Chuyện ngày xưa của nước Nhật
Nguyễn Thái Nguyên
25-9-2019
(Như những dòng tâm sự với một người bạn về câu hỏi vì sao người Nhật Bản dựa vào sự giúp đỡ của Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ hai, đã khôi phục và phát triển đất nước thành công, còn …)
Không biết có những cơ duyên nào kỳ lạ hơn đối với vận mệnh một quốc gia như nước Nhật. Là một quốc gia phong kiến kéo dài hàng nghìn năm như nhiều quốc gia khác ở châu Á, Nhật bản cũng đóng kín trong sự nghèo nàn lạc hậu của chế độ quân chủ. Rồi một ngày, ngày 14/7/1853, có một hạm đội Mỹ do Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Matthew Perry chỉ huy, chẳng cần xin phép ai, cứ cập vào bến cảng Kurihama (Yokosuka ngày nay) ở Vịnh Tokyo.
Ông Perry đã chuyển cho chính quyền Nhật một bức thư của Tổng thống Mỹ Millard Fillmore với yêu cầu như một mệnh lệnh: Nhật phải mở cửa thông thương để buôn bán với Mỹ. Ông Perry chỉ đưa thư rồi đi chứ không gặp và đàm phán với quan chức cấp cao nào của triều đình lúc đó.
Không biết Nhật Hoàng và triều đình thuở đó đã bàn bạc ra sao, nhưng 9 tháng sau, khi chiến hạm của Perry quay lại thì Perry nhận được thông báo về sự chấp thuận của chính phủ Nhật và đây chính là bước ngoặt lớn, tạo ra sự phát triển cho một nước Nhật mới, nhanh chóng hiện đại hóa và trở thành một cường quốc của châu Á vào những thập niên cuối của thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Đáng tiếc, những thành tựu kỳ diệu của nước Nhật lúc đó đã rơi vào tay của tập đoàn quân phiệt Nhật Bản, để rồi bị tan thành mây khói trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945). Trớ trêu thay, chính người Nhật đã gây nên thảm họa kinh hoàng duy nhất cho nước Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ hai bằng trận tập kích bất ngờ vào căn cứ Hải quân Mỹ ở Trân Châu cảng (Pearl Harbor) làm cho 2.402 lính Mỹ thiệt mạng, 1.282 người bị thương, cùng với nhiều Thiết giáp hạm, Khu trục hạm, Tuần dương hạm bị đánh chìm, gần 200 máy bay bị phá hủy…
Ngày 8/12/1941, Tổng thống Franklin D.Roosevelt tuyên bố trước Quốc hội Hoa Kỳ: “Hôm qua, ngày 07/12/1941 là một ngày ô nhục – nước Mỹ đã hứng chịu đợt tấn công bất ngờ và cố ý của Hải quân và Không quân Đế quốc Nhật”. Ông đã yêu cầu Quốc hội thông qua “Nghị quyết tuyên bố tình trạng chiến tranh giữa Mỹ và Nhật”. Lập tức Nghị quyết ấy được Quốc hội thông qua.
Nước Nhật đã mở cửa ra thế giới lần đầu bởi người Mỹ, đã canh tân và phát triển thành một cường quốc, rồi tự mình thiêu rụi nền văn minh ấy trong tham vọng “Đại Đông Á”.
Ngày nay, chính Trung Quốc đang đi lại trên con đường mà nước Nhật đã từng đi trong những năm xưa cũ ấy: Trung Quốc cũng nhờ người Mỹ mở cửa thị trường Mỹ cho Trung Quốc, người Mỹ dắt tay Trung Quốc vào Liên Hiệp quốc, vào các Định chế quốc tế quan trọng như WB, IMF, WTO để phát triển rất nhanh trong vài ba thập kỷ, trở thành một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Rồi chính Trung Quốc cũng ấp ủ “giấc mộng Trung Hoa”, thực thi tham vọng bành trướng, quay lại “chiến” với Mỹ nhằm “vượt Mỹ”, làm “bá chủ” châu Á và thế giới… Kết cục này có như nước Nhật Thiên Hoàng hay không còn phải chờ, nhưng đạo trời thì đơn giản, gieo Nhân như thế ấy thì ắt sẽ gặt Quả như thế ấy mà thôi.
Trở lại chuyện nước Nhật, sau khi bị Mỹ và đồng minh giáng những đòn nặng nề, không có con đường nào khác là đầu hàng không điều kiện. Ngày 29/8/1945, Thống tướng (Tướng 5 sao) Douglas MacArthur được lệnh toàn quyền cai quản bộ máy hành chính của triều đình Nhật Bản, kể cả đối với Thiên hoàng. Khoảng 350.000 lính Mỹ tiến vào Nhật Bản đặt dưới sự chỉ huy của của MacArthur. Ngày 2/9/1945, MacArthur thay mặt quân đồng minh, tiếp nhận đầu hàng của Nhật Bản.
Từ tháng 7/1945, khi chiến tranh đã đi dần vào hồi kết, Mỹ, Anh và Trung Hoa Dân quốc có một cuộc họp bàn về việc kết thúc chiến tranh và tiếp nhận sự đầu hàng của người Nhật. MacArthur đã đưa ra quan điểm phải xóa bỏ “Hiến pháp Minh trị” xây dựng từ năm 1889 để xây dựng Hiến pháp mới, xóa bỏ chế độ quân phiệt, biến nước Nhật thành nước có thể chế dân chủ…
Từ tháng 10/1945, với tư cách là toàn quyền ở Nhật, ông lệnh cho phía Nhật phải soạn thảo một bản Hiến pháp mới để thay thế Hiến pháp Minh trị. Tháng 2/1946 các quan chức “lưu dung” của Nhật đưa ra một bản dự thảo Hiến pháp mới nhưng MacArthur “không chấp nhận”. Ông quyết định lập một Hội đồng gồm 25 người Mỹ và yêu cầu “trong vòng một tuần” phải làm xong Hiến pháp mới.
Sở dĩ có quyết định oái oăm này là vì đã có lịch ngày 26/2/1946 sẽ họp các nước Đồng minh. Việc công bố một Hiến pháp mới như vậy cũng có nghĩa là không nước Đồng minh nào có thể can thiệp được vào công việc nội bộ của nước Nhật trong cả trước mắt và trong tương lai!
Đương nhiên, bản Hiến pháp mới này được “cải tiến” trên cơ sở Hiến pháp Mỹ và các nước phương Tây, thể hiện sâu sắc thể chế tự do dân chủ; nguyên tắc “Tam quyền phân lập”; Thiên hoàng không còn là người tập trung quyền lực tối cao quốc gia mà chỉ là “tượng trưng của quốc gia Nhật, của khối thống nhất quốc dân…”.
Hiếp pháp mới cơ bản xóa bỏ chế độ độc tài chuyên chế phong kiến, xóa bỏ triệt để chế độ quân phiệt Nhật; Sa thải toàn bộ viên chức của chính quyền quân phiệt; Giải giáp quân đội Nhật, buộc hơn 7 triệu lính Nhật về với gia đình; bãi bỏ hai bộ Lục quấn và Hải quân; tiêu hủy toàn bộ vũ khí và thiết bị quân sự…
Ngày 10/4/1946, nước Nhật lần đầu tiên tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Chính phủ mới. (Cùng thời gian với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam). Thiên hoàng Hirohito công khai ủng hộ Hiến pháp mới. Ngày 3/11/1946, Hirohito công bố Hiến pháp của nước Nhật Bản mới trước Hạ viện.
Đây là bản Hiến pháp còn được dùng cho đến ngày nay.
Cũng trong thời điểm khó khăn đó, MacArthur đã yêu cầu Chính phủ Mỹ viện trợ khẩn cấp lương thực thực phẩm cho Nhật Bản để ngăn ngừa nạn đói và sự nổi loạn của dân chúng. Ngay từ cuối năm 1945, ông quyết định giảm bớt 200.000 lính Mỹ đóng ở Nhật (trong số 350.000 binh sĩ) không chỉ để giảm sức ép về lương thực thực phẩm mà còn đưa khẩu phần dôi ra cứu đói cho người dân.
Những năm 1946-1948, Chính phủ Mỹ đã viện trợ nhiều trăm triệu đô la cho chương trình tái thiết nước Nhật. Nhờ đó mà nền kinh tế Nhật Bản, trước hết là nông nghiệp được phục hồi nhanh, xã hội ổn định, quan hệ với lính chiếm đóng Mỹ rất tốt.
Ngay tại thời điểm trước sau khi cuộc chiến kết thúc, thái độ chung của các nước Đồng minh và của Tổng thống Truman đối với Thiên hoàng Hirohito và bộ máy chiến tranh của Nhật đều là “tội phạm chiến tranh” phải loại bỏ triệt để. MacArthur, với tư cách là Tư lệnh tối cao của quân Đồng minh, phải thực hiện các quyết định của Đồng minh và của Tổng thống theo hướng đó.
Điều kỳ lạ đã xảy ra: Toàn quyền MacArthur không thẳng tay dẹp sạch toàn bộ Triều đình Thiên hoàng và bộ máy chiến tranh theo kiểu của “bên thắng cuộc”. MacArthur đã dành thời gian để “nghiên cứu tình hình thực tế” của nước Nhật. Từ thực tế mà ông nắm được, ông đã cùng với Bonner Fellers (một sĩ quan cấp tướng, từng là Tùy viên quân sự của Hoa Kỳ ở Cairo, sau chiến tranh trở thành trợ thủ đắc lực của MacArthur ở Nhật) soạn thảo “kế hoạch về việc chiếm đóng và cải tổ nước Nhật”, một kế hoạch “không giống ai”, thậm chí có những điểm ngược hoàn toàn với Tổng thống Truman. Kế hoạch này đã gây ra cuộc tranh luận rất căng thẳng giữa Tổng thống Truman, tướng Eisenhower và tướng MacArthur.
Điểm then chốt gây sóng gió trong quan hệ với Tổng thống lúc đó là kế hoạch của MacArthur tách Thiên hoàng Hirohito ra khỏi giới quân phiệt Nhật và miễn tội chết cho Thiên hoàng cùng với hầu hết các thành viên có vai trò chủ chốt trong chiến tranh của Hoàng gia Nhật như Thân vương Chichibu Yasuhito, Nhân Thân vương Asaka Yasuhiko, Cựu Ngạn vương Takeda Tsunehisa, Hằng Đức vương Higashikumi Naruhiko v.v… MacArthur cũng không cho Thiên hoàng thoái vị mà giữ ở lại để thực thi chế độ “nhiếp chính”, giữ Thiên hoàng Hirohito như một biểu tượng của sự hòa hợp và ổn định tình hình xã hội của nước nhật sau chiến tranh.
MacArthur giải trình với Tổng thống Truman rằng, người Nhật rất sùng kính đối với Thiên hoàng và Hoàng gia Nhật và bởi thế, ảnh hưởng của Thiên hoàng Hirohito đối với người dân Nhật là vô cùng lớn, bất kể họ ở đẳng cấp nào, phe phái nào. Nếu khép tội chết cho Thiên Hoàng thì Tổng thống phải điều động đủ cho ông 1 triệu quân để áp dụng chế độ quân quản, đủ sức trấn áp sự nổi dậy của các tàn quân Nhật cùng với hằng hà sa số các băng nhóm tội phạm bị giới quân phiệt Nhật lợi dụng lập ra và điều khiển trong chiến tranh.
Đương nhiên Tổng thống Truman không thể đáp ứng được những yêu cầu như thế và cũng đặt niềm tin vào sự tài giỏi của vị tướng này.
Tiếp quản một nước Nhật hoang tàn sau thất bại của cuộc đại chiến và đời sống của người dân vô cùng khốn quẫn, hàng chục triệu người dân không có nhà ở, không có lương thực để cầm hơi, không có việc làm….
MacArthur một mặt chỉ đạo các Ủy viên quân sự đồng minh và quan tòa Mỹ khẩn trương điều tra và xét xử các tội phạm chiến tranh (4.200 quan chức Nhật có tội, trong đó khoảng 3.000 lãnh án tù, kết án tử hình 920 người; 28 quan chức Chính phủ và sĩ quan cấp cao chuyển cho Tòa án Quân sự của đồng minh vùng Viễn Đông, trong đó 7 người bị tuyên án tử hình). Đồng thời MacArthur ra lệnh cấm tất cả quân đồng minh tấn công người Nhật và cũng cấm họ dùng lương thực thực phẩm quá thiếu thốn của người dân Nhật. Ngoài số lương thực thực phẩm và tiền bạc khá lớn mà Chính phủ Mỹ đã viện trợ, MacArthur chủ trương phải phát triển mạnh kinh tế của chính nước Nhật bằng khả năng của người Nhật.
Ông chủ trương nhiều biện pháp cải cách kinh tế theo hướng thị trường tự do và bảo đảm quyền của người dân như Cải cách ruộng đất (Các chủ đất buộc phải bán cho Nhà nước tất cả số ruộng đất mà họ phát canh, sau đó nhà nước bán lại cho những hộ nông dân không có đất, kết quả là toàn bộ “người cày có ruộng”, giai cấp địa chủ bị xóa bỏ tận gốc rễ cũng có nghĩa là cơ sở kinh tế của chế độ phong kiến bị xóa bỏ “một cách hòa bình”. Cuộc CCRĐ của MacArthur được coi là mẫu hình CCRĐ thành công nhất trên thế giới). Đồng thời, ông chủ trương tái cơ cấu triệt để nền công nghiệp Nhật, trong đó có việc chấm dứt vai trò độc quyền của các Tập đoàn tài phiệt gia tộc (Zaibatsu), lệnh cho Chính phủ ban hành Luật cấm độc quyền. Ông tuyên bố toàn thể nhân dân Nhật có quyền tự do phát ngôn và hội họp, thành lập các công đoàn, quyền bình đẳng nam và nữ… là những thứ chưa bao giờ có dưới chế độ quân phiệt Nhật.
MacArthur toàn quyền quản trị toàn diện nước Nhật trong 6 năm. Ông đã bỏ ngoài tai nhiều ý kiến bất đồng của các nghị sĩ và tướng lĩnh Mỹ vì sự tái thiết nước Nhật. Người ta gọi ông là “nhà độc tài thần thánh”. Vậy nhưng “nhà độc tài” ấy lại được nhân dân Nhật thực sự tôn kính với lòng biết ơn sâu sắc.
Ngày ông trở về Mỹ, hàng trăm nghìn người dân Nhật đã đổ ra đường chào đón và tiễn đưa ông về nước. Ông là người đưa nước Nhật từ chế độ phong kiến quân phiệt độc tài sang chế độ dân chủ hiện đại. Công lao này của MacArthur lớn hơn bất cứ chiến công lẫy lừng nào của ông trong 3 cuộc chiến tranh: chiến tranh thế giới thứ nhất, chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Triều Tiên. Bản thân ông cũng tự coi ông là người “mở cửa” nước Nhật lần thứ hai và thực tế, ông đã chiếm trọn trái tim của người Nhật.
Hồi ký của cựu Thủ tướng Nhật Kiichi Miyazawa (nhiệm kỳ 1991-1993) có đoạn: “Ngày 16/4/1951, MacArthur rời Tokyo về Mỹ. Hôm ấy dân chúng Nhật đứng chật kín suốt hai bên đường từ trụ sở SCAP tới sân bay Haneda. Thủ tướng Nhật cùng toàn thể thành viên Chính phủ ra sân bay tiễn đưa. Tôi đứng sau Bộ trưởng Tài chính, đối diện với chiếc chuyên cơ. MacArthur cùng vợ và con trai lần lượt bắt tay từng quan chức. Khi MacArthur bước lên cầu thang máy bay, một quan chức Nhật bỗng hô to: “MacArthur muôn năm”! Thế là mọi người đều dơ tay hô theo “Muôn năm”…” (theo Wikipedia tiếng Việt).
May mắn thay, nước Nhật sau chiến tranh đã có cơ duyên gặp được một “Nhà độc tài thần thánh” mà không phải nước nào cũng có được may mắn ấy.
Hà Nội, tháng 9/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.