Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

Bao giờ Việt Nam có luật về sách nhiễu và tấn công tình dục?

Bao giờ Việt Nam có luật về sách nhiễu và tấn công tình dục?

26/09/2019
Amanda Nguyễn, 27 tuổi, nhà sáng lập kiêm Chủ Tịch tổ chức phi chính phủ RISE.
Đinh Yên Thảo

Tuần này, khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đang nhóm họp tại New York, một phụ nữ gốc Việt là cô Amanda Nguyễn cũng đã có mặt để vận động hành lang LHQ thông qua nghị quyết về quyền của những nạn nhân bị tấn công tình dục trên khắp thế giới. Trên trang mạng change.org, bản kiến nghị của cô được người ủng hộ vào ký tên hàng giờ, cho đến nay đã có hơn 283 ngàn người ký tên so với mục tiêu đạt đến con số 300 ngàn người.
Amanda Nguyễn, 27 tuổi, nhà sáng lập kiêm Chủ Tịch tổ chức phi chính phủ RISE với mục đích tranh đấu cho dân quyền của những nạn nhân của các vụ bạo lực tình dục, được xem là người thay đổi diện mạo của các điều luât liên bang Hoa Kỳ về nạn tấn công tình dục.
Sáu năm trước, năm 2013, cô là một nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp đang trong năm cuối đại học. Khi đi tìm công lý cho mình, Amanda đã nhận ra rằng các luật định và thủ tục hành chính đầy phiền toái và không đồng nhất giữa các tiểu bang đã gây khó khăn rất nhiều cho các nạn nhân. RISE ra đời, Amanda kêu gọi người dân ký kiến nghị trên trang mạng change.org và bỏ công vận động các nhà lập pháp, nhận được vô số sự ủng hộ từ người dân, giới nghệ sĩ và truyền thông. Cuối cùng Đạo Luật Quyền những Nạn Nhân bị Tấn Công Tình Dục (Sexual Assault Survivor's Rights Act) với hơn 20 luật đã được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua và tổng thống Obama ban hành sắc lịnh năm 2016.
Amanda Nguyễn đã nhận được nhiều giải thưởng, mới nhất là được hai dân biểu đề cử giải Nobel Hoà Bình 2019 cùng giải thưởng Heinz Awards trị giá 250 ngàn sẽ được trao vào tháng 10 tới. Câu chuyện của Amanda cho thấy với nỗ lực và sự tiên khởi của một cá nhân trước một vấn đề được xã hội quan tâm cũng có thể tạo nên sự thay đổi rất lớn.
Trong khi đó, 6 tháng trước, một phụ nữ có tên Nguyệt Hà (Hạ?) tại Hà Nội cũng khởi xướng một kiến nghị thư gởi đến Quốc Hội Việt Nam với tên gọi "Kiến Nghị Bổ Sung và Điều Chỉnh Một Số Quy Định Pháp Luật nhằm Phòng Chống một cách Hiệu Quả (Tình Trạng) Quấy Rối và Bạo Lực Tình Dục" trên cùng trang mạng change.org. Kiến nghị ghi là từ "các công dân, nhóm và tổ chức tại Việt Nam" đồng ký tên ngay sau vụ Đỗ Mạnh Hùng đã sàm sỡ với một nữ sinh viên trong thang máy tại Hà Nội nhưng chỉ bị phạt hành chánh với số tiền 200 ngàn đồng VN hồi tháng Ba năm nay.
Mức phạt trò đùa mà Việt Nam cho rằng vì chưa có luật để xử, đã nên sự phẫn nộ cho công luận và người dân. Nên chính vì đó mà các vụ tương tự lại liên tục xảy ra.
Chỉ một tháng sau, cựu Viện Phó Viện Kiểm Soát Nhân Dân Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh lại sờ mó một bé gái trong thang máy. Rồi mới tháng trước, một gã đàn ông khác là Đào Đức Thành không chỉ sàm sỡ với một cô gái tại một tầng hầm chung cư Hà Nội mà còn tát tai cô và những người can ngăn khi bị phản ứng.
Mới nhất là cuối tuần qua, cộng đồng mạng lại phẫn nộ khi tin tức lan truyền về một bác sĩ tại Huế bị cho là hành hung một nữ điều dưỡng phải nhập viện sau khi gạ tình bất thành.
Ngoại trừ Nguyễn Hữu Linh được đưa tin là "bị xử 18 tháng tù", còn lại các vụ việc trên đều là "đang tiếp tục điều tra". Chúng hoặc đã hay sẽ đi vào quên lãng một khi công luận lắng xuống, cho dù có những vụ đã có sẵn chứng cứ, nhân chứng và nạn nhân cùng gia đình lên tiếng tố cáo. Có những vụ các nạn nhân bị buộc phải im lặng vì sự mua chuộc hay hăm doạ từ kẻ phạm tội. Phụ nữ và trẻ nhỏ xem ra chưa được luật pháp bảo vệ như họ cần được bảo vệ. 
Các nguồn số liệu về nạn sách nhiễu và tấn công tình dục tại Việt Nam thường không đầy đủ và thiếu rõ ràng nhưng theo thăm dò từ tổ chức NGO ActionAid 2014 được các báo trong nước và nước ngoài (AFP) trích lại là có đến 87 % phụ nữ và các bé gái Việt Nam cho biết họ từng đối diện việc xách nhiễu tình dục cách nào đó. Bộ Lao Động và Thương Binh Xã Hội thì ước tính có khoảng 2,000 trẻ em bị xâm hại mỗi năm, một con số mà chính trong báo cáo viết rằng chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" vì chúng chỉ được biết đến khi liên quan đến các tội hình sự. Con số có là bao nhiêu thì thực tế là, phụ nữ và những bé gái Việt Nam vẫn đối diện nhiều nguy cơ bị sàm sỡ, suồng sã ngang nhiên nơi công cộng cho đến việc bị tấn công hay cưỡng hiếp chừng nào không có những biện pháp ngăn chận và trừng phạt thích đáng.
Người dân Việt Nam có lẽ cần bắt đầu cần tham gia vào các chiến dịch ký tên vào các bản kiến nghị gởi đến chính phủ về những sự quan tâm cùng các sự bức bối của mình. Trên bản kiến nghị tiếng Việt kêu gọi ngăn chận tình trạng tấn công tình dục sau hơn sáu tháng khởi xướng chỉ được khoảng 25 ngàn chữ ký như hiện nay xem ra là khá ít ỏi so với hàng chục ngàn người vào "like" một tấm ảnh cô người mẫu hở hang hay một đôi dòng trạng thái mời xem sô diễn của một anh hề nhạt nhẽo nào đó. Giải quyết đến đâu là trách nhiệm của chính phủ nhưng sự lên tiếng của công luận nếu đạt đến hàng đôi ba trăm ngàn người tham gia ký tên ắt cũng buộc giới thẩm quyền ít nhiều phải lưu tâm. Dẫu sao cũng đáng mừng khi có người khởi xướng và nhiều người hưởng ứng trong việc kêu gọi thay đổi luật lệ về nạn tấn công tình dục. Trên bản kiến nghị đã dẫn, một cô gái tên THT ký tên với lý do "Tôi ký tên vì tôi và những người bạn gái đã từng bị quấy rầy tình dục ngay ở nơi công cộng (trên đường đi học về)". Một người ký tên khác là NSMN viết "Nếu hôm nay không phải là bạn, ngày mai có thể là chị, em, con cháu của bạn hoặc là chính bạn". Và NCT viết, "Luật pháp cần có các chế tài để bảo vệ các em nhỏ bị xâm hại. Xâm hại tình dục, đặc biệt với trẻ nhỏ phải bị trừng phạt theo tố tụng hình sự". 
Sách nhiễu và tấn công tình dục là vấn nạn của cả thế giới, không riêng gì chỉ Việt Nam. Hoa Kỳ và nhiều nước đã tuyên chiến, đưa ra những luật lệ nghiêm ngặt nhằm bảo vệ trẻ em và phụ nữ, cũng như trừng trị thích đáng những kẻ phạm tội ở bất cứ hình thức và cấp độ nào, từ việc lưu giữ hình ảnh khỏa thân của trẻ em đã là phạm hình luật, chưa kể đến việc xách nhiễu, tấn công. Cũng một vấn nạn, Amanda Nguyễn đã thành công trong việc thay đổi luật lệ nước Mỹ về vấn nạn này, còn ở Việt Nam,người dân đã lên tiếng và kiến nghị, bao giờ Quốc Hội Việt Nam sẽ đưa ra luật lệ liên quan?
(Từ Dallas, Texas)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.