Đánh hàng rong: sinh kế và đặc trưng văn hóa
bauxitevnMon 1:18 PM
VNTB
Cuộc chiến giành lại vỉa hè tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là đề tài được bàn luận, trong đó liên quan đến đời sống dân sinh thông qua gánh hàng rong.
Liệu đó là sai lầm lớn, Economist trong bài viết ngày 16/03 đã cho rằng, các thành phố lớn tại Đông Nam Á đang tiến hành cuộc chiến với gánh hàng rong, tuy nhiên, đằng sau gánh hàng rong này là cả bài toán về mặt lợi ích kinh tế.
Câu chuyện sinh kế
Có hàng triệu con người tìm lên vùng đô thị để mưa sinh, và gánh hàng rong cho phép họ có được một cuộc sống tạm bợ qua ngày. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, 2,5 tỷ người ăn thức ăn đường phố hàng ngày. Và từ năm 2007, chỉ tính riêng Bangkok (Thái Lan), đã có 20.000 nhà cung cấp 40% yếu phẩm cho dân cư thành phố. Mọi thứ đều ổn cho đến khi, chính quyền thành phố Bangkok tiến hành đuổi gần 15.000 người bán hàng rong từ vỉa hè của thành phố nhằm đảm bảo “trật tự công cộng”. Nhưng sự việc này không chỉ diễn ra tại đây, theo Economist. Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Jakarta cũng đang tiến hành một cuộc chiến với hàng rong.
Tại Việt Nam, vấn đề hàng rong không phải là lần đầu tiên được nhắc đến trong năm này. Trước đó, vào năm 2008, với Quyết định 02 về quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn Hà Nội được UBND thành phố này đã bị vấp phải nhiều sự phản đối. TS Nguyễn Minh Phong, lúc đó đang là Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội đã bày tỏ rằng, chuyện hàng rong là câu chuyện sinh kế của hàng vạn người mưu sinh, nếu làm quá chặt chẽ gắt gao vô hình chung chúng ta sẽ quên mất tính nhân văn trong chính sách kinh tế xã hội của một đô thị trung tâm với tư cách là đầu tàu, là tụ điểm, là hy vọng của cả nước. Điều đó đồng nghĩa, lời khen về mặt văn minh đô thị sạch sẽ tươm tất, nhưng lại đẻ ra hàng loạt những người thất nghiệp, loạt người có cuộc sống túng quẫn khó khăn khác.
Còn Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lúc đấy đã tự vấn: Sao nỡ lòng đá “bát cơm” của người nghèo như thế!
Đặc trưng văn hóa đô thị
Cuộc chiến vỉa hè tại Tp. Hồ Chí Minh những ngày qua tiếp tục gây lo ngại về sự xóa sổ “hàng rong”. Vừa qua Quận 6 đã lắp đặt rào sắt kiên cố trên vỉa hè đường An Dương Vương (đoạn đi qua Công viên Phú Lâm) nhằm ngăn người bán hàng rong chiếm dụng vỉa hè “để buôn bán, gây mất mỹ quan đô thị và đặc biệt là gây khó khăn cho người đi bộ”. Còn Quận 1 tiếp tục xử lý vùng vỉa hè trọng điểm, trong đó có cả khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Đề Thám.
Một số trang mạng nhưZing cũng đã phản ánh vấn đề hàng rong qua bài viết: “Dân phố Tây ứa nước mắt trước ‘tối hậu thư’ dẹp vỉa hè”. Theo đó, hàng rong khu phố này vừa là đặc trưng du lịch, vừa là gánh cơm của hàng ngàn gia đình.
Trước đó, trong một bối cảnh khác, một Trật tự đô thị đánh người bán hàng rong đến ngất xỉu, và đã có nhiều bài báo phản đối việc “cấm kinh doanh vỉa hè”. Trong đó có nhà báo Nguyễn Vạn Phú nêu ý kiến: “Kinh tế vỉa hè là một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế phi chính thức. Một số nghiên cứu trước đây cho rằng kinh tế phi chính thức, hiện bằng chừng 30% nền kinh tế chính thức, đóng vai trò là tấm bình phong che chắn bão tố, là tấm đệm giảm nhẹ những cơn khủng hoảng dội vào Việt Nam”.
Điều đó cho thấy, hàng rong vỉa hè không chỉ trở thành cứu cánh cho người nghèo, mà góp vào phần xóa nghèo ngay tại vùng đô thị.
Trong một cuộc họp gần đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh trong văn bản khẩn về việc tái lập trật tự lòng lề đường, vỉa hè vừa được Văn phòng UBND TP.HCM ban hành là “không có chủ trương đuổi người bán hàng rong”. Căn cứ theo đó, trung tâm cuộc chiến vỉa hè là quận 1 sẽ lọc ra 500 người nghèo buôn bán hàng rong lâu năm để tổ chức một khu phố hàng rong. Mà theo ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh khi trao đổi với báo Pháp Luật Tp. Hồ Chí Minh là nhằm giữ “nét văn hóa đặc trưng của đô thị TP.HCM để thu hút khách du lịch”.
Như vậy, bán hàng rong tại châu Á không chỉ cung cấp yếu phẩm nhanh và rẻ mà còn là một trong những đặc trưng cho chính sự phát triển đô thị. Bởi, nó tạo ra cơ hội cho cả một cộng đồng trong sinh kế.
A.V.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.