nghiệm huyết học, trong đó hơn 1.500 kết quả xét nghiệm bệnh nhân nội trú và bệnh nhân ngoại trú trùng nhau. Trung bình một kết quả sử dụng cho 2-5 người, dù khác xa nhau về bệnh án, lứa tuổi.
‘Lương y như từ mẫu’ là khẩu hiệu của ngành y một thời nay không còn phù hợp. Khẩu hiệu đó bị nhiều người đem ra mỉa mai so sánh với hình ảnh ‘dì ghẻ’ trong cách nói của dân gian trước đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.