Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Trắng trên đen (kỳ 1)

Trắng trên đen (kỳ 1)

Ruben David Gonzalez Gallego
Vũ Thư Hiên dịch
Để biết thêm về một mặt ít được biết đến trong cái xã hội gọi là cộng sản, tôi giới thiệu với các bạn tác phẩm tự sự Trắng Trên Đen của nhà văn Ruben Gallego, cháu ngoại của tổng bí thư đảng cộng sản Tây Ban Nha Ignacio Gallego, người theo lẽ thường được coi là con ông cháu cha trong hàng ngũ các “lãnh tụ” cộng sản quốc tế, được Liên Xô bao bọc. Qua số phận của Ruben Gallego ta có thể thấy được nội dung thực của cái gọi là “chủ nghĩa nhân đạo cộng sản”. Cuốn sách không dầy, nhưng với FB là dài, tôi sẽ đăng lần lượt từng chương.
V.T.H.
TRẮNG TRÊN ĐEN
CHUYỆN CŨ, CHUYỆN MỚI
Tôi dịch “Trắng Trên Đen” hoàn toàn tình cờ. Đã nhiều năm tôi không làm việc ấy nữa. Đơn giản vì tôi không có thời giờ. Đùng một cái, tôi nhận được cuốn “Trắng Trên Đen” do anh bạn Nga Anatoli Sokolov từ Moskva gửi cho, gửi tay chứ không gửi bưu điện, vì bưu điện Nga bây giờ tồi lắm, gửi rất dễ mất, như anh nói. Kẹp vào trang đầu của cuốn sách mỏng là một lời nhắn: “Một cuốn sách rất tốt cho những người cho đến nay vẫn còn chưa biết mình ở đâu. Tại sao anh không dịch cho đồng bào anh đọc nhỉ?” 

Tôi nghe lời Sokolov. Tôi đọc “Trắng Trên Đen”. Đọc một mạch. Nếu một cuốn sách bắt ta đọc nó không ngừng, cho đến trang cuối, thì thường là sách hay, kinh nghiệm mách bảo tôi thế. “Trắng Trên Đen” là một cuốn sách hay thật. Nó không phải là một áng văn chương hiện đại, được hiểu như một sự õng ẹo trong bút pháp, mà là sự chia sẻ những suy ngẫm về sự đời của tác giả với người đọc. Cả cuốn sách là một câu chuyện buồn, hoặc hơi buồn, tuỳ theo cách đánh giá, tuỳ tâm trạng người đọc. Chuyện về số phận những con dân nhỏ bé, vì nhỏ bé mà bất hạnh, của một quốc gia vĩ đại. Những chuyện xảy ra ở quốc gia vĩ đại ấy, và ở những quốc gia giống nó, một thời hùng mạnh, một thời bại vong, nhiều người đã viết, nhiều người đã biết. Độc giả ở phương Tây không còn thích đọc đề tài này nữa. Đề tài về những gì xảy ra ở các quốc gia đã chết ấy, một thời là gợi trí tò mò của độc giả về sự kỳ bí của những sự kiện bị che đậy, bây giờ bán không chạy. Chúng nằm trong các kho chứa, thỉnh thoảng lại được lôi ra phủi bụi, bán hạ giá. Nhân loại ngày nay coi mấy thứ đó là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, là cái thuộc về một trang sử đã lật qua. Cho dù cho đến nay thỉnh thoảng trên tivi vẫn còn chiếu hình ảnh thời sự những lãnh tụ hoặc “vĩ đại kiệt xuất” hoặc “muôn vàn kính yêu”, bét nhất là lãnh tụ “anh minh rất mực”, còn sống sót , mặt gỗ lầm lì, lưỡi gỗ lép bép. Xem những cảnh đó khán giả ngáp dài, tựa hồ gặp lại những bóng ma ngớ ngẩn đã không còn doạ nạt được ai .
“Trắng Trên Đen” là truyện tự sự. Không phải tiểu thuyết. Không phải ký. Nó là chuyện phiêu lưu của một đứa bé ra đời năm 1968 tại một bệnh viện sang nhất Liên Xô nằm trong khuôn viên điện Kremli. Bệnh viện này lớn, với trang bị tối tân, đặc biệt dành cho những lãnh tụ lớn hoặc chưa được lớn cho lắm, hoặc đang xếp hàng chờ để được trở thành lớn, và chư vị khách quý của họ từ bốn phương trời. 
Không phải ai cũng có hân hạnh được ra đời ở đó. Được ra đời ở đó đứa bé thế là có phúc. Nó được hưởng phúc lớn ấy bởi nó là cháu ngoại của tổng bí thư đảng cộng sản Tây Ban Nha Ignacio Gallego . Chẵng những có phúc được ra đời ở bệnh viện sang trọng, nó lại có thêm một phúc nữa là trong hai đứa sinh đôi, nó là đứa sống sót. Nhưng nó cũng là đứa vô phúc, bởi khi ra đời nó đã mang dị tật não. 
Người ta nói với mẹ nó là nó đã chết.
Nhưng đứa bé không chết. Nó được bí mật mang đến những bệnh viện đặc biệt, những nhà trẻ đặc biệt, được nuôi dưỡng và chữa chạy, được đi học ở trường dành cho trẻ tật nguyền, theo đúng Hiến pháp của quốc gia xã hội chủ nghĩa nhân bản. Người mẹ chỉ được biết con mình còn sống sau 30 năm nhờ một ngẫu nhiên trời cho. Người ông thì hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của cháu. Tác giả không nhắc đến người cha – một người Venesuela gốc Ấn. Ông ta hình như đã bỏ đi khi biết về đứa con bất hạnh được báo là đã chết, nếu tin ở một trong những bài viết về tác giả. 
Như vậy, đứa bé sống như một sinh vật từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất mọc lên. Nó thậm chí không được sống như một sinh vật bị bỏ quên. Để có thể quên nó, người ta phải biết đến sự tồn tại của nó trước đã. Nó sống. tứ cố vô thân, trên không chằng dưới không rễ, không ai nhận biết, chẳng ai muốn dính dáng, cứ thế phiêu lãng trong cuộc đời vô định. Nó sống, không có quá khứ, chẳng biết tương lai, trong cảnh bèo dạt mây trôi, được đến đâu hay đến đó. Điều duy nhất mà nó được biết chắc là đến khi nó trưởng thành thì, theo một quy định nào đó, vào một ngày nào đó, nó sẽ được đưa đến “nhà già”, được đặt vào một phòng không người chăm sóc, để sống thêm ít lâu nữa, có thể là một tháng, một tuần, mà cũng có thể vài ngày. Rồi chết.
Mọi cái đều có kế hoạch cả, đều đúng đắn cả. Một bộ máy được thiết kế hoàn hảo, vận hành tốt.
Đứa bé ấy ghi lại tất cả những gì nó nếm trải. Chẳng hạn, như thế này:
“Thầy hiệu trưởng bực bội rít thuốc, tiếp tục câu chuyện bỏ dở bằng giọng công việc. 
- Dù sao thì đồng chí cũng nhận chứ? Này, cần lắm đấy. 
- Đừng có vật nài. Đồng chí phải hiểu cho chúng tôi chứ. Nó năm nay mới mười sáu. Phải không nào?
- Mười lăm, - tôi máy móc chữa lại. 
- Ừ thì mười lăm. - người đàn ông đồng ý – Một tháng nữa nó mới chết, chậm lắm là hai. Tôi chỉ có quyền chôn người không dưới mười tám tuổi. Đây là nhà già, đồng chí hiểu chửa? Thử hỏi tôi sẽ bỏ nó vào đâu trong hai năm ấy? Tất cả tủ lạnh đều hỏng hết rồi. Hỏng, đồng chí hiểu không? Đồng chí hãy nhớ lại, hãy nhớ lại đi, năm ngoái đồng chí đã trả lời tôi thế nào khi tôi nhờ đồng chí giúp đỡ về vụ tủ lạnh? Nhớ ra rồi hử? Thế thì đừng xin xỏ nữa, vô ích. Cứ đưa nó đến nhà trẻ thiểu năng não, ở đấy người ta có quyền chôn cả trẻ sơ sinh”.
Tức là, nó đã bước qua cái huyệt được đào sẵn cho nó. Nó cũng không phải kẻ bất hạnh, chiếu theo chân lý: “Đào đâu ra những kẻ bất hạnh trong một đất nước hạnh phúc nhất thế giới cơ chứ?”. Vậy nó là người hạnh phúc chăng? Cũng không phải. Nó chỉ là người ngẫu nhiên ra đời một cách không đúng đắn trên mảnh đất đúng đắn. Nó nhìn thấy cái đó rất rõ.
“Tôi nghe những động từ không đúng đắn của cái tiếng Anh không đúng đắn. Người đọc chúng là một phát thanh viên không đúng đắn của nước Mỹ không đúng đắn. Là một con người không đúng đắn trong một thế giới đúng đắn từ trong ra ngoài, tôi cần mẫn học tiếng Anh. Tôi học là học thế thôi, học chỉ cốt để khỏi phát điên, để khỏi trở thành đúng đắn”. 
Có những cái đúng đắn đáng sợ thật.
Đứa bé ấy sau này trở thành nhà văn, tác giả cuốn sách bạn đang cầm trong tay - Ruben David Gonzalez-Gallego.
Vượt qua số phận nghiệt ngã, bằng ý chí kháng cự không thể bẻ gãy, nó đã sống, trở thành nhà văn, để có lúc tặng lại cho đời một kinh nghiệm sống, có thể chỉ của riêng nó, mà cũng có thể, biết đâu đấy, là cái đáng để cho nhiều người suy ngẫm. 
Ruben viết về mình và các bạn cùng thế hệ và cảnh ngộ ở trong cái đất nước hạnh phúc nhất thế giới: 
“Là những đứa trẻ vui tươi, tốt bụng, thông minh, chúng tôi muốn sống, chúng tôi rất muốn sống. Trong chúng tôi có những nhà vật lý, hoá học, sinh vật học, và có thể cả những nhà thơ tương lai. Chúng tôi đã không bị giết sạch. Người ta đã không giết tôi đến cùng”.
Là một đứa bé, Ruben không có khả năng lựa chọn. Những đứa bé không có quyền lựa chọn. Chỉ những người lớn, và là những người may mắn lắm, hoặc quả cảm lắm, mới có quyền đó. Nó chỉ đơn giản sống, chịu đựng hoặc hưởng cái mà cuộc đời cho nó. Nó quyết định tặng lại cho cuộc đời cái mà nó có thể tặng. 
Ruben viết bằng một ngón tay gõ trên bàn phím PC, chẳng bao giờ ngờ rằng tối ngày 4 tháng 12 năm 2003, tại khách sạn Moscow Golden Ring Hotel, Giải thưởng Booker-Open Russia hàng năm cho tác phẩm viết bằng tiếng Nga hay nhất trong năm đã được long trọng trao cho mình. Sách viết bằng tiếng Nga, vì một lẽ đơn giản: Ruben David Gonzalez-Gallego không biết tiếng Tây Ban Nha.
Cuốn sách viết về một chuyện cũ mà trong thời hiện tại người ta không còn muốn đọc bỗng trở thành best-seller (sách bán chạy nhất) không phải chỉ ở Nga. Nó được dịch ra nhiều thứ tiếng, và cũng là best-seller ở nơi nào nó được phát hành. 
Những nhà văn đã đọc “Trắng Trên Đen” đều nhất trí về nguyên nhân thành công của cuốn sách. Ấy là trải qua tất cả những đau khổ không thể tưởng tượng nổi trong cuộc đời, tác giả vẫn giữ được nguyên vẹn tình thương yêu đối với con người. Là nhà văn, anh ta còn có cách nào khác? Không thương yêu con người, không ca ngợi lòng tốt, sự chân thành trong tình thương giữa con người với con người thì anh còn làm nhà văn được chăng? Với Ruben David Gonzalez-Gallego, hoặc với bất cứ nhà văn nào, cái đó vừa là điểm son, vừa là nghiệp chướng, không chạy đâu cho thoát.
Tôi tặng bản dịch này cho những ai còn khả năng thông cảm với nỗi đau của đồng loại. Và cho cả những người hạnh phúc đến tê liệt cảm giác, không còn biết nỗi đau của chính mình. 
Tôi dịch nhanh để bạn đọc. Nếu có sai chắc không sai bao nhiêu. Nếu có lỗi chắc không phải là lỗi nặng. Mục đích của tôi là chuyển đến bạn những điều Ruben muốn nói với bạn. Trong chừng mực ấy, tôi nghĩ tôi làm được cái tôi muốn làm. 
Chuyện cũ rồi. 
Nhưng trong cuộc đời có biết bao nhiêu tam giác đồng dạng chỉ khác nhau bởi kích cỡ. Hoặc bởi sự sắp đặt ngược xuôi để đánh lừa con mắt. 
Vì thế, với bạn, nó hoàn toàn có thể là chuyện cũ người mới ta.
_________________________________________________
Đó chỉ là những chữ cái, những chữ cái trên trần, những chữ cái màu trắng lê lết trên nền đen. Đêm đêm, sau mỗi lần tôi lên cơn đau tim, chúng lại hiện ra. Những chữ cái ấy, tôi có thể khoắng trộn chúng tuỳ thích rồi xếp chúng lại thành những chữ, những câu. Sáng ngày ra tôi chỉ việc ghi chúng vào bộ nhớ của máy tính.
Lời nói đầu cho lần xuất bản tiếng Nga
LUẬN VỀ TÂM VÀ LỰC
Thỉnh thoảng người ta đặt cho tôi câu hỏi này: phải chăng tất cả những gì tôi viết ra đều thật cả - việc thật, người cũng thật?
Tôi đáp: đúng thế, cả việc, cả người, đều thật cả; còn thật hơn thật nữa. Lẽ đương nhiên, từ ống kính vạn hoa bất tận của những nhà trẻ bất tận mà tôi từng nếm trải, những nhân vật của tôi đã hình thành, với tư cách những hình tượng tổng hợp. Nhưng tất cả những gì tôi viết ra đều là sự thật. 
Đặc điểm duy nhất trong sáng tác của tôi (nó có khác với đời thực, đôi khi còn mâu thuẫn với đời thực nữa) là ở cái nhìn của tác giả, cho dù cái nhìn ấy có thể hơi uỷ mị, đôi khi còn bốc đồng. Không viết về cái xấu là do tôi cố ý. 
Tôi tin rằng cuộc sống và nền văn học của chúng ta đã quá thừa đen tối. Sự đời run rủi cho tôi phải chứng kiến quá nhiều hành vi tàn nhẫn và ác độc của con người. Miêu tả sự tởm lợm của tình trạng sa đoạ và tính chất chó má của con người chỉ làm tăng lên nhiều hơn nữa những mắt xích vô tận xoắn xuýt vào nhau trong những đợt phun trào của cái Ác vốn dĩ đã có, chẳng cần đến sự miêu tả ấy. Tôi muốn viết về lòng tốt, về chiến thắng, về niềm vui, về tình thương yêu. 
Tôi viết về sức mạnh. Về vật lực và tâm lực. Về cái lực vốn có trong mỗi chúng ta. Về cái lực san bằng mọi chướng ngại và luôn chiến thắng. Mỗi câu chuyện của tôi là một câu chuyện về chiến thắng ấy. Cậu bé trong truyện ngắn hơi buồn “Miếng chả băm”, cả cậu ta nữa, cũng là người chiến thắng. Cậu bé đã chiến thắng hai lần. Lần thứ nhất, trong đống hỗn độn những kiến thức vô dụng, vì không có dao, cậu bé đã tìm ra ba tiếng duy nhất tác động tới đối thủ. Lần thứ hai, cậu quyết định ăn miếng chả, tức là cậu hạ quyết tâm - phải sống. 
Có những người nghĩ rằng chiến thắng duy nhất mà họ có khả năng đạt được là tự mình rời bỏ cuộc sống; họ cũng là người chiến thắng. Một sĩ quan hy sinh trên trận địa trước một kẻ thù mạnh hơn anh ta nhiều, hy sinh trong tinh thần của điều lệnh, cũng là người chiến thắng. Tôi kính trọng những con người như thế. Nhưng, dù sao mặc lòng, tâm hồn họ là một cái gì đó không cứng rắn lắm đâu . Suốt đời cặm cụi khâu những con gấu và những con thỏ bông khó hơn nhiều so với một lần đưa con dao cùn lên cứa cổ mình, tôi tin chắc như vậy. Cứ thử đem niềm vui của đứa trẻ có món đồ chơi mới đặt lên bàn cân của chuẩn mực toàn nhân loại mà xem – niềm vui ấy chắc chắn nặng hơn bất kỳ chiến thắng quân sự nào. 
Cuốn sách mà các bạn đang cầm trong tay là cuốn sách viết về thời thơ ấu của tôi. Một thời thơ ấu tàn nhẫn, khủng khiếp, nhưng dù sao vẫn cứ là thời thơ ấu. Để đứa trẻ giữ được thiện tâm đối với mọi người, để cho nó lớn lên và trưởng thành, chẳng cần nhiều cho lắm: miếng mỡ lợn sấy, cái bánh mì kẹp xúc xích, bầu trời xanh, vài cuốn sách, và một lời ấm áp. Thế là đủ, là quá đủ. 
Nhân vật trong cuốn sách này là những người hùng, những người rất mạnh mẽ. Rất thường khi con người phải là người mạnh mẽ. Và tốt bụng. Tự cho phép mình làm người có thiện tâm là điều không phải ai cũng làm được. Không phải ai cũng bước qua nổi rào cản của tình trạng không cảm thông được với nhau giữa con người với con người trên quy mô toàn cầu. Quá nhiều khi lòng tốt được hiểu như sự yếu đuối, bạc nhược. Đáng buồn là thế. Làm người thật là khó, rất khó, nhưng là điều hoàn toàn có thể làm được. Không nhất thiết phải đứng lên bằng hai chân mới làm nổi chuyện ấy. Không nhất thiết phải như thế, hoàn toàn không. Tôi tin như vậy.
ANH HÙNG
Tôi là một anh hùng. Làm anh hùng dễ ợt ấy mà. Nếu ngươi không có cả tay lẫn chân thì, hoặc ngươi là một anh hùng, hoặc ngươi là một xác chết. Nếu ngươi là đứa không cha không mẹ thì chỉ còn có cách trông cậy vào hai tay, hai chân mình. Và hãy làm một anh hùng. Nếu như ngươi đã không tay không chân, hơn nữa lại ra đời trong cảnh côi cút, thì ngươi đi đứt. Nghiệp của ngươi là phải làm anh hùng cho đến trọn đời. Hoặc là ngoẻo. Tôi là anh hùng. Chẳng còn cách nào khác.
***
Tôi là một thằng nhóc bé bỏng. Đêm. Mùa đông. Tôi phải đi vệ sinh. Gọi các bà bảo mẫu là vô ích. 
Chỉ có một cách - ấy là tự bò đến đấy. 
Trước hết, phải tụt từ trên giường xuống đất đã. Làm chuyện ấy không khó, tôi đã nghĩ ra cách rồi. Chỉ cần bò về phía mép giường, lật ngửa người ra mà lăn uỵch xuống sàn. Đau. 
Tôi bò về phía cửa dẫn ra hành lang, lấy đầu huých vào cánh cửa rồi bò ra ngoài. Từ trong căn phòng tương đối ấm tôi bò ra bóng tối và cái lạnh. 
Ban đêm mọi cửa sổ ngoài hành lang đều mở. Lạnh, lạnh lắm. Tôi thì trần như nhộng. 
Phải bò xa đấy. Khi bò ngang phòng các bà bảo mẫu, tôi toan cầu cứu họ bằng cách lấy đầu đập vào cánh cửa. Chẳng ai trả lời. Tôi kêu. Không ai thưa. Có dễ tôi kêu nhỏ quá. 
Bò được đến nhà vệ sinh thì tôi bị cóng hoàn toàn. 
Cửa sổ trong phòng vệ sinh để mở. Tuyết đậu trên bậu cửa. 
Tôi bò đến bồn xí. Nghỉ cái đã. Thể nào cũng phải nghỉ một tí trước khi bò ngược lại. Trong lúc nghỉ, tôi tè vào bồn, mặt nước trong đó đã phủ một màng băng mỏng. 
Tôi bò về. Lấy răng kéo tấm chăn từ trên giường xuống, quấn qua quýt lên người, cố nhắm mắt. 
Sáng ngày ra người ta mặc quần áo cho tôi, chở tôi đến trường. Trong tiết sử tôi hào hứng kể những chuyện khủng khiếp xảy ra trong các trại tập trung của phát-xít Đức. Tôi bao giờ cũng được điểm 5 về sử. Môn học nào tôi cũng được điểm 5 hết. Tôi là một anh hùng.
Top of Form
Bottom of Form

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.