Đừng để doanh nghiệp phải bán mình với giá rẻ mạt!
bauxitevnSun 8:33 AM
Thanh Uyên
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng, bà “thực sự đau xót và lo lắng” khi nhiều thương hiệu giá trị của ngành công nghiệp Việt Nam dần dần bị các đại gia quốc tế thâu tóm.
M&A tập trung vào các ngành sản xuất công nghiệp cơ bản
Thống kê cho thấy, điểm chung nhất trong các cuộc mua bán và sáp nhập có yếu tố nước ngoài gần đây là phía đối tác nhắm đến các doanh nghiệp hàng đầu mỗi ngành nghề của Việt Nam để sở hữu tỷ lệ chi phối và gia tăng vị thế tại thị trường 80 triệu dân này.
Hầu hết M&A tập trung vào các ngành sản xuất cơ bản, có quy mô thương vụ khá lớn. Trong đó hầu hết thương hiệu dù không quá lâu đời, chưa thật sự lừng danh quốc tế nhưng đã khá quen thuộc và gắn bó với người tiêu dùng trong nước.
Trong khối ngành công nghiệp nhẹ có thể điểm danh một vài thương vụ như vụ hãng bánh kẹo Glico (Nhật Bản) chi 31 triệu USD mua 10,5% cổ phần Công ty CP Kinh Đô; Công ty Nawa Plastics (Thái Lan) nắm giữ cổ phần Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong, Công ty C.P Pokphand (nhà sản xuất thức ăn gia súc Trung Quốc) mua 70,8% cổ phần của Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam.
Tập đoàn hàng tiêu dùng và dịch vụ hàng đầu ở Ấn Độ Marico sở hữu 85% cổ phần của Công ty Hàng gia dụng quốc tế ICP (chủ thương hiệu X-Men, L’Ovite); Công ty Daio Paper Corporation (Daio) và quỹ đầu tư BridgeHead (thuộc Ngân hàng Phát triển Nhật Bản - DBJ) nắm giữ 38% cổ phần của Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn.
Ngoài ra lĩnh vực cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, xi măng cũng đang là lĩnh vực thu hút nhiều nhà đầu tư dài hạn, dù trước mắt thị trường chưa được sáng sủa. Tiêu biểu như việc tập đoàn xi măng lớn nhất Indonesia Simen Gresik bỏ ra 230 triệu USD để mua 70% cổ phần của Xi măng Thăng Long từ Geleximco và SCG Thái Lan mua lại 85% cổ phần của Prime Group với giá 7,2 tỷ Baht, tương đương 4,9 nghìn tỷ đồng...
Chưa kể đến thị trường Âu, Mỹ, chỉ nói riêng tiềm năng thị trường nội địa 80 triệu dân lẫn thị trường ASEAN với thuế quan bằng 0 sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập đã thực sự là một viễn cảnh đầy hứa hẹn khiến các nhà đầu tư mạnh tay rút túi thời điểm này.
Nguy cơ bị doanh nghiệp ngoại chi phối thị trường
Trong hoàn cảnh bình thường, M&A là một kênh tốt để cho các doanh nghiệp chuyển sang giai đoạn phát triển mới, khi họ cộng tác được với những đối tác mang tính chất chiến lược. Chẳng hạn có thể vươn ra thị trường nước ngoài hoặc đã mặt ở thị trường nước ngoài rồi thì vươn lên phần cao hơn trong chuỗi giá trị hoặc mở rộng thêm thị trường.
Tuy nhiên xét trong bối cảnh kinh tế Việt Nam từ 2-3 năm nay thì nhiều vụ M&A lại diễn ra trong điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam ở một vị thế khác. Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nói, đa số doanh nghiệp phải tiến hành M &A vì khó khăn, và bà “thực sự đau lòng” khi nhìn thấy điều đó.
“Vào lúc bí về đầu ra, bí về thị trường, bí về nguồn vốn và các mặt, doanh nghiệp mình không thật rõ lắm tương lai như thế nào để mà quyết định những bước đi tiếp; thì M&A vừa là cơ hội như là người sắp sửa chết đuối vớ được cọc. Nhưng đồng thời nó vừa là thách thức. Bởi cái cọc đó ngày nào đó có thể phang vào đầu mình và mình chết bất bất kỳ lúc nào”.
“Khi mình phải bán đang ở thế yếu, khi lợi nhuận không cao được như trước, doanh thu giảm sụt xuống, thị phần ít đi, bao nhiêu khó khăn chồng chất như vậy mà các doanh nghiệp nước ngoài họ đều biết rõ thì rõ ràng mình ở thế yếu ở trong mặc cả nên phải bán đi với giá rẻ mạt. Tôi nghĩ đấy là các vấn đề của các doanh nghiệp Việt Nam.”
Thực tế cho thấy, những tên tuổi như Giấy Sài Gòn, Phở 24, quạt ASIA, Prime… dù có thể nói là giá trị thương vụ không nhỏ, nhưng họ đều đang kinh doanh hiệu quả, nên xét về tiềm năng phát triển thì những cái giá này không đáng kể.
Điều đáng lưu tâm, là hầu hết các thương hiệu mà nhà đầu tư ngoại muốn có đều là những tên tuổi trụ cột, vị trí 1-2-3 ở các ngành sản xuất, có ảnh hưởng nhất định đến thị trường trong nước. Nên dù các giao dịch M&A thời gian này hầu hết là sáp nhập thân thiện và tự nguyện, nhưng không khó để nhận ra ý đồ thâu tóm nhằm chi phối thị trường của nhà đầu tư.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, kỹ năng chống thâu tóm của doanh nghiệp Việt thì rất kém, bà lo ngại “chỉ cần họ để cho thua lỗ vài năm là mình phải rút lui, họ thay tên đổi chủ. Cũng hoàn toàn có thể có nguy cơ, sau khi họ thâu tóm thì họ lại biến thành đơn vị nhập khẩu để tiêu thụ hàng của công ty mẹ là chính như đã diễn ra đối với ngành điện tử của Việt Nam, hay là hiện nay kể cả một số doanh nghiệp ô tô FDI.”
Bà Lan cũng cho biết, bà thực sự lo ngại việc các cơ quan quản lý nhà nước dường như không để ý lắm đến những điều này.
“Tiếng nói kêu nhiều nhất và có vẻ Chính phủ quan tâm nhất là bất động sản thì lại cứ lo cứu DN BĐS. Đó lại chính là thành phần chủ chốt “góp sức” gây ra những chấn động kinh tế, nhưng đó là nhóm lợi ích lớn, họ lobby mạnh, lợi ích họ gắn với lợi ích của quan chức hay vợ con các quan chức.
Trong khi nhiều doanh nghiệp trong khu vực sản xuất công nghiệp - khu vực đáng lẽ cần được quan tâm hơn thì lại thờ ơ hơn. Họ đâu đòi hỏi gì vô lý, chỉ cần cho họ vay vốn bình thường thôi, thế mà kể cả một số doanh nghiệp không có nợ xấu ngân hàng, xếp hạng tín dụng A, A+ vẫn không được cho vay do lãi suất quá cao.
Ví dụ như Bộ Công Thương, trách nhiệm rất nặng nề là phát triển công nghiệp nhưng dường như mọi nỗ lực của họ chỉ xoay quanh hai nhóm điện và xăng dầu mà chưa chú trọng lĩnh vực khác. Dù hai nhóm này quan trọng nhưng các nhóm khác cũng đâu có kém? Ví như doanh nghiệp chế biến thực phẩm chẳng hạn, nó còn là số phận của ngành nông nghiệp, lo đầu ra cho nông sản nước mình, đâu thể kém vai trò hơn?”
“Mình đã có một số doanh nghiệp vươn lên được rồi, nếu mình hỗ trợ họ để họ mạnh lên nữa thì họ trở thành những đầu tầu, họ sẽ kéo được các doanh nghiệp khác đi cùng, phát triển lên họ sẽ làm chủ được các chuỗi giá trị và họ sẽ tập hợp được các doanh nghiệp khác xung quanh họ như họ là một trụ cột. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức mà họ làm như vừa rồi và lại phải bán đi cho nước ngoài với giá rẻ thì khả năng hình thành những chuỗi giá trị mới, có giá trị gia tăng cao sẽ bị giảm thiểu đi đáng kể”.
“Nhà nước hãy kéo họ lên, giữ họ lại. Đừng để doanh nghiệp phải bán mình đi với giá rẻ mạt!” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
T. U.
Theo Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.