Điểm lại diễn tiến thảm hoạ môi trường biển Việt Nam 2016*
bauxitevnSat 7:46 AM
Ông Nguyễn Trung Huỳnh (sinh năm 1968, người thị xã Kỳ Anh) hành nghề lặn biển đã hàng chục năm. Ông cho biết, ngay từ năm 2013, ông đã phát hiện một đường ống ngầm dưới đáy biển:
“Hồi đó tôi làm cho Bỉ. Dân ở đây kêu là đường ống này do Bỉ đánh rơi, nhưng tôi kiểm tra thì tôi bảo không phải, cái này của Formosa. Tôi có báo với cơ quan cảnh sát môi trường.
Công an, cảnh sát biển, cảnh sát môi trường họ thuê tôi lặn xuống đó. Tôi đã lặn, quay phim, chụp ảnh rồi đem lên cho họ, thì họ nói: 'Chúng tôi sẽ làm sáng tỏ vấn đề này'.
Thế rồi mấy năm chẳng thấy tin tức gì, dân thì cũng vẫn thả lưới, đánh bắt cá như thường. Tới tháng 4/2016 mới phát hiện nó xả thải”.
VÀ CÂU CHUYỆN BẮT ĐẦU
4/4/2016
Ngư dân Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, ngụ tại thôn Ba Đồng, phường Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lặn biển và bất ngờ phát hiện một đường ống xả thải khổng lồ với đường kính khoảng 1 m, đang xả nước màu vàng.
Đây được xác định là một đường ống chìm của tập đoàn Formosa, dài 1,5 km, chôn dưới đáy biển. Formosa cũng xác nhận có hệ thống cống ngầm nối thẳng từ khu vực dự án Formosa thuộc khu kinh tế Vũng Áng ra biển.
6/4
Hơn hai tấn cá mú, cá hồng bống sắp đến ngày thu hoạch của người dân thôn Hải Phong 1 và 2 (xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị chết trắng.
Theo phản ánh của hộ nuôi Nguyễn Thái Bảo (thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), cho đến trưa 6/4, toàn bộ hơn 4.000 con cá hồng, cá chẽm hơn một tháng tuổi được thả nuôi lồng bè vẫn ăn và vận động bình thường. Tuy nhiên, đến khoảng 2h ngày 7/4, khi thủy triều lên đẩy nguồn nước biển vào thì xuất hiện hiện tượng cá bơi lờ đờ và sau đó chết hàng loạt.
Không chỉ cá nuôi, cá tự nhiên cũng chết: “Khoảng 9h ngày 6/4, ông Chu Văn Đại – thợ lặn đang làm việc dưới biển khu vực xả thải của Nhà máy thép Formosa tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) – phát hiện cá chết rất nhiều xung quanh miệng cống. Ông Đại cảm thấy miệng đắng, người mệt mỏi và trong nước có chất độc. Cả tốp thợ lặn 15 người bạn ông đều cảm thấy nước biển có vị khác lạ, độc, người mệt nên đồng loạt xin nghỉ. Sau đó mấy ngày, người dân phát hiện rất nhiều cá chết dạt vào bờ, gồm nhiều loại cá khác nhau, có những loại thuộc tầng đáy nước sâu”.
6/4 đến 8/4
Trong ba ngày này, trên địa bàn ba xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh) có tổng cộng 14 hộ nuôi cá bè, với 18 lồng nuôi các loại cá (cá hồng, cá bớp, cá giò, cá mú, cá chẽm, cá hồng mỹ...) bị chết hàng loạt, trong đó có khoảng 37.200 con cá giống, 2.120 kg cá thương phẩm, thiệt hại trên 1 tỷ đồng (hơn 45.000 USD).
Cá tự nhiên cũng đồng thời chết hàng loạt tại vùng biển Vũng Áng (quanh đảo Sơn Dương, cảng Vũng Áng và vùng cửa sông Vịnh).
10/4
Cá chết trôi dạt vào bờ biển xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hiện tượng cá chết tiếp tục lan rộng xuống phía Nam, đến các bãi biển Nhân Trạch, Nhật Lệ, Bảo Ninh, Ngư Thủy…
11/4
Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh Thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 - Bộ NN&PTNT) ra thông báo về kết quả quan trắc đột xuất hiện tượng cá chết bất thường tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Thông báo nhận định, vi khuẩn gây bệnh không phải là nguyên nhân, mà cá chết hàng loạt là do “yếu tố gây độc trong môi trường nước” tại biển Vũng Áng. Theo Trung tâm, độc tố này bắt nguồn từ nước thải chưa được xử lý nhưng đã đổ trực tiếp ra sông, biển, hòa lẫn vào nước biển, gây ô nhiễm nước, làm cá bị ngộ độc.
15/4
Hàng chục lồng cá của khoảng 60 hộ dân sống tại khu vực An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế có hiện tượng chết hàng loạt trong vài ngày, cao điểm là ngày 15/4. Thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.
Theo ông Mai Văn Xỉ - Phó Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc, không chỉ cá nuôi trong lồng mà cá tự nhiên trên đầm Lăng Cô cũng chết.
19/4
Sau khi ăn cá vớt được trên bờ biển, em Trần Thanh Thủy (8 tuổi, xã Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình) bị nôn, tiêu chảy nên đã được người nhà đưa đến trạm y tế xã truyền nước và theo dõi. VietNamNet đưa tin và khuyến cáo, trong khi chờ các cơ quan chức năng xác định độc tố, người dân không nên mua bán, ăn cá chết.
20/4
Báo cáo của Sở Nông nghiệp Thừa Thiên - Huế cho thấy hàm lượng PO4 (phốt-phát, phosphate) tầng đáy là 1 mg/lít, trong khi chỉ tiêu cho phép tối đa là 0,5 mg/lít, làm tăng độ pH. PO4 và pH nước thay đổi, tăng cao đột ngột, có thể là nguyên nhân làm cho cá sốc và chết hàng loạt.
21/4
Vụ phó Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Bộ NN&PTNT), ông Phạm Khánh Ly, nói với báo chí rằng đoàn công tác là cơ quan quản lý theo ngành dọc, trong khi đó, KCN Vũng Áng (bao gồm nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng và KCN Formosa) có yếu tố nước ngoài, nên phải thành lập đoàn công tác liên ngành, có chỉ đạo của Thủ tướng, thì mới vào kiểm tra được.
22/4
Từ đêm 21, rạng sáng 22/4, hơn 20 người dân huyện Bố Trạch, Quảng Bình, đã phải đi cấp cứu vì ăn hải sản nghi nhiễm độc tại một nhà hàng ở xã Phúc Trạch trong huyện. Hầu hết trong số gần 200 thực khách còn lại đều đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ký văn bản gửi Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh về việc cử đoàn công tác vào làm việc với công ty này.
Đoàn kiểm tra của Bộ TN-MT do Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài dẫn đầu đến kiểm tra trực tiếp tại Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và tại Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh).
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng dẫn đầu một đoàn đến thăm và kiểm tra tiến độ dự án Formosa, cụ thể là Dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh. Ngoài ra, ông còn thăm một vài cơ sở sản xuất khác tại Hà Tĩnh. Ông không nhắc gì đến khủng hoảng cá chết đang diễn ra.
23/4
Trả lời phỏng vấn báo Giao Thông về việc có nên tiếp tục sử dụng cá biển, tắm biển ở những vùng nước không còn xảy ra hiện tượng cá chết, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Hiện tại các lồng bè đang nuôi trồng thủy sản ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) nhiều loại thủy, hải sản vẫn sinh trưởng bình thường. Những loại hải sản như: mực, tôm, cua cá vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này”.
24/4
Ông Lê Văn Ngày (SN 1970, quê quán Khánh Hòa) – thợ lặn của Công ty Nibelc (nhà thầu thi công đê chắn sóng cho cảng Sơn Dương của Formosa) – tử vong không rõ nguyên nhân. Trước đó, ông được người nhà đưa đi cấp cứu do thấy khó thở, mệt mỏi.
25/4
Ông Chu Xuân Phàm (Chou Chun Fan), Phó phòng đối ngoại Formosa, Trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội, nói qua điện thoại với báo Tuổi Trẻ: “Không thể xây dựng nhà máy thép ở đây mà không ảnh hưởng đến con cá, con tôm. Đương nhiên mình cố gắng làm một nhà máy đạt được tiêu chuẩn quy định của nhà nước. Có khi được cái này thì phải mất cái kia chứ. Cũng như việc vùng đất này lấy làm nhà máy thì không thể trồng lúa gì được. Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại? Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này.
Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”. Phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm gây phẫn nộ trên cộng đồng mạng.
26/4
Quảng Bình họp khẩn cấp. Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Hữu Hoài, chỉ đạo cấm du khách tắm biển trong thời điểm này để tránh sự cố đáng tiếc.
Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết đã có kết quả phân tích mẫu nước lấy tại khu vực đầm Lăng Cô và cửa biển Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc), vùng biển ven bờ xã Quảng Công (Quảng Điền), Điền Hương, Điền Hải (Phong Điền). Theo đó, tổng hàm lượng nitơ (nitrogen, ký hiệu hóa học N) tính theo amoni (NH4), hàm lượng kim loại nặng crôm (chromium, ký hiệu hóa học Cr) vượt giới hạn cho phép của Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển và Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt.
Kết quả này cũng chỉ ra rằng nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh - chất độc trong môi trường nước xuất hiện từ phía bắc của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Cùng ngày, báo Hà Tĩnh đăng bài “Biển đã sạch hơn, môi trường không còn ô nhiễm”, theo hướng khuyến khích ngư dân bám biển, “gạt đi những khó khăn, mất mát”. Bài viết bị ngay cả báo chí chính thống (ví dụ Petro Times) phản đối.
Buổi chiều, Chu Xuân Phàm và lãnh đạo Formosa ở Hà Tĩnh đã tổ chức họp báo và cúi đầu xin lỗi về phát ngôn “chọn cá hay chọn thép” của mình.
Xuất hiện một bản kiến nghị (thỉnh nguyện thư) của người dân Việt Nam trên trang web “We the People” của Nhà Trắng, kêu gọi chính quyền Mỹ hỗ trợ Việt Nam đánh giá tác động của nhà máy thép Formosa đến môi trường. Kiến nghị do một người ký tên T.N. lập, bằng tiếng Anh.
27/4
Sở VH-TT&DL Quảng Bình cho biết, khoảng 30% số khách đến Quảng Bình đã hủy tour, hoặc hoãn đặt phòng tại các khách sạn ven biển ở thành phố Đồng Hới trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Toàn bộ các nhà hàng ven biển rơi vào tình trạng ế khách vì cá chết.
Cuộc họp báo đầu tiên về khủng hoảng cá chết, theo dự kiến, diễn ra tại Hà Nội vào lúc 16h để công bố nguyên nhân thảm họa. Tuy nhiên, họp báo đã bị hủy, trong khi hàng trăm phóng viên chờ đợi bên ngoài.
Cuối cùng, vào lúc 20h, họp báo diễn ra và do Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân chủ trì. Bộ nhận định có hai khả năng gây ra tình trạng cá chết hàng loạt: “Thứ nhất là do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai do hiện tượng dị thường tự nhiên tác động kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ”.
Ông Võ Tuấn Nhân cũng nói: “Đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt”.
Một phóng viên nữ đặt câu hỏi, đề cập đến việc tìm ra kim loại nặng trong nước biển, theo báo cáo của Sở TN-MT Thừa Thiên-Huế, và mùa du lịch đang sắp tới. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ngắt lời: “Đừng hỏi câu đó. Hỏi câu đó làm tổn hại cho đất nước của mình”.
Cuộc họp báo chỉ kéo dài 10 phút, không cung cấp đủ thông tin cho hàng trăm phóng viên đang chờ đợi, khiến nhiều người thất vọng.
28/4
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo địa phương và một số nhà khoa học có buổi làm việc tại Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Sau đó, trao đổi với báo chí, ông nhận trách nhiệm và cho biết, theo luật Việt Nam (Điều 101 Luật Bảo vệ Môi trường, có hiệu lực từ năm 2015) thì hệ thống xả thải bằng ống thải ngầm là không được phép; và ông sẽ chỉ đạo Formosa phải đưa đường ống thải ngầm lên để tiện giám sát.
Bộ NN&PTNT báo cáo trong cuộc họp Chính phủ về kết quả xét nghiệm mẫu, bác bỏ nguyên nhân cá chết do thủy triều đỏ: “Bước đầu loại trừ nguyên nhân do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa mà thế giới gọi là thủy triều đỏ”.
Nhà hoạt động nhân quyền Trương Minh Tam, thành viên phong trào Con Đường Việt Nam, bị công an Hà Tĩnh và Quảng Bình bắt vì tội “quay phim, chụp hình ở xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà và giáo xứ Đông Yên” thuộc thị xã Kỳ Anh.
Hàng trăm ngư dân ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình biểu tình dữ dội suốt trưa nắng trong các ngày 28, 29 và 30/4, đòi chính quyền đuổi Formosa khỏi Việt Nam, trả lại biển sạch cho dân. Cuộc biểu tình làm giao thông trên Quốc lộ 1 – tuyến đường nối hai miền Bắc-Nam – bị gián đoạn.
30/4
Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng, ông Nguyễn Điểu, cùng nhiều cán bộ, công chức ngành TN-MT của thành phố đi tắm biển tại bãi Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà), nhằm khẳng định nước biển Đà Nẵng không bị ô nhiễm. Cho đến thời điểm đó, cá vẫn chết rải rác, dạt vào bờ biển Đà Nẵng.
Facebooker Chu Mạnh Sơn bị công an Hà Tĩnh, Quảng Bình bắt ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình khi đang dùng điện thoại di động ghi hình bà con biểu tình trên Quốc lộ 1A.
(TRÍCH BÁO CÁO "TOÀN CẢNH THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG BIỂN VIỆT NAM, Green Trees, 2016).
* Tên bài do BVN đặt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.