Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Nhân đọc lại hồ sơ chủ quyền HS và TS của TQ…

Nhân đọc lại hồ sơ chủ quyền HS và TS của TQ…

26-11-2018
Học giả TQ có “niềm tin” là “ngàn năm trước TQ là một quốc gia đi biển lớn. TQ là quốc gia đầu tiên phát hiện, khai khác và quản lý các quần đảo HS và TS ở Biển Đông”. Hồ sơ của TQ ghi chắc điều này như đinh đóng cột.
Nhưng vụ “TQ là quốc gia đi biển lớn” có đúng hay không, việc này không nói lên được điều gì. Bởi vì các nước chung quanh, hàng ngàn năm trước, họ cũng là những giống dân đi biển, sống bằng nghề biển. Họ có thể là những quốc gia nhỏ hơn, nhưng chắc chắn người dân các quốc gia này rành Biển Đông hơn dân TQ. Họ sống kế cận Biển Đông. Họ đi thuyền ra các đảo, họ lặn ngụp bắt cá, bắt ốc, bắt rùa… ở các đảo, các bãi đá đó. Sau này, thế kỷ 17, thế kỷ 18, dân VN mỗi năm ra các đảo, ngoài việc đánh bắt hải sản, còn có việc thu lượm các xác tàu chìm đã bị sóng đánh trôi dạt vào các đảo đó.
Họ không hề lớn tiếng tuyên bố “khám phá” như TQ. Đơn giản vì họ từ khai thiên lập địa đã sinh sống ở đó rồi. Vùng biển có các bãi đá đó là không gian sinh tồn của họ. Nếu nói theo “ngôn từ luật pháp” thì họ đã “khám phá, khai thác và quản lý” vùng biển và đảo đó từ thời kỳ mà TQ còn viết “huyền sử”.
Các học giả TQ nói rằng họ là nước “phát hiện” ra quần đảo Trường Sa qua việc vịn vào một số tài liệu kể lại một số chuyến du hành trên Biển Đông.
Nếu việc “phát hiện” dễ như vậy thì đương nhiên TQ là kẻ đi sau các nhà hải hành Ả Rập và Tây phương.
Bằng chứng là không hề có bản đồ hải hành nào của người Châu Âu ghi nhận HS và TS là của TQ.
Trước đây khoảng một thế kỷ, các nhà hải hành thế giới không phân biệt hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Paracel và Spratleys). Hầu hết các bản đồ của các thế kỷ 16, 17, 18… đều gom hai quần đảo này vào làm một (dưới cái tên là Parcel, sau đó là Paracel). Cái tên Spratleys cũng chỉ mới có đây thôi.
Năm 1909 nhà nước TQ khẳng định (với dư luận quốc tế) rằng lãnh thổ cực nam của TQ là đảo Hải Nam. Đến năm 1932 thì nhà nước này tuyên bố lãnh thổ cực nam của họ là Tây Sa (Hoàng Sa của VN). Đến năm 1935, trên các bản đồ của TQ còn ghi bãi Scarborough là Nam Sa. Đến năm 1947 thì họ mới đẻ ra cái tên Trung Sa quần đảo rồi đem Hoàng Nham (Scarborough) và bãi ngầm Macclesfeild gộp vào trong đó. Cái tên Nam Sa lấy lại đặt cho Trường Sa của VN.
Ngay cả cái tên mà họ còn lúng túng, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia.
TQ cũng chưa từng “quản lý” Trường Sa. Việc Đài Loan chiếm đảo Ba Bình năm 1956 là chiếm một lãnh thổ đã có chủ.
Phía TQ lập luận Đài loan “kế thừa” từ Nhật.
Sau Thế chiến II, Nhật thua trận phải từ bỏ tất cả các lãnh thổ mà họ chiếm hữu trước kia (trong đó có VN cũng như hai quần đảo HS và TS).
Đài loan làm sao kế thừa một lãnh thổ mà Nhật đã không còn nữa?
Lập luận khác là Hòa ước Trung-Nhật 1952 đã “giao” các đảo này cho Đài loan.
Điều này cũng không đúng. Bởi vì Hòa ước San Francisco 1951 Nhật đã ký nhận việc “từ bỏ chủ quyền, từ bỏ mọi quyền, mọi yêu sách” ở HS và TS.
Nhật không còn thẩm quyền chi cả ở HS và TS, kể cả thẩm quyền “giao” chúng cho Đài loan.
Vấn đề là Hòa ước San Francisco 1951 “giao” các lãnh thổ này trả lại cho ai?
Sau khi Nhật bại trận, nước Anh lãnh nhiệm vụ giải giới quân Nhật ở VN phía nam vĩ tuyến 16, Trung Hoa Dân quốc (của Tưởng Giới Thạch) giải giới quân Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16.
Vấn đề là, Anh nhượng quyền lại cho Pháp, vì họ xem Đông Dương thuộc (chủ quyền của) Pháp. Song song đó Pháp ký các thỏa ước Trùng Khánh với Tưởng năm 1946, theo đó Pháp nhượng lại cho TQ đất đai và một số đặc quyền về kinh tế (như đường xe lửa Vân Nam). Đổi lại Pháp vào thế chân TQ ở Bắc Kỳ.
Tại các đảo HS quân đội Pháp Việt có mặt vào tháng 4 năm 1946 để dựng lại mốc chủ quyền. Quân đội Pháp Việt làm tương tự vào tháng 10 năm 1946 ở Trường Sa.
Tại Hội nghị San Francisco 1951, Quốc gia VN được mời tham dự với danh nghĩa “quốc gia có tuyên bố chiến tranh với Nhật”. Mặc dầu về ngoại giao và quốc phòng vẫn chịu điều khiển của Pháp, nhưng Quốc gia VN khẳng định được “chủ quyền về lãnh thổ”. Thủ tướng QGVN là ông Trần Văn Hữu nhân dịp này đã tuyên bố thâu hồi hai quần đảo HS và TS về cho VN.
Chủ quyền của VN tại HS và TS đã tái khẳng định, bằng các thủ tục theo đúng thông lệ quốc tế, ở các năm 1946 và 1951.
Vậy TQ quản lý bằng hình thức nào quần đảo TS?
Năm 1974 TQ đã chiếm HS của VN bằng vũ lực. Năm 1988 TQ dã chiếm một số bãi đá của VN thuộc quần đảo Trường Sa bằng vũ lực. Theo tập quán luật quốc tế, việc thụ đắc chủ quyền lãnh thổ bằng vũ lực thì không được nhìn nhận.
(Học giả TQ là ông Chun Ho Park, nguyên thẩm phán tòa án về Luật Biển – ITLOS – cho rằng TQ có nhiều bằng chứng về chủ quyền tại HS và TS hơn là VN và các nước khác. Nhiều học giả TQ cũng chủ trương TQ nên chấp nhận dùng trọng tài như là “phương pháp bên thứ ba” để giải quyết tranh chấp chủ quyền các đảo với VN).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.