Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: Quá khứ không thể nào quên
bauxitevnSun 8:30 AM
Xuan Loc Doan
Thụy My dịch
Quân xâm lược Trung Quốc tiến vào trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979.
(Asia Times/CourrierInternational 9-15/03/2017) Báo chí chính thức Việt Nam rốt cuộc cũng nhắc đến cuộc chiến tranh năm 1979 giữa Trung Quốc và Việt Nam. Theo một nhà nghiên cứu, để tránh gây thêm căng thẳng, hai nước cần phải dỡ bỏ bức màn che về cuộc xung đột bị che giấu này.
Nhiều tờ báo Việt Nam do Nhà nước kiểm soát mới đây đã đề cập đến một chủ đề cấm kỵ: cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979. Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy đảng Cộng sản cầm quyền rốt cuộc đã quyết định bãi bỏ kiểm duyệt đối với việc nêu ra cuộc chiến Việt-Trung ngắn ngủi nhưng đẫm máu?
Quân Trung Quốc tham gia “cuộc chiến phòng vệ” chống Việt Nam.
Cuộc xung đột giữa hai nước láng giềng cộng sản đã xảy ra vào sáng sớm ngày 17/02/1979, với việc quân đội Trung Quốc xâm lăng các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Chỉ trong 27 ngày, các trận đánh đã diễn ra tàn khốc, nhưng không có con số tổng kết chắc chắn vì cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều không muốn công bố. Theo ước tính, cuộc chiến tranh chỉ diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam này đã khiến cho mấy chục ngàn người chết và bị thương về phía Việt Nam, chủ yếu là thường dân, và từ 21.000 đến 63.000 người chết phía Trung Quốc.
Cuộc chiến tranh chớp nhoáng đã đánh dấu sự khởi đầu một thập niên dài thù địch giữa hai nước anh em. Ngoài vô số cuộc đụng độ ở vùng biên giới chung trên đất liền, năm 1988 Trung Quốc còn chiếm lấy nhiều đảo nhỏ và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, đè bẹp Hải quân Việt Nam, tàn sát 64 lính hải quân Việt.
Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh.
Sau khi Việt Nam rút quân khỏi Cam Bốt (mà quân đội Việt đã trú đóng từ 1979 đến 1989 trước sự thất vọng của ngoại giao Trung Quốc), và sự kiện Liên Xô sụp đổ, Hà Nội và Bắc Kinh đã tìm cách xoa dịu quan hệ. Năm 1990, trong hội nghị thượng đỉnh ở Thành Đô, Trung Quốc, hai nước đã quyết định tái lập ngoại giao vào năm sau đó.
Từ đó đến nay, cuộc chiến tranh biên giới 1979 – cũng như trận hải chiến đẫm máu năm 1988 – đều không được đưa vào giảng dạy ở trường học, được nhắc đến trong các phát biểu hay nêu ra trên các phương tiện truyền thông Việt Nam vốn bị Nhà nước kiểm soát bằng bàn tay sắt (toàn bộ báo chí đều trực thuộc các định chế liên quan đến đảng Cộng sản Việt Nam). Chính quyền đã gạt sang một bên những thù địch cũ để tập trung cho hợp tác kinh tế và chính trị.
Quân Trung Quốc tải thương.
Bắc Kinh thì lại càng kín đáo hơn, vì theo một số nhà quan sát, Trung Quốc có lý do để quên đi cuộc chiến tranh này. Cuộc xung đột nổ ra sau khi quân đội Việt Nam tiến vào Cam Bốt lật đổ chế độ Khmer Đỏ của Pôn Pốt, đồng minh của Bắc Kinh, đã kết thúc với tổn thất nặng nề cho quân đội Trung Quốc.
Cho đến bây giờ, Hà Nội và Bắc Kinh đều che giấu cuộc chiến biên giới, với ý định chung là xóa đi chương sử đau thương này.
Hôm 17/2 vừa qua, những người Việt cố gắng tập hợp lại ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 38 năm chiến tranh Việt-Trung đã bị công an giải tán không thương tiếc (tuy vậy một cuộc tưởng niệm nho nhỏ đã được cho phép tại thủ đô). Nhưng, trái với thông lệ, nhiều tờ báo lớn của Nhà nước trong đó có Thanh Niên, VietNamNet và VnExpress, đã đề cập đến cuộc chiến này. Cho dù những tờ báo tên tuổi nhất tiếp tục giữ im lặng, đặc biệt là tờ Nhân Dân, cơ quan báo chí của Đảng, rõ ràng là một số báo đã có thể vượt qua cấm kỵ.
Sự đảo ngược ấy chỉ có thể diễn ra với sự đồng ý của các quan chức Đảng cao cấp nhất. Thái độ khoan dung gần đây chứng tỏ đã có sự thay đổi, tuy chỉ dần dà nhưng rất đáng kể trong quan điểm của Hà Nội về cuộc chiến trong quá khứ, và trong quan hệ hiện tại với Trung Quốc.
Tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma.
Cũng như cuộc chiến biên giới chớp nhoáng trên, việc đề cập đến trận hải chiến năm 1988 cũng bị kiểm duyệt gắt gao. Tuy vậy tháng 3/2016, nhân kỷ niệm 28 năm sự kiện này, các cuộc tưởng niệm 64 thủy thủ tử trận đã được tổ chức trên khắp cả nước. Nhiều phương tiện truyền thông Nhà nước trong đó có báo Nhân Dân đã nhắc lại sự kiện, nêu ra trận đánh chống lại “quân xâm lược Trung Quốc”, mà các nạn nhân là những “anh hùng” hay “liệt sĩ”.
Sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh trên Biển Đông và áp lực của công luận Việt Nam nhằm khuyến khích khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên biển, đã đóng góp lớn lao vào sự thay đổi này. Nhiều người Việt đã hoan nghênh việc nới lỏng kiểm duyệt, dù một số vẫn cho rằng động thái này còn quá dè dặt và quá trễ để hàn gắn vết thương chiến tranh.
Sẵn sàng chống lại quân xâm lược.
Khi cho đăng những bức ảnh, bài phóng sự và phỏng vấn các cựu chiến binh, các nhân chứng và chuyên gia về cuộc chiến biên giới Việt-Trung, các tờ Thanh Niên, VietNamNet và VnExpress không chỉ nhắc nhở đến sự kiện, và còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khắc ghi vào tâm khảm cuộc chiến này.
Dưới sự lãnh đạo độc tài của đảng Cộng sản, dân tộc Việt Nam đã chiến đấu chống lại quân Nhật (1945), Pháp (chiến tranh Đông Dương 1946-1955) và Hoa Kỳ (chiến tranh Đông Dương lần hai, 1955-1975). Tuy luôn ca ngợi các chiến thắng chống ngoại xâm này, Hà Nội lại im lặng về cuộc chiến Đông Dương lần thứ ba, tức chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979.
Cuộc chiến đấu của người Việt chống lại Nhật, Pháp, Mỹ chiếm một chỗ quan trọng trong những câu chuyện kể; trái hẳn so với những bất đồng với Trung Quốc: sách giáo khoa về lịch sử cho học sinh trung học chỉ dành vỏn vẹn 11 dòng cho cuộc chiến 1979.
Vị trí khiêm tốn đến thế trong những dịp kỷ niệm và các tác phẩm chính thức, như VnExpress ghi nhận, là do nhiều người Việt Nam không hề biết đến cuộc chiến tranh Việt-Trung, đặc biệt là thế hệ trẻ. Một trong những bài báo đăng trên tờ báo mạng về chủ đề trên hôm 21/2 đã thu hút đến trên 500 lời bình. Nhiều độc giả nhờ đó mới biết về cuộc chiến đã cảm ơn các tác giả vì bài báo và các tấm hình đăng kèm, những người khác đòi hỏi phải đưa vào sách giáo khoa lịch sử. Cư dân mạng thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn những người đã chiến đấu chống lại Trung Quốc.
Lính xe tăng Trung Quốc bị bắt làm tù binh.
Nếu Nhà nước Việt Nam từ chối tổ chức kỷ niệm (và để cho nhân dân tự tiến hành), thì người ta cho rằng nhằm tránh chọc giận Trung Quốc và không làm phương hại đến quan hệ giữa Việt Nam và người láng giềng khổng lồ. Tuy nhiên, các lễ kỷ niệm chiến thắng trước Nhật, Pháp, Mỹ vốn mang tính dân tộc cao độ, không hề gây tổn hại cho quan hệ giữa Hà Nội và ba cường quốc trên. Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ hiện nay là các đối tác chính của Việt Nam.
Sự im lặng do Đảng áp đặt về cuộc chiến đẫm máu với Trung Quốc đã khiến một số người Việt cho rằng các lãnh đạo Hà Nội thần phục Bắc Kinh. Điều này nuôi dưỡng lòng căm ghét đối với chế độ lẫn Trung Quốc, và ngăn trở hàn gắn vết thương cuộc chiến.
Ảnh bìa báo Time về cuộc chiến biên giới Việt-Trung.
Cuộc chiến Việt-Trung 1979 gây nhiều tổn thất nhân mạng, nhưng vẫn không thể so sánh với những thiệt hại về người và của trong cuộc chiến giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (1,5 đến 3 triệu người chết), và chính quyền Mỹ cũng không hề tránh né.
Hoa Kỳ và Việt Nam chủ yếu đã vượt qua cuộc chiến ngày xưa, nhờ những trao đổi thường xuyên, mang đầy tính biểu tượng giữa các cựu chiến binh. Như một bài báo trên The New York Times năm 2015 đã nhấn mạnh, những cựu binh đã đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc hòa giải giữa hai cựu thù. Về phía Mỹ, cựu ngoại trưởng John Kerry và thượng nghị sĩ John McCain (cựu chiến binh và tù binh) đã hành động rất nhiều để tái lập và cải thiện quan hệ song phương.
Cựu binh Trung Quốc biểu tình phản đối chính quyền Bắc Kinh.
Ngược lại, không hề có trao đổi chính thức nào giữa các cựu binh Trung Quốc và Việt Nam. Trong bài trả lời phỏng vấn báoThanh Niên, một giảng viên đại học Việt Nam cho biết các nhà nghiên cứu hai nước dự kiến đồng tổ chức một hội nghị về cuộc chiến tranh biên giới. Đối với ông, trao đổi giữa các giảng viên đại học và một cuộc tranh luận mở có thể giúp đôi bên thấu hiểu hơn nguyên nhân, và tránh được những cuộc xung đột khác.
Nhiều nghiên cứu đã được viết ra về cuộc chiến này, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra. Làm thế nào hai nước láng giềng anh em mà cách đó vài năm vẫn nói là như những ngón tay của cùng một bàn tay, lại có thể đối đầu với nhau, trong một cuộc chiến tranh được coi là thuộc loại đẫm máu nhất trong thế giới cộng sản?
Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay tại Biển Đông, một cuộc đối thoại mang tính xây dựng về các nguyên nhân và hậu quả của cuộc chiến Việt-Trung có thể giúp cả hai bên hiểu rằng, một cuộc chiến đối đầu hiếm khi dẫn đến giải pháp lâu bền cho xung đột.
Nếu Việt Nam và Trung Quốc muốn thực sự xây dựng một quan hệ tốt đẹp và hòa dịu hơn, như nhiều lãnh đạo đôi bên vẫn khẳng định, trước sau gì họ cũng phải đối mặt với quá khứ đau thương. Và nếu sớm hòa giải được với lịch sử, thì quan hệ sẽ bền vững hơn.
(Bài viết của tác giả Xuan Loc Doan đăng trên Asia Times Online ngày 23/02/2017, được Courrier International tuần lễ 9 – 15/03/2017 dịch ra tiếng Pháp. Các ảnh trong bài lấy từ wikipedia và sưu tầm trên internet).
X. L. D.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.