Vài mẩu chuyện “vui” về an ninh Hải Phòng (Phần 2)
Phạm Thanh Nghiên
28-9-2019
Tiếp theo phần 1
Phần 2: “Bọn anh cũng là người”
Gần đến ngày hết án 3 năm quản chế, tôi cũng hơi hồi hộp – quả là thế thật. Cái quyết định gia hạn thêm 8 tháng quản chế cho Ngô Quỳnh “can tội” cựu TNLT này đi khỏi nơi cư trú không xin phép xin tắc gì, khiến tôi suy nghĩ.
Không biết công an Hải Phòng có học tập và làm theo tấm gương của công an Bắc Giang rồi giở trò cầm tù tôi thêm vài tháng như đã làm với Ngô Quỳnh không?
Đúng là tôi không công nhận bản án vô lý, bất công dành cho mình, không chấp hành án quản chế, thích đi đâu thì đi, chẳng lên phường trình diện, báo cáo báo chồn gì, dù bị triệu tập không dưới 30 lần.
Nhưng nói thật, an ninh Hải Phòng cứ dựa vào cái án quản chế chết tiệt ấy để ngăn cản, bắt bớ, kể cũng rầy rà, phiền toái ra phết. Cơ mà nói đi cũng phải nói lại, không có án quản chế thì họ cũng phịa ra ối lý do để ngăn cản quyền tự do đi lại không chỉ của tôi, mà của bất cứ người bất đồng chính kiến nào họ muốn. Tức là thích thì ngăn cản, thích nữa thì đánh đập, bắt nhốt.
Nhưng cái điều tôi hơi lo lắng đã không xảy ra.
Sáng 18/9/2015, vào cái ngày tôi hết hạn 3 năm quản chế theo lời tuyên án của cái gọi là “Toà án Nhân dân thành phố Hải Phòng”, họ đến.
Họ, gồm mấy công an cả nam lẫn nữ, nhưng chỉ có một người mặc sắc phục, đeo lon trung tá hay thượng tá gì đấy, tôi không nhớ rõ, đứng lố nhố ngoài cổng. Từ trên gác và nhìn qua khe cửa, tôi thấy họ đùn đẩy nhau việc gọi cửa. Kể cũng lạ, lần nào đến nhà tôi, họ cũng thập thò và thiếu tự nhiên như kẻ đi ăn trộm:
– Nghiên ơi, chị Nghiên ơi!
Cuối cùng cũng có một người cất tiếng gọi.
Chị gái tôi chạy ra thưa, không mở cổng ngay mà quay vào gọi tôi:
– Có mấy anh chị công an đến kìa Liên ơi! (Liên là tên thường gọi của tôi).
– Chị cứ mở cổng cho họ vào.
Tôi từ trên gác đi xuống. Đám công an khoảng 5,6 người đã đứng ở sân nhưng chưa dám vào nhà.
– Có việc gì mà các anh chị đích thân đến nhà tôi thế này? Hay là lại cho án tù nữa. Nếu bắt đi tù thì phải huy động lực lượng thật đông chứ mấy người thế này ăn thua gì. Mời các anh chị vào nhà.
Tôi cứ tuôn ra một tràng chẳng ra đùa cũng không ra thật như thế, khiến họ càng bối rồi. Đám người kia vẫn đứng ở ngoài, mấy tay công an trẻ khó chịu ra mặt, có người cười ngượng. Tay công an mặc sắc phục vừa cười trừ vừa đưa tay gãi đầu.
– Ơ, mời các anh chị vào nhà. Vào đi chứ. Một khi tôi đã mở cổng cho vào thì các anh chị cứ tự nhiên, nhá. Không việc gì phải sợ. Cứ vào ngồi đàng hoàng như thượng khách ấy, nhá.
Tôi không bao giờ chửi những lời tục tĩu khi đối thoại hoặc đối diện với công an, kể cả khi bị họ đánh đập. Nhưng tôi ưa nói với họ bằng giọng bề trên pha chút châm biếm, hài hước và chọc tức như thế. Nó khiến họ cay cú, nhưng khó bắt bẻ lại được.
Đám công an lục tục tháo giày đi vào nhà. Bộ ghế salon khá rộng nhưng bọn họ ngồi như dính chặt vào nhau, để thừa ra nhiều khoảng trống. Thái độ của họ đến là thảm hại, không giống với thói hống hách, hà hiếp người dân hàng ngày.
Tôi vẫn tiếp tục cuộc huyên náo của mình:
– Ơ kìa, chỗ còn rộng. Đây, anh ngồi đây, chị ngồi đây, em ngồi chỗ này. Cứ tự nhiên, nhá. Mình đã được chủ nhà mở cửa cho vào thì cứ đàng hoàng ngồi, không việc gì phải sợ cả, nhỉ.
Tôi sắp xếp chỗ ngồi, miệng nói liến thoắng, trong bụng cười thầm vì biết họ đang rất tức tối nhưng vẫn phải răm rắp ngồi đúng vị trí như sự sắp đặt của chủ nhà.
Tôi mời nước từng người bằng thái độ rất lịch sự. Không biết họ có nghĩ tôi lịch sự thật không, hay là lại nghĩ tôi đang trêu ngươi họ.
Sau khi ổn định chỗ ngồi, tay công an mặc sắc phục lấy tập tài liệu trong túi đựng hồ sơ, định nói điều gì nhưng tôi nhanh miệng hơn. Vẫn cử chỉ bề trên, tôi cất giọng oang oang hỏi trước:
– Nào, thế hôm nay các anh chị đến gặp tôi có việc gì? Các anh chị cứ trình bày, tôi nghe.
Nói câu ấy xong, tôi quan sát thái độ của mấy tay an ninh trẻ. Bọn họ có vẻ cay cú lắm, nhưng phải nhịn chứ biết làm sao.
– Nghiên ạ, thế này. Tụi anh đến đây hôm nay trước là để thăm em, sau là để thông báo với em về việc em đã hết thời hạn bị quản chế.
Tay mặc sắc phục nói với tôi bằng giọng nhã nhặn gượng ép.
Tôi kéo dài giọng, mỉa mai:
– Ối dời… ời… ời…, quý hoá quá. Hôm nay tôi được các anh chị công an đến tận nhà thăm hỏi sức khoẻ cơ à. Thế thì tôi nói luôn nhá. Kể từ hôm bị công an Hải Phòng đánh, đến hôm nay tôi vẫn còn sợ, tinh thần còn hoảng loạn đây này.
– Em cứ nói thế, công an nào đánh? Hắn cãi. Tôi chưa kịp đối đáp lại câu gì thì cô nàng an ninh quận Hải An ngồi cạnh tôi đã nhanh nhảu lên tiếng:
– Gớm, chuyện qua mấy tháng rồi mà nhớ dai thế.
Vớ được câu ấy, tôi đốp lại luôn:
– Đấy nhá, thế là chị đã thừa nhận chính công an Hải Phòng là thủ phạm hành hung tôi hôm mồng 2/6 nhá. Mà chị có thừa nhận hay không cũng chả quan trọng. Toàn gương mặt quen thuộc từ cấp phường đến quận, đến thành phố hàng chục người. Chị tưởng hôm ấy tôi không nhìn thấy chị chắc.
Lỡ lời, chị ta cứng họng, mặt thộn ra trông đến là buồn cười. Thấy tình huống có vẻ bất lợi, tay an ninh mặc sắc phục vội cắt ngang cuộc đối thoại:
– Thôi ta vào việc chính đi chị Nghiên.
Vừa nói hắn vừa lôi ra mấy tờ văn bản trong cặp hồ sơ. Dường như sợ tôi tiếp tục cuộc mỉa mai, châm chọc và buộc tội, hắn xoa dịu, kiếm câu chuyện làm quà:
– Nghiên ạ, tụi anh cũng là người. Hôm nay tụi anh đến đây…
Không để hắn nói tiếp, vớ được câu ấy tôi ngắt lời ngay. Tôi nhăn mặt, khoát tay, lên giọng xuống giọng với thái độ bông phèng pha chút mỉa mai, kiểu như đang đọc lời thoại cho một đoạn diễn châm biếm trên sân khấu:
– Rồi, được rồi, nhìn một cái là tôi biết các anh các chị là người rồi. Nhá. Không cần giới thiệu, không cần quảng cáo. Nhìn phát biết ngay.
Từng ấy gương mặt an ninh già trẻ, trai gái đều tối sầm lại. Tôi đang sỉ nhục họ. Tôi thấy mình chẳng quân tử gì khi làm thế, nhưng cũng không cảm thấy mình nhỏ nhen đi. Tôi không thấy xấu hổ. Hình ảnh hàng chục công an, côn đồ trong đó có những con người đang ngồi trước mặt tôi đây từng chửi rủa, đánh đập tôi và các chị gái tôi thậm tệ hôm 2/6 vẫn khiến tôi uất ức.
Tôi không thể quên hình ảnh một tên công an chìm đấm vào mặt khiến tôi ngã gục, cặp kính cận văng ra xa. Khi tôi còn đang bò lê dưới đất vì đau đớn, hắn vẫn lao vào, giật ngược tóc, kéo lê tôi trên mặt đường rồi tiếp tục đánh đập trước sự chứng kiến của hàng chục tên khác, trong đó rất nhiều tên công an quen mặt từng thẩm vấn tôi. Lý do ư? Chúng muốn tôi bị cầm tù trong nhà, và cô lập tôi bằng cách ngăn cản bạn bè đến thăm viếng.
Nghĩ đến đấy, tôi sôi máu, định sẽ nói một tràng cho bõ ghét. Thấy thái độ tôi từ tỉnh bơ, châm biếm chuyển sang tức giận, gay gắt, tay mặc sắc phục lái câu chuyện về chủ đề chính. Hắn cố tỏ vẻ thản nhiên, làm như chẳng bị tác động bởi câu xúc phạm nặng nề của tôi:
– Đây, giờ Nghiên đọc rồi ký vào đây cho anh. Xong tụi anh còn về làm việc khác.
Hẳn đẩy tờ “Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt quản chế” về phía tôi.
– Tôi có chấp hành đâu mà ký nhỉ.
Tôi hoạnh hoẹ.
– Thì ai chả biết em không chấp hành. Nhưng nó chỉ là thủ tục thôi. Em ký là để xác nhận việc bọn anh có mang giấy đến nhà. Chứ quan trọng gì.
Tay mặc sắc phục giải thích.
Tôi không muốn đôi co, không muốn để họ ngồi trong nhà lâu hơn nữa, đành ký cho xong.
Bọn họ ra về. Tôi tiễn ra cửa, chào hỏi nhau vài câu xã giao. Tôi vẫn không quên bồi thêm một câu mỉa mai:
– Lần sau mà đánh tôi thì các anh chị nhè nhẹ tay một chút nhá. Khiếp, chứ cứ thẳng cánh cò bay thế thì đau bỏ xừ.
Bọn người ấy lờ đi, coi như không nghe thấy. Tôi trở vào nhà, tự cười thầm với câu “nhìn một cái là tôi biết các anh các chị là người rồi”.
Chắc họ thù tôi lắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.