Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương: Việt Nam phải thực tế hơn trong các quan hệ đối ngoại!
Diễm Thi, RFA
Theo chúng tôi, trước tiên là quốc lực hùng mạnh và kế đó là một liên minh thực chất của Việt Nam với các cường quốc sẽ là việc dài hạn phải làm.
Về mặt luật pháp quốc tế, VN cần kiện Trung Quốc về những vi phạm của nước này đối với các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của họ từ trước đến nay.
Về nguồn lực trong dân chúng, tôi cho rằng nhà nước phải có lắng nghe người dân nhiều hơn thông qua các diễn đàn xã hội, các nhóm tư vấn chính sách và cả những cuộc biểu tình để có thể có được sự tư vấn tốt nhất cho cuộc đấu tranh pháp lý và cả quân sự, nếu có.
TS. Lê Vĩnh Trương
|
Bìa cuốn sách "Bàn về Trung Quốc trỗi dậy" của Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương. RFA
Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương, tác giả cuốn sách “Bàn về Trung Quốc trỗi dậy”, đồng thời là một diễn giả trong Buổi tọa đàm “Sự trỗi dậy của Trung Quốc”, do Khoa quan hệ quốc tế Trường Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức sáng 19/9/2019 tại Sài Gòn, dành cho đài Á Châu Tự Do một buổi phỏng vấn ngắn về những vấn đề liên quan mối quan hệ Trung Quốc và Việt Nam hiện nay.
Diễm Thi: Xin chào Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương. Thưa tiến sĩ, tại buổi toạ đàm “Sự trỗi dậy của Trung Quốc”, vấn đề mà ông được hỏi nhiều nhất là gì ạ?
TS. Lê Vĩnh Trương: Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là các ảnh hưởng của sự trỗi dậy này đến Việt Nam. Có một số câu liên quan đến việc "thôn tính" và "xâm lược" Việt Nam cũng như nghi ngờ về hiệu quả của Chiến lược ba không của Việt Nam mà tôi luôn phản bác.
Diễm Thi: Thưa Tiến sĩ, quan tâm lớn nhất của nhiều người, kể cả những người không dự buổi tọa đàm mà ông từng quen biết, trước tình hình Trung Quốc trỗi dậy như hiện nay là vấn nạn gì?
TS. Lê Vĩnh Trương: Họ quan tâm đến ảnh hưởng chính trị, kinh tế và văn hóa của Trung Quốc theo suốt chiều dài câu chuyện. Gần đây là nạn người Trung Quốc vi phạm luật pháp VN và những hình thức xử lý khá nhẹ của chính quyền VN đối với các trường hợp này. Việc trỗi dậy này có làm gia tăng hơn nữa sự bành trướng, vô pháp vô thiên của TQ như trong câu chuyện giàn khoan HY 981 và tàu Hải dương Địa chất số 8 đã và đang xâm phạm vùng Đặc quyền kinh tế của VN. Một số người suy nghĩ tiêu cực về tình hình chung và một số khác tỏ vẻ sẵn sàng cho một cuộc đấu tranh pháp lý và cả quân sự đối phó Bắc Kinh.
Diễm Thi: Sự trỗi dậy của Trung Quốc có phải còn do sự chủ quan của những nước khác trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, dù từng được các chuyên gia cảnh báo trước hay không ạ?
TS. Lê Vĩnh Trương: Theo tôi, Hoa Kỳ có chiến lược dù không trường kỳ đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nếu như nói đó là một sự giật mình nhẹ từ phía Hoa Kỳ thì cũng không sai. Đối với ASEAN, sự hiểu biết và cảm nhận về Trung Quốc là khá tốt và trong đó Việt Nam là nước có sự chuẩn bị đón nhận sự việc này. Tuy vậy, sự dàn trải của nhiều vấn đề trong sự trỗi dậy này của Trung Quốc cũng khiến chính giới và các bên quan tâm có phần bị động. Điều tệ hại nhất không phải là tiêu cực, chủ quan (bị động) hay tích cực (chủ động) mà là sự e sợ không đáng có của một số thành phần trong chính giới và doanh giới VN.
Diễm Thi: Thưa Tiến sĩ, có đánh giá cho rằng nội tại của Trung Quốc còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết. Ông có cho rằng đánh giá đó chính xác và trước khi xúc tiến những kế hoạch lớn, mang tính ‘bành trướng’ như lâu nay, Trung Quốc phải lo chỉnh đốn nội bộ trước?
TS. Lê Vĩnh Trương: Đây là điều chắc chắn và cốt yếu. Việc trị nội của Trung Quốc là động lực (lòng dân muốn phục hưng) và cũng là một gánh nặng khá lớn cho nhà cầm quyền Trung Quốc. Do vậy Tập Cận Bình quan tâm đến di sản đối nội không thua kém đối ngoại. Tân chính của ông ta có nhiều việc và trong đó quan trọng nhất là Hoàng kim thủy đạo (nối các mạch sông để liên thông kinh tế, môi trường toàn TQ) và Khu mậu dịch tự do Thượng Hải. Hai việc này nhằm kích hoạt và khai thông sức dân Trung Quốc cho hành trình dài hơi của TQ trên đường trỗi dậy.
Diễm Thi: Đối với Việt Nam, Trung Quốc đang tỏ ra hung hăng nhất khi đưa đội tàu vào vùng đặc quyền kinh tế của VN suốt mấy tháng qua, bất chấp phản đối (dù yếu ớt) của Hà Nội và chỉ trích ‘dọa nạt’ mà Hoa Kỳ, cũng như một số quốc gia khác đưa ra. Vậy theo ông cách thức tốt nhất của Việt Nam hiện nay phải là gì để vừa bảo vệ được chủ quyền lãnh hải, vừa duy trì được vị thế độc lập theo "Chính sách 3 không"?
TS. Lê Vĩnh Trương: Theo chúng tôi, trước tiên là quốc lực hùng mạnh và kế đó là một liên minh thực chất của Việt Nam với các cường quốc sẽ là việc dài hạn phải làm.
Về mặt luật pháp quốc tế, VN cần kiện Trung Quốc về những vi phạm của nước này đối với các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của họ từ trước đến nay.
Về nguồn lực trong dân chúng, tôi cho rằng nhà nước phải có lắng nghe người dân nhiều hơn thông qua các diễn đàn xã hội, các nhóm tư vấn chính sách và cả những cuộc biểu tình để có thể có được sự tư vấn tốt nhất cho cuộc đấu tranh pháp lý và cả quân sự, nếu có.
Diễm Thi: Thưa Tiến sĩ, nhiều người tại Việt Nam hay nói "đi với Trung Quốc mất nước, đi với Hoa Kỳ mất đảng", ông nhận thấy thực tế quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang có những diễn biến đáng chú ý nào? Hà Nội đã tạo đủ niềm tin cho Washington hay chưa?
TS. Lê Vĩnh Trương: Cách nói ví von này lý thú nhưng có nhiều diễn biến đan xen khó đoán định. Tôi đánh giá Việt Nam đang khá thân với Mỹ. Cuộc viếng thăm gần đây của hai vị tướng không quân Mỹ đến Hà Nội là một chỉ dấu quan trọng.
Ông cha VN đã từng sống cạnh người khổng lồ qua các triều đại mà TQ đã đứng đầu thế giới ví như Đường, Tống, Minh nhưng Việt Nam chúng ta đã từng vượt thoát khỏi TQ và trong đó có một cuộc đẩy lùi Trung Quốc khi họ kết hợp với cả Chiêm Thành và Chân Lạp năm 1077. Chính trong vòng đe dọa của nhà Minh (không kể trước đó) mà chúng ta đã thiết lập lãnh thổ ở phía Nam (1471 và 1698).
Câu chuyện Việt Trung Mỹ và các mối giằng kéo ba bên vẫn đang diễn ra và kể cả Việt và Mỹ đều có những ý định chính trị thực tế. Việt Nam phải thực tế hơn, đừng có lý tưởng nữa trong các quan hệ đối ngoại và phải chuẩn bị cho đấu tranh pháp lý, ngoại giao và cả quân sự một cách đầy đủ và khôn ngoan nhất!
Diễm Thi: Cảm ơn Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương đã dành thời gian trả lời phỏng vấn RFA.
L.V.T. – D.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.