Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Người đốt lò và khối rubik màu đỏ

Người đốt lò và khối rubik màu đỏ

Nguyễn Tiến Tường
27-11-2018
Hơn 33 triệu người chết đói ở Trung Quốc bởi cách mạng đại nhảy vọt. Người TQ giết nhau để ăn thịt. 20 triệu nữa ở cách mạng văn hoá, bài trừ đấu tố và chôn sống. Chủ nghĩa xã hội hoang tưởng kết hợp sùng bái cá nhân đã khiến đế chế tà quyền Mao gieo rắc nỗi đau được coi là tàn khốc nhất lịch sử TQ.
Việt Nam đương nhiên ảnh hưởng lớn và na ná. Nhưng từ sau hiện tượng Mao, trong cương lĩnh của người TQ, họ không cho phép khái niệm lãnh tụ trong đảng và nhà nước. Nói VN học tất cả của TQ là không đúng.
Dẫn nhập để minh định rằng, trong thể chế độc đảng, mưu cầu những cá nhân vĩ đại có nghĩa là mưu cầu một ẩn họa. Cho nên khi TBT Nguyễn Phú Trọng thống lĩnh quyền bính chỉ để phục vụ tình yêu chính đảng, cuộc đốt lò không có nhiều hy vọng. Nhưng sẽ là một cuộc cách mạng thật sự nếu ông cải biến thể chế, kiến tạo mầm mống dân chủ. Điều này thì chưa thấy tín hiệu nào.
Nhìn lại lịch sử các cột mốc cộng sản, cần ghi nhận rằng mỗi biến cố lớn của xã hội đều xuất phát từ mâu thuẫn trong nội bộ đảng. Từ hiện tượng “xét lại” Khrushchyov tại Liên Xô, mở đường cho nút thắt Gorbachev cởi bỏ gông cùm ý thức hệ toàn Đông Âu thập niên 90.
Tại TQ, nếu không có xung đột trong đảng, thì sẽ không có sự kiện Thiên An Môn 1976 để sau đó, người TQ theo bản năng dân chủ đã làm nên một Thiên An Môn 1989 chấn động.
Không có xung đột nội tại, người kế vị do ông Mao lựa chọn chấp chính, dân TQ có lẽ sẽ còn ăn thịt người và bị chôn sống dài dài.
Nếu xung đột nội bộ Đảng là một tín hiệu của tiến bộ xã hội thì ở Việt Nam, kể từ sau vụ xét lại chống đảng 1967, thượng tầng không có một biến cố nào. Khách quan mà nói, cuộc đốt lò ngày hôm nay chính là cuộc khủng hoảng mới trong nội tại đảng cầm quyền.
Vì vậy, vai trò của TBT Nguyễn Phú Trọng (dù vô tình hay cố ý) là một nút thắt cần thiết của lịch sử. Nếu không có ông Trọng, thượng tầng vẫn đoàn kết trong xu hướng tiêu cực. Và với sức mạnh của quyền lực hệ thống, chẳng một ai có đủ khả năng để nói về dân chủ hoặc xã hội dân sự. Chứ đừng nói đến việc hô hào dân chủ như hiện tại.
Không có nhiều người nhìn nhận xu hướng xung đột thượng tầng này để xác lập một phương hướng tiến bộ phù hợp với hạ tầng xã hội có tri thức cực thấp.
Chỉ giỏi kêu ca và chửi bới để thể hiện cái tôi yếu kém và cuồng nộ giữa thời đại hỗn mang…
____
4 triệu Đảng viên từ trung ương đến cơ sở, hệ thống hành chính đông đảo, cơ quan đoàn hội chằng chịt đến bình quân cứ 4 người thì một người ăn lương. Truyền thông cả nghìn kênh, an ninh đến cấp… dân phòng. Một khối rubik đỏ rực !
Quyền lực độc tôn không chỉ cho các mắt xích lợi ích vật chất mà quan trọng hơn là cảm giác quyền uy so với thường dân. Đây mới là điều chính yếu.
Mỗi một người phục vụ chế độ, đương nhiên quan hệ khăng khít với nhiều người trong xã hội. Ai cũng có họ mạc hoặc thân tình với một “mắt xích”. Thế trận quốc phòng nhân dân của cụ Hồ đã được những người cộng sản hậu duệ phát triển một cách xuất sắc trong thời đại dân sự.
Khối rubik ấy lại đặt trên nền tảng văn hoá vị thân và tư tưởng nho giáo hàng nghìn năm của người Việt. Đó là một kết cấu bền chắc rất khó bị phá vỡ bởi ngoại lực.
Mong muốn một liệu pháp sốc để có dân chủ hoặc mưu cầu chuyển giao quyền lực vào xã hội dân sự ở thì hiện tại chẳng qua là trò cờ quạt nôn nóng, nặng ham muốn cá nhân.
Trong thực tại nghìn năm đó, ai dựng xây được con đường dân chủ cho VN trong 100 năm sẽ trở thành người kiệt xuất, lu mờ mọi vĩ nhân kim cổ. Đòi dân chủ trong vài năm, nghĩa là muốn xây một lâu đài khi mới có vài viên gạch.
Dân chủ chỉ có thể đến sớm nếu kiến tạo ham muốn tri thức và lan tỏa tri thức. Kích thích suy nghĩ độc lập, nhất là người trong đảng để “đổi màu rubik”.
Với tôn chỉ chính trị của TBT Nguyễn Phú Trọng, tư duy độc lập của người trong đảng sẽ bị khắc chế nhiều hơn. Đảng viên sẽ cố thủ trong tư tưởng hơn.
Ham muốn dân chủ thiếu căn cơ và cuồng vội gián tiếp dẫn đến việc tạo sức ì lớn cho tiến trình dân chủ và xúc tác làm cho ý chí phòng vệ của khối rubik càng dâng cao, càng phình to về tổ chức và nhân sự.
Chỉ có sự khích lệ từ phía nhân dân mới có thể nâng đỡ suy nghĩ độc lập. Nên cởi mở và trân trọng với từng suy nghĩ khác biệt của từng cá thể trong đảng. Nếu cứ cuồng nộ xét nét thì không đảng viên nào dám nghĩ khác, làm khác.
Nếu “cung điện” ý thức hệ và “lều cỏ” nhân dân đều là nơi triệt thoái năng lượng tiến bộ, giam cầm ý chí khai phóng, thì quá dễ để người ta lựa chọn nơi trú ngụ.
Muốn cởi mở, phải nâng cao dân trí. Nền dân trí thấp và hỗn độn, tỷ lệ đọc sách trung bình 0,8 cuốn/người/năm đang khiến người Việt thiếu hẳn lý tính và nặng cảm xúc.
Đây là bức tường thành khổng lồ ngăn trở chính người Việt với thời đại. Bởi vì không có sự đa dạng về chủ kiến. Ngay cả trí thức trung dung còn khó sống, hôm nay bị mắng bưng bô ngày mai bị chửi phản động. Người trong rubik chắc chắn quan sát điều này và sợ hãi.
Tri thức là nền tảng, khi không có nền tảng thì bất cứ chế độ nào được xây trên nó, cũng đều là phiên bản lỗi.
Cầm lấy cuốn sách, trước khi cầm ngọn đuốc!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.