Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

Trần Đăng Khoa: “Quân Tàu bị đánh vỡ mặt. Cút rồi”

Trần Đăng Khoa: “Quân Tàu bị đánh vỡ mặt. Cút rồi”

Dương Tự Lập
24-9-2019
“Thần dân” nhơ Dương Tự Lập lan man với “thần đồng” thơ Trần Đăng Khoa
Những năm 1966-1968, Tổng thống thứ 36 của Mỹ Lyndon B. Johnson quyết định dùng không lực Hoa Kỳ đánh phá miền Bắc Việt Nam. Tuổi thơ chúng tôi theo xí nghiệp may dệt Hoa Đông của mẹ rời Hà Nội sơ tán về vùng Bắc Ninh – Hà Bắc.
Trong không khí chiến tranh, khi tới trường học, học sinh bọn tôi ngoài cặp sách ai ai cũng đầu đội mũ rơm, vai đeo thêm túi nhỏ bông băng cá nhân phòng khi chẳng may bị dính mảnh bom mảnh đạn. Các lớp lớn tuổi hơn còn cầm theo cáng cứu thương tự đan bằng nẹp tre rất khéo.
Có buổi học trọn vẹn nhưng cũng có buổi bị dở dang vì máy bay địch quần phá trên đầu hàng giờ đồng hồ. Thầy cô giáo dắt học trò xuống giao thông hào ẩn nấp tránh máy bay Mỹ oanh tạc khi báo động, lúc báo yên thì lại ngoi lên học tiếp.
Có hôm máy bay ta và máy bay địch quần nhau trên không, mất cả buổi khi thầy trò lục tục kéo nhau lên mặt đất thì quá muộn giờ trưa nên nhà trường đành cho học sinh về nghỉ. Kiểu học bữa đủ bữa thiếu như thế mà bọn tôi cũng tốt nghiệp được… vỡ lòng. Dù viết chưa thạo nhưng đã đọc tàm tạm những bài học i tờ ê a như thế này. Chó Bảo Gà:
Gà định vào vườn rau
Chó bèn sủa gâu gâu
Công lao người trồng trọt
Vất vả đã bao lâu
Gà không được vào đó
Để phá hoại hoa mầu.
Phía dưới cùng của trang có mấy vần in đậm trong khung hình chữ nhật au / âu / ầu gì đó.
Tuổi nhỏ biết đọc rồi mà vớ được những cuốn truyện tranh của Nhà xuất bản Kim Đồng như truyện Thánh Gióng, Thạch sanh, Mai An Tiêm và sự tích quả dưa hấu, Cây tre trăm đốt, Cây Khế, Chuyện Nỏ Thần… thì thích lắm. Sách to, chữ to, tranh vẽ minh họa cho bài sinh động lại càng cuốn hút bọn choai choai chúng tôi. Mà ở thời loạn lạc, ấy sách cho trẻ nhỏ cực khan hiếm.
Cứ đều đặn cuối tháng cha đạp xe lên thăm chúng tôi. Chẳng có quà gì ngoài mấy cái bánh mỳ hình chữ nhật, to, dài như viên gạch, hồi đó gọi bánh gối. Mấy cái bánh quẩy, mấy cái bánh bao, vài cái bánh rán bọc đường, nghe tên gọi khác nhau nhưng kỳ thực cũng chỉ là một loại bột mỳ mà biến hóa ra thế.
Chúng tôi mong cha lên vì biết trong túi hàng mang theo thế nào cũng có vài ba cuốn chuyện tranh. Lần này mở túi tôi thấy ngay tập sách khổ to của Nhà xuất bản Kim Đồng: Từ Góc Sân Nhà Em, thơ Trần Đăng Khoa. Sau ấn bản lần đầu, những lần tái bản sau đổi thành “Góc Sân Và Khoảng Trời”:
Góc sân nho nhỏ mới xây
Chiều chiều em đứng nơi này em trông
Thấy trời xanh biếc mênh mông
Cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thầy.
Cái tên Trần Đăng Khoa đã nhập vào đầu tuổi thơ tôi ngay từ buổi đấy. Một thiếu nhi được in sách riêng, ở đất Bắc chúng tôi thuở đó duy nhất chỉ có Khoa mà thôi. Tôi đâu hay cuốn thơ Khoa sau này luôn luôn là tâm điểm để mỗi khi tôi phạm lỗi, mẹ lại ca thán: Cũng tuổi như con mình mà con người ta (ý nói Trần Đăng Khoa) như thế, con mình thì như thế.
Còn tôi, mỗi lần nghịch ngợm bị mẹ cho ăn roi đòn thì lấy làm căm tức Khoa lắm, vì sao Khoa không thành thần sắt, thần thép, thần ma, thần quỉ, thần gì đi, mà lại thành “thần đồng” thơ để mẹ hay lôi “thần dân” nhơ nhuốc như tôi ra cho ăn đòn và lấy gương của Khoa ra rầy la tôi.
Có lúc buồn rầu sự hư đốn của tôi, bà bảo các cụ nhà ta xưa nói cấm bỏ câu nào đâu con ạ:
Đẻ con khôn mát l*n rười rượi
Đẻ con dại thảm hại cái l*n.
Thú thực sau này thâm tâm tôi cũng hay lấy Khoa ra để nghĩ về bản thân mình.
Johnson ngừng ném bom, bọn tôi trở về Hà Nội. Cha lại đem về cuốn thơ mới cũng của Nhà xuất bản Kim Đồng: Nối Dây Cho Diều. Đây là bài thơ của Chu Hồng Quý “Quý chíp” bạn của tôi sau này. Quý học tốt, lọt vào trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp 1978. Tôi học tồi, lọt vào quân đội, cầm súng đi đánh thằng giặc Trung Quốc Đặng Tiểu Bình cướp nước Việt thân yêu. Cha của Quý là chú nhà thơ trào phúng Tú Sót (Chu Thành), đồng hương và bạn với cha tôi.
Dán diều dán hết buổi chiều
Vì trời đứng gió nên diều quay quay
Hay diều chê nhắn tầm dây
Để em lại nối thêm dây cho diều.
Bài thơ được đặt tên ngoài bìa cho tập thơ thiếu nhi mà trong đó hội tụ các “anh tài” nổi tiếng những năm 1970 như Trần Đăng Khoa, Hoàng Hiếu Nhân, Chu Hồng Quý, Cẩm Thơ, Nguyễn Hồng Kiên, Khánh Chi… Tôi tiếc nhất cho “thần đồng” thơ Hoàng Hiếu Nhân của đất Quảng Bình với tập thơ: Đi Nữa Chú Ơi.
Năm 1972, cuộc thi thơ do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức, có hai người cùng đoạt giải A là Trần Đăng Khoa và Hoàng Hiếu Nhân với chùm thơ “Quả địa cầu”, “Con cò”, “Học tập”, và “Mặt trời”:
Chú cho em quả địa cầu
Em nhìn bốn biển năm châu rành rành
Trục này em vặn quay nhanh
Em đi mấy đợt vòng quanh địa cầu.
Chu Hồng Quý giải B, Nguyễn Hồng Kiên giải C. Tôi chỉ là độc giả nhí cùng thời theo sát tờ báo này lúc đó ra mỗi tuần một số (báo ra cuối tuần) từ những năm 1968-1970. Bỗng độc giả không thấy thơ Nhân nữa, sau này anh bỏ nàng thơ đi hợp tác lao động, tiếc biết bao tài năng thơ, Nhân mất ở quê người Belarus (Liên-xô) cũ tháng 2 năm 2014.
Trong cuốn: Chân Dung và Đối Thoại của Trần Đăng Khoa, Khoa viết không đúng về Nhân, không phải sang Nga, Nhân làm ăn chung đụng với bọn “đầu gấu” mà Nhân đi làm thuê cho bọn đầu gấu rồi bị chính bọn chúng cướp hết tiền bạc đánh anh tưởng chết, mới đúng. Chua xót thế, cái bọn vô học ngày còn ở nhà chẳng là thá gì đối với Nhân.
Cẩm Thơ bỏ thơ sang Pháp thành bà đầm trên quê hương chú gà trống Gaulois. Chu Hồng Quý “chuyền giới” thành họa sĩ. Nguyễn Hồng Kiên thành tiến sĩ sử học. Đúng là cơm áo không đùa với khách thơ. Duy chỉ còn Trần Đăng Khoa vẫn miệt mài cầy chữ để thành thi sĩ rồi đèo bòng nên về già lão Khoa này hay sĩ lại hay thanh minh.
Nhân nói chuyện lan man với Khoa ở đây, tôi còn một người bạn gái văn sĩ thân quí nữa rất thành đạt gốc quê làng hoa Ngọc Hà, Thùy Linh (Trần Nguyệt Tuệ). Mẹ Tuệ cùng viết cho tờ Lao Động với cha tôi, thường ký dưới bài: Lê Thu. Ở báo Lao Động bác Lê Thu (Nguyệt Tú) coi cha tôi như em trai của mình và cha tôi cũng coi bác Thu như người chị gái.
Năm 1985 Thùy Linh đoạt giải nhất Văn nghệ truyện ngắn: “Mặt trời bé con của tôi” cùng Hồ Anh Thái người làng Quỳnh, quê tôi, giải nhì với truyện ngắn: “Chàng trai ở bến đợi xe”.
Tôi chưa gặp Hồ Anh Thái bao giờ nhưng mỗi lần nghe đến cái tên này hoặc đọc truyện ngắn của Thái lại gợi trong tôi niềm tang thương đớn đau của mẹ hơn 75 năm trước. Tôi được biết cha Hồ Anh Thái là chú Hồ Sĩ Lạng, có ba người con trai khá thành đạt, mặc dù họ phụng sự cho chế độ cộng sản. Anh Hồ Anh Tài, nguyên Tổng biên tập báo Đại biểu Nhân dân, mà tôi đã gặp. Đến anh Hồ Anh Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam và đồng trang với tôi là Hồ Anh Thái, nguyên Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.
Ngày đó chú Hồ Sĩ Lạng cùng trong đội công an huyện Quỳnh Lưu với cậu Hoàng Duy Tiến, em ruột mẹ tôi. Trong một buổi giữa trưa lau chùi vũ khí, chú Lạng đưa súng lên chĩa vào cậu tôi đùa: Tiến, xem tao bắn mày này, ai ngờ trong súng có đạn thật, cậu tôi nằm gục xuống mãi mãi tuổi vừa chớm 17 thương tâm. Mẹ tôi đang ngồi dệt lụa trong làng nghe hung tin bà khóc chết ngất lên chết ngất xuống mấy ngày trời.
Nhà mẹ tôi duy có hai chị em, ông ngoại Hoàng Văn Hợp chỉ huy phong trào Xô Viết- Nghệ Tĩnh, bị Pháp tử hình đầu năm 1931, lúc mẹ gần lên ba, cậu Tiến một tuổi. Bà ngoại cũng mất sớm. Âu nó là cái số đen đủi vận vào cậu vì nghĩ rằng đây do sự ngộ sát chứ không chủ ý hay thâm thù. Đớn đau tột cùng, nhưng mẹ tôi cũng không đem chuyện đó ra kiện tụng thêm khổ đau cho người còn sống là chú Hồ Sĩ Lạng.
Quê tôi thuộc xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Có con sông Lam nổi tiếng, nổi tiếng hơn sông Kinh Thầy của Khoa. Mẹ tôi cũng giống mẹ Khoa, bà thuộc Kiều và thuộc nhiều ca dao tục ngữ. Mẹ Khoa ru Khoa bằng những câu Kiều, những vần ca dao như Khoa tự sự về tuổi thơ của mình, thì mẹ tôi cũng ru con giống vậy. Bà đưa võng ngâm những vần thơ, dân ca, câu hò xứ Nghệ:
“…Ơ, (chừ) ai biết nước sông Lam răng là trong, là đục
Thì biết sống cuộc đời răng là nhục, là (ơ) vinh…”
Đất Bắc tự bao giờ có câu nói: “Nam Hành Thiện, Nghệ Quỳnh Đôi” nghĩa là Bắc nước Việt ở tỉnh Nam Định nổi tiếng có làng Hành Thiện còn ở tỉnh Nghệ An nổi tiếng có xã Quỳnh Đôi. Quỳnh Đôi có Hồ Thơm (1753-1792) đánh tan gần 30 vạn quân giặc Nhà Thanh – Trung Quốc rồi lên ngôi Hoàng đế Quang Trung, dõng dạc:
“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó bánh xe không quay lại
Đánh cho nó manh giáp không trở về
Đánh cho sử biết nước Nam anh hùng có chủ”.
Đất Quỳnh Đôi có nữ sĩ thơ Nôm danh tiếng Hồ Xuân Hương (1772-1822):
Quân tử có yêu xin đóng cọc
Đừng mân mó nữa nhựa ra tay.
Quê tôi không có thần đồng thơ như quê Khoa nhưng chắc chắn quê Khoa không có nhiều thần dân thơ như quê tôi. Mong có dịp mời Khoa ghé thăm làng tôi thì tới nơi mô cũng gặp thần dân thơ, nói chuyện thơ, cười khoái nhĩ, nghĩ khoái lòng.
Mà thơ tích cực chứ không hề tiêu cực đâu nhé. Thơ không chọc đảng cũng chẳng ngoáy nhà nước, thơ chẳng đả Chính phủ cũng không kích Quốc hội, thơ chống tiêu cực, cực chẳng tiêu đi, cực tích lại, lại càng cơ cực.
Nếu Khoa đến thăm nhà ông bòi Huân sẽ được nghe ông đọc thơ khen các cụ phụ lão tham gia trồng cây:
Các cụ trồng cây ở vệ đường
Cụ nào cụ nấy ngực giơ xương.
Tới nhà bà chắt Rấn lại nghe đọc thơ kêu gọi phong trào vào hợp tác xã chớ bỏ ra làm ngoài:
Hợp tác với chả hợp te
Không có mảnh vải mà che cái l*n.
Khi gặp ông cò Đạm, hay ông hoe Giàng, rồi bà lòn Ninh cũng thấy đọc thơ:
Nông trang nông trại
Đứa mô ngu dại
Thì đi nông trang
Xa xóm xa làng
Xa quê hương mãi…
Đó không phải là thơ chửi xoáy đâu nha, mà đó là thơ chọc xoáy ông cựu Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu Nguyễn Hữu Đợi, lùa dân lên rú thành lập làng xã mới, với câu nói nổi tiếng: “Chỉ bằng mo cơm, quả cà và tấm lòng cộng sản chúng ta sẽ tiến lên Chủ nghĩa xã hội“. Ghê chưa!
Hồi đó mà ông ta phát biểu cứ như thời của Cuộc cách mạng công nghiệp bốn chấm không (4.0) hiện đại. Đang học lớp ba trường làng bỏ dở, Đợi trở thành du thủ du thực, rồi thành dân anh chị có số má, có máu mặt đi bè dài buôn lợn nái, bán trâu già, thế nào mà được lọt vào Bí thư Huyện ủy, suýt nữa trúng Ủy viên Trung ương đảng.
Quỳnh Đôi quê “bì choa” tiếng tăm ngát hương là thế nhưng lại nỏ có thần đồng mần thơ, biết khi mô có đây thế mới rầu, đau chi mà đau rứa hề.
Cứ theo bộ dạng tự họa của Trần Đăng Khoa thổ lộ trong “Chân Dung và Đối Thoại” năm 1998, thì Khoa sinh năm 1958. Vào tuổi tứ thập nhi bất hoặc Khoa ngừng thơ, sang bình luận văn chương. Là con thứ trong gia đình bần nông ở xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, bên vùng sông Kinh Thầy. Phải thừa nhận từ khi “Hạt gạo làng ta” của Khoa ra đời thì người đời mới để ý nhiều hơn tới con sông Kinh Thầy này.
Quê Khoa, vùng chiêm trũng Châu thổ sông Hồng chẳng lấy chi làm tiếng tăm ấy mà sinh được bậc hào kiệt như Khoa quả là bất thường. Tôi đồ rằng, biết đâu mẹ Khoa cũng giống mẹ ông thánh Gióng, có một ngày đi làm đồng bỗng nhìn thấy vết chân ngồ ngộ của ai đó dưới ruộng rồi bà ướm chân mình vào để thử, về nhà thấy lạ trong người, mà sau đó một năm, chứ không phải chín tháng mười ngày, bà sinh cho dân tộc Việt được một thần đồng thơ Trần Đăng Khoa hôm nay chăng?
Bài thơ “Mưa”:
Bố em đi cày về
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa. (1967)
Và “Hạt gạo làng ta” (kính tặng chú Xuân Diệu)
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy… (1969).
Ở hai bài thơ này, Khoa nhìn cảnh vật góc cạnh và sắc sảo, đồng tuổi với Khoa không ai nhìn ra nổi như thế. Qua hai bài thơ càng nể Khoa hơn vì rõ ràng là bố mẹ Khoa thuần nông. “Bố em đi cày. Mẹ em đi cấy”. Thế mà sinh ra Khoa thì lại dị biệt, trái khoáy, thần đồng chứ không thần ruộng.
Cũng từ đấy Khoa được các cây đa, cây đề, cây lim, cây táo văn chương như chú Tố Hữu, chú Xuân Diệu và nhiều cô chú khác để ý, yêu chiều, chăm bẵm, nâng đỡ. Tôi từng nghe chuyện năm 1969 nữ nhà báo Pháp Madeleine Riffaud sang thăm Việt Nam, khi được giới thiệu về Khoa và hình như cũng ông Xuân Diệu dịch cho nữ nhà báo bài thơ “Gửi bạn Chi lê” (1968).
Chúng tôi đến lớp ngày ngày
Mũ rơm tôi đội, túi đầy thuốc men
Ao trường vẫn nở hoa sen
Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu…
Nghe xong nữ nhà báo thán phuc thốt lên: Khúc hát nhỏ mạnh hơn bom đạn.
“Bờ tre vẫn chú dế men vuốt râu”. Khiếp thật, mới mười tuổi mà Khoa đã có câu thơ bằng tuổi lão làng thơ. Khoa mãi là thần đồng, theo tôi, nếu không có chuyện một tối đèo mẹ lên phố Hàng Buồm: Chú nhà văn Hoàng Tiến tới nhà cho mẹ tôi đôi vé đi nghe đêm thơ ở Nhà văn hóa thông tin Hàng Buồm. Người nói chuyện thơ tối hôm ấy là bác nhà thơ Trần Lê Văn. Điện Hà Nội ngày đó sử dụng 110v, lù mà lù mù chẳng rõ mặt người, lại hay bị cắt, hai mẹ con vừa vào chỗ ngồi đã nghe bác Trần Lê Văn cao giọng đọc:
Tầu về rồi tầu lại đi
Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga.
Người làm câu thơ ấy là cô bé lúc đó mới lên bẩy tuổi, đêm nay đã bẩy mươi, cũng có mặt ở đây, rồi bác chỉ tay xuống phía mẹ con tôi ngồi, tôi và mẹ giật mình ngơ ngác. Người phụ nữ ngồi cạnh bên mẹ đứng dậy quay xuống chắp tay cúi đầu chào độc giả, một tràng vỗ tay kéo dài của độc giả thịnh tình đáp lại, thì ra bà là nữ sĩ tiền chiến Ngân Giang, với mấy nghìn bài thơ đã viết. Bà giản dị ngồi chung hàng ghế với người nghe.
Chuyện kể một lần theo người bác ra ga, thấy tầu hỏa kéo còi vào ra bến, bé gái Ngân Giang thốt nên lời thơ nổi tiếng ấy. Câu thơ mà người ở tuổi bẩy mươi chưa chắc viết nổi.
Khoa không còn là thần đồng như tôi nghĩ từ buổi đó. Tôi có nhắc đến Trần Đăng Khoa, mẹ cười bảo, cậu Khoa cũng giỏi. Trên đường đèo mẹ về, bà cứ tấm tắc luôn miệng khen: Chị Ngân Giang giỏi quá con nhỉ.
Tôi hỏi: Lúc ngồi, con thấy mẹ nhỏ to gì với bác ấy đấy, tôi hỏi?
Mẹ trả lời: Mẹ chỉ hỏi mấy câu xã giao tuổi tác? Nhà cửa? Được mấy người con? Chị ấy mời, nếu rỗi rãi cứ đến chơi nhà, chị ấy sẵn lòng đọc thơ cho nghe.
Tôi hỏi: Bác Ngân Giang nói sao hả mẹ?
Mẹ nói: Đêm thơ nay chị ấy tròn tuổi bẩy mươi, nhà số 3 bãi Nghĩa Dũng gần bờ sông, có chục đứa con, vất vả cơ cực lắm.
Tôi nói: Trời, đông con như thế vất vả là phải.
Mẹ tôi nghi hoặc: Chắc chị ấy nói đùa. Sau chú Hoàng Tiến nói, đúng mười người con, mẹ tôi mới tin bác nhà thơ Ngân Giang không đùa.
Gần năm mươi năm trước chúng ta từng nghe trẻ mỏ Trần Đăng Khoa còn dám sửa câu thơ này của chú đại ca cung đình Tố Hữu: “Đường ta rộng thênh thang ta bước”, trong bài thơ “Ta Đi Tới”. Ai ai cũng trầm trồ thán phục, hết lời ngợi khen thần đồng thơ nhưng rồi người ta phát hiện chữ “bước” của Khoa không ổn vì mở đầu, thơ chú Hữu của Khoa thế này:
Ta đi giữa ban ngày
Trên đường cái, ung dung ta bước
Đường ta rộng thênh thang tám thước.
Thế mà sửa như Khoa thì:
Trên đường cái, ung dung ta bước
Đường ta rộng thênh thang ta bước.
Bước chi mà bước lắm thế, bước trên bước dưới, bước thấp bước cao, bước dài bước ngắn, bước tứ bước tung. Chú Hữu đã lỡ gieo vần “bước” ở câu trên nên bị bí khi xuống câu dưới thì không thể “bước” tiếp.
Hoặc nếu theo ngu ý của tôi mà Khoa sửa thì nên sửa thế này: “Đường ta rộng thênh thang phía trước” có khi còn được chấp nhận hơn vì chữ “phía trước” bao hàm nhiều nghĩa, nhiều cả ý nghĩa:
Trên đường cái, ung dung ta bước
Đường ta rộng thênh thang phía trước
Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên…
Khoa vội thanh minh đó là người đời bịa đặt, chứ thực tình Khoa không dám sửa thơ của chú Hữu. Trứng làm sao mà khôn hơn vịt được. Đến giờ ta tìm đọc tiểu sử của Trần Đăng Khoa ở Bách khoa toàn thư mở Wikipedia vẫn còn ghi rõ: Ông cũng được biết đến nhiều với câu chuyện khi mới 10 tuổi đã đề nghị đổi câu thơ “Đường ta rộng thênh thang tám thước” thành “Đường ta rộng thênh thang ta bước” trong bài thơ “Ta Đi Tới” của nhà thơ nổi tiếng thời bấy giờ là Tố Hữu.
Khoa không kiện cáo kẻ nào dám hạ thấp uy tín, uy danh Khoa hay đề nghị xóa đi phần trích dẫn trên là không đúng trong tiểu sử của mình mà Khoa vẫn ỡm ờ cho để nguyên như vậy thì đích thị đúng là Khoa sửa thơ chú Hữu rồi, thanh minh gì nữa hả Khoa.
Cũng phúc tổ cho “thần đồng” Khoa, hồi đó dám mó dái “thần chết” Hữu. Khoa có biết khi xưa chú Tố Lành của Khoa là tay đồ tể khét tiếng đã từng xử trảm, gây bao thương đau cho giới văn nghệ sĩ tài hoa của nước nhà không?
Riêng về tôi, khi đọc “Ta Đi Tới” của Tố Hữu ở bốn câu cuối đoạn kết thì cứ thấy nhớ tới một con người bình dị, chân quê, bác Kim Ngọc nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú, cũng đi hoạt động cách mạng như Hữu nhưng lại thích chia chứ không thích chung. Chia “khoán hộ” chia “khoán mười” tới từng gia đình, xã viên, người nông dân trồng nên cây lúa, làm ra hạt gạo rất phấn chấn phấn khởi.
Chính bác Ngọc thích chia nên đã bị đảng của Khoa, của chú Hữu, xúm lại phang bác Kim Ngọc tơi bời vì như vậy là đầu óc tối kiến, Tư bản chủ nghĩa, phản động, đi ngược đường lối sáng suốt đúng đắn của đảng. Bác bị kỷ luật, bị phê và tự phê, tự lên án viết tường trình kiểm điểm bản thân mình.
Ở tuổi 62 năm 1979, khi bác Ngọc mất, bọn đảng mới đem công thức “tối kiến” của bác Ngọc ra áp dụng hai chục năm sau đấy thì thấy có lý. Chúng cũng câm bặt không một lời xin lỗi vong linh hay gia đình bác Kim Ngọc.
Rồi chúng còn đưa “tối kiến” của bác vào Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, vì công luận lên tiếng, nghĩ lại thế nào đó mà sau này chúng cũng có truy tặng huy chương, huân chương gì đó. Giống đời, cha chung đã không ai khóc mà ở đây “Cha Già” chung thì lại càng không có kẻ khóc. Vậy từ chung của Tố Hữu dùng trong bài thơ này nghe sai lè:
Lòng ta không giới tuyến
Lòng ta chung một Cụ Hồ
Lòng ta chung một Thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam (1955).
Gần bốn mươi nhăm năm hai miền đất nước chung làm một, kể từ 1975, nhưng thực sự lòng người ly tán, Bắc – Nam khó hòa. “Bên thắng cuộc” cứ gào mồm kêu gọi Hòa giải và Hòa hợp dân tộc. Chính họ, cộng sản Bắc Việt đã khoét sâu vết rạn để lòng người dân Nam Việt không tin nổi lưỡi mồm họ nói nữa. Tố Hữu chú yêu của Khoa đã về chầu Diêm Vương. Nếu dựng ông ngồi dậy được, tôi mạnh dạn xin phép ông sửa cho chính xác hơn bài thơ để người dân Nam tưng bừng hân hoan sống lại thời kỳ hoàng kim Hòn ngọc viễn Đông của họ:
Lòng ta chia giới tuyến (vĩ tuyến 17)
Lòng ta chia lại Cụ Hồ (cụ Hồ – cụ Diệm)
Lòng ta chia lại Thủ đô (thủ đô Hà Nội – thủ đô Sài Gòn)
Lòng ta chia lại cơ đồ Việt Nam (nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, miền Bắc – Quốc gia Việt Nam Cộng hòa, miền Nam).
Với tôi phải sửa như thế và như thế mới chính xác. Như thế người dân Nam sẽ hết ấm ức hậm hực, hết nghe lải nhải Hòa giải và Hòa hợp dân tộc, ngứa tai lắm.
Giữa tháng 6 năm 1994, giải bóng đá vô địch thế giới lần thứ 15 tổ chức ở nước Mỹ. Cũng dịp đó, Khoa và mấy ông bạn đồng nghiệp được mời qua Mỹ không phải xem bóng đá mà để giao lưu thơ văn với các cựu chiến binh Hoa Kỳ. Người ta chờ Khoa đọc bài thơ Kể Cho Bé Nghe:
Chăm ngoan học giỏi
Là bạn thiếu nhi
Ngu xuẩn nhất nhì
Là tổng thống Mỹ (1969).
Nếu có đọc cũng chẳng sao, thậm chí người ta, nhất là người Mỹ còn khen ngợi Khoa của Việt Nam mới hơn 10 tuổi đầu mà đã giỏi tiên đoán vượt nhà tiên tri Nostradamus của Pháp để chửi thẳng mặt Tổng thống Mỹ ngu nhất thế giới. Vì nước Mỹ nổi tiếng tự do, nhân quyền, lại rất coi trọng bảo vệ trẻ em như Khoa.
Nhưng chẳng thấy Khoa đọc bài này, khi tìm lại bài thơ thì mọi người té ngửa đoạn thơ trên: “Ngu xuẩn nhất nhì / Là tổng thống Mỹ” đã bị Khoa cắt cho vào sọt rác, thủ tiêu trước khi lên thang máy bay sang Mỹ rồi.
Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. Lời đã nói ra bốn ngựa khó đuổi, huống chi Khoa đã nói, đã viết, đã in thành sách. Đúng là gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. “Thần đồng” Khoa gần “thần chết” Hữu nên học được chiêu giấu như mèo giấu cứt này của chú Hữu. Năm 1954 trong tập thơ Việt Bắc của Nhà xuất bản Văn nghệ in lần đầu người ta còn thấy bài thơ: Đời Đời Nhớ Ông, Hữu khóc Stalin:
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin. (1953)
Dối trá đến thế là cùng, nếu Hữu sống lại có dám chỉ ra cho tôi và mọi người xem đứa con nào của người Việt Nam khi tập nói mà tiếng đầu lòng con gọi Stalin. Xin được dùng từ của người dân Nam gọi những kẻ như ông Hữu là bớt xàm l*n đi. Ngay cả những đứa con người Nga khi tập nói cũng gọi Papa, Mama – Cha ơi, Mẹ ơi, chứ không tập gọi Stalin như ông Hữu phịa ra. Những lần tái bản sau, đố ai tìm được bài thơ “Đời đời nhớ ông” nữa.
Khi được hỏi tại sao Khoa cắt, vứt bỏ đoạn thơ “Ngu xuẩn nhất nhì / Là tổng thống Mỹ” trong bài Kể Cho Bé Nghe, thì Khoa thanh minh thế này: Người làm thơ luôn vận động, mỗi bài thơ sẽ được sửa chữa nhiều lần, chừng nào nhà thơ còn viết thì bài thơ chưa thể nói là có dạng hoàn chỉnh tận cùng.
Thanh minh như Khoa nghe khó lọt tai lắm vì (sửa) khác với (bỏ). Sửa là để tốt hơn, còn bỏ là vứt nó mất đi. Ngay cả làm việc đó (sửa) người ta cũng rất hạn chế bởi tính chất lịch sử sáng tác ra đời và sự kiện của nó ở thời điểm hiện tại.
***
Mấy tháng nay bọn đảng cướp Trung Quốc đem tàu vào sâu trong lãnh hải Việt Nam. Chúng âm mưu chiếm đóng và sẽ lấy trắng bãi Tư Chính trong nay mai như đã từng lấy trắng đảo Gạc Ma cũng như nhiều đảo khác.
Báo chí chính thống của nhà nước cùng đảng cộng sản của Khoa câm mồm không dám ho he. Riêng Khoa đã lên tiếng nhiều bài viết phản đối chửi rủa thậm tệ thằng đảng cộng sản Trung Quốc bẩn thỉu nhơ nhớp. Khoa không chửi nhân dân Trung Quốc là đúng vì họ cũng khốn khổ khốn nạn, chỉ sướng hơn dân Việt có một mi ly phân mà thôi.
Việc làm và hành động yêu nước của Khoa được nhân dân cả nước hoan nghênh ghi nhận. Bỗng có bọn rận rệp, khỉ ho cò gáy nào đó đóng giả lực lượng 47, đóng giả bọn dư luận, dư lợn viên tanh hôi, thối mồm thối miệng tụ lại vu cho Khoa là phản động, trở cờ trở quạt, trở giáo trở mác, trở đầu trở đít, kích động chiến tranh oánh nhau với Tàu khựa.
Nghe thấy vậy, giá như Khoa đừng thanh minh, thì tư cách Khoa càng được đề cao ngất ngưởng. Tiếng tăm “thần đồng” bất mục. Ai dè Khoa sợ sun chim tụt c*c, vội vội vàng vàng nhẩy đông đổng thanh minh, thanh tre, thanh gỗ, thanh củi gì gì, làm mất hết tin yêu của người hâm mộ “thần đồng”.
Anh nhà thơ, tác giả của “Quê hương là chùm khế ngọt” tận miền Nam nước Việt bức xúc gửi ra mấy lời chửi Khoa: “Nhắn anh Trần Đăng Khoa “thần đồng” của Xã hội chủ nghĩa miền Bắc. Tôi quý trọng anh khi to tiếng phản ứng lên án bọn Trung Quốc với Việt Nam. Nhưng tôi rút lại sự quý trọng khi anh phân bua, kêu cứu anh bị bọn xấu chụp mũ ‘tự diễn biến’ anh vẫn là lính cụ Hồ, vẫn là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, không ‘phản động’ không chống đảng… Khoa! Tao với mày bằng tuổi nói thẳng cho vuông. Làm thằng cách mạng phản động như tao đ3o phải thanh minh thanh nga kêu cứu với thằng nào. Tao khỏe. Ký tên: Đỗ Trung Quân”.
Muốn để anh nhà thơ họ Đỗ và mọi người bớt nóng với Khoa về việc Khoa cứ lăn tăn thanh minh thanh nga, rằng mình bị bọn xấu chụp mũ chửi bới chống Trung Quốc. Tôi đi tìm lại bài thơ bốn mươi năm trước: Uống Rượu Với Người Bạn Nga của Khoa viết vào tháng 7/1979 tại thủ đô Moscow, nước Nga mà mình đã từng đọc.
Không có ý gì đâu, chẳng qua tôi muốn chứng minh cho mọi người rằng, không phải đến bây giờ mà từ bốn mươi năm trước, Khoa đã chửi thẳng vào mặt bọn giặc Bành trướng Trung Quốc rồi. Khi ấy tại quê nhà dân ta vừa tống cổ thằng giặc cướp nước Đặng Tiểu Bình qua biên giới:
Nào nâng cốc! Mừng quê tôi
Quân Tàu bị đánh vỡ mặt. Cút rồi.
Biên giới mùa này, hoa ban nở
Loài hoa như trái tim người! (1979)
Nguyên câu này ở khổ thứ 5 trong bài thơ 11 khổ. Quái thật, tìm đi tìm lại không thấy. May sao vào một trang vẫn còn sót lại khổ thơ thứ 5 này, có lẽ Khoa đã tìm để xóa nhưng chưa hết. Từ bao giờ chẳng rõ Khoa đã âm thầm vứt biến khổ thơ trên để thay vào đó bằng một khổ thơ mới lạ hoàn toàn khác biệt, không ăn nhập gì với mạch thơ cũ:
Và em gái hái nho ấy
Mắt em như cốc rượu đầy
Chỉ nhìn vào mầu mắt ấy
Là tôi đã ngả nghiêng say.
(Lấy trong 25 bài thơ Trần Đăng Khoa tự chọn. Gồm: “Thơ tình người lính biển”- “Ở nghĩa trang thành phố”- “Lính thời bình”- “Trái đất quay”- “Uống rượu với người bạn Nga”- “Đêm Nga”…)
Hỡi ôi! Khoa dối trá, Khoa quỷ quyệt, Khoa tráo trở, Khoa lá mặt lá trái, lúc Khoa nói thế kia, khi Khoa nói thế nọ. Nếu ai có hỏi Khoa về việc tại sao vứt bỏ khổ thơ cũ rất chính xác với tính chất lịch sử của nó ở giai đoạn đó “Quân Tầu bị đánh vỡ mặt. Cút rồi” năm 1979 thì không biết Khoa sẽ thanh minh sao đây?
Lão Khoa về già không lấy thanh danh làm trọng, mà chỉ ưa lấy thanh minh làm nền để người đời lấy làm khinh. Đọc: “Cái nước mình nó thế” của nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến, tôi nghiệm rằng, Khoa có căn bệnh thanh minh này đã hàng chục năm trước, lâu rồi trở thành mạn tính. Nay bệnh nặng hơn vì có thể Khoa sợ lung lay cái ghế Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam? Với cương vị ấy Khoa phải đời đời kiếp kiếp khắc cốt ghi xương công ơn của đảng, nhà nước, chính phủ, Quốc hội và trên hết là anh Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng người đã ban chức tước đó cho Khoa mở mày mở mặt như đang mở.
Có thể Khoa nghĩ cỡ như chị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội; anh Xuân Phúc Thủ tướng, anh Tổng – Chủ Phú Trọng thấy Tầu khựa ăn trọn bãi Tư Chính nay đem cả phi đội tàu chiến áp sát bờ biển Phan Rang, Phan Thiết, hải cảng Cam Ranh, lấy nốt nước Việt nay mai mà còn không ai dám ho he há mồm, huống chi mình là cái thá gì, nên Khoa xóa biến mấy câu thơ chửi vào mặt thằng Tàu khi xưa của Khoa, chỉ vì sợ chúng vào rồi chúng sẽ tìm thằng nhãi ranh nào dám chửi:  “Quân Tầu bị đánh vỡ mặt. Cút rồi”, quật mả đào mồ nhà Khoa?
Ở cương vị Phó Chủ tịch ngôn luận cho đảng, mà Khoa cứ sống lạng quạng cò quay kiểu này dễ bị ăn đòn, dễ bị chính anh tiều phu Nguyễn Phú Trọng cho Khoa đi Hóa thân đài hoàn vũ Văn Điển lắm, vì anh Trọng là người độc nhất vô nhị rất trọng tình trọng nghĩa với nước bạn vĩ đại Trung Hoa cùng thằng em Tập Cận Bình hiền khô.
À, anh Trọng sẽ đốt Khoa ngay tại “lò tôn” của anh ấy đã hoạt động trở lại, nghe đâu sau sự cố sài đẹn trên đường vào tìm củi lim, củi gộc gì đó tận trong Cà Mau, Minh Hải, không thành. Những tưởng anh Trọng đã đi chầu ông bà ông vải rồi nhưng may cho “hồng phúc dân tộc”, anh mình bỗng tái hồi sự sống, mồm hết méo, miệng nói tròn, nay tiếp tục bới củi nổi lửa đốt lò, Khoa cứ gọi là rờ hồn đấy. Khôn hồn Khoa sống cho nó tử tế thật thà, viết cho thật kiểu như Khoa viết về anh nhà quê “Thời xa vắng” Lê Lựu qua Mỹ chơi, rồi ngó sau nhìn trước vắt cả cái chân còn nguyên giày nguyên tất lên mũi… ngửi. (Chân dung và đối thoại, trang 79).
Vào trang riêng của Lão Khoa thấy Khoa công bố với Quốc dân đồng bào, rằng Khoa đã một lần được Hội Nhà văn nước bạn vàng mời sang Trung Quốc và nếu như được mời nữa thì Khoa cóc thèm đến với bọn đê tiện đó lần hai. Không biết đâu Khoa lại đi để rồi về Khoa khoe:  Tớ sang Tàu lần này chỉ đạt ước nguyện được hầu chuyện anh Tập Cận Bình bình dân chất phác. Anh Tập thích thú nghe tớ kể chuyện Tô Đông Pha ngâm nga Bạch Cư Dị. Rồi anh ấy cười khoái chí, tớ lại đọc tiếp thơ cụ Lý Bạch, nói vanh vách tới Hạ Tri Chương, anh Tập cười hiền lành rất dễ thương, tại sao dân ta cứ phải cương lên chống anh ấy. Ôi chao, lưỡi không xương nhiều đường lắt léo? Đ3o mẹ Khoa!
Có một người lính, không phải lính “Cụ Hồ” như Khoa mà ông là lính Việt Nam Cộng hòa. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cộng sản bắt ông đi qua các trại giam khét tiếng với mười năm tù cải tạo “tư tưởng”. Chắc là để bắt ông học lại: “Sống, phấn đấu, lao động và học tập tư tưởng tác phong theo gương của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Tưởng chết, khi ra tù thân ông đã bị tàn, người ông đã thành phế, được xếp vào diện đi Mỹ định cư, nhưng ông từ chối, nguyện chết trên quê hương nơi sinh thành. Không một lời thanh minh nhưng ai cũng hiểu lòng ông. Người ta biết đến ông là nhạc sĩ nhiều hơn chức tước đại tá quân hàm ông mang. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với ca khúc “Chiều Mưa Biên Giới” nổi tiếng: “Lòng trần còn mơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi“.
Khoa ạ, tôi với Khoa đã đi hết một vòng hoa giáp, tức là tròn ngưỡng 60. Sáu mươi tuổi nhìn thấu sinh mệnh, nhìn thấu danh lợi. Lục thập tầm tử đạo – sáu mươi tìm về cõi chết được lắm ru. Hà cớ Khoa cứ dối gian, sống nhơ nhuốc, lúc khạc ra, khi liếm vào, viết thế này, xóa thế nọ, nói đằng này, làm đằng nớ trong nghiệp thơ để mơ vương khanh tướng làm chi cho đời mưa bay gió cuốn, sung sướng nỗi gì hả Khoa? Từ “thần đồng” thơ, Khoa đã trở thành “thần điêu”… tiểu hiệp.
Chắc có duyên nợ kiếp nào với nhau nên tôi được đồng hành cùng Khoa ngay tự buổi đầu “Từ góc sân nhà em” tới giờ đã cận kề “Ở nghĩa trang thành phố” Khoa viết:
Nhưng khi ta đã nằm dưới mồ
Cỏ vẫn xanh biêng biếc ở bên trời…
Trước thiên nhiên con người như khách trọ
Như ảo ảnh chập chờn, thoáng đến, thoáng lìa xa.
Chúng ta sống bên nhau, dẫu năm này tháng khác
Thì cũng vẫn chỉ là một thoáng giữa sân ga…
Biết là vậy mà lòng thì những muốn Khoa quay về tuổi thơ “thần đồng” ngưỡng mộ. Cái tuổi trắng trong chưa từng vẩn đục tha hóa tâm hồn trước khi Khoa theo đảng để Khoa nhớ lại: Ngày ấy, tôi mới 9 tuổi, chiếc áo trắng này cả nhà dành dụm mãi chỉ để mặc một lần lên hình trên báo Thiếu niên Tiền phong.
Nghe thương bao nhiêu, nhất là Khoa mơ:
Vẫn mong ngày chú trở về
Lại ngồi với cháu bên hè đánh bi. (1968)
Nghe yêu thật nhiều. Không ngờ từ một cậu bé ngoan ngoãn, hiền lành của vùng đồng chiêm nước trũng quê làng bình yên bên sông Kinh Thầy, bươn chải ra thị thành rồi nhập vào bầy hoang thú. Khoa biến mình thành con thú trong một đàn thú hoang man rợ, ăn thịt đồng loại.
Nếu như, không phải nếu như bỏ cả thành Paris vào một cái chai đâu. Mà nếu như ngày ấy Khoa đừng thành thần đồng thơ, chắc mẹ tôi chẳng có gương nào lôi ra cho tôi noi theo và nếu có đánh tôi ba roi vì Khoa, thì nay bà bớt đi chỉ cho vào mông tôi một vụt thôi.
Nếu như ngày ấy, lúc mẹ Khoa ướm chân mình vào vết chân ngồ ngộ của ai đó khi đi làm ruộng (tôi vẫn ngờ thế) đừng đẻ ra Khoa “thần đồng” thơ, mà thành “thần nông” lúa, thì phúc tổ ngàn đời cho nước nhà bao nhiêu. Biết đâu mỗi chiều về trẻ ngồi lưng trâu hay theo sau đít bò, các bé em đùa nô bên sườn đê hay về đến cổng quê đình làng xóm chợ ríu rít cất tiếng du ca:
Hạt gạo làng ta
Có Trần Đăng Khoa
“Thần nông” Kinh Thầy
Biết bao suy tư
Cho vựa lúa đầy
Biết làm nhiều thóc
Nước nhà no lây…
Em vui em hát
Hạt gạo làng ta
Em vui em hát
Thần Trần Đăng Khoa.
Còn vui nào vui hơn vui thế, hơn cả niềm vui “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng” của chú Tố Hữu Khoa là cái chắc. Mà đã là “Thần” thì mãi mãi muôn đời muôn kiếp với dân.
Trần Đăng Khoa cùng em gái Trần Thúy Giang và phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong Ngô Viết Dinh. Bên sông Kinh Thầy tháng 3/1968.
Khổ thơ chửi Tổng thống Mỹ “ngu” đã bị Khoa vứt bỏ
“Mũ rơm tôi đội túi đầy thuốc men”, thời Khoa và tôi đi học.
Tổng thống Mỹ “ngu” Lyndon B. Johnson, thăm binh lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa bị thương tại Nam Việt Nam tháng 10/1966

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.