Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Giải cứu nền dân chủ Mỹ

Giải cứu nền dân chủ Mỹ

Tác giả: Joseph E. StiglitzProject Syndicate
Biên dịch: Nguyễn Tuấn Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
26-11-2018
Hoa Kỳ từ lâu đã trở thành cứ điểm của chế độ dân chủ. Nước này đã thúc đẩy dân chủ trên toàn thế giới. Vì sự nghiệp dân chủ, dù chịu tổn thất nặng nề nhưng Hoa Kỳ đã chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít ở châu Âu trong Thế chiến II. Bây giờ một cuộc chiến như vậy đang diễn ra tại nước Mỹ.
Uy tín của nền dân chủ Mỹ luôn có những vết nhơ nào đó. Từ lúc lập quốc, Hoa Kỳ đã tồn tại dưới hình thái một nền dân chủ đại diện, nhưng chỉ một phần nhỏ công dân nước này – chủ yếu nam giới da trắng có tài sản – là đủ điều kiện để bỏ phiếu. Sau khi bãi bỏ chế độ nô lệ, những người da trắng ở miền Nam nước Mỹ đã đấu tranh chống quyền bỏ phiếu của người Mỹ gốc Phi gần một thế kỷ, sử dụng thuế khoán ​​và các bài kiểm tra khả năng đọc viết để ngăn người nghèo không tiếp cận được với lá phiếu. Quyền bầu cử của họ đã được định chế hóa gần nửa thế kỷ sau khi phụ nữ giành được quyền bỏ phiếu vào năm 1920.
Các nền dân chủ đã đúng khi hạn chế quyền thống trị của đa số, đó là lý do tại sao chúng bảo vệ bằng mọi giá một số quyền cơ bản bất khả xâm phạm. Nhưng ở Mỹ, mọi thứ đã khác. Thiểu số thống trị đa số, và ít quan tâm đến quyền chính trị và kinh tế của họ. Đa số người Mỹ muốn kiểm soát quyền sở hữu súng, tăng mức lương tối thiểu, được đảm bảo tiếp cận bảo hiểm y tế, và các quy định có hiệu quả hơn trong việc điều tiết các ngân hàng đã gây ra cuộc khủng hoảng năm 2008. Tuy nhiên, tất cả các mục tiêu này xem chừng rất khó đạt được.
Một phần nguyên do bắt nguồn từ Hiến pháp Hoa Kỳ. Trong thế kỷ này, hai trong ba tổng thống được bầu đã nhậm chức dù không nhận được đa số phiếu phổ thông. Nếu không có cơ chế cử tri đoàn, được qui định trong hiến pháp do sự đòi hỏi đến cùng của các bang ủng hộ chế độ nô lệ nhưng ít dân hơn, Al Gore và Hillary Clinton sẽ lần lượt trở thành tổng thống vào năm 2004 và 2016.
Nhưng việc Đảng Cộng hòa sử dụng các thủ đoạn như ngăn trở quyền bầu cử của cử tri, gian lận phân vùng bầu cử, và những nỗ lực tương tự nhằm thao túng bầu cử cũng đã góp phần ngăn cản ý chí của đa số. Cách tiếp cận của đảng này không có gì là khó hiểu: suy cho cùng, sự biến động về thành phần dân số đã đẩy đảng Cộng hòa vào tình thế bất lợi trong bầu cử. Đa số dân số Mỹ sẽ sớm không phải người da trắng, và nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21 sẽ không thể thỏa hiệp với một xã hội gia trưởng do nam giới thống trị. Và các khu vực đô thị nơi đa số người Mỹ sinh sống, bất kể ở miền Bắc hay miền Nam, đã chấp nhận giá trị của sự đa dạng.
Những cử tri trong các khu vực có sự tăng trưởng đầy năng động này cũng xem chính phủ cần phải có vai trò trong việc mang lại phúc lợi chung cho tất cả. Họ đã từ bỏ những giáo điều lỗi thời của quá khứ, với đôi lúc ngay tức khắc. Do đó, trong một xã hội dân chủ, cách duy nhất để một nhóm thiểu số – dù đó là các tập đoàn lớn đang ra sức bóc lột người lao động và người tiêu dùng, các ngân hàng đang bòn rút đến cùng người đi vay, hay bất kì ai bị vướng mắc trong quá khứ đang cố gắng thiết lập lại một thế giới đã hết thời – có thể duy trì sự thống trị kinh tế và chính trị của họ là bằng cách hủy hoại chính nền dân chủ đó.
Chiến lược đó gồm nhiều chiến thuật. Cùng với việc ủng hộ một số nhóm nhập cư nhất định, các quan chức đảng Cộng hòa đã tìm cách ngăn chặn cử tri có thiên hướng ủng hộ đảng Dân chủ đăng ký bỏ phiếu. Nhiều bang do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thiết lập các yêu cầu về căn cước công dân đầy phiền toái tại các điểm bỏ phiếu. Và một số chính quyền địa phương đã loại các cử tri như vậy khỏi các danh sách cử tri, giảm số trạm bỏ phiếu, hoặc rút ngắn thời gian mở cửa các trạm này.
Thật là khó hiểu với cách thức nước Mỹ gây khó dễ cho việc bỏ phiếu và thực hiện quyền công dân cơ bản. Hoa Kỳ là một trong số ít những nền dân chủ tổ chức bầu cử vào ngày làm việc, thay vì chủ nhật, điều rõ ràng cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử. Điều này trái ngược với các nền dân chủ khác, như Úc, nơi công dân có nghĩa vụ bắt buộc phải đi bầu cử, hoặc với một vài tiểu bang, như Oregon, nơi đã giúp việc bỏ phiếu dễ dàng hơn nhờ cho phép bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Thêm nữa, hệ thống giam giữ hàng loạt, vốn tiếp tục nhắm đến người Mỹ gốc Phi, trong lịch sử đã phục vụ cùng lúc ba mục đích. Ngoài việc cung cấp lao động giá rẻ và kiềm chế tiền lương (đến nỗi ngày nay, như Michael Poyker của Đại học Columbia chỉ ra, các tù nhân Mỹ sản xuất khoảng 5% sản lượng công nghiệp của Mỹ), hệ thống này còn được thiết lập để phủ định quyền bỏ phiếu của những người bị kết án hình sự.
Khi mọi thủ đoạn trên đều không thành, đảng Cộng hòa tìm cách áp chế quyền lực của chính phủ thắng cử bằng những cách như đưa vào tòa án liên bang các thẩm phán, những người sẽ giúp bác bỏ những chính sách mà các nhà bảo trợ của họ phản đối. Những cuốn sách quan trọng gần đây, như Nền Dân Chủ Bị Trói Buộc (Democracy in Chains ) của nhà sử học Nancy MacLean và Giải Pháp dành cho 1% Thống Trị (The One Percent Solution) của nhà khoa học chính trị Gordon Lafer đến từ Đại học Oregon, đã nghiên cứu nguồn gốc học thuật và các thiết chế có tính tổ chức của đảng Cộng hòa được dùng nhằm tấn công nền dân chủ.
Những lý tưởng của nước Mỹ về tự do, dân chủ và công bằng cho tất cả mọi người có thể chưa bao giờ được thực hiện thành công tuyệt đối, nhưng giờ đây những giá trị này đang bị tấn công công khai. Dân chủ đã trở thành sự cai trị của thiểu số, do thiểu số, và vì thiểu số; và công lý cho mọi người chỉ có tác dụng với người da trắng có đủ điều kiện.
Tất nhiên, đây không chỉ là vấn đề của riêng người Mỹ. Trên toàn thế giới, có nhiều nhà độc tài với ít cam kết dân chủ đang nắm quyền như Recep Tayyip Erdoğan ở Thổ Nhĩ Kỳ, Viktor Orbán ở Hungary, Jarosław Kaczyński ở Ba Lan, và giờ đây là Jair Bolsonaro ở Brazil. Nhìn vào quá khứ, có thể nói rằng điều này rồi cũng sẽ qua đi. Thử nghĩ về tất cả các nhà độc tài xấu xa trong những năm 1930. Hãy nhớ đến những người như Salazar ở Bồ Đào Nha và Franco ở Tây Ban Nha, những người sống sót sau Thế chiến II. Tất cả họ giờ đều cũng không còn.
Dẫu vậy, chúng ta cần suy nghẫm một chút để tự cảnh tỉnh về những tổn thất mà người dân sống dưới các nhà độc tài này phải gánh chịu. Và người Mỹ phải đối diện với thực tế là tổng thống của mình, Donald Trump, đã ủng hộ và tiếp tay cho những kẻ độc tài đang chớm nở của ngày hôm nay.
Đó chỉ là một trong nhiều lý do tại sao năm nay lại rất quan trọng nếu có một Quốc hội do Đảng Dân chủ kiểm soát để có thể ngăn chặn khuynh hướng chuyên chế của Trump, và bầu các quan chức cấp tiểu bang và địa phương, những người sẽ khôi phục quyền bỏ phiếu cho tất cả những ai được hưởng quyền đó. Nền dân chủ đang bị tấn công, và tất cả chúng ta đều có bổn phận phải làm tất cả những gì có thể – bất kể chúng ta ở đâu – để giải cứu nó.
Tác giảJoseph E. Stiglitz, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2001, là giáo sư tại Đại học Columbia.
Nguồn: Joseph E. Stiglitz, “Can American Democracy Come Back?”, Project Syndicate, 06/11/2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.