Án mẫu “Diego Garcia”
25-9-2019
Vấn đề “kiện” TQ, VN có nhiều “án mẫu” ở các Tòa quốc tế như Tòa Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS).
Hôm kia tôi đã nói về “án mẫu” Mã lai-Singapour. Mã lai cùng Singapour đưa nhau ra Tòa Công lý Quốc tế để giải quyết tranh chấp chủ quyền các đảo trong eo biển Johor. Song song đó Mã lai nộp đơn yêu cầu Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) ra “biện pháp phòng ngừa”, theo qui định điều 290 UNCLOS, để bảo vệ quyền và lợi ích của Mã lai có thể bị xâm hại bất khả hồi phục do những hoạt động bồi đắp đảo của Singapour. Yêu cầu của Mã lai được Tòa ITLOS giải quyết trong vòng một tháng. Tòa ra “biện pháp phòng ngừa” Singapour ngưng ngay tức khắc việc bồi đắp đảo.
Ý kiến của tôi, VN có thể “cóp py” quá trình sử dụng pháp lý của cả hai bên, Singapour lẫn Mã lai, một mặt yêu cầu Tòa ITLOS (hay ICJ) cho ý kiến tham vấn về hiệu lực phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) 11-7-2016, mặt khác yêu cầu Tòa ITLOS cho một “biện pháp phòng ngừa” nhằm chấm dứt tức khắc những quấy nhiễu của TQ ở khu vực bãi Tư chính.
Hôm nay nói về “án lệ” của Tòa Công lý Quốc tế mang tên: “Effets juridiques de la séparation de l’archipel des Chagos de Maurice en 1965 – Hệ quả pháp lý của việc chia cắt quần đảo Chagos với Maurice năm 1965”.
Quần đảo Chagos nổi danh với tên khác là Diego Garcia tọa lạc ở Ấn Độ dương, hiện là căn cứ quân sự của Mỹ lớn nhứt trong khu vực Ấn Độ dương. Căn cứ Diego Garcia cùng với căn cứ Guam (Thái bình dương) tạo nên “trục” Ấn độ-Thái bình dương của hải quân Mỹ. Đảo hiện thời thuộc chủ quyền của Anh.
Đảo quốc Maurice sử dụng điều 65 nội qui ICJ để yêu cầu Tòa cho một “ý kiến tham vấn” về việc chia cắt đảo Diego Garcia (Chagos) ra khỏi quốc gia này năm 1965.
Đảo quốc Maurice đã lợi dụng diễn đàn Đại Hội đồng LHQ năm 2017, trình bày trước đại diện các quốc gia, việc Anh chia cắt quần đảo Diego Garcia (Chagos) rời khỏi Maurice năm 1965 là đi ngược lại Hiến chương cũng như các Nghị quyết của LHQ về việc bảo toàn lãnh thổ của các quốc gia thuộc địa trong quá trình “giải thực”.
Đảo quốc Maurice đã thành công. Đại hội đồng LHQ ra một Nghị quyết (71/292), dựa theo điều 65 nội qui Tòa Công lý quốc tế, yêu cầu Tòa ra một “ý kiến tư vấn” về việc này. Vừa rồi Tòa CIJ đã ra ý kiến thuận lợi cho đảo quốc Maurice.
VN có thể làm tương tự.
VN nhân cuộc họp Đại hội đòng LHQ (đang diễn ra) tố cáo hành vi gây hấn của TQ trong khu vực bãi Tư chính, thuộc vùng Kinh tế độc quyền (EEZ) và thềm lục địa của VN.
Song song đó VN yêu cầu Tòa ICJ (hay Tòa ITLOS) ra một “ý kiến tham vấn” về hiệu lực phán quyết CPA 11-7-2016.
Câu hỏi VN đặt ra phải chính xác và cụ thể. Thí dụ như sau: Nội dung “giải thích luật và cách áp dụng luật biển” của phán quyết, về các khoản “đường 9 đoạn”, “vùng biển lịch sử” và “tư cách pháp lý các thực thể ở TS”… có áp dụng cho toàn thể vùng biển EEZ và thềm lục địa của VN hay không? Câu hỏi phụ: Có thể áp dụng cho vùng biển HS hay không?
VN đồng thời có thể yêu cầu một “biện pháp phòng ngừa”, đúng theo điều 290 UNCLOS, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của VN khong bị thiệt hại một cách không thể hồi phục.
Các đe dọa của TQ khiến giàn khoan Repsol rút đi, hay ExxonMobil đang muốn bỏ mở Cá voi xanh… đều là những lợi ích của VN mất đi không thể hồi phục. Riêng việc TQ áp đặt “quyền tài phán” trong khu vực này có thể đe dọa hòa bình cho khu vực. Việc này hiển nhiên gây thiệt hại cho tất cả các quốc gia qua lại Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.