Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Đập Pak Beng, sông Mekong tiếp tục bị đe dọa

Đập Pak Beng, sông Mekong tiếp tục bị đe dọa

bauxitevn7:58 AM


Kính Hòa
Cần nhận định rõ là Chánh phủ Cộng sản Việt Nam thật sự đã chẳng có chiến lược gì khi nhảy vào khai thác hai dự án đập Luang Prabang và Stung Treng, mà đó chỉ là một thỏa hiệp ngầm với Lào và Cam Bốt trong một cuộc chia chác quyền lợi trơ trẽn và họ cũng đã bỏ rơi ĐBSCL từ 1995 khi từ bỏ quyền "phủ quyết".
Với một não trạng lãnh đạo Việt Nam như vậy, với một mẫu hành xử "nước đôi", "tiền hậu bất nhất" và "không nguyên tắc" như vậy, Việt Nam sẽ ăn làm sao nói làm sao với các tổ chức trọng tài quốc tế kể cả khi vấn đề Sông Mekong được đưa ra trước Liên Hiệp Quốc.
BS Ngô Thế Vinh
clip_image002
Những người biểu tình phản đối việc xây dựng đập Xayaburi tại Thái Lan hôm 24/4/2012. AFP photo 
Theo tin từ cơ quan truyền thông của nhà nước Lào, con đập thứ ba trên dòng chính của sông Mekong là Pak Beng sẽ được khởi công vào năm sau.
Theo các nhà nghiên cứu sông Mekong thì sự việc này chứng tỏ chương trình xây đập trên dòng chính của sông Mekong vẫn tiếp tục bất chấp những dự báo về thảm họa môi sinh, nhất là khả năng tan rã đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Bác sĩ Ngô Thế Vinh, một nhà nghiên cứu độc lập về sông Mekong trong mấy mươi năm qua có buổi trao đổi với RFA về vấn đề này.
"Phát triển thủy điện bền vững"
Kính Hòa: Theo tin từ Chính phủ Lào thì đập Pak Beng sẽ tuân thủ cơ chế tư vấn trước của hiệp định Mekong 1995, như vậy hai đập lớn trên dòng chính của hạ Mekong trước đây có tuân thủ hay không? Và cơ chế này có một tác dụng nhất định nào đó để gìn giữ môi trường và quyền lợi của các quốc gia có chung dòng Mekong hay không?
Bác sĩ Ngô Thế Vinh: "Phát triển thuỷ điện bền vững" như một khẩu hiệu của mọi dự án thủy điện trên đất Lào, nhưng thực tế không phải như vậy. Pak Beng được kể là con đập dòng chính thứ ba trên lãnh thổ Lào sau hai con đập Xayaburi 1,260 MW và Don Sahong 360 MW đang xây. Ai cũng thấy rằng khi Xayaburi, con cờ Domino đầu tiên đã đổ xuống mà không gặp trở ngại gì, lại được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Bắc Kinh thì không có lý do gì Lào không tiếp tục triển khai toàn bộ 9 dự án đập thủy điện dòng chính trong vòng những năm tới.
Lào đã và đang đơn phương chọn quyền lợi riêng tư ngắn hạn muốn biến xứ sở họ mau chóng thành xứ Kuwait Thủy điện Đông Nam Á nhưng với cái giá rất đắt phải trả của chính đất nước Lào và cả các quốc gia lân bang - Bác sĩ Ngô Thế Vinh
Khó mà tin được, với con đập Pak Beng, Lào sẽ nghiêm chỉnh tuân thủ cơ chế tư vấn trước có tên gọi là PNPCP theo tinh thần của Hiệp định Mekong 1995.
Bởi vì điển hình với Xayaburi là con đập dòng chính đầu tiên của Lào, trên nguyên tắc dự án Xayaburi phải trải qua cả 3 giai đoạn của tiến trình PNPCA, nhưng Lào thì đã đơn phương tự thẩm định rằng tác động xuyên biên giới của đập Xayaburi đối với các quốc gia hạ lưu là “không chắc sẽ xảy ra” nên không cần thiết phải kéo dài thời gian Tham vấn trước. Và Lào đã bỏ qua Giai đoạn III Chuẩn thuận và cứ cho tiến hành làm Lễ động thổ xây con đập Xayaburi trước sự ngỡ ngàng của các quốc gia Mekong. Rõ ràng, tinh thần Hiệp định sông Mekong 1995 ngay từ bước đầu đã bị Lào phá vỡ.
Để rồi, sau Xayaburi, Don Sahong là quân cờ Domino thứ hai đổ xuống. Cách đây hơn ba năm (3/10/2013), Lào thông báo cho Ủy ban sông Mekong (MRC) về quyết định xây con đập dòng chính thứ hai: Don Sahong, là một con đập rất nhỏ nhưng có tác hại vô cùng lớn lao, gây lo ngại cho các tổ chức bảo vệ môi sinh.
Và vẫn cứ theo một "mẫu ứng xử thiếu nhất quán" của nhà nước Lào: không nghe, không hồi đáp, vẫn tiến hành với tất cả sự thiếu minh bạch. Con đập Don Sahong, tuy với danh nghĩa được MegaFirst một công ty Mã Lai đứng thầu nhưng rồi đứng sau lại là một công ty xây đập Trung Quốc là SinoHydro, Don Sahong thuần túy là một con đập Made in China.
Chánh phủ Lào chứng tỏ là đã không tôn trọng tinh thần của Điều 7 trong Hiệp ước Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong 1995: "Các quốc gia thành viên ký kết cùng đồng ý là bằng mọi cố gắng phòng tránh, làm nhẹ hay giảm thiểu những hậu quả tác hại trên môi trường do phát triển và xử dụng Lưu vực Sông Mekong”.
Lào đã và đang đơn phương chọn quyền lợi riêng tư ngắn hạn muốn biến xứ sở họ mau chóng thành xứ Kuwait Thuỷ điện Đông Nam Á nhưng với cái giá rất đắt phải trả của chính đất nước Lào và cả các quốc gia lân bang.
Cho dù ba quốc gia Việt Nam, Cam Bốt, Thái Lan có lên tiếng phản đối qua tổ chức MRC / Uỷ ban sông Mekong nhưng vô hiệu với lý do MRC chỉ là một cơ quan tham vấn chứ không có quyền chế tài hay quyết định.
Việt Nam sẽ làm gì?
Kính Hòa: Có ý kiến cho rằng chính các đập ở Hạ lưu Mekong mới ảnh hưởng nặng đến Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam hơn là các đập ở Vân Nam, vì một phần nước quan trọng về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cung cấp bởi các phụ lưu ở Lưu vực Dưới Mekong?
Bác sĩ Ngô Thế Vinh: Chúng ta không thể chỉ dựa vào một con số 16% lượng nước sông Mekong đổ xuống từ TQ, để bảo rằng ảnh hưởng chuỗi đập Vân Nam là không đáng kể. Chuỗi đập Vân Nam TQ đã khởi đầu phá hủy sự cân bằng bền vững của toàn hệ sinh thái trong lưu vực sông Mekong, chỉ nguyên dung lượng các hồ chứa Vân Nam ngoài khả năng giữ lại hơn 30 tỉ mét khối nước mà còn chặn lại một trữ lượng rất lớn phù sa xuống tới ĐBSCL.
CONSTRUCTION OF THE XAYABURI DAM ON THE MEKONG LAOS
Xây dựng đập Xayaburi trên sông Mekong Lào hôm 22/1/2014. AFP photo
Có ý kiến cho rằng chính các đập ở Hạ lưu Mekong mới ảnh hưởng nặng đến ĐBSCL của Việt Nam hơn là các đập ở Vân Nam, vì có một phần nước quan trọng về ĐBSCL cung cấp bởi các phụ lưu ở Lưu vực Dưới Mekong, nhưng thực ra có một điều quan trọng nữa là lượng phù sa bị giữ lại. Thiếu nước, ĐBSCL không chỉ bị khô hạn mà còn gia tăng nạn nhiễm mặn. Sự kiện mất nguồn phù sa không chỉ khiến đất đai ĐBSCL bị cằn cỗi, mà xa hơn nữa theo ThS Nguyễn Hữu Thiện thì do "ĐBSCL được kiến tạo bởi phù sa sông Mekong hãy còn rất trẻ, nếu không còn phù sa, quá trình kiến tạo sẽ bị đảo ngược, có nghĩa là ĐBSCL sẽ tan rã".
Kính Hòa: Với số đập nước trên thượng nguồn, và đang xây cất nhiều đập ở hạ nguồn, có thể đặt vấn đề về sự kiểm soát quá lớn của Trung Quốc đối với lưu vực Mekong hay không?
Bác sĩ Ngô Thế Vinh: Sự phong phú của hệ sinh thái sông Mekong chỉ đứng thứ hai sau con sông Amazon, Nam Mỹ. Tiềm năng thủy điện của sông Mekong lên tới 60,000 MW.
Về phía Trung Quốc, nơi thượng nguồn Bắc Kinh đã hoàn tất 6 con đập dòng chính, trong đó có hai con đập lớn nhất: con khủng long Nọa Trác Độ 5,850 MW và con Đập mẹ Tiểu Loan 4,200 MW, về tổng thể Bắc Kinh hầu như đã hoàn thành kế hoạch thủy điện của họ trên sông Lancang.
Cần nhắc tới sự kiện Trung Quốc mới đây cho thành lập Khối hợp tác Lancang - Mekong, một cơ chế bao gồm 6 nước cùng sử dụng sông Mekong, nhưng đó chỉ là một bước chiến lược trong đại kế hoạch One Belt One Road (OBOR) của Trung Quốc, vừa tạo cho mình một hình ảnh hữu nghị nhưng thực tế là nhằm tăng thêm ảnh hưởng đưa tới khống chế toàn bộ lưu vực sông Mekong.
Phải thấy rằng Trung Quốc có cả một chiến lược "nắm trọn gói" không phải chỉ riêng con sông Mekong, mà cả khối tài nguyên của toàn lưu vực. Với nguồn thủy điện dồi dào, họ sẽ tận khai thác tất cả những vùng hầm mỏ khoáng sản để phục vụ cho cơn khát năng lượng và nguyên liệu của họ.
Trung Quốc đang khống chế toàn lưu vực sông Mekong, thụ hưởng nhiều lợi lộc nhất trong khi Việt Nam và Cam Bốt phải gánh mọi tác hại vì là hai quốc gia cuối nguồn.
Đừng giết cả hệ sinh thái 
Kính Hòa: Lý do mà Lào đưa ra để xây dựng các đập thủy điện có vẻ cũng rất thuyết phục vì giúp họ thoát sự nghèo đói, vậy nếu muốn họ ngưng xây đập thì cộng đồng quốc tế và Mekong có giải pháp gì thay thế?
Bác sĩ Ngô Thế Vinh: Cộng đồng quốc tế và ngay chính Việt Nam, Cam Bốt không hoàn toàn chống lại việc khai thác thủy điện của Lào nhưng luôn luôn đòi hỏi Lào "phát triển thủy điện bền vững".
Bran Ritcher, chuyên gia có kinh nghiệm của viện Bảo tồn Thiên nhiên (Nature Conservancy), cố vấn về nước cho Liên Hiệp Quốc đã phát biểu: "Để khai thác phát triển nguồn nước tốt, người ta phải thực hiện trên tầm nhìn lưu vực. Theo một nghĩa nào đó, người ta phải nhìn Mekong như một bàn cờ, chọn địa điểm nào thì nên đặt một con đập, nơi nào không và có như vậy thì mới duy trì được chức năng môi sinh của toàn thể lưu vực sông Mekong".
Lào thì vội vã tận khai thác thủy điện con sông Mekong, bất kể hậu quả, một động thái có thể ví như chuyện ngụ ngôn: "giết con gà đẻ trứng vàng" họ đang giết cả một hệ sinh thái phong phú của con sông Mekong, không chỉ khiến một nước Lào mà toàn lưu vực đang nghèo đi. Người dân Lào thì chỉ được thụ hường một phần rất ít từ lợi nhuận nguồn thuỷ điện, nhưng hưởng lộc nhiều hơn hết là các nhóm lợi ích Trung Quốc và Thái Lan. Trong khi những hậu quả tác hại xuyên biên giới của những con đập ấy xuống Cam Bốt và ĐBSCL Việt Nam thì không được Lào quan tâm tới.
Với hậu quả là một Biển Hồ và một ĐBSCL đang chết dần, và một cuộc tỵ nạn môi sinh đang thầm lặng diễn ra nơi ĐBSCL. Và người dân ĐBSCL thì vẫn cứ "mù thông tin".
Kính Hòa: Việt Nam chịu nhiều thiệt hại ở ĐBSCL do các đập trên thượng nguồn, nhưng bản thân 1 công ty Việt Nam là PetroVietnam lại nhận thầu xây dựng một con đập ở đó. Việt Nam có nên quyết định rút khỏi dự án này?
Cộng đồng quốc tế và ngay chính Việt Nam, Cam Bốt không hoàn toàn chống lại việc khai thác thủy điện của Lào nhưng luôn luôn đòi hỏi Lào "phát triển thuỷ điện bền vững" - Bác sĩ Ngô Thế Vinh
Bác sĩ Ngô Thế Vinh: Việt Nam cho tới nay chưa có một chiến lược nhất quán và đầy đủ tính pháp lý nhằm bảo vệ con sông Mekong và ĐBSCL. Một mặt lên tiếng chống đối kế hoạch xây dựng đập thủy điện dòng chính Mekong ở Lào, một mặt Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lại đứng tên nhận xây con đập Luang Prabang 1,410 MW rất sớm từ 2007 và mới đây thôi 2015 Việt Nam vẫn xin Chánh phủ Lào gia hạn Biên bản Ghi nhớ của Dự án Thuỷ điện Luang Prabang này.
Có lẽ điều mà ít người biết, là Tổng công ty sông Đà, là một doanh nghiệp nhà nước nổi tiếng với công trình Thủy điện Sơn La 2,400 MW lớn nhất Đông Nam Á cũng đứng tên nhận thầu Dự án Thủy điện Stung Treng 980 MW là một trong hai con đập dòng chính Mekong tại Cam Bốt.
Và tới nay, xem ra Việt Nam chưa hề có ý định rút ra khỏi hai dự án Luang Prabang và Stung treng nếu không muốn nói là "bám trụ" hai vị trí này với lý lẽ thiển cận,  là trong một kịch bản xấu nhất, Việt Nam vẫn có thể nắm được 2 vị trí chiến lược để bảo đảm có thể chủ động tham gia điều tiết dòng chảy Mekong và thêm một điều nữa Hà Nội không dám nói ra: nếu Việt Nam rút khỏi hai dự án này, không ai khác hơn là Trung Quốc sẵn sàng nhảy ngay vào thay thế.
Cần nhận định rõ là Chánh phủ Cộng sản Việt Nam thật sự đã chẳng có chiến lược gì khi nhảy vào khai thác hai dự án đập Luang Prabang và Stung Treng, mà đó chỉ là một thỏa hiệp ngầm với Lào và Cam Bốt trong một cuộc chia chác quyền lợi trơ trẽn và họ cũng đã bỏ rơi ĐBSCL từ 1995 khi từ bỏ quyền "phủ quyết".
Với một não trạng lãnh đạo Việt Nam như vậy, với một mẫu hành xử "nước đôi", "tiền hậu bất nhất" và "không nguyên tắc" như vậy, Việt Nam sẽ ăn làm sao nói làm sao với các tổ chức trọng tài quốc tế kể cả khi vấn đề Sông Mekong được đưa ra trước Liên Hiệp Quốc.
Ngô Thế Vinh/K.H.
California, August 01.2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.