Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có phải là nhân vật cải cách thực chất?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có phải là nhân vật cải cách thực chất?

bauxitevn9:25 AM

Phạm Chí Dũng
clip_image002
Ảnh tư liệu Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (giữa).
‘Ngọn cờ đầu móc túi’
Trái ngược hẳn với hoàn cảnh nheo nhóc của dân tình vào thời suy thoái kinh tế đã tiếp diễn đến năm thứ 9 liên tiếp, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn đạt mức lợi nhuận kỷ lục 6.300 tỷ đồng dù doanh thu năm 2016 giảm 16,2% so với năm 2015 do giá dầu thế giới sụt giảm.

Từ lâu Petrolimex đã được xem là “cục cưng” của Bộ Công Thương, cơ quan chủ quản của doanh nghiệp độc quyền này. 
Dưới thời Bộ trưởng trước là Vũ Huy Hoàng, Petrolimex vẫn tỏ ra là ngọn cờ đầu của nhóm lợi ích chính sách trong những chiến dịch “đi đêm” với giới quan chức liên ngành tài chính và Bộ Công Thương vào thời tân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. 
Bằng chứng mới nhất vừa được phát hiện vào đầu năm 2017: sau đề xuất của Petrolimex và Bộ Công Thương, một lần nữa trong hai năm liên tiếp, cơ quan tham mưu đắc lực cho chính phủ và đảng là Bộ Tài chính lại tìm cách “móc túi” tuyệt đại đa số công dân và người nghèo bằng một bản dự thảo sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường với 8.000 đồng đánh vào 1 lít xăng. 
Công cuộc “móc túi” đầy tính biểu tượng như thế đã khiến công luận phản ứng và xoáy thẳng nghi ngờ vào tân Bộ trưởng Công Thương: ông Trần Tuấn Anh có phải là “ngọn cờ đầu cải cách” trong số các bộ ngành hiện thời như Thủ tướng Phúc ra mặt khích lệ và một số tờ báo nhà nước tung hô theo kiểu “bầy đàn”? 
Kẻ tiền nhiệm
Công bằng mà xét, sau gần một năm kể từ lúc thành lập chính phủ mới, Bộ Công Thương là cơ quan duy nhất trong số 22 bộ và cơ quan ngang bộ đã bắt đầu vài bước đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm “gỡ khó cho doanh nghiệp”, tinh giản bộ máy tham mưu một cách khá ấn tượng, lại còn đang thực hiện “đề án tái cơ cấu ngành công thương”. Tất cả những việc nho nhỏ, thuần túy là trách nhiệm chứ không có gì gọi là “kiến tạo” này, chưa từng được Vũ Huy Hoàng sáng tạo dưới thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. 
Bản luận tội về Vũ Huy Hoàng là rất dài. Viên cựu Bộ trưởng ngành công thương này đã rất thường bị dư luận xem là tội đồ về đủ thứ chuyện bê bối liên quan đến nhập khẩu phi mã từ Trung Quốc, mua điện cũng từ Trung Quốc với giá gấp 3 lần giá sản xuất trong nước, để các nhóm đầu cơ xăng dầu và điện lực tự tung tự tác trong quá nhiều năm, để các đập thủy điện xả lũ giết chết dân, bỏ mứa các công trình đầu tư ngàn tỷ đắp chiếu… 
Còn Trần Tuấn Anh lại không “dính” những cú phốt điêu tàn trên. Ngay tại thời điểm này, nếu lập ra một giản đồ so sánh thì có thể bước đầu tạm kết luận: Trần Tuấn Anh “sạch” hơn Vũ Huy Hoàng. Sạch hơn nhiều. 
Nhưng mới chỉ là bước đầu. 
Sẽ là hoàn hảo hơn nhiều cho vị tân Bộ trưởng Công Thương này nếu như ông ta thoát khỏi cái bóng và cung đường ngập ngụa đến tận mặt của kẻ tiền nhiệm. 
Thế nhưng vào cái thời hết tiền và hết viện trợ mà quá nhiều dư luận phải đặt tên là “thời đại quan chức hốt cú chót” hay “chuyến tàu vét” như hiện thời, bước lầy lội đầu tiên của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, oái oăm thay, lại có nét gì đó từa tựa tấn bi kịch kinh điển Formosa. 
Formosa ở Hà Tĩnh và Thép Cà Ná ở Ninh Thuận. 
Lời ‘chúc tết’ của Trần Tuấn Anh
Từ quý 3 năm 2016, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Bộ Công Thương “đi đêm” với Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen và cố ý làm trái để dự án thép Hoa Sen - Cà Ná của doanh nghiệp này được “bế” vào quy hoạch, trong lúc trước đó dự án này không hề nằm trong danh sách quy hoạch đó. Truyền thuyết ngược dòng vào quy hoạch như thế lại diễn ra trong bối cảnh việc xử lý hậu quả của vụ Formosa Hà Tĩnh vẫn cực kỳ tắc trách và dư luận kịch liệt lên án những hậu quả nặng nề không tránh khỏi về môi trường và môi sinh của dự án thép Hoa Sen - Cà Ná. 
Một chi tiết xã hội học mà người ta thường đề cập: không chỉ là con ruột của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, tân Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh còn là anh em cọc chèo với Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ - người đã đi vào lịch sử kinh tế học phát triển mang đặc thù Việt Nam với thành ngữ “Ngu gì không làm thép!”. 
Xã hội và kinh tế lại như môi với răng. Sát tết Nguyên đán 2017, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã “chúc tết” 90 triệu dân Việt bằng hành động chính thức đưa dự án thép Hoa Sen - Cà Ná vào quy hoạch và được Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, cho dù trước đó đã sôi trào phản ứng trên mặt công luận về một tương lai “Formosa thứ hai” tại dự án này ở khu vực thuộc loại đói nghèo nhất nước – Ninh Thuận. 
Đơn giản là nếu có thêm một “biển chết” nữa ở Ninh Thuận, cảnh hoàng hôn chế độ lại càng có cơ may bị dệt thêm màu tối liệm, còn người dân thì tràn trề cơ hội để đào mồ chôn quan chức. 
Nhưng dự án thép Hoa Sen - Cà Ná mới chỉ là vết đen đầu tiên của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Những vết nhám khác, đang lộ dần trên mặt, vẫn là tên những nhóm lợi ích chính sách như Petrolimex và EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam). 
Những vết nhám trên mặt
Sát tết Nguyên đán 2017, Bộ Công Thương tung ra một dự thảo mở rộng thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện, từ chỗ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được quyết định (theo Quyết định 69 của Chính phủ) đến chỗ EVN được chủ động quyết định tăng đến 20% giá điện mỗi năm; đồng thời thẩm quyền của Bộ Công Thương cũng tăng tương ứng từ chỗ được quyết định tăng tối đa 20% mỗi năm lên đến 40% mỗi năm. 
Tính toán của EVN thuộc vào đặc tính khôn vặt của cái mà dư luận thường gọi là “tính xấu người Việt”: sẽ chẳng cần đến Thủ tướng phải “ra tay”, thậm chí cũng không cần đến Bộ Công Thương phải “quyết”, chỉ cần Chính phủ chấp nhận đề xuất vừa nêu là EVN nghiễm nhiên có quyền tự tăng giá điện ít nhất 20% một năm. 
Rất đáng chú ý, đề xuất này hầu như xuất hiện đồng thời với một dự thảo của Bộ Tài chính về tăng gấp đôi thuế bảo vệ môi trường để “đạt thành tích” bổ thuế 8.000 đồng mỗi lít xăng lên đầu người tiêu dùng, khiến xã hội lên tiếng kêu than để tố cáo thực chất ngân sách cùng bản chất chế độ. 
Hãy nhớ lại: vào lúc nền kinh tế Việt Nam dợm chân vào suy thoái, sự đổ bể của hai thị trường chứng khoán và bất động sản đã kéo theo một phát minh không tiền khoáng hậu kể từ thời mở cửa: những doanh nghiệp nhà nước đặc trưng bởi chủ thuyết “giá chỉ có tăng chứ không giảm” như EVN và Petrolimex đã tạo thành cặp song sinh có chung lợi ích. Hàng loạt chiến dịch đầu tư trái ngành của các tập đoàn này vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm rốt cuộc đã tích đọng gánh nợ đến trên 40.000 tỷ đồng. 
Trong suốt nhiều năm qua, toàn bộ số nợ nần đó đã được EVN và Petrolimex đổ lên đầu người dân đóng thuế. 
Từ sau Đại hội XII đến nay, lợi dụng thời hỗn quân hỗn quan và “cát cứ sứ quân”, nhóm lợi ích Bộ Công Thương lại một lần nữa “quật khởi” trên đầu đồng bào mình. 
Nhưng cũng còn một cái tên khác: “nhóm thân hữu” – một chủ đề mà chưa một ủy viên Bộ Chính trị nào dám mổ xẻ trước bàn dân thiên hạ. 
Có phải nhân vật cải cách?
Nhóm thân hữu, về bản chất, lại có mối quan hệ hữu cơ giữa các chính khách ở các cấp khác nhau, từ dưới lên và từ trên xuống. Trong trải nghiệm của người dân Việt, thực tế sinh tồn của các doanh nghiệp lệ thuộc vào chính sách từ nhiều năm qua đã chứng tỏ một nguyên tắc bất thành văn là chỉ có chính sách mới tạo ra được lợi nhuận, để đến lượt mình, lợi nhuận phải quay lại “nuôi” chính sách. 
Sự táng tận lương tâm của quan chức và hậu quả của nó không thể không liên quan đến trách nhiệm của giới lãnh đạo Chính phủ, những người đã im lặng hoặc “bật đèn xanh” cho EVN và Petrolimex gây nên các chiến dịch tăng giá vào thời gian giữa hai kỳ Quốc hội. 
Không chỉ bị lên án bởi dư luận trong nước, khối u độc quyền doanh nghiệp quốc doanh ở Việt Nam còn bị nhiều chính phủ xã hội dân sự trên thế giới và các tổ chức quốc tế chỉ trích kịch liệt, bởi hiện trạng bệnh hoạn đó đi ngược lại với những cam kết về “hoàn thiện nền kinh tế thị trường” mà Chính phủ Việt Nam đã lặp đi lặp lại không biết chán trước cộng đồng quốc tế… 
Quay lại với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Một ít thủ tục hành chính, lọt thỏm trong cả rừng “giấy phép con” của ngành công thương, được ông Trần Tuấn Anh dẹp bỏ và được truyền thông tuyên giáo đảng tung hô như thể một hành động “cải cách thể chế” thực sự, liệu có tương xứng chút nào với những góc tối luôn bị Ban Tuyên giáo trung ương tìm cách bao che, không cho báo chí chỉ trích như Dự án Thép Hoa Sen - Cà Ná, hai nhóm độc quyền chính sách EVN và Petrolimex? 
Vẫn còn đó, nóng hổi, “bài học Đinh La Thăng”. Nhân vật được báo chí đảng ồn ào phong cho danh hiệu “tư lệnh ngành” này đã ồn ào còn hơn thế khi “nói đi đôi với làm” vào lúc nhận chức Bộ trưởng Giao thông vận tải. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông Thăng đã “chìm” hẳn khi người đời phát hiện ra ông ta “nói nhiều hơn làm”… 
P.C.D.
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Bài đã đăng trên VOA tiếng Việt. Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.