Ẩn họa mới: Ðồng bằng sông Cửu Long đang ‘chìm’ dần
bauxitevnSun 7:38 AM
Người Việt
Khai thác nước ngầm tràn lan là nguyên nhân chính gây nên lún sụt nhanh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.(Hình: Báo Tuổi trẻ)
CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Bề mặt nhiều nơi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang lún từ 10 mm đến 20 mm/năm. Bề mặt của các khu vực đông dân cư và khu công nghiệp lún nhiều hơn, lên đến 25 mm/năm.
Ðó là kết quả nghiên cứu sơ bộ dự án “Rise and Fall” tại đồng bằng sông Cửu Long do Ðại học Cần Thơ phối hợp với Ðại học Utrecht (Hòa Lan) thực hiện, vừa được công bố tại một hội thảo về vấn đề sụt lún ở khu vực này, theo báo Tuổi trẻ.
Giáo sư Piet Hoekstra (Ðại học Utrecht), giám đốc điều hành dự án “Rise and Fall,” cho biết do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi sử dụng đất đai mà đồng bằng sông Cửu Long đang có những thay đổi nhanh chóng.
Theo đó, bề mặt đồng bằng sông Cửu Long lún nhanh ở nhiều nơi là vì đô thị hóa, công nghiệp hóa (cách gọi việc xây dựng ồ ạt các khu dân cư, khu công nghiệp). Ðô thị hóa, công nghiệp hóa vừa kích thích việc gia tăng khai thác tầng nước ngầm khiến lòng đất bị rỗng, vừa tăng thêm áp lực trên bề mặt (sức nặng của hệ thống giao thông, các công trình xây dựng) đã khiến quá trình kiến tạo địa chất chuyển dịch theo hướng bất lợi.
Năm 2013, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) từng dự đoán, do tác động của biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, băng ở hai cực của trái đất tan nhanh, nước biển dâng cao, có thể thể sẽ có khoảng 135,000 gia đình ở Việt Nam phải tái định cư vì nơi cư trú bị ngập. UNDP dự đoán, riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2050 có thể có tới một triệu người phải di cư do lũ lụt và hạn hán lặp lại nhiều lần.
Giáo sư Piet Hoekstra đưa ra một cảnh báo khác, dẫu tác động của biến đổi khí hậu đến đồng bằng sông Cửu Long rất đáng ngại nhưng vẫn không đáng ngại bằng bề mặt đồng bằng sông Cửu Long bị sụt lún, bởi vì trong khi mực nước biển dâng cao hơn trước chỉ từ 3 mm đến 4 mm/năm thì bề mặt của đồng bằng sông Cửu Long bị hạ thấp do sụt lún tới năm hoặc sáu lần.
Nói cách khác, do bề mặt bị sụt lún với tốc độ như vừa kể, cộng với mực nước biển cao dần, đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm nhanh hơn trên một diện tích rộng hơn. Thậm chí một số nơi của đồng bằng sông Cửu Long sẽ biến mất sớm hơn.
Năm ngoái, các chuyên gia của Na Uy từng cảnh báo, sau vài thập niên nữa, bán đảo Cà Mau sẽ biến mất vì sạt lở và lún. Khai thác nước ngầm vô tại vạ, kể cả để trồng lúa, nuôi tôm đã khiến bề mặt của Cà Mau sụt lún trung bình từ 1.5 cm đến 2.3 cm/năm.
Tờ Tuổi trẻ dẫn một báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, trong vòng năm năm mực nước tại cửa sông Gành Hào đã dâng cao hơn trước 73 cm.
Theo tính toán của sở này, nếu mực nước tiếp tục dâng lên với mức như thế thì chỉ ít năm nữa sẽ có khoảng 90,000 héc ta đất, tương đương 1/6 diện tích của Cà Mau, chìm trong nước, diện tích của hai huyện cực Nam là Năm Căn và Ngọc Hiển sẽ bị thu hẹp đáng kể.
Có một điểm cần lưu ý là chuyện bề mặt bị sụt lún không chỉ xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long. Nó đã xảy ra trên khắp Việt Nam từ lâu.
Cách nay 10 năm, Viện Khoa học Công nghệ và Kinh tế Xây dựng Hà Nội từng công bố một nghiên cứu về hiện tượng biến dạng bề mặt của Hà Nội. Theo đó, từ 2007, tốc độ lún của nhiều khu vực tại Hà Nội như Thành Công đã đạt mức 41 mm/năm. Vào thời điểm ấy, ngay cả những khu vực có địa tầng tốt như Mai Dịch, Ðông Anh, Ngọc Hà cũng bị lún từ 1.4 mm/năm đến 2.6 mm/năm.
Nguyên nhân chính khiến bề mặt Hà Nội lún sụt với tốc độ kinh khủng như vậy cũng là vì khai thác nước ngầm. Theo tính toán của viện này, chỉ riêng năm 2006, Hà Nội đã rút khoảng 650,000 mét khối đến 700,000 mét khối nước từ lòng đất. Vào thời điểm đó, mực nước trong tầng nước ngầm ở khu vực Hà Nội đã tụt xuống cả mét.
Những con số như vừa kể không làm các viên chức hữu trách tại Việt Nam bận tâm. Chính quyền thành phố Hà Nội tiếp tục khai thác nước ngầm và cả chính quyền thành phố Hà Nội lẫn Chính phủ Việt Nam tiếp tục cấp giấy phép cho những công trình xây dựng các cao ốc…
Trong vài năm gần đây, đất một số nơi tại Hà Nội liên tục sụp xuống tạo thành những hố lớn, trong đó đáng chú ý nhất là trường hợp một khoảnh đất có diện tích hàng trăm mét vuông tại thôn Hòa Lạc, xã An Tiến, huyện Mỹ Ðức, sụp xuống tới 10 mét, hồi tháng Tư năm ngoái.
Sau khi khảo sát, ông Nguyễn Văn Bình, giảng viên khoa Ðịa Chất của trường Ðại học Tài Nguyên-Môi Trường Hà Nội, nhận định đó là hậu quả của việc khai thác nước ngầm quá mức. Do dân chúng vùng này phải tự lo nước sinh hoạt nên họ khoan giếng lấy nước ngầm ở khắp mọi nơi. Việc khai thác nước ngầm đã khiến cát ở các khe nứt trong những hang ngầm cấu tạo bằng đá vôi bị rửa trôi, làm rỗng lòng đất và chuyện mặt đất đột nhiên sụp xuống đã xảy ra suốt từ 2006 đến nay với mức độ càng ngày càng trầm trọng cả về số vụ lẫn diện tích, độ sâu của các hố.
Sài Gòn cũng không thoát được ẩn họa từ khai thác nước ngầm. Tháng Ba 2014, Trung tâm Ðịa Tin học thuộc Khu Công nghệ Phần mềm của Ðại học Quốc gia Tp.HCM loan báo, do khai thác nước ngầm quá mức, nhiều khu vực ở Sài Gòn đang bị lún với tốc độ trung bình khoảng 1 cm/năm. Nếu tính từ năm 1992 đến 2014, nhiều khu vực trên toàn Sài Gòn bị lún nặng với mức độ từ 20 cm đến 30 cm/năm. Mức độ lún tại những khu vực quanh các công trình lớn như cao ốc lên tới 50 cm/năm… Vào lúc này, Sài Gòn vẫn vừa khai thác nước ngầm, vừa cấp phép cho các công trình xây dựng lớn.(G.Ð.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.