Bội chi như thế thì chỉ có chết!
bauxitevnSun 7:36 AM
Một số chuyên gia đã tính toán rằng với cái đà thu thuế ngày càng ghê gớm nhưng chi vẫn không giảm, ngân sách chế độ chỉ chịu được tối đa hai năm nữa.
“Chi tiêu như thế thì chỉ có chết”
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa góp thêm tán thán để đời “Chi tiêu như thế thì chỉ có chết” tại kỳ họp giữa tháng Ba năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước ông Đinh Tiến Dũng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng trở thành nhân vật than thở nhiều về gánh nặng ngân sách và nạn bội chi.
Mọi chuyện hình như đã khởi sự từ cuối năm 2015 khi phát lộ tín hiệu về ngân sách cạn kiệt. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư khi đó là ông Bùi Quang Vinh đã phải tán thán “ngân sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì”.
Còn cho đến giờ, ông Đinh Tiến Dũng mới thừa nhận một thực tế phũng phàng: “Năm 2016 dự báo giá trị thực tế GDP là 5,1 triệu tỷ đồng nhưng thực hiện chỉ được 4,6 triệu tỷ đồng”.
Tình hình ngày càng bi đát…
Thực ra, bi đát đã từ lâu. Thoạt đầu là việc lần đầu tiên “kiến trúc sư” Nguyễn Tấn Dũng phải ra trước Quốc hội xin nâng trần bội chi ngân sách từ 4,7% lên 5,3% tại kỳ họp đầu năm 2014 - một thái độ chấp nhận chẳng đặng đừng về trần bội chi Việt Nam vượt trên mức nguy hiểm 5% theo thông lệ quốc tế.
Tuy thế, trần bội chi lý thuyết trên vẫn chưa là gì khi xuất hiện con số bội chi Ngân sách Nhà nước chỉ riêng năm 2013 đã là 6,6%.
Còn vào năm 2015, một “tin vui” đã xảy đến với bộ mặt chính trị quốc gia: Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm đó “chỉ có” 6,1% GDP, chỉ thấp hơn đôi chút mức bội chi ngân sách 6,6% GDP của năm 2013.
Ngay vào đầu năm 2016, con số xin ngân sách mà các địa phương trình lên trung ương vượt gấp 20 lần khả năng chi của ngân sách trung ương. Trong khi đó, rất nhiều dự án kinh tế và xã hội đang bị đình đốn vì không biết lấy đâu ra tiền. Nợ công tăng vọt với mức 20% một năm và trong thực tế đã bằng cả GDP nguyên năm.
Có một nét tương đồng nào đó giữa phát biểu “tham nhũng vẫn ổn định” của ông Huỳnh Phong Tranh thời còn là Tổng Thanh tra Chính phủ, với việc kết thúc năm 2016, bội chi vẫn “ổn định” với con số ít nhất 250 ngàn tỷ đồng.
Đáng chú ý là mục chi phát triển sự nghiệp kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính vẫn luôn “đạt kế hoạch”. Có thể hiểu là làm gì thì làm, nguồn thu ra sao không biết, nhưng phần chi lương cho đội ngũ bị phản ánh có đến 30% công chức không làm gì cả vẫn phải giữ nguyên.
Đất nước cũng bởi thế nghèo đi là phải!
Dân tình cũng bởi thế ngày càng nheo nhóc cùng đôi vai quằn trĩu do sưu cao thuế nặng cho một chế độ đã xa dân đến mức khó còn đường quay lùi!
Giờ đây đang rộ lên quá nhiều tán thán kêu gào trong Quốc hội về tình trạng ngân sách cực kỳ khó khăn. Tin tức ngoài hành lang Quốc hội đáng tin cậy cho biết rất nhiều khả năng là ngân sách không còn bất cứ khoản kết dư nào để “xử lý nợ xấu”. Càng không thể nói đến chuyện tung ra vài ba tỷ đô la ban đầu để làm dự án điện hạt nhân hay dự án đường bộ.
Thậm chí việc phát hành “Trái phiếu Chính phủ” mà những năm trước thường “vắt” được giới ngân hàng thương mại đến 280 ngàn tỷ đồng, nhưng năm 2017 đã phải giảm chi tiêu này xuống còn 180 ngàn tỷ đồng, tức sụt đến hơn 30%.
Hơn 30% cũng là tỷ lệ sụt giảm của lượng kiều hối của “kiều bào ra” gửi về quê nhà trong năm 2016 so với năm 2015.
Một số chuyên gia đã tính toán rằng với cái đà thu thuế ngày càng ghê gớm nhưng chi vẫn không giảm, ngân sách chế độ chỉ chịu được tối đa hai năm nữa.
Tức đến năm 2018. Còn sau đó thì thế nào?
Kể từ cơn khủng hoảng giá – lương – tiền 1985, có lẽ chưa bao giờ ngân sách Việt Nam lại rơi vào thảm trạng quay quắt như giờ đây. Mới đây, một nguồn giấu tên tiết lộ một sự thật chẳng mấy người muốn tin: Việt Nam vỡ nợ không còn là “nguy cơ” nữa, mà đã trở nên hiện hữu.
M.Q.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.