NGỤ BINH Ư NÔNG HAY NGỤ NÔNG Ư BINH ?
bauxitevnTue 8:56 PM
Vũ Minh Trí
Ngụ binh ư nông (chữ Hán: 寓兵於農), theo từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì nghĩa tiếng Việt là "gửi binh ở nông", hiểu nôm na là gửi quân lính vào nông nghiệp, để họ lao động, sản xuất nông nghiệp tại địa phương trong những khoảng thời gian xác định. Ở ta, đây là một chính sách xây dựng quân đội gắn liền nông nghiệp, được nhiều triều đại phong kiến, kể từ nhà Đinh, coi trọng và áp dụng khá nhất quán. Sách Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ (1726-1780) ghi nhận thời Lý, binh lính "mỗi tháng lên cơ ngũ một lần gọi là đi canh, hết hạn canh lại về làm ruộng, quân không phải cấp lương", "không cần phí tổn nuôi lính mà có công hiệu dùng sức lính, cũng là chế độ hay". Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1782-1840) cũng cho biết từ thời vua Lý Thần Tông (1128-1138), "ngoại binh thì không có lương, cứ luân phiên đến canh, hết phiên canh cho về nhà cày cấy trồng trọt để tự cấp".
Xưa vậy, nay sao? Mời đọc nguyên văn bài dưới đây của Hải Sơn, có trên một số trang báo được coi là "chính thống":
Vào thăm đại bản doanh Bồ câu chiến sĩ của chủ dự án Đại úy quân đội *
Nhân dịp 41 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước 30/4, chúng tôi vào thăm đại bản doanh Bồ câu chiến sĩ của chủ dự án Đại úy Hoàng Trung Hà.
Người đã mạnh dạn tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình chăn nuôi trang trại tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn cung cấp trực tiếp cho căng tin đơn vị có tên ẩm thực Bồ câu chiến sĩ này là Đại úy Hoàng Trung Hà (thuộc Trung tâm 75) đóng tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.
Với ý tưởng xây dựng hệ thống trang trại chăn nuôi sạch khép kín chủ đạo là chim bồ câu, cùng chim trĩ đỏ, gà, vịt trời… mô hình Bồ câu chiến sĩ của Đại úy Hoàng Trung Hà đang được cán bộ, chiến sĩ, nhân dân địa phương đánh giá cao. Bởi với việc chọn lựa thức ăn chủ yếu là lúa, ngô, đậu xanh… không sử dụng kháng sinh, chất kích thích, chất cấm càng làm cho người tiêu dùng thêm tin cậy.
Đặc biệt, với quy trình chăn nuôi khép kín tuân thủ nghiêm ngặt và được đảm bảo thực phẩm luôn tươi, ngon, sạch là cách làm riêng của người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế này.
Đại úy Hoàng Trung Hà cho biết, Dự án mô hình trang trại Bồ câu chiến sĩ được khởi động từ cuối năm 2012 ngay tại chính những dãy nhà cũ của đơn vị, dự định sẽ phá dỡ để làm vườn trồng rau.
Đại úy Hoàng Trung Hà đang cho chim bồ câu ăn
"Ban đầu, khi trình bày ý tưởng về một mô hình kinh tế nuôi chim bồ câu sạch nhằm đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống lên thủ trưởng đơn vị. Sau khi nghe xong, thủ trưởng đã rất ủng hộ tôi. Tuy nhiên, chỉ với một câu hỏi ngược lại của thủ trưởng: "Khó đấy liệu cậu có làm được không?" Cũng chính từ câu hỏi đó làm cho tôi có thêm động lực để mình phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, không phụ lòng tin của thủ trưởng", người lính thời bình này nhớ lại.
Chủ Dự án trang trại Bồ câu chiến sĩ này chia sẻ, từ người lính chưa có một chút chuyên môn và kinh nghiệm gì trong lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là những ngày đầu bắt tay vào công việc này. Khi đó, những chim bồ câu giống được mua về cứ lăn ra chết đến cả trăm, khiến anh không khỏi bố rối, hoang mang.
Nhưng với tinh thần "thắng không kiêu, bại không nản", anh đã lặn lội đi khắp nơi để học tập kinh nghiệm nuôi chim bồ câu. Thừa kế những kiến thức của người đi trước, nghiên cứu sáng tạo thêm tạo ra cách làm riêng, cuối cùng anh đã có cho mình một quy trình chăn nuôi chim bồ câu hoàn chỉnh.
Dự án trang trại Bồ câu chiến sĩ của Đại úy Hoàng Trung Hà được thủ trưởng đơn vị đánh giá khá cao
Chim được nuôi trong những ngôi nhà cũ theo mật độ hợp lý. Quy trình thiết kế chuồng trại khoa học mà lại không tốn kém nhiều giúp chim có đủ không gian để bay nhảy, phát triển. Nền chuồng được thiết kế bằng các tấm lưới thép ghép lại cách đất 20 cm giúp chim không tiếp xúc trực tiếp với phân thải, không ăn phải thức ăn bẩn rơi vãi ra ngoài.
Cách làm sàn này cũng rất thuận lợi cho việc xử lý phân thải bằng men vi sinh. Điều này tạo cho chim có được môi trường luôn sạch sẽ, và nếu khi có chim bị ốm trong chuồng thì sẽ hạn chế tối đa hiện tượng lây bệnh chéo.
Chuồng trại được thiết kế khoa học, sạch sẽ khiến cho chim bồ câu khỏe mạnh, không bệnh tật đảm bảo thịt tươi ngon
Nhìn những chú chim bồ câu, chim trĩ đỏ, gà, vịt trời... con nào con nấy chắc nịch, chúng tôi đem thắc mắc này hỏi Đại úy Hà, anh cười tươi rồi cho biết, những sản phẩm của trang trại đều được chăm sóc theo quy trình khoa học, thức ăn chủ yếu là ngũ cốc nguyên hạt như lúa, ngô, đỗ xanh…
Tất cả các loại thức ăn trên đều được chính tay anh lựa chọn, nghiền, trộn đều với tỷ lệ khoa học nhằm tăng dinh dưỡng, tạo được sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Sản phẩm làm ra phân phối trực tiếp tại căng tin đơn vị và phục vụ thịt chim bồ câu tươi tận nơi khi khách hàng yêu cầu. Hiện trang trại Bồ câu chiến sĩ có khoảng 3.000 con, vừa cung cấp giống cho người dân, vừa phục vụ cho dịch vụ ăn uống của người tiêu dùng.
Thịt chim bồ câu được đóng gói, giao tận nơi nếu khách hàng có nhu cầu
Khi được hỏi xuất phát từ đâu mà anh lại có ý tưởng táo bạo này, Đại úy Hà chia sẻ: "Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn ngập như hiện nay, mình muốn làm điều gì đó thật sự có ích cho gia đình, cho đơn vị và cho xã hội. Không dừng lại ở đó, chúng tôi còn bán con giống và tư vấn kỹ thuật nuôi chim bồ câu nếu khách hàng đề nghị. Sau nữa, khi mô hình này thành công, chúng tôi muốn mở rộng mô hình tạo ra chuỗi nhà hàng để cung cấp các sản phẩm sạch và an toàn đến được với nhiều khách hàng hơn nữa".
Đại úy Hà cho biết, trong tương lai anh muốn xây dựng chuỗi hệ thống nhà hàng và cung cấp thực phẩm chim bồ câu sạch đi nhiều nơi
Với cách làm trên, Bồ câu chiến sĩ đã vinh dự được nhận được Giải thưởng "Sản phẩm tin cậy, Nhãn hiệu ưa dùng, Dịch vụ hoàn hảo năm 2014" do Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam bình chọn; Giải thưởng "Thương hiệu Việt tiêu biểu vì quyền lợi người tiêu dùng 2014" do Bộ công thương bình chọn.
Dễ thấy việc nuôi chim bồ câu kể trên tuy hoàn toàn không thuộc chuyên môn, nghiệp vụ quân sự nhưng vẫn được thủ trưởng Trung tâm 75 giao nhiệm vụ và chỉ đạo hẳn hoi, được tiến hành bên trong doanh trại, bằng cơ sở vật chất, kĩ thuật của quân đội, bởi một đại úy quân đội và trong cả thời gian làm việc theo quy định.
"Điển hình tiên tiến" kiểu này hiện không ít. Báo Quân đội nhân dân ngày 5-3-2017 có bài Mô hình trồng nấm sò ở Học viện hậu cần của Phạm Kiên, tới ngày 7-3-2017 lại có bài Mô hình chăn nuôi hiệu quả ở Kho KV3 của Đoàn Văn Nam.
Nếu đại úy Hoàng Trung Hà và các quân nhân trồng nấm sò ở Học viện hậu cần, nuôi lợn, gà ở Kho KV3 vẫn nhận đủ lương bổng theo ngạch bậc quân đội thì rõ ràng họ là "điển hình tiên tiến" của việc áp dụng chính sách ngụ nông ư binh (gửi nông ở binh, cho nông dân khoác áo lính), trái ngược hẳn với chính sách ngụ binh ư nông.
Trong thời bình, càng có nhiều "điển hình tiên tiến" như thế này thì quân đội càng yếu, đất nước càng nghèo!
V.M.T.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.