Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

Thực chất chuyến thăm Nhật, Hàn và TQ của Ngoại trưởng Mỹ

Thực chất chuyến thăm Nhật, Hàn và TQ của Ngoại trưởng Mỹ

bauxitevn9:33 AM

Quốc Phương
BBC Tiếng Việt 
clip_image001
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới Đông Á và châu Á diễn ra 'khá lặng lẽ và được chuẩn bị hơi chậm', theo chuyên gia chiến lược ngoại giao từ Việt Nam. GETTY IMAGES

Chuyến thăm tới ba quốc gia ở châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vào trung tuần tháng Ba của tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson diễn ra khá 'lặng lẽ' và 'được chuẩn bị hơi chậm', chuyến đi này có ba mục tiêu chính, theo một chuyên gia về chiến lược ngoại giao của Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 17/3/2017 từ Học viện Quan hệ Quốc tế, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngoại giao nói: 
Mục đích thứ nhất là chuẩn bị cho cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng mùng 6 hoặc 7 tháng Tư.
Tiến sỹ Trần Việt Thái
'Chuyến đi của ông Rex Tillerson sang các nước Đông Á, châu Á khá là lặng lẽ và nó được chuẩn bị hơi chậm, so với kế hoạch, thời điểm, bởi vì có thể từ khi ông Rex Tillerson được phê chuẩn đến nay cũng đã là khá lâu và khu vực châu Á kỳ vọng ông ấy đến thăm sớm hơn". 
Tuy nhiên theo chuyên gia về chính sách ngoại giao này, chuyến thăm là một 'dấu hiệu tích cực' về quan tâm của Mỹ ở khu vực. Ông nói: "Dù sao đi nữa, chuyến thăm này được triển khai cũng là một dấu hiệu tích cực cho thấy sự quan tâm của chính quyền mới của ông Donald Trump đối với khu vực." 
Về mục đích chính của chuyến đi, Tiến sỹ Trần Việt Thái nêu quan điểm: 
"Theo tôi, chuyến đi này có thể có ba mục đích, mục đích thứ nhất là chuẩn bị cho cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng mùng 6 hoặc 7 tháng Tư. 
"Đây là cuộc gặp rất quan trọng, bởi vì nó sẽ quyết định quan hệ Trung - Mỹ trong thời gian tới, và chuyến đi này để chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao đó. 
"Thứ hai, ông Rex Tillerson có thể sẽ có thông điệp về vấn đề Triều Tiên, theo thông tin mà chúng tôi biết, dường như chính quyền của Mỹ dưới thời ông Donald Trump đã tỏ ra hết kiên nhẫn, mất kiên nhẫn đối với Triều Tiên và họ có thể sẽ điều chỉnh cách tiếp cận theo hướng cứng rắn hơn. 
"Ví dụ như gia tăng trừng phạt hoặc đưa Triều Tiên trở lại 'Danh mục các nước Bảo trợ khủng bố', rõ ràng là họ đã hết kiên nhẫn đối với những gì diễn ra trong thời gian qua. 
Xoay trục, tái cân bằng, đó là từ ngữ được dùng mô tả chính sách với châu Á của chính quyền trước. Tôi nghĩ các bạn có thể kỳ vọng chính quyền hiện tại sẽ có chiến lược riêng. Chúng tôi chưa đi vào chi tiết chiến lược mới
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton
"Và điểm thứ ba, mục tiêu của ông Rex Tillerson là chuyển đi thông điệp rằng Mỹ và Trung Quốc cần phải tránh một cuộc chiến tranh thương mại. Đây là một trong những vấn đề hết sức quan trọng mà hai bên phải nỗ lực rất lớn. 
"Do đó tôi nghĩ nó sẽ góp phần quan trọng, nó sẽ định hình cục diện quan hệ Mỹ với các nước trong khu vực trong thời gian tới," ông Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngoại giao của Việt Nam nói với BBC hôm thứ Sáu. 
'Chấm dứt xoay trục'
Gần đây, trong các cánh hành pháp và lập pháp của Hoa Kỳ đã có một số động thái về chính sách của Mỹ liên quan châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. 
Hôm 14/3, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton cho hay chính sách tái cân bằng ở châu Á, còn được gọi là xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama "chính thức chấm dứt" và tân chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ có chính sách mới thay thế. 
Bà Thornton được truyền thông quốc tế dẫn lời nói: 
"Xoay trục, tái cân bằng, đó là từ ngữ được dùng mô tả chính sách với châu Á của chính quyền trước. Tôi nghĩ các bạn có thể kỳ vọng chính quyền hiện tại sẽ có chiến lược riêng. Chúng tôi chưa đi vào chi tiết chiến lược mới." 
clip_image002
Ông Rex Tillerson thăm Hàn Quốc, sau khi tới thăm Nhật Bản, trong chuyến đi trung tuần tháng 3/2017 tại Đông Á. REUTERS 
Tuy nhiên, quan chức ngoại giao cao cấp này của Mỹ nói thêm: 
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia tích cực ở châu Á. Nền kinh tế châu Á rất quan trọng với sự thịnh vượng và phát triển của Mỹ, chúng tôi sẽ tiếp tục với các vấn đề như thương mại công bằng, thương mại tự do và các thách thức an ninh như Triều Tiên. Mỹ cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy hòa bình và ổn định ở châu Á", phát biểu của bà Thornton được đưa ra ngay trước thềm chuyến thăm châu Á vào trung tuần tháng này của Ngoại trưởng Tillerson. 
Từ cánh lập pháp, mới đây, hai thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và Ben Cardin hôm 15/3 đã đệ trình một Dự luật về Trừng phạt ở Biển Đông và biển Hoa Đông được nhắm vào những cá nhân, tổ chức Trung Quốc tham gia các hoạt động của Trung Quốc mà Hoa Kỳ cho là 'phi pháp' tại hai vùng biển này. 
Theo Thượng nghị sỹ Rubio những vụ 'vi phạm trắng trợn' các chuẩn mực quốc tế 'đang diễn ra và không thể bỏ qua' ở hai khu vực trên. 
Các biện pháp trừng phạt mà mà các thượng nghị sỹ thuộc lưỡng đảng được đưa ra trong Dự luật trên được cho là 'lời cảnh báo' với chính quyền Trung Quốc rằng Hoa Kỳ "nghiêm túc và có ý định buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm," vẫn theo truyền thông quốc tế. 
'Cách hiểu của VN'
Bình luận về tuyên bố 'chấm dứt xoay trục' của chính quyền Mỹ ở khu vực, Tiến sỹ Trần Việt Thái nói: 
"Mặc dù tuyên bố chấm dứt chính sách xoay trục, nhưng tôi hiểu là Mỹ vẫn có những lợi ích rất lớn, mạng lưới quan hệ đồng minh rất sâu rộng ở khu vực và Mỹ cũng có nhiều mối quan hệ hợp tác cùng có lợi với các nước trong khu vực. 
"Do vậy chuyện 'chấm dứt ở đây' nên được hiểu, mà chúng tôi cũng đang tạm hiểu là việc chấm dứt cách gọi 'xoay trục' hay 'tái cân bằng' và Mỹ sẽ thiết kế một chiến lược mới đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó chúng tôi nghĩ sẽ có nhiều điểm vẫn là một sự kết nối nhất quán từ các chính sách từ các nhiệm kỳ trước sang đến nhiệm kỳ này. 
"Chứ không phải là bỏ đi 100% cả về nội dung lẫn hình thức và có thể cách làm sẽ rất khác so với trước, sơ bộ chúng tôi đánh giá như vậy". 
'Chấm dứt ở đây' nên được hiểu, mà chúng tôi cũng đang tạm hiểu là việc chấm dứt cách gọi 'xoay trục' hay 'tái cân bằng' và Mỹ sẽ thiết kế một chiến lược mới đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó chúng tôi nghĩ sẽ có nhiều điểm vẫn là một sự kết nối nhất quán từ các chính sách từ các nhiệm kỳ trước sang đến nhiệm kỳ này
Tiến sỹ Trần Việt Thái
clip_image004
Ảnh chụp từ vệ tinh chụp Đảo Bắc, thuộc Hoàng Sa, ngày 15/2 (trên) và 6/3 (dưới) đặt câu hỏi với giới quan sát về khả năng Trung Quốc đang tái xây dựng ở quần đảo này. PLANET LABS/REUTERS 
Khi được hỏi cách làm khác là như thế nào, ông Trần Việt Thái nói tiếp: 
"Ví dụ như có thể thông điệp 'hòa bình thông qua sức mạnh' và ví dụ như là đơn phương hơn, như việc nghị sỹ Mỹ đang đệ trình một dự luật phạt Trung Quốc về Biển Đông, hay Biển Hoa Đông, thì cách làm có thể sẽ rất khác. 
"Đơn cử như họ sẽ ít quan tâm hơn tới vấn đề dân chủ, nhân quyền và sẽ giảm dần các khoản viện trợ, bởi vì tôi được biết hiện nay họ đang đề xuất giảm ngân sách cho cả bộ Ngoại giao lẫn cơ quan USAID," chuyên gia về chíến lược ngoại giao của Việt Nam nói với BBC. 
Được biết, chuyến thăm Đông Á lần đầu tiên của của tân Ngoại trưởng Mỹ diễn ra từ ngày 15 tới 19 tháng Ba, trong đó, ông sẽ tới thăm Trung Quốc vào ngày 18 và 19/3, trước đó, ông thăm Nhật Bản hôm 15/3 và thăm Hàn Quốc hôm 17/3. 
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi toàn văn cuộc phỏng vấn của BBC với Tiến sỹ Trần Việt Thái.
Q.P.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.