Hai cực “thái tử Đảng” trong quân đội Trung Quốc
Qua sự kiện “thái tử Đảng” Lưu Nguyên (con cố Chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ), người được cho là cánh tay đắc lực giúp ông Tập Cận Bình chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc, bị phát hiện “mất tích trên truyền thông” tại lưỡng hội 2017, có phân tích cho rằng sau khi lá bài chính trị “Tập hạt nhân” hình thành, thế lực “thái tử Đảng” trong quân đội (những người cùng thế hệ với ông Tập Cận Bình) đã bị hạ bệ. Hiện đã lộ rõ tình trạng phân cực giữa lớp “thái tử Đảng” già và trẻ.
Ngày 15/3, RFI (Pháp) đăng bài viết cho rằng, sau khi “Tập hạt nhân” được xác lập là sự suy thoái của một lớp “thái tử Đảng” trong quân đội Trung Quốc. Sau khi ông Tập Cận Bình thanh trừng ông Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, mục tiêu tiếp theo là nhắm vào lớp “thái tử Đảng” cùng thế hệ với ông đang nắm giữ những vị trí quan trọng. Tiêu biểu nhất trong số này phải kể là “nhị Lưu nhất Trương”, các tướng Lưu Nguyên, Lưu Á Châu, và Trương Hải Dương đã bị vô hiệu hóa.
Theo tờ Tin sáng Liên hợp (zaobao) đưa tin ngày 14/3, tại lưỡng hội 2017, tướng Lưu Nguyên, người được cho là từng giúp ông Tập Cận Bình hạ bệ các “hổ to” Cốc Tuấn Sơn và Từ Tài Hậu, bị “mất tích trên truyền thông”, có thể vì đã hoàn thành sứ mệnh hoặc cố ý né tránh truyền thông.
Thời điểm lưỡng hội 2015, Thượng tướng Lưu Nguyên khi đó là Chính ủy Tổng cục Hậu cần đã gây náo động khi mạnh mẽ lên án thế lực hủ bại trong quân đội, vì vậy vị tướng này được cho là trợ thủ đắc lực của ông Tập Cận Bình chống tham nhũng trong quân đội. Nhưng cuối năm đó, ông Lưu Nguyên đã rời khỏi chức vụ trong quân đội, chuyển sang nhậm chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế tài chính Nhân đại toàn quốc.
Đến lưỡng hội 2016, nhiều người cho rằng ông Lưu Nguyên không còn bị chức vụ trong quân đội chi phối nên sẽ là người mạnh mẽ lên tiếng, nhưng không ngờ ông Lưu Nguyên lại né tránh truyền thông, chỉ cảm ơn mọi người đã quan tâm và ủng hộ mình.
Còn tại lưỡng hội năm nay thì ông Lưu Nguyên đã “mất tích trên truyền thông”.
Trước Đại hội 18, nhà bình luận thời sự chính trị Trung Quốc Lâm Hòa Lập (Lin Heli) từng nhận định, sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, sẽ có thêm nhiều “thái tử Đảng” trong quân đội được đề bạt và thăng tiến nhảy vọt. Tiêu biểu như Thượng tướng Mã Hiểu Thiên (Ma Xiaotian), Phó Tổng Tham mưu trưởng; Thượng tướng Lưu Nguyên, Chính ủy Tổng cục Hậu cần; Thượng tướng Trương Hải Dương (Zhang Haiyang), Chính ủy Quân khu Thành Đô; Thượng tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), Tư lệnh Quân khu Thẩm Dương, là những người có khả năng vào Ủy viên Trung ương.
Cha của ông Mã Hiểu Thiên là Đại tá Mã Tài Nghiêu (Ma Zaiyao), cựu Giáo dục trưởng Học viện Chính trị Giải phóng quân, cha vợ là Trung tướng Trương Thiếu Hoa, cựu Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy Trung ương; cha của ông Lưu Nguyên là cố Chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, người từng bị ông Mao Trạch Đông giết hại trong Cách mạng Văn hóa; cha của ông Trương Hải Dương là Thượng tướng Trương Lôi (Zhanglei), cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Nhiều nhận định cho rằng những “thái tử Đảng” này đều có quan hệ thân thiết với ông Tập Cận Bình, vì họ được đề bạt lên Thượng tướng trong thời gian ông Tập Cận Bình làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Nhưng sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, con đường quan lộ của những “thái tử Đảng” này hoàn toàn đảo chiều.
Ông Mã Hiểu Thiên sinh tháng 8/1949, lên chức Tư lệnh Không quân tháng 10/2012.
Ông Trương Hải Dương sinh tháng 7/1949, giải ngũ tháng 12/2014, ngày 28/2/2015 nhậm chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nhân đại toàn quốc.
Thượng tướng Lưu Hiểu Giang, cựu Chính ủy Hải quân, cùng tuổi với ông Trương Hải Dương, là con rể của ông Hồ Diệu Bang, giải ngũ cùng thời điểm với Trương Hải Dương và đã được chuyển nhậm chức Phó Chủ nhiệm Ban Đối ngoại Nhân đại toàn quốc.
Ngoài ra, đáng quan tâm nhất phải kể là tướng Lưu Á Châu, là con rể của cố Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm, gần đây vì liên quan đến tai tiếng chính trị đã bị cho thôi chức Chính ủy Đại học Quốc phòng, hiện không rõ tình hình như thế nào.
Trong lớp “thái tử Đảng” quân đội này chỉ còn ông Trương Hựu Hiệp là nổi nhất.
Ông Trương Hựu Hiệp nhậm chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Trang bị tháng 10/2012, vào Quân ủy Trung ương tháng 1/2016, là Bộ trưởng Đầu tiên của Bộ Phát triển Trang bị (mới thành lập) thuộc Quân ủy Trung ương. Nhiều suy đoán cho rằng ông này sẽ lên thay chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương của ông Phạm Trường Long.
Theo quan sát, trong kế hoạch cải cách quân đội, ông Tập Cận Bình có xu hướng trọng dụng những “thái tử Đảng” thuộc phe còn trẻ trung.
Hiện nay, Tham mưu trưởng Cảnh sát vũ trang Tần Thiên (Qin Tian) và Phó Tư lệnh Quân khu Nam Kinh Tần Vệ Giang (Qin Weijiang) đều là con của Thượng tướng Tần Cơ Vĩ, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tần Thiên nhậm chức Phó Viện trưởng Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc tháng 8/2015, đến tháng 1/2016 nhậm chức Tham mưu trưởng Bộ đội Cảnh sát vũ trang. Ngày 30/7/2016 được thăng Trung tướng Bộ đội Cảnh sát vũ trang.
Sau cải cách quân đội, ông Phùng Đan Vũ (Feng Danwu), người đầu tiên nhậm thức Thứ trưởng Bộ Phát triển trang bị là cháu của cố Thượng tướng Quốc dân đảng Phùng Ngọc Tường (Feng Yuxiang), cha là Thiếu tướng đảng Cộng sản Trung Quốc Phùng Hồng Đạt (Feng Hongda).
Tương tự, “thái tử Đảng” Lưu Thăng (Liu Sheng), con của một Trung tướng Quân đội, cũng nhậm chức Thứ trưởng Bộ Bộ Phát triển trang bị.
Trung tướng Long Hải Thọ (Long Haitao), con của một Thượng tướng quân đội, nhậm chức Phó Tư lệnh Lục quân…
Ngoài ra còn nhiều trường hợp bổ nhiệm khác đều cho thấy tình trạng phân cực rõ ràng trong quân đội Trung Quốc giữa hai lớp “thái tử Đảng” già (cùng thế hệ với ông Tập Cận Bình) và lớp “thái tử Đảng” còn trẻ thuộc thế hệ sau này.
Nguyễn Đoàn
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.