Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Bài Toán “con cừu và ông thuyền trưởng”

Bài Toán “con cừu và ông thuyền trưởng”

Theo:GS nguyenvantuan.org/

Thấy nhiều người bàn tán đề thi này nên tôi cũng tìm đọc cho biết. Hoá ra, đề thi khá ngắn: “Trên tàu thuỷ có 45 con cừu. 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?” Không biết các bạn thì sao, chứ tôi thì không làm được bài này. Thật ra, tôi nghĩ câu hỏi chưa trình bày đủ thông tin để cho học sinh làm bài. (Tôi tự hỏi tại sao không là con heo, con gà, con ngựa, mà là cừu? Ý nghĩa con cừu ở đây là gì? Bao nhiêu học sinh VN ở dưới quê đã một lần thấy cừu?)


Đề bài
Nên nhớ đây là đề thi cho học sinh lớp 2, tức độ 8 tuổi. Vậy mà tác giả nói rằng câu hỏi đó nhằm “nâng cao năng lực nhận thức và kĩ năng phát hiện vấn đề của học sinh, đồng thời rèn luyện kĩ năng đọc kĩ đề và suy nghĩ thấu đáo trước khi làm bài.” Tôi nghĩ nếu đây là mục tiêu thì người ra đề đã thất bại. Thất bại hoàn toàn.
Vào đầu câu hỏi là nói về số con cừu, rồi đột nhiên đoạn sau hỏi về tuổi của thuyền trưởng! Hai thông tin độc lâp nhau, và điều này nói lên câu hỏi có vấn đề về validity. Hơn thế nữa, thông tin về thuyền trưởng không hề được đề cập trong phần đầu, và tác giả cũng không nói một thông tin nào về mối liên quan giữa số cừu và thuyền trưởng. Ra đề kiểu như thế là phi logic. Có thể các bạn sẽ nói cần phải suy nghĩ và giả định, nhưng giả định thì mỗi người một phách, và như thế thì không có câu hỏi đúng! Một đề tài như vậy mà kì vọng học sinh lớp hai phải làm! Hồi trước 1975 thời học trung và tiểu học, tôi cũng chưa bao giờ thấy một đề thi như thế cả.
Thi cử có mục tiêu chính là kiểm tra trình độ, chứ không phải đố. Đây là một bài toán đố, chứ hoàn toàn không có kiểm tra trình độ học sinh. Mà, hình như tác giả cũng chưa kiểm tra xem bài toán đố này có độ khả tin và chính xác bao nhiêu. Nên nhớ ở nước ngoài mỗi năm người ta ra câu hỏi (chứ không phải câu đố), và phải nhờ hàng chục học sinh tình nguyện làm câu hỏi, rồi người ta (các chuyên gia giáo dục) theo dõi thời gian làm câu hỏi, hỏi học sinh cách ra câu hỏi dễ hiểu hay khó hiểu, xem cái content validity, construct validity, và reliability trước khi đem ra cho học sinh làm. Còn ở đây, chẳng biết tác giả ra đề thi có làm những bước đó chưa mà tung ra cho học sinh làm. Nói gì thì nói, điều đó phản ảnh sự thất bại thê thảm của nền khoa học giáo dục bên nhà.
Sẽ rất thú vị nếu chúng ta có con số thống kê trong số hàng triệu em thi, bao nhiêu em làm được câu hỏi đó. Nếu kết quả là 1% hay thậm chí 5% thì có thể xem là một chứng cứ hùng hồn nhất cho sự thất bại của câu hỏi.
Tôi nghĩ đây là trường hợp khá tiêu biểu để các quan chức giáo dục suy nghĩ về cách soạn đề thi. Lí thuyết thì chắc họ biết cả rồi, nhiều người cũng từng học từ bên trời Tây về, thậm chí còn được Tây giúp đỡ. Bây giờ chỉ cần đưa lí thuyết và thực tế, và bước này thì rất khó. Nếu một câu hỏi tung ra cho hàng triệu học sinh làm chưa được nghiên cứu cẩn thận tính khoa học của nó, theo quan điểm y khoa, là một vi phạm đạo đức.
---
TB: Cập nhật thông tin: một bạn đọc với nickname S. Takashi cho biết câu hỏi này xuất phát từ bên ... Tây. Trang wikipedia có nhắc đến tác giả câu hỏi đó là Nhà văn Gustave Flaubert và câu hỏi ra đời vào năm 1841 trong một thư ông gửi cho em gái. Câu hỏi ngắn nguyên văn (dịch sang tiếng Anh) là "A captain owns 26 sheep and 10 goats. How old is the captain?" Câu hỏi không thể có câu trả lời vì ý đồ của tác giả không phải là toán mà là xử lí ngôn từ. 
Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Age_of_the_captain
Như vậy là thêm một trường hợp đạo đề thi! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.