Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

CHỈ CÓ VŨ LỰC MỚI CÓ THỂ LẤY LẠI HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA THÔI!

CHỈ CÓ VŨ LỰC MỚI CÓ THỂ LẤY LẠI HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA THÔI!

Bản đồ Đại Minh hỗn nhất đồ thể hiện rõ lãnh thổ phía nam Trung Quốc 
chỉ tới đảo Hải Nam. Ảnh chụp màn hình SCMP
Lương Ngọc Huỳnh

Giữ đất, giữ nước, từ xưa tới nay, phải giữ bằng xương bằng máu, bằng gươm đao, súng đạn, bằng cống nạp của cải và gái đẹp, chứ không thể giữ bằng mồm bằng thư tịch cổ! Vài miếng giấy lộn đó không thể lấy lại được Hoàng Sa nếu cứ ngồi ở góc nhà chửi ra! 

Nếu căn cứ vào thư tịch cổ, thì toàn bộ phía nam Trung Hoa là của Việt Nam, chúng ta có dám sang đó lấy lại không? 

Đất cha ông để lại, ngay trong nước thôi, còn bị nhà nước bán cho doanh nghiệp, cưỡng chế thu hồi, huống gì là đất biên cương bị giặc cướp, thì làm sao đòi được bằng mồm?!

Cho nên chỉ có chiến tranh bằng vũ lực, sức mạnh để lấy lại đất nước, hoặc cống nạp tiền bạc, mỹ nhân, chứ chưa có ông vua nào, quốc gia nào đòi được đất của người khác bằng giấy tờ cổ tịch! 

Bị ảo tưởng quá mấy bác nghiên cứu sử ạ, mang lên trình cho mấy anh lãnh đạo, các anh ấy biết thừa là không thể đòi được bằng kiểu này, nhưng vẫn gật đầu tán thưởng, coi như đó là một hành động vuốt đuôi gà! Làm an lòng đàn gà!

Nói ngay trong dân sự, đất nhà mình bị thằng hàng xóm lấn bờ rào, nếu nó đã lấn được trên ba mươi năm rồi thì liệu mình có đòi được chỗ lấn đó không?

Cho nên thấy nó lấn thì phải đánh đuổi nó ngay, không đánh được thì mang nó ra phường kiện, gọi hàng xóm láng giềng làm chứng, chứ nó xây nhà lên, lại ở được hàng chục năm rồi thì phường sẽ hỏi:

Sao mày không kiện ngay khi nó cướp?
Dạ do diễn biến lịch sử ạ!
Diễn cái con mẹ gì, do mày ngu thì mày chết thôi!
Dạ thưa, nhưng em có giấy tờ các cụ để lại từ thời vua Lê, vua Nguyễn ạ!
Nhưng bây giờ là thời đại mới, giấy tờ cổ không còn giá trị pháp lý hiểu chưa?
Báo cáo nhưng đó là đất nhà em ạ!
Thế thì chúng mày cứ ngồi đấy mà la nhé, phường không giải quyết nổi!

Cho nên cái lý sự đời nào cũng vậy, phải thường trực và liên tục, các cụ nói để lâu thì cứt trâu hoá bùn là vậy.
_______________

Thư tịch cổ Trung Hoa thừa nhận Hoàng Sa,
Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam

VietNamnet
18/09/2019 06:00 GMT+7 


Không ít thư tịch cổ Trung Hoa, do chính người Trung Hoa ghi lại đã trực tiếp hay gián tiếp thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

VietNamNet giới thiệu một số nội dung trong cuốn "Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" của PGS.TS Trương Minh Dục:

Theo lịch sử Trung Quốc, năm 218 TCN, Tần Thủy Hoàng tiến hành chinh phục phương nam và 214 TCN xâm lược Văn Lang - Âu Lạc (Việt Nam ngày nay). Cuộc chiến đấu của nhân dân Văn Lang - Âu Lạc kéo dài từ năm 214-208 TCN giành thắng lợi vẻ vang.

Cuộc chiến đấu này chỉ diễn ra ở phía Bắc lưu vực sông Hồng của lãnh thổ Văn Lang - Âu Lạc. Vì vậy, quân Tần chưa thể đặt chân đến vùng Nam sông Hồng, nên không thể vượt biển để đến Hoàng Sa, Trường Sa giữa biển khơi.

Khi nhà Hán thay nhà Tần và tiến hành mở rộng đất về phương Nam, dù chiếm được ba nước Việt (Đông Việt, Mân Việt và Nam Việt), nhưng Tây Hán không có một chút thế lực gì trên biển ở khu vực dưới vĩ độ 20 độ Bắc.

Hoàng Sa thuộc về Giao Châu

Giao Châu dị vật chí của Dương Phù (đời Đông Hán, 25-220 SCN) nói về những điều lạ của xứ nước ngoài mô tả địa danh Trướng Hải như sau: “Tại Trướng Hải Kỳ Đầu nước cạn nhưng nhiều đá nam châm, thuyền lớn đi ngoài cõi, dưới thuyền gắn lá sắt sẽ bị nhổ ra”.

Đến thời Tam Quốc (năm 220-265), Vạn Chấn viết cuốn Nam Châu dị vật chí mô tả về các đảo đá và cát trên Biển Đông. Đây là cuốn sách ghi chép lại những điều lạ ở nước ngoài, không phải điều lạ ở Trung Quốc.

Thời kỳ 785-805 thời nhà Đường, Giã Đam làm sách Tứ di lộ trình ghi đường biển từ Quảng Châu đến Một Lai (Malabar) không thấy đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cũng dưới đời Đường có sách Đường thư nghệ văn chí đề cập tới cuốn Giao Châu dị vật chí của Dương Phù chép những chuyện kỳ dị, những nơi kỳ dị tại Giao Châu (Việt Nam). Sách này chép, tại Thất Châu Dương (nhóm An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa) là nơi có nhiều đá nam châm khiến các thuyền ngoại dương có đóng chốt sắt đi qua không được.

Điều này đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc về Giao Châu xưa (nay là Việt Nam).

Đời Nam Tống, cuốn Lĩnh ngoại đại đáp của Châu Khứ Phi xác nhận: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) tạo lạc tại Giao Chỉ Dương”. Chư phiên đồ đời Tống cũng xác định giới hạn lãnh thổ Trung Quốc với các nước khác ở Giao Dương (tức Giao Chỉ Dương). Giao Chỉ Dương hay Biển Giao Chỉ là vịnh Bắc Bộ ngày nay, trong khi Hoàng Sa và Trường Sa lại cách xa vịnh Bắc Bộ hàng trăm dặm về phía nam.

Như vậy, các thư tịch cổ Trung Hoa từ đời nhà Tống cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc về Trung Quốc mà thuộc về nước khác, Trung Quốc gọi là phiên quốc hay Giao Châu, Giao Chỉ.

Bản đồ Hoa Di đồ có nguồn gốc từ năm 1136 thể hiện rõ lãnh thổ phía nam Trung Quốc 
chỉ tới đảo Hải Nam. Ảnh chụp màn hình SCMP

Cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam

Đến thế kỷ 12, sử gia Triệu Nhữ Quát đời Tống trong cuốn Chư phiên chí xác nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng từ thời nhà Hán. Theo đó, năm 111 TCN, Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất của địch quân (Nam Việt) và đặt ra hai quân Châu Nhai và Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam).

Sách này cũng cho biết vùng quần đảo Hoàng Sa (Vạn Lý Trường Sa) là nơi nguy hiểm, tàu thuyền Trung Quốc không nên đến gần. Nhan đề sách là Chư phiên chí, nghĩa là chép chuyện các phiên quốc, nước ngoài. Vạn Lý Trường Sa nằm ở phiên quốc, nghĩa là không thuộc về Trung Hoa mà thuộc về phiên quốc Nam Việt. Như vậy, biên giới trên Biển Đông của Trung Hoa vào đời nhà Hán chỉ tới đảo Hải Nam.

Trong Dư địa đồ đời Nguyên của Chu Tư Bản được vẽ thu nhỏ lại trong sách Quảng dư đồ của La Hồng Tiên thực hiện năm 1561, phần cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam.

Triều nhà Minh, trong cuốn Vũ bị chí của Mao Nguyên Nghi, Biển Đông được gọi là Giao Chỉ Dương. Trên các bản đồ Trịnh Hòa hạ Tây Dương, Trịnh Hòa hàng hải đồ cũng không thấy ghi chép các danh xưng Hoàng Sa, Trường Sa trong các lộ trình và hải đạo của Trịnh Hòa sau 7 lần đi qua Biển Đông để khai phá Ấn Độ Dương.

Đời nhà Thanh, trong cuốn Hải ngoại ký sự viết năm 1696, Thích Đại Sán - một nhà sư thời Khang Hy đến đất Thuận Hóa của chúa Nguyễn năm Ất Hợi (1695) mô tả vị trí Vạn Lý Trường Sa là “cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Thời Quốc vương trước, hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tấp vào bờ”.

Một trang trong cuốn Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán thuật lại chuyến du hành tới Đàng Trong, thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Đại Việt. 

Đây là sự ghi nhận chủ quyền của Đại Việt trong kiểm soát và khai thác vùng Biển Đông, nơi tọa lạc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bởi lẽ, Hải ngoại ký sự là do người Trung Quốc viết về những điều được biết đến ở nước ngoài, chứ không phải viết về Trung Quốc.

Đến thế kỷ 19, trong bộ Hải quốc đồ ký, cuốn Hải lục của Vương Bỉnh Nam chép: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”. Như vậy, tư liệu này của Trung Quốc đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ trên biển của Việt Nam.

Trong vụ ngư dân đảo Hải Nam cướp tàu chở đồng bị đắm tại quần đảo Hoàng Sa những năm 1895-1896, để trả lời văn thư phản kháng của chính phủ Anh, Tổng đốc Lưỡng Quảng Trung Hoa nêu lý do: “Hoàng Sa không liên hệ gì tới Trung Quốc”.

Như vậy, qua các tài liệu lịch sử cổ của Trung Quốc, rõ ràng cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) đã được người Việt Nam phát hiện, sử dụng trong nhiều thế kỷ một cách hòa bình và liên tục, không có sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào kể cả Trung Quốc.

Một tài liệu đáng tin cậy về chính sử Trung Hoa là cuốn Lịch sử Trung Quốc thời trung cổ do Hàn lâm viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 1978, học giả Hsieh Chiao-Min trong bài Nghiên cứu về lịch sử và địa lý nhận định: “Suốt chiều dài lịch sử, về sự phát triển văn hóa và khoa học, dân tộc Trung Hoa không tha thiết với đại dương”.

PGS.TS Trương Minh Dục 
 (giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị khu vực 3 - Học viện Chính trị quốc gia HCM) 

6 nhận xét :

  1. Ai có khả năng dùng vũ lực ngoài nhà nước của đảng CS.với lực lượng
    quân đội nắm trong tay cùng vũ khí và thiết bị quân sự ?
    Đau xót nhất là bọn này lại làm bạn với bọn cướp nước ! Bó tay chân!
    Trả lời
  2. Bài luận rất thực tế kịp thời
    Trả lời
  3. Chừng nào Nhật Bản dám dùng vũ lực đòi lại đảo Takeshima tranh chấp với Hàn Quốc, chừng nào Nhật Bản dám dùng vũ lực đòi lại quần đảo Kuril tranh chấp với Nga, chừng nào Nhật Bản dám đánh chặn máy bay - tàu chiến Trung Quốc xâm phạm quần đảo Senkaku, chừng nào Mỹ - NATO hết run bần bật, hết "quan ngại sâu sắc" trước sức mạnh của Nga - Trung Quốc - Triều Tiên,... thì hãy kêu gào Việt Nam dùng vũ lực
    Trả lời
  4. Cứ ngồi phòng lạnh mà "quan ngại" ! 
    Trả lời
  5. Sao ở cái đất này thấy nó nhục thế không biết. Giá mà thân mình phát nổ được như quả bom hạt nhân thì tôi dồn tiền sang Bắc Kinh ngay lập tức 
    Trả lời
  6. Chúng tôi quan ngại sâu sắc ,sâu xa về bày viết này 😂😂😂

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.