Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Trầm Bê và số phận Nguyễn Văn Bình

Trầm Bê và số phận Nguyễn Văn Bình

bauxitevn9:31 AM

Bùi Quang Vơm

clip_image001
Nguyễn Văn Bình (trái) và Trầm Bê. Ảnh: internet 
Chiều 24/02/2017, Ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và con trai ông là Trầm Khải Hòa tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank. 
Ngay lập tức, nhiều tờ báo đồng loạt đặt tít lớn, như một tiếng reo mừng rỡ “Chấm dứt vai trò ông Trầm Bê và con trai tại Sacombank“! Nó chứng tỏ là dư luận chờ đợi cái quyết định này từ lâu rồi.
Bởi vì sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng ngã ngựa, người đầu tiên mà người ta dự đoán sẽ “biến” theo là ông Trần Quốc Liêm, em vợ ông Dũng, Trung tướng Cục trưởng Cục Cảnh sát, người đựơc cho là thủ phạm tổ chức vụ đầu độc ông Nguyễn Bá Thanh. Người thứ hai là Tư Thắng em trai ông Ba Dũng, không làm gì cụ thể nhưng nổi tiếng với danh hiệu “Vua cò Sài thành”, chuyên kinh doanh quan hệ và chữ ký cho Dự án. Tiếp đến là Trầm Bê và Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải và Đinh La Thăng rồi mới đến Vũ Huy Hoàng. 
Có nghĩa là Trầm Bê xếp ngay sau những “ruột thịt” của ông Dũng, khớp với cái mà ông ta từng nói “tôi coi anh Ba như người ruột thịt, anh Ba sống thì tôi sống, anh Ba sổ mũi thì tôi bịnh” (thư tố cáo của Trịnh Văn Lâu).  
Nhưng những gì diễn ra trên sân khấu đã không như vậy, thậm chí còn ngược chiều. Trong những dự đoán trên, chỉ duy nhất ông em vợ ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Trần Quốc Liêm là biến mất thật, nhưng biến một cách lặng lẽ, bí mật, không một dấu vết, không một tiếng động, không ai biết bây giờ ông này ở đâu, sống hay đã chết, có tin đồn ông này bị ông Thanh hiện về đòi xác, rồi hoá điên, trong khi lại có người nói nhìn thấy ông ta lê lết ăn xin ở chợ trời tỉnh Bình Phước (!) Tư Thắng thì tất nhiên biến mất, vì ông Dũng không còn, thì quan hệ với ông còn “xơ múi” gì mà buôn, còn chữ ký của ông và vây cánh của ông bây giờ cho không, chẳng ai thèm. 
Chuyện ngược chiều là chuyện cả 3 ông: Bình, Hải và Thăng, không những không biến, mà còn leo ngược lên Bộ chính trị. Ông Bình lên Ban bí thư, Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ông Hải và ông Thăng leo lên làm Bí thư hai thành phố quan trọng nhất nước. Người đứng cuối trong danh sách dự đoán Vũ Huy Hoàng đột nhiên nhảy ra “chết” trước, bị Ban Bí thư xóa chức nguyên Bí thư đảng ủy Bộ Công thương, Chính phủ kỷ luật xóa chức nguyên Bộ trưởng nhiệm kỳ 2011-2016. 
Sacombank đứng cuối cùng trong danh sách các ngân hàng sẽ bị xử lý trong năm 2017, bao gồm VNCB, Oceanbank, GPbank, DongABank và Thương mại cổ phần Sacombank. 
Ngân hàng Xây dựng VNCB đã xử ngày 9/9/2016 với kết quả ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị chịu án 30 năm tù. 
Ngân hàng Oceanbank bắt đầu xử sơ thẩm ngày 27/02/2017, bao gồm ông Hà văn Thắm, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị cùng 47 bị can khác dự kiến diễn biến trong 20 ngày, nghe chừng cũng giống ông Công Danh, 30 năm. 
Nhưng, những ngân hàng có tên trong danh mục các ngân hàng phải xử lý đầu tiên trên đây chính là những ngân hàng mà ngay khi mới ra Hà Nội, nhậm chức Trưởng ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh đã từng tuyên bố “sẽ bắt liền, không nói nhiều”. Người ta nói, ông Thanh là một tên võ biền, bởi vì, đã đánh thì không nói, chưa đánh mà đã nói thì chết trước khi kịp ra đòn. Thế mà đúng. Xung quanh ông ta có tầng tầng lớp lớp kẻ thù, ẩn hiện như bóng ma. Không con ma này giết, thì con khác. 
Trước tiên kẻ thù của ông Thanh là ông Dũng, Thủ tướng, vì ngân hàng Bản Việt của cô con gái ông là ổ “công nghệ đút lót và rửa tiền”; trung tâm “chuyên trị” các giao dịch kinh doanh các loại “quan hệ”. Thứ đến là Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình, sư phụ của các chiêu thức “Tay không bắt giặc”, “Mỡ nó rán nó”, bố già của những đại gia Nguyễn Đức Kiên khi trước, của Trầm Bê, Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm sau này, cùng với vài chục ngân hàng đàn em khác, mọc lên như nấm từ sau năm 2008, khi Nguyễn Văn Bình được ông Dũng chỉ định đích danh thay ông Nguyễn Văn Giàu, người bị cho là “lệch pha” với Thủ tướng, bị ông Dũng “đá” sang Quốc hội. 
Sở dĩ Bình cố tình cho phép các ngân hàng cổ phần tư nhân mọc lên như nấm sau cơn mưa, vì Bình đã tính tới vụ “gặt tiền” thông qua các chiến dịch thâu tóm và thanh toán bằng chính sách “tái cơ cấu và tái sắp xếp”. Bình thừa kinh nghiệm, chỉ cần loan tin “tái cơ cấu” hay “tái sắp xếp”, là tiền ào ào chảy vào cửa nhà Bình, vì tiền của cái đống ngân hàng nhố nhăng này toàn là tiền cướp giật được, chúng sẽ chẳng tiếc gì, chỉ cần được tiếp tục tồn tại để tiếp tục cướp giật nữa. 
Trước khi bị diệt, trước khi biết là con mồi của Bình, thì tất cả các ngân hàng, cả to cả bé, tất cả đều muốn xé xác Nguyễn Bá Thanh, kẻ đang xắn tay, lăm le cướp miếng mồi nhày nhụa của họ. Và họ biết, phía sau họ có những nhân vật “khổng lồ” che chắn. Sau này, khi ông Dũng không còn gậy trong tay nữa, chính họ là người tiết lộ ra rằng, những nhân vật khổng lồ phía sau ấy chính là ông Bình Thống đốc và và ông Dũng Thủ tướng. 
Không biết sáng kiến đầu độc ông Thanh là đề xuất của kẻ nào, nhưng người ta đã đồn rằng, “kế hoac̣h” được Trầm Bê sốt sắng “ủng hộ”. Chi phí cho toàn bộ phí tổn của kế hoạch và “thuốc” điều trị của Nguyễn Bá Thanh do Trầm Bê tự nguyện cáng đáng, vì mặc dù kế hoạch do trung tướng cảnh sát Trần Quốc Liêm chỉ đạo, nhưng “thuốc” dùng cho kế hoạch, ở Việt Nam, nghe nói, chưa tổng hợp được, vẫn phải lấy từ nguồn Trung Quốc. Trầm Bê là người gốc Hoa, có đường dây từ ngày còn là trùm lừa bịp cờ bạc tại xứ chùa Tháp. 
“Thuốc” của Trung Quốc có đủ loại, có loại tác dụng ngay sau vài giây, vài chục phút, có loại vài tháng, có loại vài năm mới lộ diện, cần lọai nào, có loại đó. 
Xin lưu ý mọi người rằng, những chuyện kể trên là chuyện hư cấu, chuyện tưởng tượng, nhưng là chuyện được nói ra từ miệng một nguyên Chủ tịch ngân hàng từng có quan hệ với Trầm Bê. Việc cuối cùng, chỉ có một mình Trần Quốc Liêm biết, Trầm Bê chỉ là người giao hàng lúc đầu và chi tiền lúc cuối. Và bây giờ, ông Trần Quốc Liêm ở đâu hay bị ai “thịt” rồi, chỉ có trời biết, đất biết và mình ông ta biết. 
Chuyện cha con ông Trầm Bê chính thức chấm dứt vai trò tại Sacombank đáng lẽ cũng là chuyện thường, bởi vì hai cha con ông này, thực ra đã bị tước quyền từ năm 2015. Thông cáo của Ngân hàng Nhà nước ngày 14/08/2015 cho biết “Ông Bê đã tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn các quyền cổ đông cho Ngân hàng Nhà nước sau khi hai ngân hàng (PNbank và Sacombank) sáp nhập” và “ông Trầm Bê sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập”. Nhưng phải mất một năm sáu tháng sau, ngày 24/02/2017, Chính phủ ông Phúc mới chính thức gạt được cha con ông này ra khỏi Sacombank. Đúng 1 năm, sau khi ông Dũng bị đẩy lên vỉa hè và trở về làm người “tử tế”. 
Đặt chuyện này trong bối cảnh cả 5 ngân hàng sẽ lần lượt bị xử lý, vụ án Vinashine vừa có hai án tử hình, trùm lừa Huyền Như chung thân, Phạm Công Danh 30 năm tù, Hà Văn Thắm đang hầu toà, không dưới 30 năm. Trần Phương Bình – Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á ở TP.HCM – bị miễn nhiệm vào nửa cuối năm 2015. Nhưng mãi vừa rồi, cuối năm 2016 mới bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt giam. Ông Vũ Huy Hoàng bị mất chức nguyên Bộ trưởng nhiệm kỳ thứ hai 2011-2016. Từ kết luận của Ban Kiểm tra trung ương, Võ Kim Cự và cả gánh Hà Tĩnh Formosa đang chờ quyết định kỷ luật… sẽ thấy những con sóng này rồi sẽ tiếp tục cuốn đi những gì. 
Vũ Huy Hoàng có thể tạm dừng tại chỗ chờ Trịnh Xuân Thanh bị dẫn độ về từ nước ngoài. Vũ Đức Thuận trong trại giam chắc chắn đã khai hết, nhưng không có Thanh, thì không thể xử. Vũ Huy Hoàng sẽ chưa phải hầu toà để chịu án, và vì vậy mà Đinh La Thăng còn chưa bị sờ gáy, vẫn có thể tung tẩy hò hét.  
Vũ Kim Cự và bè lũ dính Formosa Hà Tĩnh sẽ phải nhận kỷ luật và bị ép “thành khẩn” nhận khuyết điểm, lộ ra những nghi vấn tạo cớ cho những điều tra tiếp theo, rất có thể cho một vụ án, mà những phần tử dính liú không thể không có tên Hoàng Trung Hải. Ban bí thư chủ trương đánh Vũ Kim Cự rồi dừng, hay đi tiếp? Ông Cự từng nói, “Hà Tĩnh cấp phép, nhưng phải do cấp trên đồng ý thì Hà Tĩnh mới cấp được”. Chính tay ông Hoàng Trung Hải ký hai công văn 323CV/TTg ngày 04/03/2008 “đồng ý để Formosa lập Dự án” và 869CV/TTg ngày 6/6/2008 “đồng ý cho Tập đoàn Formosa thực hiện đầu tư”. Như vậy, nếu ông Cự và bè lũ Hà Tĩnh phải ra toà, thì ông Hải làm sao thoát án?! 
Nhưng còn chuyện cái tượng vàng ông Hồ nặng 50kg mà người ta đồn Formosa biếu ông Trọng thì sẽ như thế nào, có điều tra không? 
Chuyện sẽ vẫn để ngỏ, nhưng ai là người chủ trương để ngỏ? Ai có quyền để ngỏ? Ai? 
Trầm Bê sắp tới sẽ bị điều tra vụ thâu tóm ngân hàng Sacombank. 
Ngân hàng Phương Nam (PNBank) do gia đình Trầm Bê nắm tới 28% cổ phần, là ngân hàng do ông Bình ký giấy phép thành lập và chính ông Bình ký quyết định phê chuẩn Ban quản trị bao gồm cha con ông và người nhà ông Trầm Bê. Không có ông Bình, không có ngân hàng Phương Nam. Vốn điều lệ đăng ký thành lập của Phương Nam bank chỉ có 4000 tỷ, nhưng ngay lập tức được ngân hàng ACB của bầu Kiên rót vào 5000 tỷ và Ngân hàng Nhà nước cho vay 5000 tỷ. 
Và không ai biết có phải Ngân hàng này được ra đời để phục vụ kế hoạch của ông Bình thâu tóm Sacombank của ông Đặng Văn Thành, “người sáng lập với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng, tới khi chuyển giao ở thời điểm năm 2012, mạng lưới của ngân hàng này là 417 chi nhánh, hoạt động ở 3 quốc gia và có 9 công ty con trong nhiều lĩnh vực”. “Vốn điều lệ lúc tôi rời đi đã lên tới 10.000 tỷ, tổng tài sản là 146.000 tỷ và lợi nhuận hàng năm cũng đạt khoảng 4.000 tỷ”. 
Điều đáng nói là thủ đoạn thâu tóm Sacombank bắt đầu bằng chiến thuật “mỡ nó rán nó”, mà chính bầu Kiên và Bình đã thực hiện cho ACB. Một là đại gia, một là Thống đốc, nhưng một từng là “trùm mafia” , một từng là “soái” khi cả hai cùng “khét tiếng một thời” ở Đông Âu và Liên Xô cũ. 
Thủ đọan đó được tóm tắt thế này:  
– Southerbank (PNB) công bố ra công chúng một lãi suất tiền gửi đặc biệt, vượt xa các ngân hàng khác. 
– Cùng lúc đó Ngân hàng Nhà nước siết lãi suất tiền gửi bằng đồ̀ng đôla, kêu gọi gửi tiết kiệm bằng tiền đồng, lãi suất cao mà ổn định, có Nhà nước đảm bảo. 
– Cách thức này đánh vào tâm lý hám lợi của dân chúng, thu hút nhanh chóng tiền gửi của số đông dân có tiền. 
– Bằng lượng tài sản tăng lên nhờ tiền gửi của dân, PNB phát hành cổ phiếu và công bố tăng vốn điều lệ. 
– PNB, tức là Trầm Bê thành lập một loạt các công ty con do con cái, họ hàng hoặc người tin cậy đứng tên. 
– PNB cho các công ty này vay những khoản tiền lớn không yêu cầu tài sản thế chấp. Rút hết số tiền gửi của dân, biến số tiền dân này thành tài sản của các công ty người nhà. 
– Ngân hàng Nhà nước rót vốn cho PNB giúp PNB lấp chỗ trống, đối phó với việc rút tiền của dân, che giấu tình trạng trống rỗng không có thanh khoản.  
– Các công ty này dùng các khoản tiền vay đó mua cổ phần của chính PNB vưà phát hành, tạo nhu cầu giả kích cho cổ phíếu tăng vọt, sau đó sử dụng khoản chênh lệch giá vốn hoá để tăng tài sản giả tạo.  
– Tiếp tục phát hành cổ phíêu khống lượng lớn, khiến giá cổ phiếu xuống thấp, lại dùng tiền vay mua vào, kích giá và hút đầu tư. 
– Ngân hàng Nhà nước rót tiếp vốn để PNB công bố tăng tài sản, công bố các báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế hấp dẫn, đồng thời tăng lãi suất tiền gửi không một ngân hàng nào cạnh tranh nổi, cuốn hết tiền dư trong dân. 
– Bắt đầu chiến dịch thâu tóm Sacombank. Cha con Trầm Bê bắt đầu rút tiền của PNB bằng cách cho các công ty gia đình vay, sau đó chuyển lại cho cha con Trầm Bê mua hết các cổ phiếu phát hành mới của Sacombank, đồng thời vừa vận động vưà tung tin thất thiệt, vừa gây áp lực thông qua Ngân hàng Nhà nước để các cổ đông chiến lược của Sacombank mất lòng tin, hoảng sợ và nhượng lại các cổ phần của họ. 
– Ngân hàng Nhà nước liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra Sacombank, công bố những kết luận lập lờ, kết hợp với việc tung tin đồn những bê bối đe dọa pháp lý đối với Sacombank. gây sức ép với thị trường để cổ phiếu Sacombank mất giá, bán ra ồ ạt. Nhân cơ hội đó Trầm Bê tận thu gom hết. 
– Sau 3 năm như vậy, cuối cùng, Đặng văn Thành buộc phải đầu hàng, chấp nhận sáp nhập với PNB. “Theo Quyết định số 1844 ngày 14/9/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) chính thức sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) từ ngày 01/10/2015”.  
“Việc Southern Bank sáp nhập vào Sacombank là phù hợp với định hướng chung của Chính phủ và NHNN trong chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nhằm mang đến cho thị trường những định chế tài chính lớn mạnh, an toàn và chuyên nghiệp hơn” 
Nhưng chính thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, “Ngân hàng Phương Nam của Trầm Bê chỉ có vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng, tổng dư nợ là hơn 51.000 tỷ đồng nhưng nợ xấu là 23.319 tỷ đồng chiếm 45,46% tổng dư nợ; lỗ lũy kế 15.763 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 11.659 tỷ đồng”. “Trong đó tổng dư nợ liên quan đến Trầm Bê là 29.625 tỷ đồng. Phần lớn tài sản đảm bảo là các khối bất động sản chưa đủ điều kiện thế chấp hoặc chưa sang tên đổi chủ, sai về thủ tục pháp lý hoặc được đánh giá quá cao. Nếu định giá lại thì giảm đi khoảng 10 ngàn tỷ đồng”. 
Âm mưu của Trầm Bê do Bình chỉ đạo là dùng năng lực tài chính của Sacombank và lượng khách hàng trung thành rất lớn của Sacombank để vừa che đậy vừa giải nợ dần dần cho PNB, lấp chìm khoản rút khống gần 40.000 tỷ chiếm đoạt. 
Trong số tiền chiếm đoạt này, không ai biết có bao nhiêu vào túi Thống đốc Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Đức Kiên (vợ), nhưng có một khoản 1.500 tỷ mà PNB trả cho Quỹ đầu tư Bản Việt của Nguyễn Thanh Phượng, con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để thanh toán “hợp đồng tư vấn tái cơ cấu”. 
Thống đốc Bình là người có tài, từng tốt nghiệp toán kinh tế tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, một dạng Harvard uy danh nhất của nền đại học của Nga. Phải thừa nhận rằng trong lịch sử ngành ngân hàng, không có người nào giỏi lý thuyết tiền tệ và thông thạo thực hành tiền bạc như Bình. Ngay chính đám đại gia gốc Hoa tại Sài Gòn cũng phải lắc đầu chịu trận, qua hai chiến dịch “giá hối đoái đô-la” và chiến dịch “đổi vàng”. Nhưng người Tàu không bao giờ thua, bất kể đối thủ là ai. Bởi vì không có ai hiểu và sử dụng diệu nghệ hơn họ quy tắc vạn năng “nếu không mua được bằng tiền, thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”. 
Trầm Bê đã mua được hết, nhưng không bằng tiền túi của ông ta, mà bằng một phần trong số tiền của chính những kẻ đó đem lại cho ông ta, bằng quyền. 
Cái quyết định “Chấm dứt vai trò của Trầm Bê tại Sacombank” chiều ngày 24/02 vừa rồi đánh dấu sự kết thúc một giai đọan khó khăn của Ngân hàng Nhà nước, nhưng có thể báo hiệu một loạt những biến cố khác sắp tới. 
Cả 3 nhân vật lội ngược dòng trong Đại hội Đảng XII vưà rồi, bây giờ đã lộ diện là bị đẩy lên, bị buộc phải lên, vì chỉ có lên thì mới cùng một lúc đảm bảo được hai mục đích: “ra khỏi vị trí” và giữ được “ổn định”. Ra khỏi vị trí để dọn nhà, và ổn định để giữ cho “bình” khỏi vỡ. 
Vở tuồng diễn trên sân khấu Việt đang chuẩn bị vào những hồi sôi động và hấp dẫn nhất.
Nhưng người nào là đạo diễn chính những màn kịch sắp tới đây còn chưa lộ diện. Hãy chờ xem, nếu tới đây Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn “luật xử lý quá khứ”, tức là luật xử lý những tội phạm thuộc quá khứ, thì chắc chắn sẽ có những người từng là khổng lồ sẽ rớt như táo héo, kể cả đang tập làm lương thiện cũng chưa chắc thoát được tội.
Ba X dù sao cũng chỉ là một học sinh lớp ba phổ thông, nhưng cựu Thống đốc Bình nếu không dùng được vào đâu đó thì kể cũng là lãng phí. 
B.Q.V.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.