Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

HỎI VÀ ĐÁP VỀ KẾT QUẢ PHÂN TÍCH DẢI NƯỚC ĐỎ Ở HÀ TĨNH

HỎI VÀ ĐÁP VỀ KẾT QUẢ PHÂN TÍCH DẢI NƯỚC ĐỎ Ở HÀ TĨNH

bauxitevnSat 7:45 AM

Green Trees 
Sau khi Green Trees công bố kết quả phân tích độc lập dải nước đỏ ở Hà Tĩnh (ngày 11/3), chúng tôi đã nhận được phản hồi và thắc mắc của nhiều bạn đọc. Green Trees cảm ơn tất cả và xin có lời giải đáp cho một số câu hỏi, như dưới đây. 
1. “DẢI NƯỚC ĐỎ Ở HÀ TĨNH” LÀ HIỆN TƯỢNG GÌ?
Trong hai ngày 19/1 và 18/2/2017, tại khu vực cảng Vũng Áng và đê chắn sóng cảng Sơn Dương (tỉnh Hà Tĩnh), xuất hiện nhiều dải nước màu đỏ hồng. 
Sáng 23/2, một dải nước màu đỏ hồng cũng đã xuất hiện tại vùng biển xã Kỳ Hà, thuộc Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. 
Ngày 24/2, xuất hiện dải nước đỏ tại khu vực bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà, Đà Nẵng). 
Kỳ Anh là nơi đặt nhà máy sản xuất thép của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Cảng nước sâu Sơn Dương là một trong các công trình lớn do FHS đầu tư ở Hà Tĩnh. 
Hà Tĩnh là một trong bốn tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất trong thảm họa môi trường biển miền Trung năm 2016.

2. CƠ QUAN CHỨC NĂNG ĐÃ CÓ GIẢI THÍCH GÌ VỀ HIỆN TƯỢNG NÀY?
Kết quả phân tích mẫu nước biển tại cảng Vũng Áng và cảng Sơn Dương của Viện Công nghệ Môi trường và Viện Tài nguyên - Môi trường biển Hải Phòng cho thấy hàm lượng Ammonia trong nước biển tại cảng Vũng Áng và cảng Sơn Dương cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép, phenol trong một mẫu nước biển gần bờ vượt 10,3 lần cho phép (quy định trong Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ). Các thông số khác đều đạt quy chuẩn cho phép. 
Khoảng ngày 20/2, chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) trích lời người dân địa phương (Hà Tĩnh) lý giải về dải nước đỏ: “Đó là hiện tượng tự nhiên, bình thường… xuất phát từ… con cá trích xuất hiện trên mé nước”. VTV cũng nói thêm, hàm lượng Ammonia cao là do nguồn nước ở đây “bị ô nhiễm hữu cơ”. 
Báo cáo của Bộ Tài nguyên – Môi trường, được các báo trích dẫn ngày 1/3, cho rằng nguyên nhân của các dải nước đỏ xuất hiện trong hai ngày 19/1 và 18/2 là do sự bùng phát (tàn lụi, hoặc nở hoa) của một loài tảo biển, tảo Noctiluca Scintillans. 
Tờ Thanh Niên viết rằng tảo Noctiluca Scintillans khi tàn lụi sẽ giải phóng ra Ammonia ở nồng độ cao trong môi trường nước, còn VnExpress viết rằng đó là do tảo nở hoa. 
Trong một diễn biến khác, Tuổi Trẻ đưa tin Chi cục Bảo vệ Môi trường Đà Nẵng vào ngày 26/2 đã xác định vệt nước đỏ ở Sơn Trà là do trứng ruốc gây ra. 
3. CÒN KẾT QUẢ PHÂN TÍCH ĐỘC LẬP CỦA GREEN TREES NHƯ THẾ NÀO?
Kết quả phân tích của Green Trees cho thấy: Dải nước đỏ ở Hà Tĩnh là do nước thải công nghiệp gây ra, với một số các hàm lượng như COD, Phenol, Nitro cao bất thường. 
Một vài thông số vượt chuẩn cần lưu ý: 
+ COD -> 2640. Mẫu có màu hồng phớt và mùi ngọt ngái đặc trưng của dung môi công nghiệp. Chúng tôi sẽ sớm xác định cụ thể loại chất độc này.‎ 
+ Phenol -> 1,68, cao gấp hơn ba lần cho phép so với tiêu chuẩn xả thải của công nghiệp thép (0,5), và gấp 56 lần cho phép so với tiêu chuẩn nước biển (0,03). 
+ Các chỉ số kim loại nặng cũng cao bất thường, khẳng định đây là chất thải từ hoạt động công nghiệp.‎ 
4. NHƯ VẬY, KẾT LUẬN CỦA GREEN TREES LÀ GÌ?
Là mẫu nước biển có chứa phenol, và với hàm lượng rất cao. 
5. PHENOL LÀ GÌ, CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Phenol và các dẫn chất như cresyl (acid cresylic) là những chất rất thông dụng trong công nghiệp (hóa hữu cơ, chất dẻo, hóa dược) và dễ tẩy uế, sát khuẩn (dung dịch 1%). Ngộ độc cấp xảy ra do uống dung dịch đậm đặc với mục đích tự tử hoặc do uống nhầm.
Phenol là hợp chất hữu cơ có tính rất độc, gây bỏng nặng khi rơi vào da.
Phenol và các dẫn xuất của phenol là các chất độc hại gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và mọi sinh vật sống. 
Trên góc độ môi trường, phenol và các dẫn xuất của phenol được xếp vào loại chất gây ô nhiễm. Đây là nhóm tương đối bền, có khả năng tích lũy trong cơ thể sinh vật và có khả năng gây nhiễm độc cấp tính, mãn tính cho con người. 
Khi xâm nhập vào cơ thể, các phenol nói chung và Clophenol nói riêng gây ra nhiều tổn thương cho các cơ quan và hệ thống khác nhau nhưng chủ yếu là tác động lên hệ thần kinh, hệ thống tim mạch và máu. 
Liều nguy hiểm: 2 - 5gram. Liều gây chết: trên 10gram. Tác dụng ăn mòn. 
6. CÓ Ý KIẾN CHO RẰNG TẢO CHỨA PHENOL NHIỀU HƠN NƯỚC BIỂN VÀI LẦN LÀ CHUYỆN BÌNH THƯỜNG?
Hàm lượng phenol trong mẫu nước biển mà Green Trees phân tích cao gấp 56 lần so với tiêu chuẩn cho phép, không phải “vài lần”.
Việc cho rằng tảo Noctiluca Scintillans là nguyên nhân gây ra dải nước đỏ cũng chỉ là một giả thiết và chưa được chứng minh thỏa đáng. Tảo này có thể làm nước biển đỏ như màu máu, và những đợt bùng phát của tảo thường là do gặp phải điều kiện nước biển lạnh, bề mặt chứa nhiều chất dinh dưỡng (theo một bản tin của Thanh Niên, trích dịch từ AFP). Điều kiện nước biển ở Hà Tĩnh không chắc có thể làm tảo Noctiluca Scintillans nở hoa.
Ngoài ra, môi trường biển luôn có sự dịch chuyển do sóng mạnh, không tĩnh như trong một hồ nước, nên các chất đều dễ phân tán, khó có chuyện cô đặc lại ở một vài điểm. (Tuy thế, hàm lượng phenol lại vẫn cao một cách bất thường; điều này cần được làm rõ nguyên nhân). 
Liên quan đến vụ “tảo nở hoa”, Tiến sĩ công nghệ hóa Phạm Quang Tuấn (Úc) cũng đã chỉ ra một số điểm bất hợp lý, chẳng hạn: 
+ Số liệu trên trang web của Bộ Tài nguyên-Môi trường cho thấy ammonia ở vùng biển Đà Nẵng vẫn bình thường (dưới 0,5 miligram/l) dù nơi đây có mật độ tảo tương tự như nước biển Hà Tĩnh. Vì vậy nói “hiện tượng [tảo] này rất phù hợp với kết quả phân tích chất lượng nước biển [Hà Tĩnh]” như Bộ là không chính xác. 
+ Ammonium và ammonia là hợp chất của nitơ (N) và hydro (H). Ammonium (NH4+) là dạng ion và ammonia (NH3) là dạng phân tử, đây chỉ là hai dạng của cùng một chất chuyển đổi từ dạng này qua dạng khác tùy theo pH, nhiệt độ. Ammonia là ammonium chuyển đổi sang. Muốn có ammonium thì phải có nguồn nitơ. Tuy nitơ có trong khí trời, tảo (cũng như hầu hết các sinh vật khác) không thể dùng khí đó để tạo ra ammonium mà phải lấy từ nitơ cố định (fixed nitrogen), như nitrate và ammonia. Vậy, dù có tảo hay không có tảo, nồng độ ammonium cao có nghĩa là có những nguồn nitơ cố định cao tương tự. Tảo chỉ có chức năng dự trữ hay biến nitơ cố định từ dạng này sang dạng khác chứ tự nó không thể tạo ra nitro cố định (như ammonium). Nói cách khác, tảo chỉ là TRIỆU CHỨNG hay HẬU QUẢ của nồng độ nitơ cố định cao chứ KHÔNG PHẢI LÀ NGUYÊN NHÂN. 
+ Màu đỏ có thể là do tảo (mà cũng có thể vì lý do khác), nhưng tảo chỉ là HẬU QUẢ CỦA Ô NHIỄM NITƠ gây ra môi trường thuận tiện (nitơ cố định chính là chất đạm dùng để bón cây) chứ không phải là nguyên nhân. 
7. ĐỊA ĐIỂM VÀ THỜI GIAN LẤY MẪU CỦA GREEN TREES?
Công việc lấy mẫu đã gặp nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm, do sự cản trở từ phía cơ quan chức năng địa phương. Vì lý do an toàn cho những người dân địa phương đã giúp đỡ chúng tôi trong quá trình lấy mẫu, Green Trees không thể công bố cụ thể địa điểm và thời gian lấy mẫu. 
Tuy nhiên, có thể xác nhận rằng việc lấy mẫu đã được tiến hành trong tháng 2 và công tác xét nghiệm, phân tích bắt đầu vào đầu tháng 3. 
Chúng tôi kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng khoa học trong và ngoài nước. Bất kỳ bạn đọc có chuyên môn nào, nếu muốn tham gia cùng Green Trees và cần có thông tin cụ thể về quy trình, địa điểm, thời gian lấy mẫu, xin vui lòng liên hệ qua tin nhắn riêng (private message) gửi vào trang facebook của Green Trees hoặc về địa chỉ: greentreesvn@gmail.com 
8. TÊN VÀ ĐỊA CHỈ CƠ QUAN XÉT NGHIỆM?
Tương tự, vì lý do an toàn cho đơn vị xét nghiệm (độc lập), chúng tôi rất tiếc không thể công bố tên và địa chỉ đơn vị này. 
Green Trees chịu trách nhiệm về độ chính xác của quy trình lấy mẫu, xét nghiệm, phân tích. 
9. CHI PHÍ CHO VIỆC NÀY LẤY TỪ ĐÂU?
Chi phí cho việc xét nghiệm là gần 10 triệu đồng, do các thành viên của Green Trees tự đóng góp. 
10. “ĐỘNG CƠ” CỦA XÉT NGHIỆM ĐỘC LẬP NÀY?
Không có động cơ nào ngoài sự mong muốn thực hiện hai sứ mệnh của Green Trees: 
1. Bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội; 
2. Thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền trong hoạt động bảo vệ môi trường và đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong sạch của người dân Việt Nam. 
* * * 
Nhân đây, Green Trees cũng xin phép đặt câu hỏi ngược lại với một số bạn đọc, như sau: 
- Vì sao khi báo cáo công bố ngày 1/3/2017 của Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng xác nhận phenol có hàm lượng vượt 10,3 lần cho phép, các bạn đã không có ý kiến, không có phản biện gì? 
- Vì sao các bạn không chủ động thực hiện việc lấy mẫu và gửi đi xét nghiệm độc lập? 
Chúng tôi tin rằng bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm của nhà nước trong quản trị là trách nhiệm của tất cả chúng ta – những người dân Việt Nam. Mọi sự nghi ngờ, chính trị hóa việc thực hiện trách nhiệm này đều cho thấy thái độ không thiện chí, không tốt cho công cuộc chung. 
G.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.