Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

Từ chuyện một học sinh bị tát 231 cái

Từ chuyện một học sinh bị tát 231 cái

Mạc Văn Trang
27-11-2018
Mấy hôm nay khắp nơi, ngoài xã hội và trên mạng, xôn xao bàn tán chuyện em H.L.N. học sinh (HS) lớp 6/2, Trường THCS Duy Ninh, (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), đã đứng yên để 23 bạn trong lớp lần lượt tát cho 10 cái = 230 cái, cộng với cái tát “tổng kết” của cô giáo Thủy chủ nhiệm = 231 cái tát. Sau đó em phải vào bệnh viện điều trị…
Có người thốt lên: Lịch sử giáo dục Việt Nam đã bao giờ đến nông nỗi này chưa?! Nhiều người nguyền rủa cô giáo Thủy; có người bảo phải cho HS tát cô 230 cái; nhiều người yêu cầu điều tra truy tố cô về tội cố ý dùng bạo lực xâm hại đến thân thể, tinh thần trẻ em; có người trách Hiệu trưởng nhà trường; có người phê phán Hội phụ huynh HS; có người chê HS, lớp 6 tức 12 – 13 tuổi rồi mà ngu vậy, không biết phản ứng lại, v.v…
Quả thực, hình phạt cô giáo Thủy quá tàn ác, y như thời Trung cổ. Mà đây là “Luật” của cô đặt ra cho cả lớp thực hiện. Lớp trưởng Nguyễn T.N cho biết, trong ngày 19/11, trước khi em N bị tát, thì có 2 em khác cũng phải chịu hình phạt tương tự do nói chuyện riêng trong lớp, đó là Lê Vũ H, Phan Văn P. mỗi bạn lãnh 230 cái tát. N trước đó cũng tham gia vào tát 2 bạn kia. Tính ra từ đầu năm học, khi cô Thủy làm chủ nhiệm lớp này, có 11 em đã từng chịu hình phạt “Tát tập thể”.
Như vậy, có lẽ trừ lớp trưởng và mấy HS “Sao đỏ” là “tay sai đắc lực” của cô giáo, tất cả các HS khác đều là nạn nhân và thủ phạm tát lẫn nhau. May ra có HS nào trì độn, hiền như bụt, câm như hến, không biết nói chuyện, không biết đùa, nghịch thì mới không vi phạm vào những điều “Cấm HS không được làm”, do cô giáo Thủy quy định. Nhưng em đần này lại buộc phải tát các bạn vi phạm, mà phải tát mạnh, “đạt chuẩn” của cô, nếu chưa đạt, bắt tát lại. Như vậy, tuy “hiền như Bụt”, thì em HS này cũng trở thành kẻ ác theo “Luật của cô” và theo “phong trào tập thể”!
Môi trường giáo dục ấy, khuyến khích HS THEO DÕI, TỐ CÁO bạn và dùng BẠO LỰC TRỪNG PHẠT lẫn nhau. HS nào hăng hái thực hiện hai hành vi trên sẽ được đánh giá là tích cực; càng tích cực càng trở thành “cốt cán”, chỗ dựa tin cậy của cô giáo… Khi bị dư luận lên án, cô giáo mới tỉnh ra, nhận mình sai hoàn toàn, nhưng do “áp lực thi đua”, muốn làm cho lớp đầu năm “yếu kém”, cuối năm sẽ đạt “tiêu chuẩn thi đua”…
Trước sự việc của lớp 6/2 như vậy, Hiệu trưởng nhà trường hứa, sẽ “kiểm điểm nghiêm khắc”, nhưng xin đài báo đừng đưa tin, làm ảnh hưởng đến “Danh hiệu thi đua” của nhà trường…
Bình tĩnh suy xét, ta sẽ thấy, Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Thủy và các em HS đều hành động theo một sức ép vô hình nào đó, khiến họ đều là thủ phạm hành động vô minh và cuối cùng lại là nạn nhân của những hành động tăm tối đó.
Rồi ta suy rộng ra cả NỀN GIÁO DỤC này về bản chất, cũng như tình trạng lớp 6/2 do cô Thủy chủ nhiệm, nhưng biểu hiện ở các mức độ khác nhau mà thôi!
Suy rộng thêm chút nữa, ta sẽ thấy, cả hệ thống chính trị – xã hội của nước ta, từ Cải cách ruộng đất (1953) đến nay về nguyên tắc, nó cũng giống như cách hành xử ở lớp 6/2 của cô giáo Thủy thôi mà! Dù ngôi trường rất hoành tráng, khang trang, nhưng bên trong là một nền giáo dục thối nát!
Kết luận là, thể chế nào, thì nền giáo dục ấy; nền giáo dục thế nào thì giáo viên và HS như thế ấy. Tất nhiên nhiều người biết tự ý thức, phản kháng lại cái “hệ thống thối nát” đó, nhưng hoặc là bị văng ra ngoài, hoặc phản ứng ngấm ngầm, khi còn nằm trong hệ thống đó. Những HS lớp 6/2 của cô Thủy, sau này lớn lên, trưởng thành, giác ngộ về các giá trị nhân cách, nhân phẩm con người, về tự do, dân chủ, nhân quyền, họ sẽ khinh bỉ, oán hận cô giáo và cố gắng rũ bỏ tất cả những gì của nền giáo dục đã nhồi nhét, áp đặt cho họ, vì nó phản lại những giá trị phổ quát của nhân loại. Họ phải học lại từ đầu để làm người tử tế, hội nhập với thế giới văn minh!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.