Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Tôi là một nhà truyền giáo người Mỹ ở Honduras – Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh bạo lực mà họ chịu đựng

Tôi là một nhà truyền giáo người Mỹ ở Honduras – Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh bạo lực mà họ chịu đựng

Tác giả: Patrick Gothman
Dịch giả: Lam Kiều Lam
27-11-2018
LTS: Người dân Mỹ bắt đầu có mặt ở Honduras từ năm 1890 và sau đó là Thủy quân Lục chiến Mỹ đã hiện diện ở Honduras từ ngày 21/3/1907. Sự xuất hiện của Quân đội Mỹ ở Honduras kể từ đó cho đến nay, có liên quan tới nguồn gốc của đoàn người di cư Honduras đến Mỹ hiện tại. Có thể nói rằng, chính sự tác động của Mỹ lên nền chính trị và kinh tế của các nước Nam Mỹ trong nhiều thập niên qua, ít nhiều đã dẫn tới tình trạng bất ổn, đói nghèo và bạo lực ngày nay ở các nước Nam Mỹ, trong đó có Honduras.
Sử gia Walter LaFeber viết trong cuốn sách: “Cuộc cách mạng không thể tránh khỏi: Mỹ ở Trung Mỹ“, cho thấy, các công ty Mỹ xuất hiện ở Honduras nắm trong tay hệ thống đường sắt và ngân hàng, thao túng gần như toàn bộ nền kinh tế của quốc gia này. Họ hối lộ các quan chức Honduras để có được các hợp đồng thương mại lớn. Chính quyền các nước Trung Mỹ, trong đó có Honduras, phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ về mặt kinh tế. Thập niên 1980, thời Tổng thống Ronald Reagan, chính sách quân sự và chính trị của Mỹ ảnh hưởng đến Honduras lớn đến mức, truyền thông quốc tế còn đặt cả biệt danh cho quốc gia Trung Mỹ này là USS Honduras hay Cộng hòa Lầu Năm Góc.
Cuộc đảo chính quân sự năm 2009, cựu Tổng thống Manuel Zelaya bị quân đội lật đổ, khi ông này cố gắng thay đổi hiến pháp ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của Mỹ, đã dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị, gây ra đói nghèo và bạo lực cho người dân Honduras. Sau năm 2009, Honduras trở thành quốc gia nguy hiểm nhất thế giới, với nạn tham nhũng tràn lan, tỉ lệ tội phạm và giết người tăng cao. Một đất nước tan hoang, đã buộc người Honduras phải rời khỏi quê hương để tìm nơi tị nạn, khi họ đứng trước sự lựa chọn giữa sự sống và cái chết.
Bài viết của tác giả Patrick Gothman dưới đây cung cấp cho người đọc một góc nhìn khác về những người Honduras, những người đang phải từ bỏ tất cả, gia đình, quê hương,… để đi tìm sự sống trong cái chết.
Cô bé Brithani Lizeth Cardona Orellana, 3 tuổi (dưới cùng bên phải), cùng với chị gái 5 tuổi Janeisy Nicolle và anh trai 9 tuổi Kenner Alberto. Hai bên là dì và cậu của họ tại nhà họ ở San Pedro Sula, Honduras. Ảnh chụp ngày 2/11/2018. Nguồn: AP / Moises Castillo
Tại mỗi tiệm bánh Dunkin ‘Donuts ở Honduras, luôn có một nhân viên bảo vệ mang súng đứng canh gác. Khi bạn vào một tiệm thuốc tây, người bảo vệ với khẩu súng ngắn đeo trên ngực, sẽ giữ khẩu súng của bạn một cách thận trọng, trong khi bạn chờ đợi mua thuốc theo toa bác sĩ.
Vào những ngày lễ, không bắn pháo hoa bắn chính thức, chỉ có một số pháo nổ và súng nổ bất hợp pháp, nổ tung trong màn đêm. Vào đêm trước Giáng sinh, Năm mới, lễ Quốc khánh, mọi thị trấn trên khắp đất nước, những tiếng súng vang vọng trong bóng đêm như một lực lượng vũ trang phi nước đại ra khỏi thị trấn, giống như trong phim cao bồi miền Tây hoang dã.
Năm năm trước, tôi rời Hoa Kỳ để cùng với những người Mỹ và những người Nicaragua tình nguyện đến làm việc tại ngôi nhà dành cho trẻ em trên bờ biển phía bắc Honduras, nơi phục vụ trẻ em mồ côi và trẻ em không còn sống với gia đình do nghèo khổ, bị lạm dụng hoặc cả hai. Chúng tôi trực tiếp chứng kiến thiên đường và địa ngục từ những người hàng xóm bên cạnh, và bạn có thể nghe thấy tiếng súng nổ vào ban đêm từ cả hai phía.
Lần đầu tiên tôi bị một khẩu súng chĩa vào tôi trong khi tôi đang chờ taxi vào sáng tinh mơ ở khu phố giàu có nhất San Pedro Sula, trung tâm công nghiệp của đất nước, và vào thời điểm đó là “thủ đô giết người” của thế giới. Nhân viên bảo vệ nhìn thấy tôi đang đứng bên ngoài chủng viện, nơi tôi đã qua đêm với tư cách khách mời. Anh ta trèo xuống từ tháp pháo của mình trên góc phố và tiếp cận tôi với một tay cầm con dao rựa, tay kia nâng một khẩu súng lục.
“Anh đang làm gì ở đây?” Anh nheo mắt nhìn tôi, chớp mắt lại.
“Tôi chỉ chờ taxi. Tôi đi tới sân bay”, tôi nói.
Anh ta hỏi: “Vậy tại sao anh lại đợi ở đây, trên đường này? Không có gì tốt đẹp xảy ra ở đây vào thời điểm này”. Xung quanh chúng tôi là những ngôi nhà biệt thự theo tiêu chuẩn của Mỹ. Tôi muốn trở lại bên trong chủng viện, nhưng cánh cổng cao 15 feet đã đóng lại sau lưng và tôi không thể mở nó mà không đánh thức tất cả các linh mục, nữ tu và chủng sinh bên trong.
Tôi đề nghị: “Tôi có thể sang khu nhà khác và đợi. Xe của tôi chỉ cách năm phút thôi”.
“Không! Anh đợi ở đó. Đừng đi đâu cả. Đợi đấy”, anh ta nhấn mạnh.
Khi xe taxi của tôi cuối cùng đã đến, anh ta cất súng vào bao và nói lời xin lỗi, nhưng tôi không nấn ná lâu để đáp lời anh.
Trước khi dọn đến Honduras, tôi đã đến thăm đất nước này. Trong một tuần, tôi giúp hướng dẫn một nhóm học sinh trung học từ tất cả các trường Công giáo ở Giáo phận Dallas, những người cung cấp một số việc làm thủ công và vật liệu cho “giáo phận chị em của chúng tôi”. Trong bóng tối của một ngọn núi xanh lớn, chúng tôi đã xây dựng lại và sơn một ngôi trường đông đúc, nơi Luis là người hướng dẫn địa phương của chúng tôi, có vợ là giáo viên. Luis giống như viên thị trưởng ở ngôi làng nhỏ này. Ông điều hành trường học, giúp giải quyết các tranh chấp, hướng dẫn học Kinh Thánh cho cộng đồng và làm lễ vào Chủ Nhật, và là một trong những cư dân duy nhất có xe hơi, nên ông cũng cung cấp dịch vụ xe cứu thương.
Một buổi sáng, ông chào chúng tôi với đôi mắt đỏ ngầu và thâm quầng. Ông đã đưa một người hàng xóm bị đau dạ dày đến bệnh viện vào giữa đêm — hơn một giờ lái xe mỗi bận, từ phía bên kia của ngọn núi. Ông trở lại kịp lúc để ăn sáng và cầu nguyện và chào đón chúng tôi vào buổi sáng tại trường.
Luis và vợ ông là những tấm gương nổi bật về hàng loạt câu chuyện mà họ đã làm được trong bối cảnh nghèo đói cùng cực. Với lòng quyết tâm và một trái tim thiện lành, người ta có thể trở thành trụ cột của cộng đồng — một cộng đồng đáng để ở lại.
Có lần tôi hỏi Luis, có phải nhiều thanh niên trong làng của ông muốn bỏ đi Mỹ hay không. “Tất cả bọn họ”, ông nói với tôi. Không có sự xấu hổ trong giọng nói của ông, mà đơn giản chỉ là sự thật. Khi tôi hỏi ông, có bao giờ ông nghĩ đến việc bỏ đi, ông lắc đầu. Ông có vợ và một đứa con trai, một công việc tốt, một cộng đồng nơi ông sống, giúp tạo ra sự khác biệt; ông không thể tưởng tượng đến việc bỏ đi.
Nhiều năm sau, khi tôi chuyển đến một thị trấn ở phía bên kia của ngọn núi đó, tôi đón xe buýt để thăm Luis và gia đình ông. Ông rất vui mừng khi gặp lại tôi nhưng đã cảnh báo tôi, lần sau đừng đi xe buýt. “Nó không an toàn”, là tất cả những gì ông nói.
Trong hai năm ở Honduras, tôi đã học cách yêu thương những đứa trẻ đó tại ngôi nhà nơi chúng tôi làm việc, như thể chúng là con mình. Mục tiêu của chúng tôi là chuẩn bị cho chúng cuộc sống lành mạnh và hiệu quả ở Honduras, mặc cho thời thơ ấu tàn bạo và đau khổ mà chúng đã phải chịu đựng. Nếu chúng tôi có thể tặng cho những đứa trẻ tình yêu thương đầy đủ, sự ổn định và bình yên giữa cơn bão động bao quanh chúng, sau lưng chúng là quá khứ, thì chúng tôi tin chúng có thể có một cơ hội chiến đấu.
Tuy nhiên, bạo lực xảy ra không hề báo trước, và nó bất kể những niềm tin chân thành. Vừa trở về từ lớp tiếng Anh tôi dạy trong ngày, tôi nghe tin một trong những tình nguyện viên và giám đốc điều hành của chúng tôi, là người đến từ Hoa Kỳ, đã bị tấn công trên bãi biển gần khu nhà chúng tôi. Có lẽ khoảng 200 mét từ khu trú ẩn của chúng tôi, họ đã bị kề dao phay vào cổ và một tình nguyện viên, một trong những người bạn thân nhất của tôi, cô đã bị hãm hiếp. “Chúng tôi biết các người từ đâu tới. Nếu các người kể cho ai nghe thì chúng tôi sẽ trở lại và giết các người và tất cả những đứa trẻ”, những kẻ tấn công đã nói khi thả họ đi.
Sau khi đến bệnh viện và báo cáo cảnh sát, người bạn yêu quý của tôi đã trải qua đêm cùng với tất cả chúng tôi trên nền nhà, một vài người trong chúng tôi mang dao phay kề bên và tất cả chúng tôi không thể ngủ được. Sáng hôm sau, cô ấy đã được di tản ra khỏi nước này, và tất cả chúng tôi cũng đã được ban giám đốc đề nghị rời khỏi nơi này. Bổng dưng, sự lựa chọn đáng ghét là phải chạy trốn khỏi đất nước này, trong đó có rất nhiều người hàng xóm Honduras của chúng tôi, đã biến thành vấn đề của tôi. Những kẻ phạm tội vẫn chưa bị bắt, và cộng đồng tình nguyện viên ít ỏi của chúng tôi nhanh chóng suy yếu khi nhiều người thừa nhận, họ không còn cảm thấy an toàn để tiếp tục làm việc. Ngày hôm sau, những người còn lại cũng rời khỏi đất nước.
Vài năm sau, tôi đã liên lạc được với Luis qua WhatsApp. Hóa ra ông và gia đình đã trốn khỏi thị trấn nhỏ của họ vào giữa đêm. Một băng đảng địa phương đã yêu cầu ông trả cho họ tiền phí “bảo vệ”, và khi Luis từ chối, họ đe dọa sẽ giết ông và cả gia đình. Họ chạy trốn đến một thành phố lớn hơn, nhưng ông và vợ không thể tìm được công việc giảng dạy và vẫn sợ băng đảng cuối cùng sẽ tìm thấy họ. Ông hỏi tôi có thể giúp ông xin tị nạn ở Hoa Kỳ được không.
Tôi đã liên lạc với vài luật sư di trú, họ nói với tôi rằng, Luis phải vượt đường xa tìm đến biên giới Mexico-Hoa Kỳ và nộp đơn xin tị nạn ở đó. Nhưng ngay cả khi ông ấy có thể tới được biên giới, tôi phải nói với Luis rằng, có khả năng gia đình ông sẽ không được cấp quy chế tị nạn. Luis đau khổ. Ông cần bảo vệ gia đình của mình, ông nói, và cách tốt nhất ông có thể làm là bỏ đi, để có thể giúp gia đình ông được sống. Có thể tôi và anh kết hôn, chỉ trên giấy tờ, ông nói nghiêm túc. Ông nói đúng, rằng việc đó (tức hôn nhân đồng tính: ND) bây giờ hợp pháp ở đây, tại Hoa Kỳ, tôi giải thích, nhưng tôi không thể kết hôn với ông để ông có quốc tịch. Cho dù lời đề nghị của ông là ngớ ngẩn, tôi đã bứt rứt khi gõ lời từ chối ông, biết rằng quyết định của tôi là vấn đề sống, chết.
Tôi vẫn nhận được tin nhắn từ Luis mỗi vài tuần, cầu xin tôi giúp đỡ, mặc dù thành thật mà nói, tôi không còn đủ can đảm để mở tin nhắn của ông ra xem nữa. Vì những tin nhắn liên tục nhắc tôi rằng, tôi bất lực, khiến tôi không chịu nỗi. Tôi biết rằng tôi có quyền phớt lờ nạn bạo lực ở Honduras và giả vờ như tôi không sống ở đất nước đã tạo ra sự tuyệt vọng của Luis, cũng là đất nước có thể giúp sửa chữa nó.
Với tất cả những gì tôi biết, Luis có thể là một thành phần trong đoàn di cư vô danh, chờ đợi ở phía bên kia biên giới phía nam để xin tị nạn. Đó là điều mà một người bạn thực sự nên biết. Điều quan trọng phải biết những người này là ai và những gì họ làm là hợp pháp (xin tị nạn là hợp pháp ở Hoa Kỳ: ND). Không có cách nào để họ xin tị nạn từ nước họ. Ám chỉ rằng những người có mặt ôn hoà, làm thủ tục xin tị nạn tại các cửa khẩu là vi phạm luật pháp của Mỹ, là không trung thực.
Khi tôi gặp Luis lần đầu tiên, tôi cho rằng ở Honduras có thể có được nền giáo dục, công việc và trở nên ổn định về mặt tài chính mà bạn sẽ không bao giờ cần phải rời khỏi đất nước. Nhưng hình ảnh trong đầu tôi về “người Honduras đạo đức” đã chứng minh sự ảo tưởng, khi Luis thậm chí bị buộc phải chạy trốn khỏi bạo lực và nghèo đói ở Trung Mỹ. Nếu chúng ta muốn chấm dứt việc các gia đình ban đêm chạy trốn vào biên giới của chúng ta, thì chúng ta cần tìm hiểu lý do tại sao ban đêm của họ trở nên quá khủng khiếp để bắt đầu.
Các loại vũ khí nhiễu loạn đường phố của họ đến từ nuớc Mỹ chúng ta. Tham nhũng xâm nhập vào chính phủ của họ là kết quả trực tiếp của cuộc đảo chính và bất ổn mà đất nước chúng ta đã liên tục chỉ thị hoặc dung túng trong hơn một thế kỷ. Trước khi Banana Republic là một cửa hàng quần áo sang trọng, đó là một thuật ngữ áp đặt lên một quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào một nền kinh tế mạnh mẽ hơn bên ngoài biên giới của nó. Nó chỉ là một phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân, và nạn nhân nguyên thủy là Honduras.
Nghèo đói và bạo lực, nguyên nhân của những đoàn lữ hành, là những căn bệnh mà chúng tôi đã truyền nhiễm cho các nước này. Việc những người nổi giận với những người di cư giống như những kẻ đi xâm chiếm Trung và Nam Mỹ, và những người da trắng đầu tiên, tự hỏi tại sao người Mỹ bản địa luôn ốm đau.
Những người trong chúng ta sống ở phía bắc biên giới Mexico phải học cách hòa mình vào đất đai của chúng ta và tại sao hàng xóm của chúng ta ở phía nam vẫn nghe thấy tiếng súng nổ vào ban đêm. Tôi đã chạy trốn từ bên này sang bên kia và theo dõi trong vô vọng những người tôi quan tâm đến đang cố gắng đi theo. Nhưng được sinh ra trong thiên đường không có lý do gì để lên án những người vẫn còn bị mắc kẹt trong địa ngục.
Tác giả: Patrick Gothman là cây bút người Công giáo, sống tại thành phố Seattle, bang Washington. Ông hiện là biên tập viên cho trang Reaching Out, một ấn phẩm về những câu chuyện của những người L.G.B.T., từ những người có đức tin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.