Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Những diễn biến kỳ lạ sau tuyên bố của Cảnh Sảng

Những diễn biến kỳ lạ sau tuyên bố của Cảnh Sảng

Nguyễn Hiền
Sau tuyên bố của phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tại cuộc họp báo định kỳ hôm thứ Tư, trong đó bác bỏ các cáo buộc của Việt Nam, theo đó nói các tàu nghiên cứu Trung Quốc đã xâm phạm quyền tài phán của Hà Nội ở Biển Đông, đã có những diễn biến khó hiểu, nhưng thể hiện phần nào sự lấn lướt của Bắc Kinh trong vấn đề thuộc Bãi Tư Chính.
Hoãn tọa đàm đến tắt AIS 
Image result for Những diễn biến kỳ lạ sau tuyên bố của Cảnh Sảng
Đầu tiên, buổi tọa đàm khoa học Vùng biển Bãi Tư chính và Luật pháp Quốc tế dự kiến diễn ra vào ngày 22/9 đã bị hoãn lại theo tuyên bố ngày 20/9 của TS.LS. Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển (Viện PLD), trực thuộc Liên hiệp các Hội KH & KT Việt Nam (Liên hiệp Hội). Lý do, vào chiều ngày 19/9, Viện nhận được công văn số 717/LHHVN-BKHCN&MT của Liên hiệp Hội (cơ quan chủ quản) với nội dung như sau: ‘Theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, để có thời gian chuẩn bị và Tọa đàm tốt hơn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam yêu cầu Viện nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển lùi thời gian tọa đàm trên sau ngày 05/10/2019’.
Mặc dù theo Facebooker Nguyễn Đức, buổi tọa đàm khoa học ‘Vùng biển Bãi Tư chính và Luật pháp Quốc tế’ đã có kế hoạch từ lâu với sự chuẩn bị rất chỉnh chu, có sự tham gia của nhiều chuyên gia uy tín!
Tiếp đó, trong một chia sẻ ngày 21/9, của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cho biết. Vào lúc 11h30’ ngày 21/9, gần như toàn bộ nhóm Hải Dương Địa Chất 8 đã biến mất khỏi bản đồ AIS 2 tiếng đồng hồ, chỉ còn mỗi tàu hải cảnh 31302 là vẫn có thể theo dõi được qua AIS vệ tinh. Và theo đánh giá của nhóm này, đây ‘không phải là lần đầu tín hiệu AIS của tàu Hải Dương Địa Chất 8 bị đứt đoạn, nhưng chưa bao giờ lâu như thế này và đồng thời nhiều tàu một lúc.’
Một sự kiện liên quan đến bật tắt AIS vệ tinh chính là vào tối ngày 20/9, tàu hải cảnh 3501 bật tín hiệu AIS đúng một lần cho thấy dường như nó đang rời Đá Chữ Thập hướng về biển Việt Nam. Và cũng vào tối cùng ngày, tàu hải cảnh 3308 cũng hiện diện trên bản đồ AIS, cách giàn khoan Hakuryu 5 khoảng 4-5 hải lý.
Theo nhóm này, có ba lý do để Trung Quốc tắt AIS.
Một là, nhóm tàu Trung Quốc tắt AIS để dễ bề gây hấn; hai là Trung Quốc sợ dư luận Việt Nam không còn giữ tiếp được kiên nhẫn và gia tăng tiếng nói lên chính phủ Việt Nam, nên sau khi biết chắc Việt Nam sẽ không công khai tin tức, thì Trung Quốc cũng tắt AIS để gây khó khăn cho việc theo dõi của cộng đồng Việt Nam và quốc tế; và ba là nhóm tàu Trung Quốc âm thầm rút về.
AIS (Automatically Identification System) là một hệ thống thông tin liên lạc trợ giúp hàng hải, cho phép các tàu trao đổi những thông tin về nhận dạng vị trí, hướng, tốc độ với nhau hoặc trao đổi với các trạm trên bờ. Và nhờ những thông tin của AIS, mà người dân Việt Nam đã biết rõ hơn các hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh hải tại Bãi Tư Chính của Bắc Kinh, trước khi Nhà nước Việt Nam lên tiếng chính thức.
Trước đó, vào ngày 17/9, Bắc Kinh đã điều tàu Sansha 2 Hao (Tam Sa số 2) đến quần đảo Hoàng Sa để thực hiện kiểm soát các khu vực mà Bắc Kinh cho rằng đó là ‘vùng tranh chấp.’ Và tàu này có lượng giãn nước hơn 8.000 tấn; đi được 6,0000 km mà không cần tiếp nhiên liệu và chở tới 400 người.
Vai trò của Đá Chữ Thập tối đa hóa lợi ích Bắc Kinh
Hoạt động của Bãi Tư Chính và sự ‘rút ra – đưa vào’ của đội tàu hải cảnh của Bắc Kinh cho thấy tầm quan trọng của Đá Chữ Thập – một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa (H. Trường Sa, Khánh Hòa), nằm cách biệt về phía tây nam của cụm Nam Yết và về phía đông bắc của cụm Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ đầu năm 1988 cho đến nay.
Từ cuối 2013 đầu 2014, phía Trung Quốc tập trung tối đa người, phương tiện để cải tạo mở rộng đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa. Hiện tại, căn cứ Chữ Thập đã hoàn tất với cụm 7 nhà lớn ở khu vực trung tâm (cao 5-6 tầng) và 30 công trình nhà trung bình, nhỏ khác; 1 đường băng sân bay dài hơn 3.000 m, rộng 50 m phục vụ các loại máy bay vận tải dân dụng, quân sự, du lịch loại nhỏ cất hạ cánh; các đài chỉ huy không lưu, tháp ra đa không lưu và khoảng 30 nhà chứa máy bay dọc đường băng… Ngoài ra, căn cứ này còn có các công trình hiện đại như: tháp hải đăng, tháp điều độ cảng, tháp viễn thông (thu phát sóng 4G), tháp ra đa đối không - đối hải, hệ thống liên lạc vệ tinh, sân vận động trung tâm, trạm quan trắc hải dương, trạm lọc nước biển, bệnh viện tiêu chuẩn cấp 2.
Đặc biệt, tại đá Chữ Thập, phía Trung Quốc xây dựng hệ thống công trình ngầm rất lớn và 9 cầu tàu đảm bảo đón nhận tàu trọng tải hàng vạn tấn...
Bắc Kinh tiếp tục quấy rối tại Bãi Tư Chính của Việt Nam trong thời tiết tốt, và khi thời tiết biến động hay dầu của đoàn tàu sắp cạn, thì ‘nhóm tàu cũng chỉ mất nửa ngày để tới Đá Chữ Thập trú đậu an toàn’.
Trong một diễn biến có liên quan, một bài bình luận trên The Diplomat vào ngày 20/9 của Christopher Sharman cho thấy, các chiến thuật gây hấn của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính đóng vai trò là chất xúc tác để tăng cường hợp tác an ninh Việt – Mỹ. Và David Stilwell, trợ lý bộ trưởng ngoại giao Đông Á và Thái Bình Dương, đề cập với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ rằng: ở Đông Nam Á, có tiềm năng lớn để tiếp tục mở rộng hợp tác với các đồng minh hiệp ước Thái Lan và Philippines, và với các đối tác quan trọng như Việt Nam, Indonesia và Singapore.
N.H.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.