Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Cảng Quy Nhơn được bán như thế nào?

Cảng Quy Nhơn được bán như thế nào?

bauxitevnTue 8:37 PM

NHÓM PHÓNG VIÊN
(NLĐ) Quá trình cổ phần hóa và thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn diễn ra nhanh đến bất thường. Kết cục là khối tài sản đồ sộ của cảng này rơi vào tay một doanh nghiệp với giá chỉ vài trăm tỉ đồng.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, trong những ngày tới, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ sẽ vào Bình Định để thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa (CPH) cảng Quy Nhơn. Kết quả thanh tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-7-2017.
Tài sản đồ sộ, định giá 404 tỉ đồng
Cảng Quy Nhơn được hình thành năm 1976 do Cục Đường biển (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) quản lý. Đến năm 1993, Bộ GTVT quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Cảng Quy Nhơn. Năm 2009, cảng trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đổi tên là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn. Tháng 7-2013, Vinalines phê duyệt phương án CPH, chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thành Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP).
Trước khi CPH, cảng Quy Nhơn là một trong những cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại 1 của nhóm cảng biển Nam Trung Bộ với hệ thống 20.960 kho, 48.000 m2 bãi chứa container. Cùng với đó, cảng có trụ sở làm việc 3 tầng đồ sộ, hàng chục gian nhà ở và hơn 300.000 m2 đất các loại ngay trong nội thành Quy Nhơn dưới hình thức thuê đất 50 năm hoặc giao đất không thu tiền sử dụng đất.
clip_image002
Quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn có nhiều bất thường Ảnh: ANH TÚ


Ngoài hạ tầng cơ sở và diện tích đất bạt ngàn, cảng Quy Nhơn còn có 6 cầu tàu với tổng chiều dài 824 m, trong đó lớn nhất là cầu tàu số 6 có thể tiếp nhận tàu tải trọng 50.000 tấn giảm tải ra vào làm hàng. Theo nhiều chuyên gia về cảng biển, để có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 50.000 tấn, mức đầu tư xây dựng cho riêng cầu tàu này phải hơn 1.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, cảng sở hữu 165 phương tiện, thiết bị chuyên dùng trị giá hàng trăm tỉ đồng, như cần cẩu có sức nâng từ 7 đến 100 tấn, xe nâng, tàu lai, ô tô tải, xe xúc, xe đào, trạm cân. Trong đó, riêng cần cẩu bờ di động sức nâng 100 tấn có giá trên thị trường khoảng 150 tỉ đồng.
Với khối tài sản đồ sộ như vậy nhưng trước khi CPH, QNP chỉ được định giá hơn 404 tỉ đồng (thời điểm này QNP có lượng tiền mặt gần 53 tỉ đồng và chỉ nợ ngắn hạn hơn 100 tỉ đồng). Đáng chú ý, nhiều tài sản, thiết bị của QNP được định giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế. Điển hình như hàng chục cần cẩu, xe cẩu, xe nâng, tàu lai chuyên dụng trị giá hàng trăm tỉ đồng nhưng chỉ được định giá... hơn 1,9 tỉ đồng.
“Nhà đầu tư chiến lược” hưởng trọn
Theo Quyết định số 336/QĐ-HHVN ngày 22-7-2013 của Vinalines, quá trình CPH và thoái vốn nhà nước tại QNP được chia làm 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 phát hành lần đầu 40.409.950 cổ phần (CP), trong đó nhà nước chiếm 75% vốn điều lệ; người lao động và tổ chức công đoàn 5%; nhà đầu tư chiến lược 10% và phát hành ra bên ngoài 10%. Giai đoạn 2, nhà nước giảm tỉ lệ CP nắm giữ xuống còn 49%, thực hiện trong khoảng thời gian 2014-2015.
Trên cơ sở đó, tháng 9-2013, QNP tổ chức bán đấu giá thành công, bán ra 10% vốn điều lệ cho cổ đông tự do, tương đương 4,04 triệu CP với mức giá bình quân 12.792 đồng/CP. Ngoài ra, QNP cũng bán 4,04 triệu CP khác cho “nhà đầu tư chiến lược” là Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (gọi tắt: Công ty Hợp Thành; trụ sở ở TP Hà Nội).
Theo Đề án tái cấu trúc Vinalines giai đoạn 2012-2015 và Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, QNP nằm trong diện nhà nước (Vinalines đại diện phần vốn) phải nắm giữ 75% vốn điều lệ. Thế nhưng, tháng 6-2015, Vinalines bất ngờ chuyển nhượng đợt 2 với 10,5 triệu CP, tương đương 26,01% tỉ lệ sở hữu QNP cho Công ty Hợp Thành. Chỉ 3 tháng sau, tháng 9-2015, Vinalines tiếp tục bán toàn bộ phần vốn còn lại trong QNP (19,8 triệu CP với tỉ lệ 49%) cho Công ty Hợp Thành, giúp DN này tăng tỉ lệ nắm giữ QNP lên 86,23% với tổng trị giá chỉ 440 tỉ đồng.
Đáng nói là trước khi chuyển nhượng toàn bộ CP cho Công ty Hợp Thành trong đợt 2 và đợt 3, giữa năm 2015, lãnh đạo QNP có văn bản gửi Vinalines và Bộ GTVT, đề nghị giữ lại 51% phần vốn nhà nước nhưng không được xem xét. Trong khi đó, tháng 7-2015, khi đang giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, ông Nguyễn Văn Thiện (nay đã nghỉ hưu) lại có văn bản đề nghị Bộ GTVT khẩn trương bán phần vốn còn lại cho “nhà đầu tư chiến lược” để tạo nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, mở rộng cảng Quy Nhơn (?).
Từng được đề nghị mua 2.000 tỉ đồng
Tiến sĩ Võ Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định, cho rằng cảng Quy Nhơn có vị trí hết sức đắc địa mà nếu không dựa vào nó để phát triển kinh tế thì thất sách. “Tôi cảm thấy rất tiếc khi nhà nước đã bán toàn bộ phần vốn tại cảng Quy Nhơn cho tư nhân. Một khi tư nhân nắm quyền thì họ chỉ tập trung vào thu hồi vốn còn chuyện khác tính sau” - ông Anh bày tỏ. Còn theo ông Nguyễn Hữu Phúc, nguyên Tổng Giám đốc và là thành viên Ban Chỉ đạo CPH QNP, cảng Quy Nhơn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc phòng. Vì lý do này, khi còn đương chức, ông đề nghị giữ lại 51% phần vốn nhà nước chứ không bán hết 100% cho nhà đầu tư.
Nhiều cựu cán bộ QNP cho biết thêm trong quá trình CPH, một số DN đến đặt vấn đề mua toàn bộ QNP với giá khoảng 2.000 tỉ đồng nhưng không được. Thay vào đó, chỉ trong 2 năm (2013-2015), Công ty Hợp Thành ôm trọn 86,23% CP của QNP chỉ với giá 440 tỉ đồng.
Ông chủ Công ty Hợp Thành là ai?
Theo tìm hiểu, người đang nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Hợp Thành là ông Lê Hồng Thái, SN 1974, hiện ngụ tại TP Hà Nội. Trong tỉ lệ 86,23% CP của QNP mà Công ty Hợp Thành sở hữu, ông Thái nắm giữ 45%; số còn lại đều do vợ, con ông đứng tên, lần lượt là 36% và 19%. Từ năm 2015, sau khi mua phần lớn CP của QNP, ông Thái tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc QNP.
Trước khi mua CP của QNP, Công ty Hợp Thành là DN chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản và kinh doanh bất động sản, chưa có kinh nghiệm trong việc điều hành cảng biển. Vậy nhưng, chẳng hiểu vì lý do gì, Vinalines lại chọn Công ty Hợp Thành là “nhà đầu tư chiến lược” để rồi nhanh chóng bán toàn bộ phần vốn nhà nước tại QNP cho DN này. Vì sao có sự ưu ái bất thường này?
Theo điều tra của chúng tôi, ông Lê Hồng Thái từng là thành viên HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), cùng thời điểm Trịnh Xuân Thanh là chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, ông Thái còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Imico (PVC- IMICO), công ty con của PVC. Thời điểm này, không chỉ PVC mà PVC-IMICO cũng thua lỗ nghiêm trọng. Tuy nhiên, năm 2013, khi đang thi công cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVC làm chủ đầu tư, PVC-IMICO được PVC ưu ái ứng vượt khối lượng trong hợp đồng gần 77 tỉ đồng. Sau đó, PVC-IMICO không chuyển trả lại phần vốn ứng, bị PVC “liệt” vào dạng “nợ khó đòi”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.