Khi cộng đồng cờ đỏ xuống đường
Cả 2 lần biểu tình ở Ba Lan, khi những bài tường thuật được đưa lên mạng, người viết cũng như Ban biên tập Đàn Chim Việt hứng trọn những loạt gạch đá của độc giả. Độc giả ở đây có lẽ đa phần sinh sống ở Mỹ và không rõ họ đã lần nào đặt chân tới Đông Âu hay chưa và có hiểu gì về cộng đồng người Việt ở đây hay không.
Đông Âu nói chung và Ba Lan nói riêng là sân sau của chế độ cộng sản Hà Nội. Theo một số nhận xét của ngay chính những người trong cuộc, thậm chí họ còn “đỏ” hơn cả những người đang sinh sống tại Việt Nam. Trong những năm qua, trong lúc ở quốc nội, ngày càng nhiều người, nhất là những người trẻ dấn thân cho dân chủ, cho nhân quyền, thì ở cộng đồng chừng vài trăm ngàn người ở Đông Âu này, sự chuyển động là rất ít, là không đáng kể. Trong lúc ở Việt Nam, hết lần này tới lần khác, dù bị đàn áp bắt bớ, bị đánh đập, giam cầm, những người cổ vũ cho xã hội dân sự vẫn xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc; thì ở Ba Lan – cái nôi của cuộc cách mạng Nhung – những bước chân của người Việt mới rụt rè xuống đường lần đầu tiên hôm 18/5 trong một cuộc biểu tình với tiêu chí ‘phi chính trị’.
Các nhóm dấn thân cho dân chủ ở các nước đông Âu- trải qua bao năm hoạt động- vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ba Lan có nhóm Đàn Chim Việt và một vài người nữa tuy không thuộc nhóm này nhưng cũng hoạt động rất tích cực. Séc có nhóm Văn Lang, cũng mới ra mắt vài năm nay, sau nhiều năm hoạt động lẻ tẻ. Thành viên của Văn Lang đang dần tăng lên, nhưng trên thực tế vẫn là nhóm rất nhỏ bé so với cả cộng đồng 60-70 ngàn người Việt ở Séc.
Nga và Ucraina không nghe thấy bất kỳ một nhóm hoạt động dân chủ nào. Một vài cá nhân đôi khi lên tiếng, nhưng những tiếng nói của họ hoàn toàn lẻ loi, lạc lõng và khác biệt chính kiến ngay với chính cộng đồng của mình.
Giữa 2 làn đạn
Điều trớ trêu là những nhóm nhỏ được cho là tiến bộ này bị cả 2 phía, trong nhiều năm qua, trù dập, chửi bới đến nỗi nhiều người mất hết kiên nhẫn. Phía nhà nước Việt Nam thì quá dễ hiểu, họ có trong tay quyền sinh sát. Đơn giản và hiệu quả nhất là không cho về Việt Nam.
Khác với những di dân ở Mỹ, hầu hết người Việt Đông Âu đều thuộc dạng ‘chân trong chân ngoài’, đa số không hoặc chưa muốn chọn mảnh đất này làm nơi ăn đời ở kiếp. Phần lớn, bằng lao động của mình, gom góp tiền bạc gửi về Việt Nam, mua nhà mua cửa, đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh doanh, sản xuất khác nhau để một ngày nào đó khi cuộc sống ở nước ngoài khó khăn thì té về; hoặc đơn giản trở về khi tuổi già, để sống những ngày còn lại trên quê hương.
Chính vì nắm thóp được điều này, nên con bài ‘không cho về Việt Nam’ là rất hiệu nghiệm, ai cũng sợ rơi vào cuốn sổ đen này. Đa số còn cha mẹ già, thậm chí vợ con gia đình ở Việt Nam và tài sản mà họ đã bao năm tích cóp, gầy dựng.
Con bài khác nữa là không gia hạn hay cấp hộ chiếu Việt Nam cho những đối tượng mà nhà nước không thích, không hoan nghênh. Điển hình cho trường hợp này là Tôn Vân Anh và Đỗ Xuân Cang. Cả 2 đều bị từ chối gia hạn hộ chiếu dù họ chưa bao giờ bị tước quyền công dân Việt Nam. Không có giấy tờ, biến thành người vô tổ quốc sẽ khiến cho công việc làm ăn cũng như cuộc sống riêng tư của họ gặp nhiều khó khăn.
Một câu hỏi sẽ được đặt ra, tại sao mấy người đó bị trù dập như vậy, trong khi ở Mỹ, ở Úc người ta chống cộng ầm ầm, chửi cộng như hát hay và vẫn đi về Việt Nam thoải mái. Đó là điều khác biệt. Người ta không thể ngăn chặn một cộng đồng với hàng trăm ngàn người chống cộng, chống triền miên từ năm này qua năm khác, thập niên này qua thập niên khác; nhưng lại tiêu diệt những mầm mống ở một cộng đồng vốn luôn được coi như sân sau của chế độ.
Sự trù dập này chủ yếu mang tính răn đe cộng đồng, răn đe một đám đông dường như chưa bao giờ thoát ra khỏi sự sự hãi và lệ thuộc.
Không ‘tị nạn cộng sản’
Nhiều người ở Mỹ đã ngộ nhận rằng, cứ cộng đồng hải ngoại có nghĩa là tị nạn cộng sản. Điều đó có thể đúng ở đâu đó, nhưng dứt khoát không đúng ở đây – Ba Lan hay Đông Âu. Mặc dù chưa có một thống kê mang tính xã hội học nào liên quan tới nguyên nhân tị nạn của cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan nhưng qua những tiếp xúc cá nhân, thì đại đa số không thừa nhận sự ‘tị nạn cộng sản”hay ‘tị nạn chính trị’.
Đặc điểm nổi trội của cộng đồng ở đây là sinh trưởng ở miền Bắc, đa phần là con cháu cộng sản. Trong gia đình mỗi người, không bố mẹ thì ông bà hay cô dì chú bác đều là đảng viên, thậm chí đang nắm giữ những vị trí nào đó trong bộ máy chính quyền hiện tại. Họ có nhiều ràng buộc với chế độ, dù tình cảm có thể không còn. Sự chán ghét chế độ là có, thậm chí có nhiều trong những câu chuyện bên bàn trà, chén nước nhưng ít ai dám công khai biểu lộ quan điểm của mình và càng ít hơn nữa những người dám công khai đương đầu với chế độ Hà Nội.
Một điều đáng nói nữa, đây là cộng động cờ đỏ, nơi không những chính họ mà ngay cả ông bà hay bố mẹ họ có khi cũng chưa một lần nhìn thấy lá cờ nào khác biểu tượng cho quốc gia Việt Nam. Có những người thậm chí không biết tới sự có mặt của cờ vàng trong lịch sử dân tộc.
Bạn có thể nhảy dựng lên, có thể chửi thề hay văng tục, nhưng đó là chuyện của bạn. Thực tế cộng đồng ở đây là như vậy. Đại sứ quán có điện thờ bác Hồ, có lễ hô thần nhập tượng cho Bác với hàng chục vị áo cao mũ dài trong cộng đồng (trong số đó có những tiến sĩ đã ăn học và sinh sống ở Ba Lan tới 30 năm trời) khấn vái xì xụp. Chùa cũng có tượng đồng của bác Hồ và đâu đó trong các gia đình, vẫn có người treo ảnh bác. Ở một khu chợ bán lẻ nọ, có một ông ngày nào cũng thế, khi mở quầy bán hàng là thắp hương khấn vái, ông khấn ảnh bác Hồ. Mặc dù Ba Lan cấm kỵ chủ nghĩa cộng sản nhưng một số người Việt ở đây vẫn sinh hoạt đảng, đảng viên vẫn được kết nạp hàng năm.
Với khả năng hạn chế về ngôn ngữ, kênh truyền thông chính của không ít bà con vẫn là VTV4, VTV1 và không phải ai cũng hứng khởi với mấy trang web lề trái luôn thường trực những ý kiến chửi bới tục tĩu.
Với một cộng đồng như vậy, việc sử dụng cờ đỏ gần như là lẽ đương nhiên. Hạn chế bớt mầu đỏ, pha thêm các sắc mầu khác, không hát các bài hát cách mạng, không đem theo ảnh bác trong đoàn biểu tình đã là một cố gắng lớn của những người tổ chức rồi. Và, công bằng mà nói, cuộc biểu tình ở Ba Lan có nhiều sắc xanh nhất châu Âu, không đỏ lòe và hừng hực ‘khí thế cách mạng”như một số nơi khác.
Những người vận động xã hội phải vận động trên cơ sở xã hội mà họ đang có, ở chính cộng đồng nơi họ đang sống chứ không phải theo chủ quan duy ý chí của mình. Bản thân các thành viên tổ chức cũng như một số người khác, khi vận động một cuộc xuống đường, họ đều biết rõ chuyện “cờ đỏ 1 sao, cờ đỏ 5 sao”, nguồn gốc “tỉnh Phúc Kiến” hay công hàm 1958 nó ngang dọc ra sao – mà không cần nhờ tới bất cứ sự dậy khôn nào – nhưng họ buộc phải đứng trước sự lựa chọn, hoặc biểu tình 1 mình, hoặc biểu tình cùng cộng đồng.
Cũng cần phải nói rằng, con số ‘giác ngộ’ trong cộng đồng không phải là ít qua sự sàng lọc của 2 lần biểu tình vừa qua, nhưng nó chưa đủ lớn để thay đổi cái nhìn của cả cộng đồng.
Thành công của cả 2 lần biểu tình là giúp cho một cộng đồng vốn thụ động và còn e ngại, sợ hãi, tham gia vào một hoạt động xã hội đặc trưng của chế độ dân chủ, thực thi quyền cơ bản của mình là quyền biểu tình. Nó giúp cộng đồng bước thêm 1 bước về phía trước và góp phần cải thiện hình ảnh của 1 cộng đồng khép kín trong con mắt người bản xứ.
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.