Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Ai là người cuối cùng?

Ai là người cuối cùng?

Trương Minh Ẩn
24-11-2018
Việt Nam ngày nay là xứ sở lạ lùng. Đã có câu thành ngữ nói về sự lạ lùng này lưu truyền trong dân gian, rằng: ‘Những chuyện chỉ có ở Việt Nam’, tức những câu chuyện không đâu trên thế giới này có được. Cho nên có những phiên tòa xét xử để lộ ra rất nhiều điều kỳ lạ, nhưng lại trở thành chuyện không có gì lạ ở xứ này.
Vụ xét xử hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa bảo kê đường dây đánh bạc ngàn tỉ đang diễn ra và những kẻ liên quan trong đường dây này cũng như thế. Hãy cùng điểm qua những điều lạ lùng từ phiên tòa này.
Đầu tiên là nguyên nhân dẫn đến phiên tòa, tức tội đánh bạc. Năm 2011, ông Nguyễn Thanh Hóa, đương chức Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng Công nghệ cao (C50) chỉ đạo cấp dưới làm văn bản trình lên cấp trên, tức Tổng cục Cảnh sát, đề xuất thành lập công ty bình phong theo mô hình công ty TNHH. Trong đó C50 góp 20% vốn và cử người phụ trách công nghệ thông tin.
Từ những tham mưu này, ông Phan Văn Vĩnh ký quyết định công nhận công ty CNC của Nguyễn Văn Dương làm công ty bình phong. C50 không góp vốn nhưng được hưởng 20% lợi nhuận kinh doanh, và đề nghị cấp trên cho CNC phát hành trò chơi cờ bạc trên Internet. Với lý do để quản lý hoạt động cờ bạc bất hợp pháp và tạo nguồn thu xây dựng lực lượng hacker chuyên nghiệp, phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao.
CNC liên kết với VTC online kinh doanh trò chơi đổi thưởng dù không được Bộ TT&TT cấp phép, vận hành “chui” cổng game Rikvip. Khi bị phát hiện ông Hóa cho xây dựng văn bản để ông Phan Văn Vĩnh ký báo cáo Bộ Công an và Bộ TT&TT hợp pháp hóa 2 cổng game Rikvip.com và 23zdo.com mà CNC bình phong đang vận hành “chui”.
Tóm lại, mục đích là hợp thức hóa chuyện đánh bạc với vỏ bọc là theo dõi tội phạm và tạo ngân sách, chứ không có chuyện xây dựng lực lượng hacker nào cả.
Kế tiếp là những con số kinh khủng. Thông tin từ trang Zing cho biết, có 14 triệu người đã tham gia đường dây đánh bạc này, với tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là hơn 9.500 tỷ đồng. Có khoảng 2.600 tỷ đồng được dùng để trả thưởng cho con bạc, các doanh nghiệp viễn thông hưởng lợi hơn 1.400 tỷ đồng. Riêng Phan Sào Nam đã gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng của Singapore.
Đồ họa của Zing về những con số trong vụ án đánh bạc ngàn tỉ.
Phan Sào Nam là một mắc xích chính trong đường dây tội phạm, thu lợi nhuận khổng lồ này. Báo chí đưa tin, trước khi bị phanh phui, Phan Sào Nam thuê người sơn lại nhà kho,các công nhân dùng những thùng đựng tiền làm giá đỡ để đứng lên thi công. Để đếm hết số tiền này, cần 10 máy đếm tiền của một ngân hàng và phải đếm cả ngày lẫn đêm cho đến sáng hôm sau mới có thể đếm xong, để đưa số tiền này cho vào kho bạc.
Phan Sào Nam còn chuyển cho dì ruột là bà Phan Thu Hương hơn 236 tỷ đồng gởi tiết kiệm. Nam còn mua bất động sản, để cho đồng bọn đứng tên và cất giữ tiền, tổng cộng gần 700 tỷ đồng.
Báo Công an Nhân Dân đưa tin, trong quá trình điều tra, công an còn thu giữ 2 va ly đựng đô la và vàng của Nam gửi ở TPHCM, khi mở còn dấu niêm phong của FBI. Rõ ràng đây là những dấu niêm phong giả, đánh lừa mọi người nhằm mục đích rửa tiền vì FBI là cơ quan cảnh sát điều tra liên bang ở Mỹ, chỉ điều tra tội phạm trong phạm vi nước Mỹ, không điều tra tội phạm nước ngoài, trừ khi họ được nước ngoài mời trợ giúp. FBI chỉ niêm phong tang vật điều tra, không có chuyện FBI niêm phong để chứng thực số tiền trong vali của Nam.
Nguyễn Văn Dương khai đã biếu hai cựu tướng công an 50 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi tháng, Dương cống nộp cho Phan Văn Vĩnh 200.000 USD qua hình thức “tự nguyện biếu”. Ngoài việc cống nạp tiền theo định kỳ, những dịp lễ lộc, tết nhứt, Dương còn biếu thêm hai tướng công an nhiều tiền bạc, quà cáp trị giá hàng chục cho tới hàng trăm ngàn Mỹ kim.
Phiên tòa diễn ra, có lúc người ta ngỡ hai ông cựu tướng công an là… chủ tọa phiên tòa. Trong một phiên tòa, vị chủ tọa hỏi: “Có bị cáo nào đề nghị không đưa bản án lên cổng thông tin điện tử của tòa không?” Ông Phan Văn Vĩnh giơ tay, đề nghị tòa không công bố bản án và quan tòa đã làm theo ông ta.
Thêm một thông tin đáng chú ý, tại phiên tòa chiều 16/11, chủ tọa thông báo, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, kiến nghị HĐXX rút yêu cầu Bộ Công an cung cấp hai văn bản liên quan đến việc điều tra đường dây đánh bạc. Trước đó, luật sư của ông Hóa đề nghị triệu tập đại diện C50, để làm rõ vì sao hai văn bản quan trọng đó không có trong hồ sơ. HĐXX đã ra quyết định yêu cầu Bộ Công an cung cấp hai văn bản theo kiến nghị của luật sư, nhưng sau đó ông Hóa kiến nghị tòa, không yêu cầu Bộ Công an cung cấp hai văn bản đó.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao luật sư đề nghị “triệu tập đại diện C50 cũ, để làm rõ việc có 2 văn bản quan trọng nhưng không có trong hồ sơ” và hai văn bản này theo luật sư, sẽ giảm tội cho ông Hóa, nhưng ông ta lại rút yêu cầu? Phải chăng, các văn bản này tiết lộ, Bộ Công an chấp nhận cho các bị can này tổ chức đánh bạc?
Qua những điều hai tướng công an khai ra, dường như đã có câu trả lời cho các câu hỏi: Phải chăng đã có văn bản của Bộ Công an chấp nhận cho các bị can này tổ chức đánh bạc? Phải chăng hai tướng công an được sự chấp thuận của hai ông Phạm Quý Ngọ và Trần Đại Quang? Ngoài ông Ngọ và ông Quang, còn nhân vật cấp cao nào liên quan tới quyết định tổ chức đường dây đánh bạc này?
Cả ông Ngọ lẫn ông Quang đều đã chết và nghi vấn về nguyên nhân cái chết là do bị đầu độc. Nhiều thông tin cho thấy, ông Ngọ bị ép phải chết để che giấu hành vi phạm tội của cấp trên và đồng bọn của ông ta, mà người dân gọi cái chết của ông ta là “chết đúng quy trình”.
Ông Quang cũng đã chết. Nếu còn sống, biết đâu ông ta lại khai tiếp vụ đánh bạc này là chủ trương của Bộ Chính trị? Biết đâu, đây mới chính là những người cuối cùng chủ trương thành lập đường dây đánh bạc?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.