Nhà nước -Hiến Pháp- Nhân dân

separation
Tập hợp các bài viết của GS Cao Huy Thuần

Nhà nước: ông là ai?

Cái bệnh của trí thức là ưa duyên nợ với khái niệm. Mà người gắn bó tình nghĩa nhất với khái niệm không có ai khác hơn là… đức Khổng. Ông dạy: phải chính danh. Nghĩa là định nghĩa cho rõ ràng, khúc chiết, đâu vào đấy. Mở miệng nói “vua” thì phải định nghĩa cho rõ “vua” là gì, bởi vì “vua” là một khái niệm, và khái niệm ấy, không phải ai cũng nghĩ giống ai, nếu không định nghĩa cho rõ thì anh nói một đàng chị hiểu một nẻo. Bởi vậy, tuy không muốn trở lui lại nữa chuyện lãnh đạo, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu rồi, tôi vẫn cứ vương vấn duyên nợ, cứ nghĩ: biết đâu bạn bè trí thức khác cũng đồng bệnh tương lân. Vậy thì, nhân dịp đầu năm, chuyện cũ nói lại.
Đảng nào? Đảng của Lênin?(*)
Chuyện cũ phải nói trước tiên là quê hương của khái niệm, nghĩa là Liên Xô thời còn Đảng. Hồi 1989, họ hỏi: Có thật Đảng lãnh đạo không? Và họ trả lời, rất chính danh: Nói “Đảng lãnh đạo” là nói hai thực thể: “Đảng” và “lãnh đạo”. Ấy vậy mà có thật là có Đảng không? Có thật là có lãnh đạo không? Họ trả lời: Không!
Trước hết, Đảng nào? Đảng của Lênin? Hai nguyên tắc chính mà Lênin đã đề ra và đã áp dụng là: bầu cử trong sạch; tranh luận, thông tin trong suốt. Hai nguyên tắc đó bị dẹp bỏ ngay sau khi Lênin mất. Chấm dứt bầu cử thực sự trong Đảng. Chấm dứt tranh luận công khai. Chấm dứt dân chủ nội bộ. Đảng viên than phiền trong bụng: họ không có quyền gì hết. Tất cả quyết định đều ở ngoài tầm tay của đảng viên ở hạ tầng cơ sở. Tất cả quyết định và quyền lực đều nằm trong tay một bộ máy, bộ máy của Đảng. Đảng viên đã không có quyền tích cực tham dự vào quyết định, mà nguyên tắc “dân chủ tập trung” lại buộc rằng hễ đã có quyết định thì phải răm rắp tuân theo, phục tùng tuyệt đối: tha hóa trước tiên là tha hóa trong Đảng. Cái gọi là “Đảng” không có thực quyền; cái có thực quyền không phải là Đảng mà là bộ máy. Cho nên nói “Đảng lãnh đạo” là nói không thật. Không có “Đảng” nào lãnh đạo cả. Chỉ có một bộ máy lãnh đạo mà thôi. Đó là nhìn thực chất vấn đề từ Stalin. Cho nên họ kết luận: muốn nói “Đảng lãnh đạo” thì phải làm sao cho có Đảng, nghĩa là phải trả Đảng lại cho đảng viên, nghĩa là phải lập lại dân chủ trong nội bộ.
Chuyện thứ hai, “lãnh đạo” lại càng không thật nữa. Lãnh đạo là gì? Là dẫn đường. Họ nói: hiến pháp của họ định nghĩa Đảng là đảng tiền phong. Ý niệm tiền phong là ý niệm then chốt của Lênin. Nhưng ai dám bảo Đảng là đảng tiền phong dưới thời Stalin? Từ 1922, đứng về mặt thành phần, cấu trúc, vị thế và tư tưởng, Đảng đã khác hẳn Đảng của Cách mạng Tháng Mười. Đảng của Lênin không hẳn độc quyền, ít ra còn có hai đảng khác độc lập thật sự, cạnh tranh với đảng của Lênin: khuynh hướng xã hội cách mạng và khuynh hướng Menchevik. Ý niệm tiền phong, cũng như ý niệm lãnh đạo, bao hàm ý nghĩa có ta và có người khác. Có ta đi trước là vì có người khác đi sau. Nếu ta đi một mình, sao gọi là đi trước? Đi trước ai? Chẳng lẽ đi trước ta? Ta đi trước ta? Nếu ta đi một mình, sao gọi là lãnh đạo? Lãnh đạo ai? Lãnh đạo ta? Không ai nói: tôi tiền phong một đàn cừu, tôi lãnh đạo một đoàn nô lệ. Tiền phong là đi trước những người muốn đi trước ta, và những người này có sức đi tương đương với ta. Lãnh đạo là tranh đua để dẫn đường với những người cũng muốn dẫn đường, và những người này có sức dẫn đường hấp dẫn như ta. Dẹp bỏ những người đó, những sức lực đó, dẹp bỏ ý niệm tranh đua, thì cần gì phải cố gắng nữa để đi trước? Dẹp bỏ sự có mặt linh động của những sức lực tranh đua với ta để lãnh đạo tức là ta chỉ muốn thấy sự có mặt của những người bị lãnh đạo. Lãnh đạo những người bị lãnh đạo, lãnh đạo những người chỉ có quyền đi sau, như vậy là đi trước sao?
Ai cũng biết rằng Lênin đã phải tranh đua gay go trong nội bộ để ý kiến mình được chấp nhận, và không phải lúc nào Lênin cũng thắng. Ai cũng biết Lênin đã phải thúc đẩy, huy động, cổ vũ, để các đồng chí của ông phải chấp nhận ý kiến nắm lấy cơ hội làm cách mạng Tháng Mười. Đó là tiền phong. Đó là lãnh đạo. Bởi vì lúc đó có hai ba lực lượng khác nhau và hai ba con đường khác nhau để đi. Lênin đã đi trước các lực lượng đó. Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam cũng vậy: ý niệm tiền phong và ý niệm lãnh đạo là có thật hồi 1945.
Thực tế và lịch sử: Mâu thuẫn giữa Lê Lợi và Nguyễn Trãi
Đó là phân tích vấn đề trên lãnh vực ý niệm. Bây giờ, nhìn vào thực tế và lịch sử, Đảng có lãnh đạo thật không? Các bạn Liên Xô nói: còn đâu Đảng nữa mà nói lãnh đạo! Từ 1930, và liên tiếp sau một chuỗi thanh trừng từ 1936, Stalin đã bẻ gãy xương sống của Đảng rồi, biến Đảng thành một bộ máy khiếp nhược, co rúm dưới uy vũ của ông. Với Stalin, Đảng quy phục trước bộ máy, và bộ máy quy phục trước chúa tể, nhận mệnh lệnh và chấp hành mệnh lệnh. Đâu là lãnh đạo? Có được triệu tập nữa đâu mà lãnh đạo?
Sau khi Stalin chết, công việc đầu tiên của Kroutchev là tái lập Đảng, tạo lại uy thế cho Đảng. Nhưng vị thế độc quyền cai trị của Đảng đương nhiên đi đến chỗ tiếm vị Nhà nước, nắm hết quyền của Nhà nước, và do đó tự biến mình thành bộ máy cai trị, bộ máy quan liêu. Và bộ máy đó, vì đặc quyền đặc lợi, dần dà tách mình ra khỏi quần chúng, tách mình ra khỏi đảng viên. Với Brejnev, sự suy sụp đã quá trầm trọng, tình trạng tốt nhất cho đảng của ông là giữ nguyên vị để hưởng lợi. Nước cứ chảy, lịch sử cứ đi, mà cụ cứ giữ nguyên vị thì cụ lãnh đạo chỗ nào? Đi trước ai? Cho nên lịch sử dẫm lên chân cụ mà đi.
Như vậy, thế nào là lãnh đạo? Vấn đề đâu có mới mẻ gì? Một lý thuyết gia mác xít danh tiếng, Gramsci, đã từng phân biệt lãnh đạo và thống trị. Một đảng tự tách mình ra khỏi thực tế, nhắm mắt lại trước thực tế, sợ thực tế bởi vì thực tế đó đe dọa quyền hành và quyền lợi của mình, một đảng tự biến mình thành thực tế và coi đó như thực tế duy nhất, bất cần thực tế chung quanh, đảng đó chỉ có thể thống trị để tồn tại, không thể lãnh đạo được. Chỉ đảng nào muốn xây dựng một lối sống khác, một văn hóa khác, một niềm tin khác, chỉ có đảng đó mới biết học cách lãnh đạo, học lãnh đạo (1).
Sự khác biệt giữa thống trị và lãnh đạo là ở chỗ này, thống trị là ở trên, lãnh đạo là ở trong. Vì ở trên cho nên mới có sự đè. Đè nén. Đè dân. Và vì ở trên cho nên không muốn có ai ở trên mình cả. Dân ở dưới. Mà luật pháp cũng ở dưới. Đã ở trên thì khó lòng mà biết chuyện của kẻ dưới, trên và dưới là hai, lắm khi là hai thế giới. Ở trong thì không còn dưới còn trên, thì hết là hai, thì chỉ còn một. Một thế giới, một hoàn cảnh, một sống chết. Một ấm lạnh, ngọt bùi. Có ở trong mới biết học, vì chỉ có ở trong mới biết nghe, nghe nói qua nói lại, nói ngọt cũng nghe mà nói trái tai cũng nghe. Chỉ ở trong mới biết thấy, thấy chuyện trái chuyện phải, chuyện đẹp cũng thấy mà chuyện gai mắt cũng nhìn. Có nghe, có thấy, có học, có hiểu thì mới lãnh đạo được! Ở trên thì làm sao thấy, làm sao nghe; ở trên thì không có học, chỉ có dạy, không có cãi qua bàn lại mà chỉ có huấn từ, bảo ban, răn đe, uốn nắn. Đó không phải là lãnh đạo, không phải là dạy, bởi vì muốn dạy thì phải học, bởi vì người dạy là kẻ phải học suốt đời. “Người dạy học cần phải được dạy”, Mác đã nói như thế (2). Cho nên ở trên thì chỉ có lệnh. Chỉ ở trong mới có luật. Bởi vì luật ràng buộc mọi người, bình đẳng hóa mọi quan hệ. Chỉ ở trong mới có cách mạng, mới làm cách mạng, và làm cách mạng thành công, bởi vì chỉ ở trong mới có đồng bào, đồng chí, mới có đồng cam cộng khổ, mới ý thức được sức yếu, sức mạnh của mình. Cho nên cách mạng và lãnh đạo luôn luôn đi đôi với nhau. Cho nên chiến tranh nhân dân nào cũng có lãnh đạo. Không có gì lạ lùng cả khi ta nói đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo chiến tranh cho đến 1975. Cũng như nói ông Lê Lợi lãnh đạo kháng Minh hồi thế kỷ 16. Mười năm nằm gai nếm mật! Gai đau như thế nào, mật đắng làm sao, ông Lê Lợi có ở trong mới biết được. Khi Lê Lợi cho Nguyễn Trãi về vườn, ấy là lúc Lê Lợi đã ở trên. Lúc đó ông có nếm mật thì cũng chỉ nếm mật ong. Mâu thuẫn giữa Lê Lợi và Nguyễn Trãi là mâu thuẫn giữa ở trên và ở trong. Và đó là mâu thuẫn của tất cả mọi cách mạng thành công. Cách mạng nào cũng ăn thịt con đẻ của mình.
Lãnh đạo không phải chỉ khác với thống trị, lãnh đạo còn phải được phân biệt với cai trị. Người dẫn đường có công việc của người dẫn đường. Đoàn lữ hành có công việc của đoàn lữ hành, có tổ chức riêng, có đời sống riêng, có ý muốn riêng, và dĩ nhiên có quyền nhìn bản đồ để ý thức và bàn bạc về quãng đường đã đi và quãng đường sẽ đi. Người dẫn đường không có quyền bắt buộc đoàn lữ hành phải nhìn cái suối này nếu đoàn lữ hành thích ngắm cái thác kia, bắt buộc phải ngủ lúc đoàn lữ hành phải thức, phải ăn lúc đoàn lữ hành chưa đói, hoặc phải dừng lại để vỗ tay ca tụng người dẫn đường là xuất chúng, kỳ tài. Lãnh đạo không phải là xâm lo vào việc của chính phủ, muốn cái ý muốn của chính phủ, làm cái việc làm của chính phủ. Nếu lãnh đạo và chính phủ là một, nếu đâu cũng là anh cả, chẳng còn ai khác, thì sao gọi là dẫn dắt? Dẫn dắt ai? Anh dẫn dắt cái bóng của anh? Vả chăng lãnh đạo không phải là bắt người khác theo mà còn phải biết theo người khác. Lãnh đạo xã hội không phải là anh bắt xã hội theo anh, mà chính anh còn phải theo cái đà tiến lên của xã hội. Nghĩa là xã hội có đời sống của xã hội, có những bức bách, phẫn nộ, đòi hỏi, khao khát mà anh phải hiểu và phải nương theo đó mà hướng dẫn.
Thật rất buồn phải nói lại những điều này. Bởi vì ta đã nghe hoài, nghe mãi. Ai cũng nghe như một điệp khúc bất tận: lãnh đạo không phải là bao biện, lãnh đạo không phải là làm thay chính phủ. Ở Liên Xô hồi 1989, nghe mãi như thế nên người ta nói: khổ quá, nói thì nói mà làm thì không làm được. Người ta nói: không thể làm được! Dứt khoát là không làm được. Dứt khoát là không thanh lọc được bộ máy quan liêu. Có gì lạ đâu: anh là tất cả, tất cả là anh, tất cả đều ngã quỵ để cho một mình anh đứng, thì anh còn thanh lọc ai? Có còn ai khác nữa đâu mà bảo anh tránh bao biện? Đương nhiên là anh làm tất, bởi vì tất cả đều là anh. Cho nên hồi 1989, người ta nói: chừng nào còn độc quyền thì đương nhiên còn bao biện, còn quan liêu.
Điều 4 nào bền chặt ?
Từ đó, người ta nói: lãnh đạo không trùng nghĩa với độc quyền, dù chỉ là độc quyền của một khuynh hướng trong đảng. Bởi lẽ tất nhiên: lãnh đạo không phải là một quyền mà là một khả năng được công nhận. Anh không có khả năng đó thì đố ai dám thuê anh dẫn đường lên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn. Khà năng đó, anh phải chứng tỏ trong thực tế, trong hành động, trong tài ba của anh, chứ anh không thể bảo tôi phải nghe như một câu sấm truyền. Anh không thể lấy quyền lực để thay cho năng lực. Hơn nữa, khả năng đó phải luôn luôn được chứng tỏ. Hôm qua, anh có khả năng, hy vọng ngày mai anh cũng có khả năng, nhưng chắc gì! Vì vậy anh đừng bắt tôi, mà cũng đừng bắt lịch sử, khoán trắng cho anh cái chức lãnh đạo suốt đời. Không có khả năng nào tồn tại nếu không được trau dồi. Mà thực tế cho thấy, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, khả năng không thể trau dồi được nếu không có tranh đua. Anh chạy một mình thì không bao giờ anh phá được kỷ lục. Anh muốn vô địch thì phải có kẻ khác chạy đua với anh. Cho nên ý niệm lãnh đạo gắn liền với ý niệm tranh đua. Lãnh đạo là một tương quan hai chiều, có qua có lại: có người dẫn đường và có người công nhận sự dẫn đường đó là chính đáng. Lãnh đạo không bao giờ là lãnh đạo vô điều kiện. Và điều kiện đó là “quan hệ vai trò lãnh đạo với sự thừa nhận của quần chúng và của những đại diện của họ”. Nói cách khác, vai trò lãnh đạo phải được thử thách và kiểm nhận bằng những cuộc bầu cử tự do. Hồi Lênin, đó là bầu cử tự do ở các xô viết. Nếu bầu cử tự do, ý niệm “đảng lãnh đạo” và ý niệm “tất cả quyền hành nằm trong tay các xô viết” không tương phản nhau, trái lại, dựa vào nhau mà phát huy. Lãnh đạo như thế là tranh đua tự do, dân chủ để chiếm đa số trong các xô viết. Do đó, nói “Đảng lãnh đạo” tức là nói phải trao thực quyền cho các xô viết, tức là nói xô viết đứng đầu, cao hơn hết thảy: lý thuyết và thực tế trùng hợp nhau.
Cuối cùng, hầu như không cần phải biện luận dài dòng, ai cũng thấy: lãnh đạo gắn liền với trách nhiệm. Ai cũng thấy, như thấy cằm gắn liền với râu, cây với rễ. Cây là lãnh đạo. Rễ là trách nhiệm. Không bao giờ có một quyền nào chính đáng mà tách rời ra khỏi trách nhiệm. Và trách nhiệm gồm hai mặt để phán đoán. Một là phán đoán từ bên ngoài, nghĩa là từ dân chúng; dân không tin ta làm thành công, dân cứ thấy ta làm thất bại thì dân quy trách nhiệm cho vai trò lãnh đạo của ta. Thì dân không bầu cho ta nữa. Hãy trượng phu mà nhận hậu quả của trách nhiệm. Hai là phán đoán từ bên trong, nghĩa là từ trong lương tâm của đảng lãnh đạo. Mà muốn lương tâm ấy thực sự lên tiếng nói thì đừng gạt ra khỏi vòng trách nhiệm các đảng viên có ý thức về phải trái, đúng sai. Các đảng viên ấy phải có quyền làm chuyển động một đạo đức đã thui chột, một tư duy đã xơ cứng với đặc quyền. Cùng với nhân dân, họ nói: “Không có điều 4 nào bền chặt trên giấy tở cả; chỉ có một điều 4 bền chặt thôi, đó là điều 4 ghi trong trái tim của dân chúng”.
Đây cũng là một chuyện cũ nói lại, một chuyện cũ rích từ ngàn xưa: không một chính thể nào tồn tại được nếu mất nhân tâm. Rất sáng suốt, các vị lãnh đạo của ta đã cảnh báo từ lâu. Ông Lê Quang Đạo, chủ tịch Quốc Hội, chẳng hạn, đã nói rất thẳng từ 1989: “Ta chỉ có lý luận về Đảng trong thời kỳ cướp chính quyền, chưa có lý luận về Đảng sau khi có chính quyền”. Ông nói thêm: “Thế là Đảng bỏ mất vai trò tiên phong, dân không tin vào Đảng nữa”(3). Huống hồ vai trò tiên phong lịch sử ngày nay là tiên phong tiến lên dân chủ và văn minh. Dân muốn thế. Chuyện cũ nói lại chính là vì vậy: là để cùng nhau lý luận mà nhắm đến tương lai.
Tương lai ấy, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rõ trong thông điệp đầu năm bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần sự cần thiết phải “đổi mới thể chế”. “Phải có thêm động lực để lấy đà tiến triển… Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế”. Thủ tướng xác quyết: Phải đổi mới thể chế thì mới cạnh tranh được với thế giới ngày nay. Và nói thêm: Năng lực cạnh tranh được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó chất lượng thể chế là một trong hai yếu tố quan trọng hàng đầu. Ở trên, chúng ta nói: phải tranh đua. Ở đây, thủ tướng nói: phải cạnh tranh. Thế là gặp nhau! Nếu có ai đem đức Khổng ra để chất vấn, bảo phải “chính danh” thể chế ấy là gì, kinh tế hay chính trị, tôi sẽ khẳng khái trả lời: dĩ nhiên là chính trị! Đây này, hãy đọc nguyên văn nhiều đoạn trong bài viết đầu năm ấy: “Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực… Dân chủ là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người… Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại”. Thể chế chính trị, tôi xin lặp lại. Và hiện đại nữa! Chắc chắn nhân dân sẽ không quên hứng khởi đầu năm này và sẽ lặp lại trong suốt năm 2014 như một lời cam kết quân tử, ngôn hành hợp nhất.
Vậy thì đây đâu còn là chuyện cũ nói lại. Cũ mà vẫn mới toanh.
Chú thích:
(*) Bài đăng trên Diễn Đàn.
(1) Robert Paris, Le socratisme de Gramsci, trong Révolution, Classe, Parti, Textes réunis par Christian Blegalski, Arguments IV, Ed. Minuit, 1978, trang 63.
(2) “L’éducateur doit être lui-même éduqué”.
(3) Lê Quang Đạo, Phát biểu tại cuộc họp của báo Đại Đoàn Kết ngày 8-12-1989, đăng lại trong Đoàn Kết, tháng 2-1990.
(4) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững, Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

 

Hiến pháp là gì ?

Trước hết, tôi xin bày tỏ tình cảm đặc biệt của tôi đối với các trí thức, nhân sĩ, bạn bè đang bàn luận sôi nổi về hiến pháp ở trong nước và ngoài nước. Trong tình cảm liên đới đó, và ý thức rằng đây là vấn đề có liên quan đến sự tồn vong của đất nước, tôi xin có đôi lời góp ý vào quan tâm chung, với tư cách của một người làm nghề dạy học, không biết gì nhiều hơn là chút kiến thức trường ốc phổ thông. Tôi cố tránh mọi lý thuyết rườm rà, duy nhất hạn chế vào một câu hỏi thôi, câu hỏi đầu tiên của mọi câu hỏi khác: hiến pháp là gì?
Tôi biết: trong thế giới ngày nay, hầu như nước nào cũng có hiến pháp, càng độc tài hiến pháp của họ lại càng hay, càng đầy mơ ước, càng đậm triết lý, càng rộng mở ra nhiều lĩnh vực “hiện đại” – xã hội, môi trường, sinh thái… Chính vì vậy mà tôi phải lấy lập trường trước khi đi vào đề: tôi đứng ở đâu mà nói chuyện, đứng trong thế giới văn minh hay lạc hậu hằng mấy thế kỷ? Chẳng lẽ tôi đi ngược lại khẩu hiệu của nước ta là một nước “văn minh”? Bởi vậy, tôi quyết định đứng trong thế đứng của một người dân trong một nước văn minh để gạt ra khỏi đề tài mọi chuyện hoa lá cành chẳng có liên quan gì đến việc định nghĩa hiến pháp trong bước đi đầu tiên của lịch sử đã hình thành ra khái niệm văn minh này. Từ đó, mỗi nước có thể hiểu theo cách hiểu của họ về hiến pháp, tùy hoàn cảnh lịch sử riêng biệt. Nhưng đã gọi là “hiến pháp” thì đương nhiên không thể không biết nguồn gốc của nó, ý nghĩa nguyên thủy của nó, tinh túy của nó. Nhân loại học văn minh của nhau là chuyện bình thường của mọi xã hội văn minh.
Vậy thì, ý nghĩa nguyên thủy của hiến pháp là gì? Ai cũng biết câu trả lời: nguồn gốc của nó nằm trong hai Cách Mạng, của nước Pháp và nước Mỹ.
Trước hết là nước Pháp. Thật ra, danh từ “constitution” – mà ta dịch là hiến pháp – đã có từ lâu, ngay dưới thời Trung cổ, nhưng không mang ý nghĩa như sẽ có về sau. Cho đến Cách Mạng 1789, nước Pháp sống dưới chế độ quân chủ, với ông vua có toàn quyền, nhưng ngay từ trong lý thuyết, quyền của ông gặp phải một hạn chế: ông phải tuân theo những “luật căn bản của vương quốc”. Các luật này rất hiếm, và hồi đó chưa có phương thức gì cụ thể để buộc ông phải tuân theo, nhưng trên thực tế, chế độ quân chủ ở Pháp không đến nỗi “tuyệt đối” như ta nghĩ, và ngay cả ông vua đã từng tuyên bố “Quốc Gia là Trẫm” – Louis 14 – so với các nhà độc tài ngày nay hãy còn nhẹ ký lắm. Ngoài những “luật căn bản của vương quốc” mà quan trọng nhất là sự thỏa thuận của dân chúng về thuế má, quyền hành “tuyệt đối” của ông vua còn gặp phải một vài giới hạn khác do sự hiện diện của một vài định chế phong kiến nằm trung gian giữa vua và dân: các hội đoàn, đoàn thể nghề nghiệp, các thành phố… mà tập tục cổ truyền đã trao cho những đặc quyền, và những đặc quyền ấy được sử dụng một cách bền bỉ, dai dẳng, đối kháng với quyền của vua. Hơn nữa, các Tòa Án cũng có một quyền đặc biệt, từ đó mà dần dần phát triển lên thành quyền chính trị: đó là quyền đăng bạ những sắc dụ của ông vua; sắc dụ chiếu chỉ chỉ được thi hành sau khi được đăng bạ. Các ông Tòa không do vua bổ nhiệm nên vua không áp đảo được họ; cái chức vị ấy là họ mua. Đồng tiền ban chức tước, nhưng đồng tiền cũng ban độc lập mà họ cực lực bảo vệ để trở thành một quyền thực sự. Cuối cùng, tập tục buộc ông vua phải được sự thỏa thuận của một cơ quan thực sự đại diện của dân, một Đại Hội đại biểu tập hợp ba giai tầng xã hội: tăng lữ, quý tộc, bình dân. Dù cho Đại Hội này không được triệu tập từ 1614 đến 1789, trên lý thuyết, sự thỏa thuận vẫn là nguyên tắc mà quân quyền không chối bỏ.
Vậy thì, trong thời gian tiền Cách Mạng, nước Pháp ở trong cái thế tranh chấp dai dẳng, tuy chẳng quân bình, giữa ông vua và các cơ quan đối trọng mà quan trọng nhất là các Tòa Án. Ông vua xác quyết chủ quyền tuyệt đối của mình; các nhà luật học tiến bộ nhấn mạnh trên sự thỏa thuận để cai trị. Họ nói: thỏa thuận có nghĩa là ông vua không được đứng trên luật pháp, và do đó quyền của ông vua không phải tuyệt đối mà là có giới hạn. Nói một cách khác, nước Pháp ở trong cái thế tranh chấp giữa chủ thuyết quyền tuyệt đối của vua và chủ thuyết hiến pháp, hiến định. Trong tranh chấp lý thuyết đó, bên nào cũng viện dẫn “hiến pháp quân chủ”, nhưng một bên nhấn mạnh quân chủ, một bên nhấn mạnh hiến pháp, chính sự dằng co giữa hai quyền lực, của vua và của Tòa Án, diễn tả bản chất của hiến pháp lúc đó. Ngã hẳn về phía vua chăng? Vua sẽ thành chuyên chế. Ngã hẳn về phía các Tòa Án chăng? Ông vua sẽ không hơn gì vua nước Anh, có tiếng mà không có miếng. Trên thực tế, mặc dầu cố gắng của các nhà luật học, nước Pháp đã không đi vào được con đường hạn chế quyền lực thực sự như ở Anh hồi thế kỷ 17. Các Tòa Án, cũng như Đại Hội đại biểu ba thành phần, không đủ sức để vượt qua quyền của vua. Nhưng đặc tính dằng co vẫn được duy trì kể cả trong lý thuyết, ngay cả về phía các lý thuyết gia chính thống của quân quyền. Jean Bodin, cực lực thuyết minh chủ quyền của vua là thế, mà cũng không diễn dịch “hiến pháp quân chủ” như là độc đoán, độc tài, cũng phân biệt “quân chủ vương giả” khác với quân chủ “bạo ngược”, cũng nói rõ “quyền lực tuyệt đối” không phải là “quyền lực tùy tiện”.
Chính trong bối cảnh chính trị của một nước Pháp quân chủ, hạn chế trên thực tế nhưng vẫn tuyệt đối trên lý thuyết, mà tác phẩm “Tinh yếu của luật pháp” (“Esprit des lois”) của Montesquieu ra đời, đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong lịch sử của khái niệm hiến pháp. Từ đây, từ năm 1748, danh từ “hiến pháp” mới thực sự có ý nghĩa hiện đại. Điểm đầu tiên phải lưu ý là Montesquieu xây dựng một lý thuyết tự do trong một không khí quyền lực tuyệt đối. Tự do là bà mẹ trong tác phẩm. Nhưng, như ông nói, tác phẩm không được sinh ra từ một bà mẹ tự do. Đó chính là điểm đặc sắc tuyệt cú của Montesquieu. Với Montesquieu, khái niệm “hiến pháp” gắn liền với ý tưởng tự do và phân quyền mà ông suy ra và sáng tạo thêm từ chế độ chính trị của nước Anh. Chương 11 của tác phẩm ghi rõ trong tiêu đề: “Về những luật tạo nên tự do trong mối tương quan giữa tự do và hiến pháp”. Tương quan gì? Chỉ có tự do khi hiến pháp hạn chế quyền lực. Không ai không biết câu viết này, sáng chói như chân lý, ngọn hải đăng của thế kỷ 18: “Kinh nghiệm muôn thuở cho biết bất cứ ai có quyền lực đều có khuynh hướng lạm dụng quyền lực; lạm dụng cho đến mức gặp phải giới hạn”. Vậy vấn đề là phải đặt ra giới hạn. Phân quyền nhắm mục đích ấy, bởi vì, lại một chân lý nữa, “quyền lực ngăn chận quyền lực” để quyền lực không nằm trọn trong một nắm tay.
Vậy, với Montesquieu, hiến pháp mang một ý nghĩa chính trị: hiến pháp tổ chức nhiều quyền lực trong nhà nước và tương quan giữa các quyền lực đó với nhau để quyền lực, một hiện tượng đáng sợ, trở thành ôn hòa. Một chính thể ôn hòa là một chính thể tốt nhất, như Aristote đã quan niệm từ thời cổ đại Hy Lạp.
Tác phẩm của Montesquieu làm dấy lên cả một trào lưu trí thức nâng danh từ “hiến pháp”, từ chỗ chưa có ý nghĩa rõ ràng, lên địa vị vinh quang của khái niệm, đề tài của mọi tranh luận, mục tiêu của mọi tranh đấu nhắm hạn chế quyền hành. Sau 1750, các Tòa Án ở Pháp tận dụng quyền phản biện (droit de remontrances) sẵn có để bày tỏ ý kiến về các sắc dụ chiếu chỉ của vua và để bảo vệ những quyền căn bản mà họ không còn xem như của vương quốc nữa mà là của cả dân tộc và chính họ là cơ quan nắm giữ. Trong một phản biện của Tòa Án Rennes năm 1757, quyền của vua và quyền của các Tòa Án được diễn tả trong ý nghĩa mới đó của “hiến pháp”: “Do một quyền thiêng liêng có sẵn nơi địa vị của Hoàng Thượng, bất khả truyền, bất khả trao cho ai khác, Hoàng Thượng là nguồn gốc của mọi pháp chế. Nhưng do một hiến pháp căn bản của nền quân chủ, Tòa Án của Hoàng Thượng là hội đồng cần thiết để luật được kiểm tra, là cơ quan để luật được ban hành, là người bảo đảm cho sự minh triết của luật, là nơi đăng bạ để duy trì và thi hành luật, bởi vì từ xưa đến nay Tòa Án là người cộng sự thiết yếu của Hoàng Thượng, nhờ đó việc cai trị được văn minh và gìn giữ”.
Cùng với quan niệm mới về hiến pháp của Montesquieu, các Tòa Án nới rộng phạm vi của những “luật căn bản” và định nghĩa như là “những luật liên quan đến việc tổ chức các quyền trong chế độ quân chủ”. Một tác giả quý tộc – marquis d’Argenson – dám so sánh ví von thế này: “Dân tộc ở trên các ông vua như Nhà Thờ công giáo ở trên giáo hoàng”. “Luật căn bản”, “hiến pháp”, “quyền của Dân Tộc”, các yếu tố đó trộn lẫn với nhau trong một luận thuyết nhằm chống lại luận thuyết quyền lực tập trung của vua. Từ “hiến pháp” càng ngày càng được dùng trong tranh luận, với ý nghĩa chính trị như đã nói ở trên, “như là một dụng cụ có khả năng giới hạn vương quyền để bảo vệ một trật tự siêu việt vương quyền”.Tòa Án có mặt từ lâu trong lịch sử nhưng bây giờ mới cố gắng nâng mình lên trong thử thách để hiện diện như là đối trọng của vương quyền. Ý niệm đối trọng dần dần đi vào ý nghĩa của hiến pháp.
Tuy vậy, tất cả những tranh luận lý thuyết và thử thách thực tế trên đây vẫn không làm lung lay được một vương quyền cứng rắn. Khái niệm hiến pháp thay đổi, nhưng vẫn mang ý nghĩa chính trị, chưa được diễn dịch cụ thể ra thành ngôn ngữ luật pháp có khả năng tạo nền móng cho những quyết định pháp lý. Khác với nước Anh mà tập tục chính trị dần dần được thay đổi để chế độ quân chủ đổi mới trong ôn hòa, ở Pháp, cánh cửa không mở ra được vì vương quyền khóa chốt. Các Tòa Án nại quyền của Dân Tộc? Ông vua trả lời Ta đây, và chỉ Ta đây mới có quyền bảo vệ những “luật của lịch sử”. Một bên là hiến pháp trong nghĩa tự do của Montesquieu, một bên là những “luật căn bản của vương quyền” diễn dịch theo điệp khúc cũ. Để ý nghĩa chính trị của hiến pháp có được nội dung pháp lý hữu hiệu, phải đợi 1789. Thế thôi, có ai bao giờ đoán trước được Cách Mạng sẽ đến đâu? Ai đoán trước được ông vua toàn quyền thế kia – Louis 16 – có ngày mất tiêu cái chỗ đội mũ – đội vương miện?
Với Cách Mạng 1789, một lý thuyết gia lừng lẫy khác, Sieyès, giải quyết tranh chấp giữa “hiến pháp” và “những luật căn bản của vương quyền” một cách trọn vẹn và cách mạng. Ông giải quyết bằng cách từ bỏ luận cứ quyền lịch sử để lập luận trên quyền thiên nhiên. Từ đây, tranh luận lý thuyết không còn xoay quanh giữa quyền “tuyệt đối” và quyền “tùy tiện” nữa, mà tập trung trên “chính thể hiến pháp” và “quyền bính chuyên chế”: một bên có giới hạn do hiến pháp định, một bên vô giới hạn. Từ đây, hiến pháp có thêm một nội dung luật pháp để cụ thể hóa ý nghĩa chính trị. Biến chuyển này xảy ra được một phần lớn là nhờ ảnh hưởng của Cách Mạng Mỹ. Mười ba thuộc địa của Anh ở châu Mỹ nổi dậy giành độc lập, xây dựng một chế độ chính trị riêng, ghi nhận long trọng trong một văn bản được chấp thuận năm 1787 ở Đại Hội đại biểu Philadelphia. Đứng về phương diện khái niệm hiến pháp mà nói, họ nổi dậy chống lại cái gì cụ thể? Chống lại một số luật bất công, nhất là luật thuế má, của Quốc Hội Anh mà họ cho là trái với các hiến chương thuộc địa. Để chống lại các luật đó, họ nảy ra cái tư tưởng này: có các quyền không thể sửa đổi được, các quyền đó phải được ghi rõ trong một thứ luật khác cao hơn, tức là hiến pháp thành văn, có hiệu lực pháp lý, nghĩa là bắt buộc. Đừng quên rằng trong thời gian ấy, mẫu quốc của họ là nước Anh, và nước Anh chỉ có một thứ luật thôi là luật do Quốc Hội làm ra, không có hiến pháp thành văn. Làm luật được thì sửa đổi luật cũng được. Bởi vậy, cái ý nghĩ phải có một thứ luật cao hơn mọi luật khác, được ghi chép hẳn hoi thành văn bản, là ý nghĩ cách mạng, đưa khái niệm hiến pháp vào thời đại mới. Ý nghĩ đó bay ngược qua Đại Tây Dương, hạ cánh xuống Cách Mạng Pháp, giải quyết rốt ráo tranh chấp giữa “hiến pháp” và “những luật căn bản của lịch sử”. Cả hai khái niệm được trộn lẫn với nhau thành một trong một văn bản, được soạn thảo và chấp nhận một cách đặc biệt, văn bản ấy luật hóa một khái niệm trước đây còn mang tính chính trị.
Ngày nay, ta khó thấy ý nghĩ đó là tuyệt tác vì đã quá quen với cái từ “hiến pháp”. Lúc đó, từ “hiến pháp” hãy còn lẫn lộn với từ “chính phủ”, “chính quyền”, hai bên không khác nhau cho đến trước ngày Cách Mạng Mỹ. Một nhân vật quý tộc Pháp, trong một thư viết cho vua, đã thốt ra một câu tiêu biểu: “Làm sao người ta có thể đồng thời vừa là bạn của chính quyền vừa là kẻ thù của hiến pháp được?” Từ đây, gió lốc cách mạng thổi bay từ “gouvernement” ra khỏi từ “constitution”. Yêu vợ không phải là yêu bồ. Hai vợ không phải đều là vợ cả. Thomas Payne, lý thuyết gia nổi bật của Cách Mạng Mỹ, nói rõ: “Hiến pháp là một văn bản không phải của chính quyền mà là của dân chúng tạo ra một chính quyền, và một chính quyền không có hiến pháp là một chính quyền không có luật”. Ông nhắc lại lần nữa: “Một hiến pháp là một điều có trước chính quyền, và một chính quyền chỉ là con đẻ của một hiến pháp. Hiến pháp của một nước không phải là văn bản của một chính quyền mà là của dân chúng tạo ra một chính quyền”.
Giữa hai bờ Đại Tây Dương, khái niệm hiện đại về hiến pháp thành hình nhờ ảnh hưởng qua lại giữa Montesquieu và Cách Mạng Mỹ. Montesquieu ngại quyền lực. Các thuộc địa ở Mỹ, ngay từ hồi nổi dậy, cũng đã nhìn quyền lực như thế qua ông vua George III, tuy rằng hồi đó vua đã bắt đầu mất thực quyền trong chế độ chính trị nước Anh. Cũng từ Montesquieu, lý thuyết phân quyền được thực hiện tại Mỹ, và áp dụng chặt chẽ hơn cả ở châu Âu vì Quốc Hội không thể buộc Tổng Thống từ chức, Tổng Thống không thể giải tán Quốc Hội. Ngược lại, từ Mỹ, việc luật hóa lý thuyết chủ quyền thuộc về toàn dân ảnh hưởng trên tư tưởng của Sieyès. Chủ quyền đã thuộc về dân thì việc làm ra hiến pháp không phải là việc của một cơ quan nào mà là việc của toàn dân: từ đó lý thuyết về một “quyền lập hiến” được chế ra thành luật. Sieyès tóm tắt: “Hiến pháp bao gồm đồng thời: việc thành lập và tổ chức nội bộ các quyền lực khác nhau của nhà nước, mối tương quan tất yếu và sự độc lập giữa các quyền lực đó, và cuối cùng, những cảnh giác chính trị phải cẩn thận xây dựng chung quanh, để các quyền lực đó lúc nào cũng có ích lợi nhưng không bao giờ trở thành nguy hiểm. Đó là ý nghĩa chính xác của danh từ hiến pháp; ý nghĩa đó liên quan đến toàn thể quyền lực của nhà nước và sự phân chia những quyền lực đó”.
Từ đầu, ý tưởng của Montesquieu đã liên hệ rõ ràng khái niệm hiến pháp với khái niệm quyền lực hạn chế để chống lại quyền hành tuyệt đối, nghĩa là vô giới hạn và tùy tiện. Đến đây, việc phân quyền được xây dựng thành những nguyên tắc thành văn, tối thượng, mà mục đích là thiết lập những giới hạn minh bạch, ai cũng biết, về quyền lực của người cầm quyền. “Nếu quyền lực không có giới hạn, quyền lực tất yếu trở thành tùy tiện, và không có gì trực tiếp đối chọi với một hiến pháp bằng bạo quyền”, Mounier đã phát biểu như thế trong diễn văn đọc ngày 7-7-1789 trước Hội Đồng Lập Hiến. Ông là đại biểu lừng danh của giai cấp bình dân. Tư tưởng đó được viết chắc nịch như đinh đóng cột trong điều 16 của Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền: “Bất cứ xã hội nào trong đó các quyền không được bảo đảm và sự phân quyền không được tôn trọng, xã hội đó không có hiến pháp“.
Tác giả bài này muốn nói gì khi nhắc lại những kiến thức phổ thông trên đây? Duy nhất điều này thôi: lịch sử của khái niệm hiến pháp bắt đầu từ một khao khát: tự do; khao khát đó sẽ không bao giờ thực hiện được trước một quyền lực tuyệt đối; để quyền lực không phải là bạo lực, phải phân quyền; để sự phân quyền được rõ ràng, minh bạch, phải ghi thành luật, luật đó là tối thượng, là mẹ của mọi thứ luật khác. Nghĩa là: để định nghĩa hiến pháp là gì, đừng quên rằng bắt đầu quá trình là một ý tưởng chính trị và kết thúc là một văn bản luật pháp, từ đó mà quyết định cái gì là hợp pháp, cái gì là bất hợp pháp trong mọi hành động lập pháp và lập quy của các cơ quan nhà nước. Chỉ một ý đó thôi mà tác giả đã lặp đi lặp lại bao nhiêu lần: Hiến pháp là một ý tưởng chính trị được luật hóa vào một giai đoạn quan trọng nào đó của lịch sử để một trật tự chính trị trở thành chính đáng. Điều này bao gồm hai ý nghĩa: thứ nhất, trật tự chính trị nào cũng mượn danh nghĩa luật để trở thành một trật tự pháp lý; nhưng thứ hai, không luật pháp nào ban tính chính đáng cho một trật tự chính trị nếu luật đó không xuất phát từ nguyện vọng đích thực của nhân dân.
Hơn một thế kỷ rưỡi sau Cách Mạng, nước Pháp có ông tổng thống De Gaulle làm một hiến pháp mới – hiến pháp hiện tại – để chấm dứt một trật tự chính trị cũ, lập một trật tự chính trị mới, mở đầu Đệ Ngũ Cộng Hòa. Trong một cuộc họp báo quan trọng ngày 31-1-1964, ông định nghĩa hiến pháp trong một câu nổi tiếng: “Hiến pháp là một tinh thần, những định chế, một thực tiễn”. Quá đúng. Và bộc lộ ra được những gì tôi vừa trình bày ở trên.
Một thực tiễn? Tất nhiên, vì hiến pháp phải được áp dụng để trở thành luật nói, nếu không thì là luật câm. Những định chế? Hiển nhiên, khỏi cần nói. Tôi chú trọng mấy chữ đầu: “một tinh thần”. Vậy tinh thần này là gì trong bối cảnh lịch sử đã làm hình thành hiến pháp ở Pháp và ở Mỹ? Tự do! Tinh thần này quyết định tất cả. Quyết định việc thành lập các định chế. Quyết định thực tiễn của pháp luật, cả luật mẹ lẫn luật con. Bất cứ hiến pháp nào trên thế giới đều có thể được đặt dưới một câu hỏi: “hiến pháp này được làm ra để thể hiện cái tinh thần gì vậy?” Dân chúng chỉ cần biết cái tinh thần ấy một cách tỏ tường và chân thật là đã có thể phát biểu ngay đó là hiến pháp của mình hay của ai.
Vậy thì dân chúng Việt Nam chờ đợi cái tinh thần gì được luật hóa trong hiến pháp? Một tinh thần phù hợp với giai đoạn hòa bình của đất nước, sau nhiều năm chiến tranh đòi hỏi con người phải hy sinh nhiều thứ, kể cả thứ quý nhất trong đời là tự do. Chiến tranh là tình trạng bất thường, hòa bình là chấm dứt tình trạng bất thường, là phải trả lại cho con người cái khao khát bức thiết nhất của con người ở muôn thuở và muôn nơi, là phải trả lại cho con người Việt Nam cái giá đã mua bằng máu, là phải thực hiện lời cam kết chói lọi trong Tuyên ngôn độc lập vinh quang: ai cũng biết, đó là “quyền tự do”. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”: đó là tinh thần mà người dân chờ đợi luật hóa trong hiến pháp, một hiến pháp hoàn toàn mới, phù hợp với giai đoạn mới, giai đoạn hòa bình.
Tinh thần là như vậy, định chế sẽ thế nào? Tất cả những gì tôi nói trong bài này có thể tóm gọn trong hai chữ: ôn hòa. Quyền lực phải biết ôn hòa. Chính thể ôn hòa là chính thể tốt nhất. Đó là văn minh mà Âu châu thừa hưởng từ tư tưởng của Hy Lạp cổ đại. Montesquieu cũng chỉ là tiếp nối tư tưởng Aristote. Nhưng đó cũng chính là văn minh của Việt Nam, của tư tưởng Việt Nam, không hề độc đoán.
Đảng Cộng sản đã nhiều lần nêu vấn đề định nghĩa lại lãnh đạo. Đúng vậy, nhưng thế này thì hợp với mong mỏi hơn: định nghĩa lại lãnh đạo là thế nào để phù hợp với thời bình, thế nào để thực hiện lời cam kết “quyền tự do”. Đó là cứu cánh của chính trị. Đó là cứu cánh của quyền lực. Một quyền lực ôn hòa trong thời bình, khác với thời chiến tranh, khác với thời tranh đấu bí mật trước mùa Thu tháng Tám. Đó là tinh thần mới phải có trong hoàn cảnh mới của đất nước, cần thực sự đoàn kết toàn dân. Tinh thần đó sẽ quyết định tất cả mọi điều khác trong hiến pháp. Tinh thần đó, người dân khao khát chờ đợi từ lâu để được là tác giả của hiến pháp mới.
Dưới ảnh hưởng đó của tư tưởng luật hóa hiến pháp đến từ Mỹ, từ ngữ “luật căn bản” của Pháp được ngôn ngữ luật đưa lên địa vị tối thượng: hiến pháp là luật tối thượng, nghĩa là, rất cụ thể, cao hơn tất cả các luật khác và làm vô hiệu tất cả luật nào trái lại. Đây cũng là một sáng tạo tuyệt tác bắt nguồn từ một sự việc bình thường trước Tòa Án Tối Cao của Mỹ. Ông Marburry, được bổ nhiệm thẩm phán nhưng chờ mãi đến đáo hạn mà vẫn không nhận được giấy tờ bổ nhiệm. Ông kiện tổng thống Adams (mà người đại diện là bộ trưởng Madison) đòi gửi công văn bổ nhiệm. Ông Tòa Marshall xử rằng: kiện là đúng, nhưng đạo luật được viện dẫn ra để kiện là không hợp với hiến pháp, là vi hiến. Chuyện bình thường ở Mỹ. Nhưng là chuyện động trời trong lịch sử hiến pháp của Pháp vì Tòa Án dám xía vào lĩnh vực lập pháp để phán đúng hay sai. Cần nhấn mạnh vụ kiện danh tiếng Marburry chống Madison này ở đây để hiểu quá trình luật hóa hiến pháp và sức mạnh của tinh thần trọng pháp. Mười ba thuộc địa ở Mỹ phải nổi dậy để đòi truất bỏ những luật bất công. Khổng Mạnh ở ta ngày xưa cũng lao xao với sĩ tử rằng nước có thể lật thuyền… Suy diễn bài học từ ông Tòa Marshall, luật pháp có chức năng và khả năng giải quyết tranh chấp chính trị một cách hòa bình, khỏi cần gươm dáo, mà cũng khỏi phải lội nước lật thuyền.
Chú thích:
Một số câu trích dẫn đặt trong ngoặc kép là lấy từ: Olivier Beaud, L’Histoire du concept de constitution en France. De la constitution politique à la constitution comme statut juridique de l’Etat, Jus politicum, Vol. 2, Juin 2010. Có thể đọc trên mạng:

Quyền làm chủ của Nhân Dân

Từ đầu năm đến nay, nghĩa là từ khi có Thông điệp đầu năm của thủ tướng, nở rộ lên trên mạng nhiều bài viết và nhiều lời tuyên bố đề cao dân chủ, trong đó “quyền làm chủ của nhân dân” phất phới như một ngọn cờ tiên phong. Ai mà không thấy hồ hởi phấn khởi trước một khí thế bùng lên như vậy? Vận hội mới như đang hiện ra trước mắt. Dân chủ như bình minh chợt sáng ở chân trời. Thế nhưng, phải đón nhận thế nào đây khái niệm “quyền làm chủ của nhân dân”? Rằng hay thì thật là hay, nhưng cũng phải coi chừng để nó đừng trở thành một khẩu hiệu rỗng như bao nhiêu khẩu hiệu đã từng nghe từng thấy. Phân tích nội dung của nó một cách chi li, mong rằng đó không phải là việc làm gàn dở của một anh đồ nho ngồi chẻ sợi tóc làm tư.
Dù biện minh thế nào đi nữa, khó mà chối cãi rằng khái niệm “quyền làm chủ của nhân dân” đã xuất phát từ hiến pháp 1980 dưới ngôn từ “quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”. Điều 2 của hiến pháp ấy nói: “Sứ mệnh lịch sử của nhà nước là thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”. Điều 3 hùng hồn hơn: “Nhà nước bảo đảm… chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, làm chủ trong phạm vi cả nước, từng địa phương, từng cơ sở, làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân”. Ngày nay, ta bỏ chữ “tập thể” và chữ “lao động” đi vì đã quá lỗi thời, nhưng, đứng về mặt khái niệm, hãy coi chừng, cháu chắt và tổ tiên ấy cùng chung máu mủ. Xin phân tích.
Trước hết là hai chữ “làm chủ” trong “quyền làm chủ”. Làm chủ là gì? Có người trả lời: là tự mình quyết định vận mệnh của mình. Nếu có ai vặn lại: thế nào là tự mình quyết định vận mệnh của mình?, lại sẽ có lắm câu trả lời khác nhau, lại sẽ lý luận ngày đêm. Cho nên có người trả lời đơn giản: làm chủ là ra lệnh. Đó là sự khác biệt giữa chủ và tớ. Không có tớ nào ra lệnh cho chủ. Không có chủ nào tuân lệnh của tớ. Rạch ròi phân biệt.
Vậy thì nhân dân có ra lệnh không? Không! Dù ở trong thực tế hay trong lý thuyết, nhân dân không ra lệnh. Vì lẽ giản dị là nhân dân không tự mình cai trị mình. Đâu đâu cũng có sự phân biệt giữa chính quyền và dân chúng. Lệnh là từ chính quyền ban ra, dù chính quyền đó được dân bầu ra đàng hoàng đi nữa. Có điều là: không chính quyền nào hoàn toàn dựa trên mệnh lệnh mà cai trị. Không chính quyền nào tồn tại được nếu chỉ cai trị bằng mệnh lệnh, nếu mệnh lệnh ngự trị trên sự cúi đầu thụ động của người dân. Dù độc tài đến đâu, chính quyền nào cũng cố tạo ra, dù chỉ là giả tạo, ít nhiều hưởng ứng tích cực của người dân. Các chế độ dân chủ thì khác: họ cố thúc đẩy hưởng ứng tích cực của người dân, càng nhiều càng tốt, càng tích cực càng đạt lý tưởng. Nhưng chắc chắn không bao giờ và không ở đâu có chuyện dân hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Đó là lý tưởng phải đi đến, nhưng không bao giờ đến, bởi vì nếu đến mức đó thì chính quyền sẽ không còn nữa, dân và chính quyền đã là một. Nhưng dù không đến, vẫn phải đi, càng đi đến gần lý tưởng được bước nào, mệnh lệnh càng ít được cảm thấy bước đó, tính cách “chủ” của dân càng hiển hiện. “Làm chủ” chỉ có thể hiểu với ý nghĩa đó thôi.
Nhưng làm thế nào để mà đi? Tự đi chăng? Tất nhiên! Ta có chân thì ta phải sử dụng chân. Xã hội sinh ra vốn đã có chân, vốn đã có đời sống riêng, vậy xã hội phải tự đi. Nhưng, xã hội nào cũng cần phải được dẫn dắt để đi trên con đường mình muốn, và đó là sự khác biệt căn bản giữa sự dẫn dắt độc tài và sự dẫn dắt dân chủ. Dẫn dắt dân chủ là dẫn dắt trên con đường mà dân chọn, chứ không phải quan chọn. Và dẫn dắt như vậy là để làm gì? Để đưa nhân dân lên địa vị chủ. Để nhân dân làm chủ. Hôm nay, làm chủ một ít, ngày mai làm chủ thêm nữa, và cứ thế mỗi ngày một thêm. Nhưng nếu có ai cắc cớ hỏi dân: “Vậy thì ông đã thành chủ chưa?”, chắc chắn câu trả lời là chưa, và hơn thế nữa, không bao giờ. Bởi lẽ, như đã nói, làm chủ là một quá trình dài thăm thẳm, có đi mà không có đến. Nếu đến thì còn đâu nữa quyền lực, khi dân và chính quyền đã là một? Đó là một trạng thái thiên đường mà ai đó đã vẽ ra để mơ ước cho vui một xã hội không giai cấp, chứ ai mà chẳng biết nhân loại chưa bao giờ và sẽ không bao giờ thổi kèn đưa đám ma quyền lực?
Dĩ nhiên có người sẽ bắt bẻ: làm chủ mỗi ngày, mỗi lúc, trong nhiều sự việc khác nhau, trong nhiều quan hệ khác nhau, như vậy đích thực là làm chủ rồi, sao còn ngụy biện? Vâng, trên quá trình làm chủ, mỗi bước đi, mỗi thực hiện cụ thể là mỗi hân hoan, mỗi chiến thắng của lý tưởng làm chủ. Nhưng làm chủ trong sự việc này, làm chủ trong sự việc kia, là làm chủ trong những sự việc cụ thể. Làm chủ trong những sự việc cụ thể thì có, mà làm chủ chung chung thì không. Làm chủ chung chung đã là không, thì quyền làm chủ chung chung cũng không nốt. Không có cái gì cả. Trống rỗng.
Từ đó, xin bước qua quyền làm chủ. Suy ngẫm cho kỹ, khái niệm “quyền làm chủ” cũng có thể đưa vào ngõ bí! Bởi vì đó là một thứ “quyền” không giống các quyền khác. Những quyền khác là những quyền mà ngay khi được công nhận, bảo đảm, thì được thực hiện liền. Tôi có chân, nên khi được quyền tự do đi lại là tôi đi. Đi bộ, đi xe, đi máy bay. Tôi có miệng nên khi được quyền ăn nói là tôi nói. Tôi viết được nên khi báo chí được cởi trói là tôi viết. Luật pháp cấm không được xâm phạm gia cư nên nửa đêm có ai đấm cửa tôi cứ yên giấc ngủ khò. “Quyền làm chủ” thì không như vậy. Không phải cứ hô lên: “Anh làm chủ!” là tôi tức khắc làm chủ. Nói là nói, đi là đi, viết là viết, ai cũng hiểu. Nhưng làm chủ, ai biết làm chủ là như thế nào? Một đằng, tự tôi, tôi đã có sẵn khả năng, tiềm lực, để thực hiện quyền được công nhận; một đằng, tự tôi, tôi loay hoay, lúng túng, không biết phải làm gì với cái quyền mà người ta đặt vào tay tôi. Làm chủ, tôi đã không biết phải làm chủ như thế nào, làm sao tôi hình dung ra được cái “quyền làm chủ” của tôi? Làm sao tôi đòi thực hiện được một cái quyền mà chính nội dung mờ mờ mịt mịt trong đầu tôi? Tôi đòi một cái mà tôi không biết là cái gì, sao gọi là quyền được? Chẳng lẽ có ai hỏi tôi: “anh đòi cái quyền gì vậy?”, tôi lại ấp a ấp úng “ấy, anh cứ hỏi lãnh đạo của tôi”?
Chẳng phải tôi muốn bới bèo ra bọ đâu. Điều tôi muốn nói rất là quan trọng trong lúc này. Không có cái chuyện làm chủ chung chung nên cũng không có cái quyền làm chủ chung chung đang trở thành khẩu hiệu. Làm chủ, là làm chủ trong từng sự việc cụ thể, cho nên mỗi sự việc cụ thể đưa đến một quyền khác nhau. Nghĩa là có nhiều quyền khác nhau mà sự thực hiện triệt để sẽ đưa nhân dân lên địa vị chủ. Có nhiều quyền để làm chủ, những quyền để làm chủ. Không có một “quyền làm chủ”. Và nhiều quyền, những quyền đưa nhân dân lên địa vị chủ đó, có gì lạ lùng đâu! Đó là những quyền dân chủ mà ai cũng biết! Nói “quyền làm chủ” là đi vào trừu tượng, sương khói, nghe thật sảng khoái, nhưng đố ai sờ được, nắm được, thấy được, mân mê được, âu yếm được. Nói “những quyền dân chủ”, câu chuyện thành ra giản dị, ai cũng thấy trước mắt những quyền cụ thể, cầm được, sử dụng được, ôm ấp được. Quyền bầu cử trung thực chẳng hạn. Trước mắt tôi là cái lá phiếu, cái thùng phiếu, cái yên tâm muốn bỏ cho ai thì bỏ, cái người mà tôi tin tưởng, cái hồi hộp chờ xem kết quả… Trong khi tôi đang thích thú như thế, giá có ai nói: “anh vừa thực hiện quyền làm chủ của nhân dân đấy!”, chắc tôi sẽ mất hưng phấn như nghe một điệp khúc quen tai trong đó chỉ thiếu chữ “tập thể”. Tôi vừa thực hiện một quyền cá nhân cơ mà. Quyền bầu cử là một quyền cá nhân! Quyền của những cá nhân như tôi! Quyền của con người! Những con người có xương có thịt như tôi! Có hàng triệu bàn tay bỏ những lá phiếu khác nhau; không có một “bàn tay nhân dân”, một bàn tay tập thể! Đây là lúc ta cần cụ thể hóa mọi quyền, càng cụ thể hóa càng đi tới dân chủ, đừng dùng mãi những điệp khúc trừu tượng. Càng tổng quát hóa, càng trừu tượng hóa khái niệm quyền, ta càng làm vô dụng những quyền, càng đẩy những quyền ấy vào lý thuyết suông, càng mồ côi quyền trong thực tế. Đó là sự khác biệt một trời một vực giữa ngôn ngữ ý thức hệ và ngôn ngữ pháp lý.
Những quyền dân chủ cụ thể đó, hãy nhân chúng nó lên! Những quyền đó càng nhiều, dân càng “làm chủ”. Gộp tất cả những quyền đó lại, nhốt chung tất cả vào một bình hồ lô “quyền làm chủ của nhân dân”, mở nút ra: dân chẳng thấy gì, chỉ còn khẩu hiệu. Một vấn đề tựa tựa như vậy đã đặt ra ở Tây phương trong thế kỷ trước. Còn gì cao đẹp hơn tự do – la liberté! Nhưng thế nào là tự do? Anh nói tự do, tôi nói tự do, nhưng có chắc anh và tôi cùng nói một chuyện không? Chẳng thế mà có người đã thốt ra một câu xót xa: “Ôi, tự do! Nhân danh ngươi, bao nhiêu tội ác đã phạm!”. Nếu tự do có thể giết chết tự do, thì ngược lại, những tự do, nhữngquyền tự do, les libertés, định nghĩa một cách rành rọt, bằng ngôn ngữ pháp lý phân minh, lại bảo vệ con người, bảo vệ tự do. Những quyền tự do đưa đến tự do. Thì cũng vậy, những quyền dân chủ cụ thể, chính xác, định nghĩa bằng ngôn ngữ pháp lý sáng sủa, đâu vào đấy, đưa nhân dân lên địa vị làm chủ. Cho nhân dân những quyền đó mà không nói gì đến “quyền làm chủ của nhân dân”, nhân dân vẫn làm chủ như thường. Tỷ như cho nhân dân cá, cơm, mắm, muối, mà không nói gì đến quyền ăn no, dân vẫn no phủ phê. Còn như cho nhân dân quyền ăn no nhưng không cho cá, cơm, mắm, muối, thì nhân dân đành phải ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch.
Đi xa thêm một chút nữa, mấy chữ “quyền làm chủ” nghe nó điệp nghĩa với nhau thế nào. Cứ lẩn thẩn mà tìm xem: có một thứ quyền nào mà không đưa đến làm chủ chăng? Quyền đi lại, ờ thì mình làm chủ cái chân. Đi khắp thế giới chứ phải vừa đâu. Nghĩa là ta đây làm chủ biên giới. Làm chủ không gian. Quyền nghỉ ngơi hàng năm, sướng quá, buổi sáng tha hồ ngủ, thế là mình làm chủ con mắt, muốn nhắm cũng được, muốn mở thì cứ mở. Mặt trời lên cao? Mặc xác nó, tôi làm chủ nó. Nhờ ăn, nhờ ngủ, nhờ nghỉ ngơi, tôi làm chủ sức khỏe của tôi, nhờ sức khỏe tốt, tôi vui vẻ trong mọi giao tế, kể cả giao tế với vợ. Tý nữa thì quên, với vợ tôi, hiến pháp cho tôi quyền bình đẳng. Thì tôi cũng làm chủ! Không bình đẳng thì phân vân, không biết ai là chủ. Bình đẳng thì mình cũng là chủ vậy! Mấy ông râu quặp nhờ vậy mà làm chủ được cả bộ râu! Đó là chỉ mới kể vài quyền cá nhân quen thuộc. Còn những quyền chính trị, xã hội, văn hóa quan trọng nói suốt trong hiến pháp, tính cách làm chủ không cần phải chứng minh. Như vậy, nếu hễ có quyền là có làm chủ, nếu bất cứ quyền nào cũng đưa đến chuyện làm chủ, tìm đâu cho được nội dung pháp lý riêng biệt, chính xác, của “quyền làm chủ”? Và như vậy, phải chăng “quyền làm chủ của nhân dân” là một lối nói có tính cách tuyên ngôn – déclaratoire trong tiếng Pháp – để nêu cao một lý tưởng, nhưng thực chất pháp lý là rỗng không?
Vậy thì, anh đi đường anh tôi đường tôi, tôi tiễn anh đi về quá khứ của khẩu hiệu “làm chủ tập thể”, còn tôi, tôi tiếp tục đi trên con đường của Thông điệp mà năm mới 2014 vừa vẽ ra trước mắt. Đất nước đã lâm vào tình trạng không lui được nữa, chỉ còn cách tiến tới mà thôi.




Gửi phản hồi

Your email address will not be published. Required fields are marked *